Trong suốt quá trình bị điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo Lê Thảo Nguyên một mực kêu oan, cho rằng tất cả hồ sơ trong vụ án đều được ngụy tạo nhằm kết tội bị cáo. Nhưng điều làm bị cáo và gia đình bức xúc nhất có lẽ là vòng lao lý với bị cáo lại được buộc bởi chính người thầy cũ mà bị cáo tôn trọng, tin tưởng, hết mình giúp đỡ.
Ông Ngọc cho biết ông Hà Trọng Tân là thầy giáo cũ của Lê Thảo Nguyên. Năm 2014 khi Nguyên mở nhà hàng hải sản Tĩnh Gia tại Hà Nội thì ông Tân có gửi gắm con trai là Hà Phương vào làm việc tại nhà hàng đồng thời góp vốn vào nhà hàng hải sản làm ăn cùng với Nguyên. Đây chính là bước khởi đầu của chiếc thòng lọng tròng vào cổ con trai ông. Số tiền góp vốn của ông Tân là 300 triệu đồng và Nguyên có viết một tờ giấy biên nhận cho ông Tân có nội dung “lo công việc cho em Hà Phương” do thời điểm đó Nguyên nhận Hà Phương vào làm tại nhà hàng. Khi vào làm việc tại nhà hàng thì gia đình ông Tân có đưa cho Lê Thảo Nguyên một bộ hồ sơ xin việc. Mà cho đến nay theo kết quả xác minh, bộ hồ sơ này có dấu hiệu làm giả!.
Sau khi vào nhà hàng làm một thời gian thì Hà Phương bỏ việc. Gia đình ông Tân nhất quyết đòi Nguyên số tiền 300 triệu đồng góp vốn, không chịu thỏa thuận về lỗ, lãi khi kinh doanh. Năm 2016, Nguyên đã trả đủ số tiền đó cho ông Tân và nhận giấy biên nhận gốc ông Tân trả lại. Thế nhưng thời gian sau gia đình ông Tân lại tiếp tục đòi tiền đến ngày 25/6/2018 thì làm đơn tố cáo Nguyên lừa đảo gửi kèm thêm 01 tờ giấy biên nhận gốc khác?! Cho đến bây giờ chính Nguyên cũng không rõ tờ giấy biên nhận nào là thật, là giả? Nếu giấy giấy năm 2016 là giả thì chính ông Tân đã làm giả giấy tờ để chiếm đoạt tiền của Nguyên, còn nếu giấy năm 2016 là thật thì giấy hiện tại là giả, và đây phải chăng là một âm mưu được ngụy tạo để đẩy Nguyên vào vòng lao lý? Theo ông Ngọc sự việc này có liên quan mật thiết đến bộ hồ sơ xin việc có dấu hiệu làm giả nêu trên.
Cụ thể, theo bộ hồ sơ mà trước đây gia đình bị hại đã đưa cho Nguyên khi Hà Phương ra Hà Nội làm tại nhà hàng của Nguyên thể hiện Bảng kết quả học tập tại trường ĐH kinh tế Quốc Dân ngày 15/8/2011, Hệ đào tạo đại học chính quy, ngành học kế toán; Bằng tốt nghiệp Đại học kinh tế quốc dân ngày 16/8/2011 của trường Đại học kinh tế quốc dân cấp cho Hà Phương, số bằng A006843. Tuy nhiên theo nội dung xác minh có trong hồ sơ thì trường Đại học kinh tế quốc dân xác nhận không có tên học sinh Hà Phương, số bằng A006843, bảng điểm thông tin của sinh viên không có trên hệ thống của trường. Thế nhưng điều kỳ lạ là ông Hà Trọng Tân đã dùng chức danh, quyền hạn của mình là hiệu trưởng trường THPT Tĩnh Gia I để ký HĐLĐ với Hà Phương, Hợp đồng lao động thể hiện Hà Phương với trình độ đại học, chuyên ngành kế toán, phụ trách công tác kế toán của nhà trường và một số công việc hành chính khác???! Ngoài ra trong Bằng cao đẳng Vinatex mà gia đình bị hại cung cấp có nội dung sửa chữa trình độ từ TB Khá thành Khá.
Nhận thấy dấu hiệu giả mạo hồ sơ, chính Lê Thảo Nguyên và gia đình ông Ngọc đã có đơn tố cáo, cùng với đó các luật sư bào chữa cho Nguyên đã nhiều lần đề nghị cơ quan công an xem xét, xử lý hành vi có dấu hiệu làm giả giấy tờ, tài liệu của gia đình ông Hà Trọng Tân, thế nhưng cho đến nay vụ việc vẫn im lìm mà theo ông Ngọc là có dấu hiệu bao che, bỏ lọt tội phạm từ phía cơ quan điều tra công an huyện Tĩnh Gia. Cơ quan công an chưa làm rõ bằng cấp giả của Hà Phương này từ đâu mà có, ai làm giả, cách thức làm giả mà vội vàng trả lời không có căn cứ xác minh các bằng cấp giả này của Hà Phương.
Ông Ngọc bức xúc cho biết: hồ sơ xin việc này chính tay gia đình bị hại đưa cho Lê Thảo Nguyên và nội dung cũng khớp với các hợp đồng lao động mà ông Hà Trọng Tân ký với Hà Phương khi còn là hiệu trưởng trường PTTH Tĩnh Gia 1. Sự việc có chứng cứ rõ ràng thì cơ quan điều tra bảo không có căn cứ. Trong khi với vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản con tôi là bị cáo, không có chứng cứ cụ thể chứng minh con tôi hứa xin việc vào trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ thông tin truyền thông cho Hà Phương; không có việc gian dối về nghề nghiệp, vị trí công tác; con tôi không có ý thức chiếm đoạt tiền thì cơ quan tố tụng lại truy tố, xét xử. Việc xét xử chỉ căn cứ vào lời khai của người làm chứng, lời khai của bị hại liệu có khách quan hay không? Sau đó người làm chứng cũng biến mất tại phiên tòa, không chịu đối chất. Phải chăng nếu đối chất thì sẽ có nhiều sơ hở lộ diện, bởi ngay tại hồ sơ lời khai của họ đã mâu thuẫn với lời khai của bà Tuyết, Hà Phương và mâu thuẫn với lời khai của chính mình. Phải chăng gia đình ông Tân lo sợ Nguyên còn giữ bộ hồ sơ xin việc giả mạo đứng tên Hà Phương nên đã dựng lên kịch bản vụ án lừa đảo để “thoát thân”? Con tôi cũng nhiều lần đề nghị được lấy hình ảnh về giấy biên nhận mà ông Tân trả năm 2016 từ điện thoại cá nhân để làm căn cứ đối chiếu xem gia đình bị hại tại sao có 2 giấy biên nhận gốc nhưng không được xem xét, giải quyết. Tôi cho rằng việc giải quyết vụ án này là không khách quan”.
Về việc trả tiền, ông Ngọc cũng nói thêm: “Gia đình tôi rất nhiều lần khẳng định với gia đình ông Tân, bà Tuyết rằng nếu đưa giấy biên nhận gốc ra thì gia đình tôi sẵn sàng trả tiền, không chỉ 300 triệu mà hơn thế cũng trả, nhưng gia đình họ nhất quyết không đưa giấy biên nhận để rồi sau đó đưa giấy biên nhận ra cơ quan công an tố cáo Nguyên. Sao lại bị hại mà không muốn lấy lại tiền khi gia đình tôi thiện chí đến như thế? Mục đích của họ là gì đây? Tôi cho rằng có liên quan bộ hồ sơ giả nhưng cơ quan tố tụng không điều tra làm rõ...”.
Trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường, là luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Thảo Nguyên tại phiên tòa phúc thẩm tới đây, luật sư Cường có nhận định: Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, tôi nhận thấy vụ án này còn có nhiều tình tiết chưa được làm rõ, chưa đủ cơ sở chứng minh hành vi phạm tội của Lê Thảo Nguyên. Về nguyên tắc, lời khai không phải là căn cứ duy nhất để kết tội bị cáo, lời khai đó phải phù hợp với các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Lời khai của bị hại và nhân chứng trong vụ án này về thủ đoạn gian dối và ý thức chiếm đoạt tài sản của Lê Thảo Nguyên rất mâu thuẫn nhau. Người làm chứng cũng khai mâu thuẫn, thiếu cơ sở tin cậy. Chứng cứ duy nhất là giấy nhận tiền thì không thể hiện những nội dung như bị hại khai báo, không thể chứng minh có sự việc Nguyên hứa xin cho Hà Phương vào làm việc tại trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ thông tin truyền thông và tự giới thiệu mình làm ở Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Thông tin Truyền Thông như gia đình ông Tân, bà Tuyết khai? Và 2 người được bà Tuyết khai mời đến làm chứng nhưng lại không ký làm chứng vào giấy biên nhận này!? Và thiện chí trả tiền của Nguyên nếu bị hại xuất trình bản gốc giấy biên nhận được thể hiện từ rất lâu trước khi khởi tố vụ án, không có ý thức chiếm đoạt tiền. Việc xét xử tại Tòa án cấp sơ thẩm là chưa khách quan. Do đó luật sư sẽ củng cố thêm chứng cứ tại cấp phúc thẩm để cùng bị cáo và gia đình tìm lại công lý, đảm bảo vụ án được xét xử đúng pháp luật, không oan sai”.
Báo Thời báo Doanh Nhân tiếp tục cử phóng viên theo dõi diễn tiến vụ việc để phản ảnh đến bạn đọc
Trang Lê