Hạ giá trị doanh nghiệp không theo lộ trình!
Tháng 10/2012 Dự án thoát nước và xử lý nước thải TP Thái Nguyên, được triển khai với tổng mức đầu tư trên 950 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Cộng hòa Pháp trên 412 tỷ đồng; vốn đối ứng từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương trên 538 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án thoát nước và xử lý nước thải TP Thái Nguyên làm chủ đầu tư (sau này là Cty TNHHMTV Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên).
Năm 2016, UBND tỉnh Thái Nguyên có Quyết định thực hiện Cổ phần hóa Cty TNHH MTV Thoát nước & PTHT ĐT theo hướng Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ và giao Sở KH&ĐT – Cơ quan Thường trực Ban đổi mới và Phát triển doanh nghiệp nhà nước chủ trì phối hợp với các Sở, ngành hướng dẫn Cty TNHH MTV Thoát nước và PTHT ĐT thực hiện cổ phần hóa.
Ngày 23/01/2017 UBND tỉnh Thái Nguyên ra QĐ số 218 phê duyệt giá trị doanh nghiệp với giá trị thực tế để cổ phần hóa trên 764 tỉ đồng trong đó giá trị phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trên 21 tỉ đồng.
Thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, Ban chỉ đạo cổ phần hóa đã tổ chức hội nghị Người lao động bất thường ngày 05/4/2017 và thông qua Phương án cổ phần hóa doanh nghiệp với vốn điều lệ 20 tỉ đồng trong đó Nhà nước nắm giữ 49% và bán cho “Nhà đầu tư chiến lược” 20%. Hợp thức hóa phương án này, ngày 13/7/2017, UBND tỉnh Thái Nguyên có quyết định phê duyệt điều chỉnh phương thức và kế hoạch cổ phần hóa Cty TNHH MTV Thoát nước và PTHTĐT theo đó Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ (khoảng 20 tỉ đồng) và không đưa tài sản dự án vào để cổ phần hóa.
Nhà đầu tư chiến lược đã được lựa chọn?
Điểm bất minh trong quá trình ra các quyết định cổ phần hóa Cty TNHH MTV Thoát nước và PTHTĐT của UBND tỉnh Thái Nguyên là ngày 13/7/2017, tỉnh mới ra quyết định điều chỉnh Phương án cổ phần hóa nắm giữ dưới 50% vốn Nhà nước nhưng trước đó gần 03 tháng, là ngày 24/4/2017, Tập đoàn Quốc Tế Đông Á đã nắm được thông tin và gửi công văn đề nghị lãnh đạo tỉnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp được mua cổ phần với tỉ lệ tối thiểu 51%. Tiếp đến, ngày 8/5/2017, ông Nhữ Văn Tâm – PCT UBND tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản giao cho Sở KH&ĐT tham mưu giải quyết đề nghị của Tập Đoàn Quốc Tế Đông Á.
Văn bản trên của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên mặc nhiên đã có ý giới thiệu nguyện vọng củaTập đoàn Quốc tế Đông Á với Sở KH&ĐT. Vậy nên, trong cuộc họp ngày 18/5/2017, cơ quan này với tư cách là Ban chỉ đạo cổ phần hóa công ty đã mời ông Nguyễn Quang Mãi – Chủ tịch tập đoàn Quốc tế Đông Á tham gia với tư cách là “Nhà đầu tư chiến lược”.
Xin nhắc lại rằng, đến T7/2017 tỉnh Thái Nguyên mới có quyết định điều chỉnh phương án cổ phần hóa nhưng từ T5/2017 ông Nguyễn Quang Mãi đã được xác định là “Nhà đầu tư chiến lược”? Tức là cả quá trình cổ phần hóa Cty TNHH MTV Thoát nước và PTHTĐT của UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ là hình thức còn kết quả đã được lãnh đạo tỉnh này sắp đặt từ trước.
Nhà đầu tư chiến lược đầy tai tiếng!
Tìm hiểu về những dự án mà Cty CP Tập Đoàn Quốc tế Đông Á thực hiện đã bộc lộ rất nhiều tài tiếng.
Điển hình Dự án cầu Bình Than (Bắc Ninh) mà đơn vị này tham gia với tổng giá trị được chấp thuận quyết toán là hơn 1.208 tỷ đồng (giảm hơn 2,599 tỷ đồng so với giá trị đề nghị quyết toán). Trong đó, Công ty CP Tập đoàn quốc tế Đông Á bị thu hồi 7,912 tỷ đồng (theo quyết định 996/QĐUBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt 25/6/2018).
Đặc biệt, tại dự án thi công cầu Tuần Quán, tỉnh Yên Bái, Công ty CP Tập đoàn Quốc tế Đông Á (đơn vị trúng thầu) có dấu hiệu bán thầu lại cho nhà thầu phụ và hưởng phần chênh lệch hơn 60 tỷ đồng.
Dự án xây dựng cầu Tuần Quán bắc qua sông Hồng, được khởi công từ tháng 06/2015, với tổng chiều dài 3,9 km, rộng 17 m, tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng. Trong đó, gói thầu số 12 thuộc dự án trên có tổng giá trị 323 tỷ đồng, được giao cho Công ty CP Tập đoàn Quốc tế Đông Á (gọi tắt là Công ty Đông Á) là nhà thầu chính.
Ngay sau khi ký hợp đồng với đại diện chủ đầu tư, ngày 02/08/2015, Công ty Đông Á đã ký Hợp đồng giao khoán với Công ty CP Xây dựng Thương mại Bắc Dương (gọi tắt là Công ty Bắc Dương) với tổng giá trị hợp đồng hai bên ký gần 164 tỷ đồng, tương đương hơn 50% tổng giá trị gói thầu số 12.
Trong hợp đồng giao khoán này là trong phụ lục hợp đồng nói trên, Công ty Bắc Dương “cam kết sẽ chiết khấu lại cho Công ty Đông Á bằng 18% giá trị hợp đồng theo đơn giá trúng thầu. Công ty Đông Á có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty Bắc Dương giá trị khối lượng thanh toán bằng 62% đơn giá trúng thầu với chủ đầu tư”.
Theo đó, với hiệu lực và phạm vi của Hợp đồng trên, Công ty Đông Á đã chuyển dự án cho nhà thầu phụ, cùng với đó, Công ty Đông Á được 38% tổng giá trị hợp đồng xây dựng cầu Tuần Quán (tương đương với hơn 60 tỷ đồng).
Thực tế, Công ty Đông Á đã chuyển nhượng cho Công ty Bắc Dương hơn 50% khối lượng công việc, yêu cầu Công ty Bắc Dương phải xuất hóa đơn đến 80% khối lượng công việc của toàn bộ gói thầu. Còn lại 20% công việc khác cho pháp nhân khác thực hiện. chứng tỏ Công ty Đông Á không thực hiện bất cứ công việc gì liên quan đến dự án cầu Tuần Quán, mà chuyển nhượng lại cho các doanh nghiệp khác, là vi phạm điểm a, khoản 8 Điều 89 Luật Đầu thầu?
PV.