Nếu đối với nữ, chiếc áo dài là trang phục tôn vinh vẻ kín đáo, dịu dàng làm toát lên nét duyên dáng, thanh lịch của người con gái Việt, thì áo dài nam lại là trang phục mang nét trang trọng, nghiêm cẩn tạo nên tâm hồn, cốt cách của người đàn ông đất Việt. Và bao đời nay, người Việt Nam trân trọng gọi trang phục truyền thống của mình bằng ý nghĩa thiêng liêng – áo dài dân tộc.
Hôm nay, câu chuyện của chiếc áo dài Việt Nam bên cạnh sự tôn vinh trang phục truyền thống, tôn vinh cái đẹp đã có thêm câu chuyện về giữ gìn vẻ đẹp của áo dài cần được xem là một chiến lược bảo vệ văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập. Bởi như người đứng đầu Chính phủ đã nhấn mạnh: Trong thời đại ngày nay, đáng sợ hơn cả mọi sự xâm lăng, đó là xâm lăng văn hóa, đó là mất gốc...
Biểu tượng của văn hóa dân tộc
Áo dài dân tộc, dù là áo dài xưa truyền thống hay áo dài cách tân ngày nay thì chiếc áo dài vẫn luôn được phụ nữ Việt trân trọng và gìn giữ như một bảo vật cần được trân quý. Có thể nói, ở đâu có người phụ nữ Việt là ở đó thấp thoáng bóng dáng tà áo dài. Áo dài Việt không chỉ là một trang phục mà còn được nâng lên thành biểu tượng cho văn hóa, cho nét đẹp truyền thống ngàn đời của mỗi người con đất Việt. Nhìn tà áo dài cũng giống như đang nhìn thấy bóng hình dân tộc ẩn sâu trong đó.
Trong suốt chiều dài 4000 năm đấu tranh giành độc lập và chống ngoại xâm của Việt Nam, chiếc áo dài vẫn luôn được gìn giữ và bảo tồn như một biểu tượng thiêng liêng của dân tộc. Bên cạnh vẻ đẹp thanh lịch và trang nhã truyền thống, chiếc áo dài còn nhắc nhở người mặc về đạo lý làm người, trở thành quốc phục, niềm kiêu hãnh dân tộc, nhắc nhở mỗi người con đất Việt phải nâng niu, trân trọng, gìn giữ những giá trị truyền thống quý báu của ông cha để lại, tiếp tục phát huy và nâng cao hơn những giá trị tốt đẹp ngàn đời để lại.
Lịch sử vẫn còn truyền lại câu chuyện rằng. Vào thời Vũ Vương, để gìn giữ bản sắc văn hóa riêng, năm 1744, Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành sắc dụ về ăn mặc cho toàn thể dân chúng xứ Đàng Trong phải theo đó thi hành.
Trong sắc dụ đó, người ta thấy lần đầu tiên sự định hình cơ bản của chiếc áo dài Việt Nam, như sau: “Thường phục thì đàn ông, đàn bà dùng áo cổ đứng ngắn tay, cửa ống tay rộng hoặc hẹp tùy tiện. Áo thì hai bên nách trở xuống phải khâu kín liền, không được xẻ mở. Duy đàn ông không muốn mặc áo cổ tròn ống tay hẹp cho tiện khi làm việc thì được phép …” (Trích “Đại Nam Thực Lục Tiền Biên”). Trong Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quý Đôn viết: “Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã viết những trang sử đầu cho chiếc áo dài như vậy”.
Có thể nói, sắc dụ của Vũ Vương ban hành năm 1744 thực sự là một cuộc cải cách lớn của y phục Đàng Trong. Đây cũng là tiền đề để chiếc áo dài được phổ biến rộng rãi. Áo dài trở thành y phục của mọi lớp người trong xã hội, từ vua chúa, quan lại cho đến thường dân nam nữ. Đến thời vua Minh Mạng, nhà vua đã ra sắc lệnh thống nhất y phục Bắc Nam và áo dài chính thức trở thành quốc phục.
Năm 2002, chiếc áo dài Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Chính sự kết hợp truyền thống lại vừa hiện đại, vừa kín đáo, chuẩn mực, lại vừa tôn lên dáng vẻ thướt tha, mềm mại của người phụ nữ đã làm chiếc áo dài Việt Nam có một sức hút đặc biệt. Áo dài đã trở thành trang phục không thể thay thế trong các dịp trọng đại, các sự kiện, nghi thức có tính trang nghiêm, chính thống.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, áo dài đã trở thành một biểu tượng của văn hóa dân tộc đối với bạn bè, du khách quốc tế.
Văn hóa của ta trước hết phải do ta gìn giữ. Tôn trọng, giữ gìn vẻ đẹp của chiếc áo dài truyền thống cũng chính là thể hiện niềm tự hào với một trang phục tinh tế, giàu bản sắc văn hóa dân tộc và đưa áo dài hòa vào nhịp sống hiện đại.
Áo dài Việt Nam của người Việt Nam
ảnh minh họa
Mỗi dân tộc trên thế giới đều có một loại trang phục truyền thống, chỉ cần nhìn sắc phục chúng ta cũng có thể nhận biết được đó là quốc gia nào. Người Nhật có Kimono, người Trung Hoa có váy Thượng Hải. Người Việt Nam có áo dài.
Khởi nguồn của áo dài từ đâu, có lẽ nhiều người không còn nhớ. Người ta chỉ biết rằng hình ảnh chiếc áo dài với hai tà thướt tha, mềm mại, mỏng manh như cánh bướm bay trong gió đã xuất hiện trên khắp các cổ vật được truyền lại từ hàng ngàn năm trước, trên mặt trống đồng Ngọc Lũ, trên thạp đồng Đào Thịnh,... Chiếc áo dài xưa nhất bắt nguồn từ áo giao lãnh, có hình dáng tương tự như áo tứ thân. Nhưng với kết cấu rườm rà, không tiện lợi cho công việc đồng áng, buôn bán nên áo giao lãnh đã nhanh chóng bị biến đổi, trải qua một thời gian dài, trở thành chiếc áo dài mang dáng dấp như hiện nay.
Kiểu áo dài truyền thống của Việt Nam ngày nay không những dung hòa được toàn bộ nét đẹp của cái cũ và cái mới mà còn góp phần tôn vinh nét đẹp duyên dáng, thanh lịch, yêu kiều của người phụ nữ Việt. Trải qua gần một thế kỷ với những biến đổi nhất định về mặt hình thức để bắt kịp thị hiếu và gu thời trang hiện đại, nhưng chiếc áo dài vẫn giữ được nguyên vẹn tinh thần dân tộc và hình dáng cơ bản.
Áo dài Việt Nam với hàng ngàn năm lịch sử đã khẳng định áo dài là đại diện của sắc phục Việt Nam, của người Việt Nam, do người Việt Nam sáng tạo mà thành.
Thế nhưng, vừa qua, câu chuyện về bộ sưu tập của Ne Tiger có các thiết kế áo dài được xem là những trang phục lấy cảm hứng từ các quốc gia Nam Á đã gây ra nhiều tranh cãi.
GS.TS Trần Lâm Biền - nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống Việt Nam từng nhấn mạnh, áo dài là hình ảnh đặc trưng của Việt Nam, do người Việt Nam thiết kế đầu tiên. Theo ông, áo dài có đặc trưng là ôm sát lấy cơ thể, cổ cao và có chiều dài chấm gót chân. Dù cho thời gian có thay đổi thế nào, các trang phục khác được du nhập vào nước ngày một đẹp hơn đến mấy thì áo dài vẫn là một biểu tượng đẹp, gắn với hình ảnh dịu dàng, đắm thắm của người phụ nữ Việt, giữ được cái hồn cốt của tâm hồn Việt. Văn hóa của Việt Nam cần một sự độc lập, là chính nó chứ không phải là cái đuôi của bất kể nền văn hóa nào khác", GS. Trần Lâm Biền chia sẻ.
Có thể thấy rằng, từ nhiều năm nay, các nhà thiết kế áo dài gạo cội đều mong muốn chiếc áo dài được công nhận là quốc phục, hoặc lễ phục, để người dân định vị được rõ ràng hơn giá trị của trang phục này mỗi khi mặc lên người.
Trên thực tế, năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã từng khởi động dự án chọn lễ phục nhà nước. Các hội thảo được tổ chức rầm rộ khắp ba miền và 100% nhất trí chọn áo dài làm lễ phục, nhưng sau một năm dự án đổ bể vì nhiều lý do.
Trong khi đó, nhiều người đặt vấn đề cần đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho áo dài Việt, như một cách tự vệ trên thị trường quốc tế. Nhưng theo các chuyên gia, đây là cách làm không khả thi, vì việc bảo hộ kiểu dáng thời trang gắn liền với những mẫu thiết kế, nhà thiết kế cụ thể không thể áp dụng với một loại áo chung chung và càng không thể áp dụng trên toàn cầu một cách chung chung.
Như vậy, câu chuyện giữ gìn thương hiệu áo dài ở thị trường quốc tế không nằm ở cơ quan quản lý văn hóa, mà cần bắt đầu với các nhà thiết kế tiên phong, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ với chính những mẫu áo dài mà họ sáng tạo trên nền tảng chiếc áo dài truyền thống.
Trong một phát biểu mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Khi mỗi dân tộc càng đạt tới tầm cao của nền văn minh phổ quát của nhân loại, thì họ càng tự hào dân tộc mình đã đóng góp được gì về mặt văn hóa cho kho tàng văn hóa nhân loại”, Thủ tướng khẳng định, bạn bè quốc tế đánh giá cao văn hóa vật thể cũng như phi vật thể của Việt Nam. Chúng ta có nhiều di sản văn hóa được UNESCO công nhận, đặc biệt là các di sản văn hóa phi vật thể chứa đựng những giá trị biểu trưng cho tâm hồn, trí tuệ và bản sắc của dân tộc Việt Nam.
“Nói theo ngôn ngữ của thời đại số ngày nay, văn hóa dân gian là mã định danh để mỗi dân tộc hội nhập với thế giới mà vẫn định dạng được mình. Nói dân dã, dễ hiểu hơn thì đó là phong tục, tập quán, tri thức dân gian, là bản sắc và hồn cốt của dân tộc”. Thủ tướng nêu rõ, “trong thời đại ngày nay, đáng sợ hơn cả mọi sự xâm lăng, đó là xâm lăng văn hóa, đó là mất gốc”.
Giữ gìn vẻ đẹp của áo dài cần được xem là một chiến lược bảo vệ văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập.
Phương Giao