Chuyện khó tin ở trung tâm kinh tế của cả nước
Không phải ở một vùng xa xôi hẻo lánh, câu chuyện khó tin trên xảy ra tại nơi được coi là trung tâm, là đầu tàu kinh tế của cả nước. Đó là cách làm việc của Tòa án Nhân dân quận 2, Tp. HCM (TAND quận 2).
Nguyên nhân dẫn đến sự việc trên khởi nguồn từ việc ngày 6. 12.2017 (hay hợp đồng ngày 19.12.2016), bà Phạm Thị Út và ông Nguyễn Thanh Tùng có ký kết hợp đồng đặt cọc làm cơ sở cho việc chuyển nhượng bất động sản trị giá 12,6 tỷ đồng (là một phần thửa đất 523) với bà Bùi Thị Điệp và ông Lê Trọng Trung.
Theo nội dung của hợp đồng, bên bán là bà Út và ông Tùng nhận của bên mua là bà Điệp và ông Trung số tiền là 2 tỷ đồng đặt cọc. Số tiền còn lại, 10.6 tỷ đồng sẽ được bên mua thanh toán dứt điểm cho bên bán ngay khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng và thực hiện thủ tục liên quan tại văn phòng công chứng.
Hợp đồng ký giữa ông Tùng, bà Út và ông Trung.
Cũng theo nội dung hợp đồng đặt cọc, bên mua bà Điệp và ông Trung chịu trách nhiệm thực hiện các thủ tục liên quan đến việc tách thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới.
Ngày 13.4.2017, ông Trung đã ký kết hợp đồng đặt cọc với ông Chu Thanh Âu và ủy quyền cho ông Âu thực hiện hoàn thiện thủ tục tách thửa (một phần thửa đất 523). Việc ông Trung bà Điệp tiếp tục giao cho ông Âu dẫn đến việc dây dưa, chậm trễ và mất kiểm soát trong việc hoàn thiện thủ tục tách thửa. Sau đó, một số yếu tố phát sinh đã khiến cho thủ tục tách thửa gặp phải nhiều trở ngại.
Chính vì vậy, từ năm 2017 đến nay, mặc dù bà Út, ông Tùng nhiều lần thúc giục việc thực hiện hợp đồng nhưng bà Điệp, ông Trung đã tìm nhiều cách để kéo dài thời gian. Trong quá trình này bà Điệp, ông Trung cũng tạm ứng thêm làm nhiều lần cho bà Út, ông Tùng với tổng số tiền là 5 tỷ đồng.
Với mong muốn thúc đẩy nhanh chóng việc thực hiện hợp đồng, bà Út, ông Tùng và bà Điệp, ông Trung đã nhiều lần gặp gỡ trao đổi. Trong các cuộc gặp gỡ, 2 bên thống nhất phương án là bà Út và ông Tùng sẽ thay bà Điệp và ông Trung trong việc thực hiện thủ tục tách thửa.
Tóm lại, do nhiều lý do khác nhau, tính đến thời điểm hiện tại, bà Út, ông Tùng và bà Điệp, ông Trung mới chỉ thực hiện hợp đồng đặt cọc chứ chưa hề thực hiện hợp đồng chuyển nhượng bất động sản.
Dấu hiệu của một phiên tòa bất thường
Ngày 2.5.2019, bà Điệp, ông Trung đưa đơn kiện bà Út, ông Tùng lên TAND quận 2. Và sau nhiều lần thông báo mở rồi lại hoãn, ngày ngày 28.4.2020, phiên tòa được mở. Tòa tuyên án bị đơn phải bồi thường nguyên đơn 14 tỷ đồng. Điều đáng nói là tại phiên tòa trên, những người có quyền và nghĩa vụ liên quan như: Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý Đô thị, Chi Cục thuế đều vắng mặt...
Theo ghi nhận, phiên tòa cũng xét xử hoàn toàn dựa trên hợp đồng đặt cọc do bên nguyên đơn cung cấp. Dù hợp đồng này có dấu hiệu tẩy xóa, bị đơn giao nộp hợp đồng có giá trị tương đương nhưng thẩm phán Trần Thị Minh Yến không đồng ý thực hiện việc so sánh, đối chiếu.
Băng rôn hinh vẽ sơn,chờ tòa án giải quyết khi chưa khởi kiện tại tòa.
Các giấy tờ liên quan như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cũng không được xem xét, làm rõ tính pháp lý tại phiên tòa.
Theo đơn tố cáo của phía bị đơn, còn rất nhiều những bất thường nữa đã diễn ra ngay tại phiên tòa. Nhưng chỉ với 3 ví dụ vừa nêu cũng đủ thấy, người ta cũng đã có quyền đặt câu hỏi về tính công tâm của phiên toàn diễn ra ngày 28.4.2020 tại Tòa án Nhân dân quận 2, Tp. HCM.