Đạt gần 11.000 tỷ đồng doanh thu
Ngành bán lẻ kỹ thuật số ở phân khúc di động có sức cạnh tranh gay gắt hơn khi thị hiếu người dùng về thiết bị công nghệ mới liên tục thay đổi. Các chuỗi bán lẻ lớn thường chạy đua về số lượng cửa hàng để gia tăng độ phủ thu hút khách. Bà Nguyễn Bạch Điệp - Tổng giám đốc FPT Retail chia sẻ hiện FPT đã vượt kế hoạch kinh doanh năm nay, dự kiến tổng doanh thu 10.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 250 tỷ đồng, hệ thống phân phối phát triển lên 400 cửa hàng.
Năm 2015, FPT Shop đạt doanh thu 7.800 tỷ và lợi nhuận trước thuế 180 tỷ đồng, số lượng cửa hàng là 250.
Chia sẻ về sự thành công này, bà Điệp cho biết “Thị trường luôn rộng mở, không dành riêng cho ai. Mỗi thương hiệu bán lẻ có đối tượng khách hàng riêng nên mỗi doanh nghiệp sẽ có "miếng bánh" của mình. Cố gắng làm tốt phần việc của mình, mang đến những điều tốt nhất cho khách hàng, họ sẽ không phụ mình”.
Vừa qua, FPT Shop đã bước vào thị trường hàng tiêu dùng nhanh qua việc ký kết bán lẻ sữa Vinamilk. Việc hợp tác với Vinamilk là một mô hình mới, trên cơ sở tận dụng thế mạnh quản trị bán lẻ của FPT Retail cũng như sản xuất và phân phối sữa của Vinamilk.
Theo bà Điệp, trọng điểm của việc phát triển thêm chuỗi cửa hàng bán sữa vẫn là tìm kiếm thêm những cơ hội phát triển tiềm năng và ít rủi ro. Riêng kỹ thuật số vẫn là sản phẩm kinh doanh cốt lõi và thế mạnh của FPT Retail. Tuy nhiên, điểm mấu chốt của một công ty bán lẻ là năng lực quản trị, vận hành chuỗi, xây dựng thương hiệu bán lẻ và kinh nghiệm đó có thể áp dụng ở đa dạng một số ngành nghề khác nhau.
Đưa sản phẩm FPT sánh ngang Google và Microsoft
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT từng chia sẻ, mục tiêu của ông là đưa sản phẩm của FPT sánh ngang với Google và Microsoft.
Năm 1998, FPT đã có được vị trí tương đối trong nước, tuy nhiên, ông Bình không ngần ngại ở những dự án mới vươn tầm quốc tế với dự định dịch chuyển trọng tâm sang xuất khẩu phần mềm.
Trong quá trình ra nước ngoài, FPT đã phải "trả giá" khi là người tiên phong. Hai năm đầu thực hiện hướng đi này, công ty không có được hợp đồng, đánh đâu thua đấy. FPT khi ấy thậm chí còn không biết làm phần mềm. Con đường mò mẫm của tập đoàn tại nước ngoài được xem là liều lĩnh. Nhưng chính nhờ những cọ sát, FPT đã bắt đầu tìm được cách để có được những hợp đồng quốc tế với các đối tác lớn như IBM, Microsoft để nuôi nấng và hiện thực hóa tham vọng Việt Nam sẽ trở thanh cường quốc về xuất khẩu phần mềm.
Những sản phẩm thành công của FPT software trên thế giới và những bước đi tiếp theo của ông Bình là xây dựng những trung tâm phát triển phối hợp với các tập đoàn toàn cầu làm ra sản phẩm cho thế giới, đưa FPT dẫn đầu trong các dịch vụ mới như mobility...
Mới đây, FPT và Quỹ đầu tư dài hạn Dragon Capital Group đã ký thỏa thuận hợp tác về việc thành lập Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (Vietnam Innovative Startup Accelerator, gọi tắt là VIISA). Đây là một trong những sáng kiến về khởi nghiệp quốc gia đầu tiên được thực thi.
Trước đó, vào tháng 5/2015, FPT ra mắt Quỹ đầu tư mạo hiểm (FPT Ventures) với mong muốn mang đến cho các startup công nghệ tại Việt Nam cơ hội đưa những sản phẩm khởi nghiệp của mình lên tầm cao mới. FPT Ventures hoạt động với tư cách như một nhà đầu tư và là nơi ươm mầm cho các startup bằng việc cung cấp tiền mặt, nguồn lực cũng như kỹ năng về công nghệ và kinh nghiệm quản lý.
Tạ Chi (Tổng hợp)