Ann Dan ngoài đời khác hẳn với những phát ngôn sắc lẹm trên mặt báo. Nữ chuyên gia thương hiệu duy nhất trong ngành thẩm mỹ ở Việt Nam khiến người đối diện dễ bị chi phối bởi vẻ dịu dàng và cách nói chuyện dẫn dụ làm người ta cứ tự nhiên dốc lòng tỉ tê. Cuộc phỏng vấn Ann Dan vì thế bỗng trở thành cuộc phỏng vấn ngược. Nhân vật trở thành người dẫn dắt và người đi phỏng vấn lại là kẻ trải lòng.
Nhưng cũng không sao, bởi kết thúc cuộc trò chuyện ấy, cả hai bên đều cảm thấy đã chạm tới những nơi sâu kín của đối phương và thức tỉnh ở nhau nhưng vùng tuệ giác mới. Cảm giác được đón nhận trong một mối quan hệ hoàn toàn thanh tân thỏa mãn hơn nhiều so với việc đạt được mục đích ban đầu.
Và tôi hiểu hơn thế nào là nghề làm thương hiệu mà Ann Dan đang theo đuổi, đang giữ một vị trí đáng nể trong ngành ở tuổi 33. Cái nghề tưởng là tô vẽ, “màu mè" ấy hóa ra lại là lãnh địa của cảm xúc chân thật. Bởi vậy mà, cái tên Ann Dan gắn liền với khái niệm “Emotion Influencer” (Người dẫn lối cảm xúc), một lối đi mà không nhiều người làm thương hiệu lựa chọn hay đủ tự tin và tử tế để lựa chọn.
Những buổi học “chốt sales” để thức tỉnh
Một trong những khóa học nổi tiếng nhất của Ann Dan là khóa “Chốt sales theo nhóm tính cách khách hàng”. Nhưng cô sắp sửa đóng khóa học này vĩnh viễn với dự định sẽ phát hành dạng file mềm miễn phí dành cho bất kỳ ai muốn học sau khi cô rời khỏi ngành. Lý do sâu xa là, Ann Dan không muốn khóa học mà cô và các học viên đã trao tặng cho nhau những cảm xúc thật sâu và thật đầy ấy tiếp tục gắn liền với yếu tố thương mại. Ngay cả khi đó là một sự thương mại chính đáng.
Không hề dụng ý, nhưng các khóa chốt sale từ lâu đã trở thành khóa học nước mắt. Cô đã được nghe rất nhiều câu chuyện ẩn sâu chưa từng kể và tưởng chừng học viên sẽ mãi chôn dấu trong lòng với sự nuối tiếc, day dứt mãi mãi. Khơi dậy cảm xúc ở học viên, giúp họ nhận diện được bản thể với những mong muốn, khát vọng, nhu cầu sâu kín của mình là một phần quan trọng trong bài giảng về chốt sales của Ann Dan. Bởi vì, như cô nói một người làm sales chỉ có thể thành công khi thực sự kết nối được với khách hàng. Sự kết nối ấy không đơn thuần là khả năng dẫn dắt điều khiển cuộc chơi như trò thôi miên để “dụ” khách, mà là trao đi những gì chân thật nhất để trái tim chạm tới trái tim.
“Khi chúng ta trao đi tình yêu vô điều kiện, chúng ta sẽ nhận lại tình yêu. Sự nghiệp hay cuộc sống đều vậy!”, Ann Dan nói.
Nhưng cũng trong phần khơi dậy cảm xúc giúp các học viên biết cách mở lòng mình ra ấy, Ann Dan vô tình thức tỉnh họ, điều mà cô không chủ đích. Cô kể, nhiều học viên của cô đi học để về mở spa, thẩm mỹ viện, nhưng học xong thì không mở nữa, bởi họ nhận ra cái mà họ-thực-sự-muốn-là-gì sau những giờ trò chuyện với cô.
Từ một chuyên gia thương hiệu, Ann Dan đóng thêm cả vai “chị Thanh Tâm” ở hậu trường, ngày đêm trả lời những tin nhắn tỉ tê tâm sự. Có cả những lời biết ơn vì nếu không gặp Ann Dan, họ đã không biết bản thân cứ lạc lối trong sương mù của mộng tưởng, hiểu lầm và sợ hãi đến bao giờ. Họ là phiên bản của cô trong quá khứ chưa xa lắm, thời tóc dài áo cánh ngày đi làm báo tối về đọc sách, học ngoại ngữ, chẳng thiết tha đến cuộc sống ngoài kia lẫn tiếng gọi trong sâu thẳm chính mình.
Phụ nữ đừng làm Nữ Oa đội đá vá trời
Ann Dan đưa ra một sự so sánh thú vị về khác biệt Đông Tây: “Nếu vị thần đội trời của người phương Tây là một người đàn ông sức dài vai rộng, vạm vỡ phi phàm là thần Atlat, thì vị thần đội đá vá trời của người phương Đông là một người phụ nữ chân yếu tay mềm. Người đàn bà Á Đông phải gánh vác quá nhiều trách nhiệm lớn lao được bọc bằng lớp nhung gấm của hy sinh, vĩ đại. Cứ thế truyền từ đời này sang đời khác, người phụ nữ tự gò mình vào khuôn mẫu của truyền thống mà không dám sống cho mình, không dám là mình”.
Ann Dan nói bằng trải nghiệm đủ sâu và đủ đau đớn tận cùng sau hôn nhân và một tuổi hai mươi không biết mình là ai, mình muốn gì, mình có thể làm được gì. Chỉ đến khi cô dám nhìn nhận vào sai lầm của bản thân và khao khát mãnh liệt một sự thay đổi, cô mới thoát ra ngoài vỏ kén của những ám ảnh tiềm thức, những nỗi sợ hãi không có thật. Cứ thế cô tự bóc tách chính mình, từng lớp từng lớp cho đến khi nhận diện ra chân dung thực sự của mình.
Ann Dan bảo, chỉ một năm trước thôi, cô cũng khác so với bây giờ. Thời điểm đó đã thay đổi khá nhiều so với quá khứ tóc dài áo cánh, nhưng cô vẫn bị gồng lên để chứng tỏ bản thân, cố biến mình thành mạnh mẽ, cá tính, nữ cường. Nhưng càng tự bóc tách, cô càng cảm nhận được tiếng nói của bên trong mình, rằng cô vẫn là một cô gái yêu sự tĩnh lặng và dịu dàng, muốn được chở che và xoa dịu, không thích sống trong tiếng tung hô vĩ đại của bà Nữ Oa đội đá vá trời mà muốn vô tư lự thả mình trong nắng mai như chiếc lá xanh non.
“Đừng bao giờ chọn một người đàn ông hiền lành nếu như bạn không muốn cân cả thế giới”, câu nói từng “viral” khắp mạng xã hội của Ann Dan thực ra không phải tuyên ngôn gì to tát. Cô chỉ muốn nhắn nhủ những người phụ nữ rằng, hãy dám mạnh dạn thay đổi cuộc sống của mình ngay khi thấy sai, hãy tìm cho mình người đàn ông “Đúng”- người có thể cùng mình già đi mỗi ngày, ngay cả khi sự tìm kiếm ấy kéo dài không xác định thời hạn. “Trong tình yêu và trong nghề làm đẹp, nếu như không đúng thì sẽ không bền”, Ann Dan nói, bằng sự tự tin, cùng ánh mắt của một người đàn bà luôn khao khát yêu thương.
Chuyên gia thương hiệu Ann Dan tên thật là Đặng Hoài Anh, tốt nghiệp Đại học Vũ Hán, Trung Quốc và làm việc tại báo Phụ nữ Việt Nam hơn 6 năm. Khi công việc vẫn đang phát triển tốt, cô bất ngờ chuyển hướng, tìm cho mình một con đường mới, làm quản lý, marketing rồi trở thành một chuyên gia thương hiệu.
Hà Thu