Đã giao dịch hàng nghìn hợp đồng kinh tế?
Ngày 8/10/2018, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ kiện tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa giữa nguyên đơn là Công ty TNHH Posco VST (gọi tắt là Posco) với bị đơn là CTCP Tập đoàn Thành Nam (gọi tắt là Thành Nam) để đòi hơn 58 tỷ đồng gốc và hơn 40 tỷ đồng tiền lãi.
Tại tòa, nguyên đơn Posco cho rằng nguồn gốc khoản nợ hơn 58 tỷ đồng xuất phát từ hoạt động mua bán thép không gỉ giữa 2 doanh nghiệp trong khoảng 6 năm, với hàng nghìn hợp đồng đã thực hiện.
Đại diện bị đơn (Cty CP tập đoàn Thành Nam) trả lời trước tòa về số lượng hợp đồng đã giao dịch
Ngược lại, đại diện phía Thành Nam, ông Nguyễn Hùng Cường đã chỉ ra rất nhiều nội dung mâu thuẫn, phi logic nếu công nhận số nợ của nguyên đơn. Đơn cử, giữa 2 doanh nghiệp này chưa bao giờ thực hiện đến hàng nghìn hợp đồng, mà chỉ 1 - 2 hợp đồng mỗi tháng.
Đặc biệt, Posco là một tập đoàn lớn của Hàn Quốc, sử dụng hệ thống quản trị doanh nghiệp ERP toàn cầu nhưng trong giao dịch thương mại với Thành Nam, công ty này sử dụng phương pháp cộng dồn, là phương pháp không được quy định trong hợp đồng của đôi bên.
Xuất hiện "nhân tố bí ẩn" trên biên bản đối chiếu công nợ
Việc đối chiếu công nợ giữa hai bên rất bất thường và không đúng quy định pháp luật. Số nợ này được hình thành từ những văn bản đối chiếu không hề giống như cách mà các doanh nghiệp thường làm.
Ví dụ, theo biên bản làm việc ngày 27/11/2013, chủ thể của Thành Nam không rõ là nam hay nữ, phần chức vụ để trống (không rõ chức vụ gì, có phải là cán bộ của công ty CP Tập đoàn Thành Nam hay không?), đặc biệt là chủ thể tham gia văn bản này không hề có giấy ủy quyền của người đại diện pháp luật Công ty Thành Nam. Điều này hoàn toàn trái quy định của pháp luật và trái với cam kết của hai bên trong hợp đồng kinh tế đã ký kết.
Điều khó hiểu là bảng đối chiếu công nợ hàng trăm tỷ đồng mà danh tính doanh nghiệp là một pháp nhân lạ, có cái tên gần giống tên doanh nghiệp bị đơn
Phần đầu của văn bản này lại thể hiện tên của doanh nghiệp khác gần giống với công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Nam - đó là "Công ty TNHH sản xuất thương mại Thành Nam", địa chỉ cũng hoàn toàn khác, được coi là một "nhân tố bí ẩn" chưa từng xuất hiện trước đó.
Trình bày trước tòa, ông Nguyễn Hùng Cường, TGĐ Công ty CP Tập đoàn Thành Nam khẳng định là từ khi bắt đầu thành lập năm 2004 đến nay, Công ty CP Tập đoàn Thành Nam chưa bao giờ đổi tên thành Công ty TNHH sản xuất thương mại Thành Nam.
Theo ông Cường, nội dung biên bản chưa thể là căn cứ xác định công nợ một cách hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật. Bởi vì nếu đối chiếu công nợ phải lập bảng kê chi tiết, đối chiếu từng hợp đồng, kèm theo các chứng từ có liên quan như: hóa đơn xuất hàng, biên bản nhận hàng, các tài liệu có liên quan khác như: tiền đặt cọc, hồ sơ bảo lãnh ngân hàng, kế hoạch lấy hàng và khoản tiền người mua đã trả cho người bán… Nhưng biên bản làm việc này hoàn toàn không đề cập bất kỳ thông tin quan trọng nào như vừa kể trên mà chỉ đưa ra các con số rất mơ hồ, các con số này mỗi bên lại đưa ra khác nhau và hai bên cam kết “số liệu này sẽ được kiểm tra sau” nhưng hồ sơ vụ án không thấy có tài liệu kiểm tra nào khác mà bê nguyên các số liệu chênh lệch này cộng dồn thành số công nợ gốc hơn 58 tỷ đồng mà Posco yêu cầu Thành Nam phải trả.
Tại phiên tòa sơ thẩm, luật sư của bị đơn cũng như đại diện pháp luật của bị đơn đã chất vấn đặt câu hỏi với nguyên đơn thì nguyên đơn trả lời đại ý: Đây là do lỗi chính tả và nguyên đơn cũng không rõ tại sao có sai sót quan trọng này. Câu trả lời này rất giống lời cam kết của ông Tổng giám đốc Bae Jae Tak (bút lục 93)“Do quá trình giao dịch giữa hai bên diễn ra trong thời gian tương đối dài, số lượng các chứng từ giao dịch là rất lớn, hơn nữa, chúng tôi đã có nhiều xáo trộn về nhân sự trong thời gian qua, vì vậy việc thu thập các tài liệu trên theo yêu cầu của Quý tòa là rất khó khăn nên rất mong được Quý tòa hiểu cho những khó khăn này và xem xét thụ lý”. Và trang sau,(bút lục 94) ông khẳng định tiếp rất rõ là: “Chúng tôi không thể xác định và nêu rõ đối tượng khởi kiện cụ thể là những Hợp đồng nào cũng như số tiền còn nợ của từng Hợp đồng mua bán như yêu cầu của quý tòa”.
Bên đi kiện 6 lần xin hoãn tòa
Vụ việc này đã được TAND quận Nam Từ Liêm thụ lý lần đầu vào ngày 19/10/2015.
Ngày 15/4/2016, TAND quận Nam Từ Liêm có quyết định đưa vụ án ra xét xử lần thứ nhất. Tuy nhiên, trước ngày diễn ra phiên xét xử, ông Vũ Văn Tú là đại diện theo ủy quyền của Posco VST đã có đơn xin hoãn phiên tòa với lý do cần thêm thời gian để thu thập các chứng cứ bổ sung để chứng minh số nợ của Công ty Thành Nam.
Khi phiên tòa xử lần 2 sắp diễn ra thì ngày 15/5/2016, ông Nguyễn Thanh Hiền là luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Posco VST cũng lại có đơn xin hoãn phiên tòa với do chưa có nhiều thời gian để sao chụp tài liệu cũng như nghiên cứu hồ sơ một cách kỹ lưỡng và đầy đủ.
Đến ngày 19/7/2016 TAND quận Nam Từ Liêm tiếp tục đưa vụ án ra xét xử. Lần này, người đại diện theo ủy quyền của Posco VST là ông Phạm Trung Hiếu xin hoãn. Điều lạ là trước khi diễn ra phiên xét xử, ông Phạm Trung Hiếu lại có đơn xin hoãn phiên tòa với lý do “bị ốm”. Do vậy, phiên tòa xét xử tiếp tục bị hoãn đến ngày 17/8/2016.
Ngày 17/8, TAND quận Nam Từ Liêm lại tiếp tục nhận được đơn xin hoãn phiên tòa của ông Phạm Trung Hiếu vì lý do bị ốm phải nhập viện truyền nước, không thể tham dự phiên tòa.
Đến phiên xét xử lần thứ 5, ngày 16/03/2017, Tòa án nhân dân Quận Nam Từ Liêm lại tiếp tục hoãn phiên tòa do ông Phạm Trung Hiếu - đại diện theo ủy quyền của Công ty Posco VST tiếp tục có đơn xin hoãn vì lý do: để chuẩn bị, củng cố thêm chứng cứ, tài liệu.
Vào ngày ấn định xét xử tiếp theo lần thứ 6, ngày 22/12/2017, TAND quận Nam Từ Liêm lại phải ra quyết định hoãn phiên tòa vì nhận được đơn xin hoãn xét xử của ông Phạm Trung Hiếu với lý do: bận đi công tác nên không thể tham gia phiên tòa.
Mặc dù phía Posco VST có đến 6 lần xin hoãn tòa trong 3 năm qua, nhưng phía bị đơn là Cty CP Tập đoàn Thành Nam luôn tham gia đầy đủ các lần triệu tập của tòa cũng như các phiên xét xử.
Sau phiên sơ thẩm của TAND TP Hà Nội mới đây, phía bị đơn cho biết nhiều tình tiết quan trọng đã bị bỏ qua và với phán quyết của tòa, phía bị đơn sẽ tiếp tục kháng cáo nhằm bảo vệ quan điểm của mình trong phiên tòa phúc thẩm.
Thời báo Doanh nhân sẽ tiếp tục thông tin vụ việc
Anh Đức