Thành phố của tiềm năng sáng tạo
Hà Nội là Thủ đô của Việt Nam, trải qua hơn 1000 năm lịch sử - Hà Nội như tên gọi ban đầu Thăng Long - đã mang theo khát vọng của một dân tộc luôn vươn lên bằng sự sáng tạo. Phát huy tối đa khả năng sáng tạo trong môi trường kết nối quốc tế, thành phố sẽ thêm một lần nữa hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng sáng tạo mang tên - Thăng Long - từ ngàn năm trước. Và sự kiện Hà Nội gia nhập Mạng lưới 246 thành phố sáng tạo UNESCO thực sự mở ra cơ hội lớn cho thành phố, là minh chứng rõ nét cho khả năng hiện thực hóa khát vọng vươn lên bằng nội lực sáng tạo độc đáo của mình.
Mạng lưới những thành phố sáng tạo do UNESCO công nhận ra đời từ năm 2004, đến nay đã có sự tham gia của 180 thành phố của 72 quốc gia. Các thành phố tham gia mạng lưới đều đặt sáng tạo văn hóa, phát triển nguồn lực văn hóa làm trung tâm của quá trình phát triển đô thị bền vững. Có bảy lĩnh vực sáng tạo được xác định để UNESCO xét ghi danh các thành phố tham gia mạng lưới, gồm: thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông đa phương tiện và âm nhạc.
Có thế mạnh ở nhiều mảng sáng tạo nhưng Hà Nội vẫn quyết định lựa chọn lĩnh vực thiết kế làm điều kiện ứng cử bởi đây là mảng có độ bao phủ rộng, liên quan mật thiết tới các lĩnh vực còn lại, sẽ thể hiện được đa dạng tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội trong phát huy sức sáng tạo. Hà Nội cũng bảo đảm các tiêu chuẩn cần có của một thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế, như: Có nền công nghiệp thiết kế phát triển vững vàng; nhiều cơ hội sáng tạo thiết kế từ nguyên vật liệu, điều kiện tự nhiên; có sự hiện diện của ngành công nghiệp sáng tạo thiết kế; có nhóm sáng tạo và thiết kế hoạt động thường xuyên…
Trên thực tế, Hà Nội bảo đảm các tiêu chuẩn cần có của một thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế, được các chuyên gia trong nước và quốc tế thừa nhận, trong đó, có những lĩnh vực mà chúng ta có thế mạnh mà lâu nay chưa nhận ra, chẳng hạn như sáng tạo trong thiết kế mẫu mã sản phẩm của các làng nghề, thiết kế kiến trúc... Tựu chung, Hà Nội có nền công nghiệp thiết kế phát triển vững vàng; nhiều cơ hội sáng tạo thiết kế từ nguyên vật liệu, điều kiện tự nhiên; có sự hiện diện của ngành công nghiệp sáng tạo thiết kế; có nhóm sáng tạo và thiết kế hoạt động thường xuyên…
Việc được công nhận là thành phố sáng tạo, Hà Nội có nhiều cơ hội hợp tác với các thành phố thuộc mạng lưới. Đồng thời, với những chính sách hướng đến phát triển kinh tế sáng tạo, phát huy nguồn lực sáng tạo văn hóa, Hà Nội hứa hẹn trở thành điểm đến hấp dẫn hơn nữa trong du lịch; mở ra những cơ hội phát triển mới trong phát huy nguồn lực văn hóa, công nghiệp văn hóa.
Dấu ấn... sáng tạo về thiết kế
Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” năm 1999 như một sự ghi nhận đóng góp to lớn của Thủ đô vào hòa bình, thịnh vượng của khu vực và toàn thế giới. Và nhiều năm qua, Thành phố Hà Nội vẫn miệt mài bảo tồn các giá trị truyền thống, di sản văn hóa và không gian xanh, chú trọng giáo dục, môi trường. Tổng hòa ấy giúp Hà Nội phát triển đều mọi mặt và ngày càng vươn xa.
Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội là thành phố duy nhất ở Châu Á – Thái Bình Dương được tôn vinh như vậy. Sự ghi nhận mới nhất cho khát vọng vươn lên của một thành phố năng động là danh hiệu “Thành phố Sáng tạo” của UNESCO. Trong dấu ấn 20 năm của “Thành phố Vì hòa bình” có dấu ấn của “Thành phố sáng tạo”.
Ông Michael Croft - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đã phát biểu rằng, hai mươi năm sau khi được trao danh hiệu ấy, Hà Nội đã trở nên hướng ngoại hơn, trở thành một thủ đô năng động tham gia ngày càng nhiều vào hợp tác quốc tế. Dù rất tự hào về quá khứ của mình, thành phố năng động vẫn hướng đến tương lai, là thành viên Mạng lưới các thành phố Sáng tạo của UNESCO.
Hồ sơ đề cử Hà Nội vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chủ trì thực hiện với sự tham vấn, phối hợp của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và các sở, ban, ngành liên quan. Bên cạnh công tác điền dã, thu thập tư liệu, thành phố còn tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo chuyên đề, hội thảo quốc tế nhằm tham khảo ý kiến xây dựng từ các nhà khoa học, quản lý, các chuyên gia trong và ngoài nước cho hồ sơ ứng cử.
Lĩnh vực thiết kế sáng tạo được nhiều Thủ đô của các nước lựa chọn bởi tính bao trùm của khái niệm "Thiết kế sáng tạo", chọn "sáng tạo" và đổi mới làm yếu tố trọng tâm có thể bao trùm được tất cả các lĩnh vực sáng tạo còn lại (như nghệ thuật thủ công và nghệ thuật dân gian, phim ảnh, âm nhạc, ẩm thực, nghệ thuật truyền thống, văn học,...).
Tạo thuận lợi cho Thành phố trong việc quảng bá hình ảnh trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo văn hóa, gia nhập "Nhóm các thành phố toàn cầu đang phát triển theo hướng đổi mới" như Bắc Kinh, Berlin, Thượng Hải, Seoul, Singapore,... Với các thành phố (thủ đô) này, sự ghi nhận quốc tế và sự ủng hộ rộng rãi trong công chúng có tác động rất lớn trong việc nâng cao vị thế quốc tế, là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự nở rộ các hoạt động, lĩnh vực trong ngành copng nghiệp văn hóa sáng tạo và phát triển đô thị bền vững.
Với tầm nhìn và thương hiệu của một Thành phố sáng tạo về thiết kế sẽ tạo điều kiện để Hà Nội có thể xây dựng và thúc đẩy vị trí cạnh tranh trong thu hút đầu tư quy mô lớn, kích thích tại tạo đô thị và tập trung các chương trình phát triển dân sinh, giáo dục và tổ chức các sự kiện văn hóa gắn liền với tầm nhìn tổng thể. Đồng thời, có cơ hội phát triển kết nối sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực trong công nghiệp sáng tạo có liên quan như: điện ảnh, phát triển phần mềm, kiến trúc, nghề thủ công, nghệ thuật, giáo dục - đào tạo,...
Cùng với sự công nhận Thành phố sáng tạo, UBND TP.Hà Nội đã đưa ra những kế hoạch được thành phố hoạch định cho những năm tiếp theo, như kiến tạo trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng, củng cố các không gian sáng tạo; triển khai dự án chuỗi chương trình truyền hình tài năng sáng tạo Hà Nội; tổ chức lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ,… tạo điều kiện cho lĩnh vực sáng tạo thiết kế tiếp tục nâng tầm trong thời gian tới, đưa Hà Nội trở thành điểm đến của tri thức và sáng tạo của khu vực và thế giới.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp văn hóa, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam - đơn vị trực tiếp cùng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phối hợp với đơn vị chủ trì Sở Văn hóa - Thể thao biên soạn, hoàn thiện hồ sơ “Hà Nội - Thành phố sáng tạo” trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) thì: Hà Nội là thành phố mang trong mình tiềm năng sáng tạo lớn, đặc biệt, có khả năng thích ứng với cái mới cao… Tôi luôn nghĩ, người Hà Nội qua suốt chiều dài lịch sử cho dù có thể ở một thời điểm nào đó, với một cá nhân nào đó nhìn bên ngoài ta tưởng họ thờ ơ, nhưng thực ra bên trong mỗi trái tim họ luôn có một ngọn lửa lặng thầm hoặc bùng cháy của sự sáng tạo. Và để thành phố không ngừng phát triển, không gì hơn là phải khơi dậy nhiều hơn sự bùng cháy của những ngọn lửa đó trong mỗi con người thành phố.
Là nơi sẽ thí điểm những ý tưởng và thực tiễn đổi mới, các Thành phố sáng tạo của UNESCO hứa hẹn mang đến những đóng góp thực tế nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc thông qua tư duy và hành động đổi mới. Thông qua cam kết của mình, các thành phố trong mạng lưới theo đuổi nỗ lực phát triển bền vững, qua đó đem tới lợi ích trực tiếp cho cộng đồng dân cư trong đô thị. Và Hà Nội, sau sự công nhận đặc biệt này, chúng ta sẽ cùng nhau đánh thức tiềm năng thiết kế của Thủ đô để giữ trọn vẹn tinh thần của một Hà Nội sáng tạo và cống hiến.
Với tầm nhìn và thương hiệu của một Thành phố sáng tạo về thiết kế sẽ tạo điều kiện để Hà Nội có thể xây dựng và thúc đẩy vị trí cạnh tranh trong thu hút đầu tư quy mô lớn, kích thích tái tạo đô thị và tập trung các chương trình phát triển dân sinh, giáo dục và tổ chức các sự kiện văn hóa gắn liền với tầm nhìn tổng thể.
Văn Anh