Những câu chữ ấy thật khiến người nghe cảm động. Người phụ nữ - nhân vật “mẹ” ấy có lẽ là một người phụ nữ phi thường. Bởi, không ai thật hơn trong mắt con mình.
Và thật không sai, người mẹ ấy là nữ Anh hùng Lao động Ninh Thị Ty - nguyên Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP May Chiến Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty May Hồ Gươm.
Từ bàn tay kim chỉ…
Đôi bàn tay ấy của chị, qua mấy mươi năm đã làm nên biết bao tấm áo, làm đẹp cho đời, làm ấm cho người, làm vinh dự cho ngành dệt may, làm giàu cho đất nước. Và đôi bàn tay ấy như được trời định bởi chữ “duyên nghề”.
Bốn – năm mươi năm về trước, cô nữ sinh nổi tiếng với thành tích học tập xuất sắc Ninh Thị Ty như thể được số phận bù đắp, trao cho một cơ hội – là tiền đề cho bước ngoặt những năm sau này. Mà nhiều người vẫn cho rằng, cơ hội 5 năm học tập ở Đức của bà chính là sự may mắn của ngành công nghiệp dệt may vì đã “ươm mầm” được một thủ lĩnh ngành tài năng.
Để rồi, không phụ sự ủy thác, tin tưởng của mọi người, thời gian học tập ở nước bạn (sau này, bà có thêm hai lần sang Đức học chuyên sâu) đã cho bà nền tảng kiến thức vững chắc cùng thực tế sinh động. Từ đó đến nay ngành may mặc gắn với chị như máu thịt, cả cuộc đời và sự nghiệp của chị đều có mối nhân duyên với những thăng trầm của ngành và sự phát triển lớn mạnh của công ty nơi chị đang ngày đêm góp sức dựng xây.
Về nước, trong bối cảnh đất nước trước thềm đổi mới, những khó khăn của cơ chế mới – cũ như thách thức sự nhập cuộc của cô gái trẻ Ninh Thị Ty. Năm tháng làm cán bộ ở Liên hiệp các Xí nghiệp May, rồi cán bộ phòng Kỹ thuật Liên hiệp các Xí nghiệp May hay Giám đốc Xí nghiệp May I, Công ty May Thăng Long, cán bộ Trung tâm Kinh tế – Bộ Công nghiệp nhẹ - chính là khoảng thời gian chị vừa thử sức mình vừa tích lũy thêm kiến thức từ thực tế ngành may mặc nước nhà.
Nghề chọn người, cụm từ đó với chị thật đúng. Chưa đầy mười năm vào nghề, chị được lãnh đạo Ngành tin tưởng giao cho trọng trách đứng đầu Xí nghiệp May I, Công ty May Thăng Long. Ba mươi lăm tuổi, thời ấy ở đảm trách vai trò Giám đốc như chị, tuổi ấy thực còn quá trẻ. Vậy mà, chị đã không làm thất vọng sự tin tưởng của cấp trên. Ở cương vị Giám đốc, chị đã nhanh chóng phát hiện ra sự lãng phí trong sản xuất và quyết định lên phương án giảm lao động dư thừa một cách mạnh mẽ trên cơ sở cải tiến kỹ thuật trong khâu cắt… Dẫu biết quyết định của chị là đúng đắn, cần kíp để cứu nhà máy ra khỏi sự cồng kềnh, kém hiệu quả của bộ máy thực thi. Song, đối diện với quyết định đó còn là số đông công nhân tự dưng mất việc làm?... Dũng cảm, bản lĩnh, bằng cách làm khoa học đầy sự thuyết phục, chị đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm rập khuôn truyền thống mấy mươi năm. Dấu ấn này thêm một lần khẳng định, ở chị, không chỉ có bàn tay kim chỉ - vốn được coi như một yếu tố thuộc về bản năng của người phụ nữ mà ở đó có sự thao lược của người điều khiển… Mấy chục năm, mỗi lần nhắc lại, câu chuyện đổi mới của chị vẫn luôn là đề tài hấp dẫn với giới trẻ, ý nghĩa với người trong cuộc.
Song phải đến những năm tháng chị cùng ăn, cùng ở, cùng lo toan, trăn trở với ba chữ “May Hồ Gươm” thì những tố chất của người làm lãnh đạo ở chị mới thực sự bộc lộ và phát huy… Giữa những năm 90 của thế kỷ trước, trong bối cảnh Xí nghiệp May thời trang Trương Định (tiền thân của May Hồ Gươm sau này) đối mặt với khó khăn chồng chất thì chị được điều về giữ vai trò thuyền trưởng. Khó có thể hình dung, một đơn vị may có tiếng lại đối mặt với sự yếu kém đến toàn diện: Cả xí nghiệp chỉ với 500 m2 nhà xưởng đã xuống cấp, trên 100 thiết bị cũ kỹ, lạc hậu và tài khoản về “mo”. Khó khăn hơn, chị còn đối diện với tư tưởng chán nản, lòng người dao động, mất niềm tin của cán bộ công nhân viên xí nghiệp. Không ai tin xí nghiệp có thể vực dậy trong tâm bão khó khăn. Ấy vậy mà… người phụ nữ nhỏ bé như chị đã làm được, đã thay đổi số phận cho cả một nhà máy, mang lại công ăn việc làm ổn định cho hàng nghìn người.
Với mong muốn sớm vực được xí nghiệp, chị đã dồn hết tâm trí và sức lực vào công việc. Miệt mài, bền bỉ, vừa mềm mỏng vừa cứng rắn chị vững vàng bước qua bằng bản lĩnh người đi đầu tiên phong, gương mẫu. Sự hi sinh của chị cho công việc đã cảm hóa được lòng người – yếu tố quyết định mọi thành công. Anh em đồng nghiệp thấy được tấm lòng của chị thì hết mực yêu mến, đồng chí đồng lòng cùng đơn vị vượt khó. Bằng các biện pháp cụ thể, đơn vị đã từng bước ổn định tổ chức sắp xếp lại các dây chuyền sản xuất cho hợp lý, tích cực tìm các nguồn hàng để ổn định sản xuất. Chỉ sau một năm mọi hoạt động của xí nghiệp đã bắt đầu ổn định, năng xuất lao động tăng từ 200 đến 300%, đời sống CBCNV được cải thiện rõ rệt, xí nghiệp đã thoát khỏi cảnh khó khăn về tài chính. Hai năm sau đó, trên đà phát triển, Xí nghiệp do chị quản lý đã có những bước chuyển lớn đặc biệt về quy mô và chất lượng.
Trước sự phát triển vượt bậc của Xí nghiệp, để phù hợp với phương thức kinh doanh và mô hình hoạt động mới, đến năm 1998, Xí nghiệp May thời trang Trương Định được chuyển thành Công ty May Hồ Gươm, chị được bầu giữ chức vụ Tổng giám đốc. Để rồi, với quy mô sản xuất của Công ty ngày một phát triển, trước tình hình phát triển của xã hội, đất nước đang trong giai đoạn đổi mới và hội nhập. Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, chị đã lãnh đạo Công ty mạnh dạn từng bước tiến hành Cổ phần hoá doanh nghiệp và là một trong các doanh nghiệp đầu tiên của ngành May được cổ phần hoa năm 2008
Đến với ngành May hoàn toàn tự nhiên, chị như một ẩn số khó đoán và hơn mười năm gắn bó với cây kim mũi chỉ, những điều chị làm được cho ngành May, mang lại công ăn việc làm cho người lao động quả khiến người ta nể phục. Báo chí, truyền thông, bạn bè trong giới đã dành cho chị những ngôn từ ca tụng xứng đáng như “Người khơi dậy sức sống cho doanh nghiệp”, “Nữ tướng ngành May”…
Chị như biểu tượng của sự kết hợp vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp trí tuệ của mẫu người phụ nữ truyền thống và hiện đại. Đi giữa bão thương trường, đi giữa nàn ranh của sự mất – còn, sự vững vàng trong tâm trí, sự quyết liệt trong hành động, sự tài giỏi ứng biến của người cầm quân, chị - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP May Hồ Gươm Ninh Thị Ty trở thành mẫu hình người phụ nữ điển hình của những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21.
Đến khối óc nhà doanh nghiệp anh hùng
Mang cơ hội đến cho ngành dệt may, tạo bước ngoặt cho ngành, chị như làn gió mới lạ mang sự tươi mới, sự hội nhập vươn khơi mạnh mẽ cho ngành may mặc… Chặng đường ấy, thấm thoắt đã gần nửa thế kỷ. Sức mạnh nào giúp chị đi qua năm tháng mà tưởng như nhẹ tựa lông hồng!?
Từng ấy năm, từng ấy thời gian, bản thân chị khi ở cương vị lãnh đạo đã trải qua đủ đầy những cung bậc cảm xúc bởi biến cố thương trường, biến cố thời cuộc, rồi tình cảm và lý trí không cho chị bỏ cuộc ngay cả khi lòng người hoang mang. Thực nghĩ, thực làm, trái tim chị đã chạm được vào những trăn trở của người trong cuộc,… để rồi cứ thế mạnh mẽ, can trường mà đi, mà tiến bước thắng lợi.
Bao nhiêu lần cứu nhà máy, mở rộng quy mô, xây dựng nhà máy mới là bấy nhiêu lần đối diện với chông gai, mà con người ai không có lúc chùn chân mỏi gối… Vậy mà chị đã đi bằng bản lĩnh và khối óc. Bao nhiêu vất vả, bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu trăn trở, bao phút mềm lòng của từng ấy năm chị đã trải qua, không bút nào tả xiết, không từ nào miêu tả được chính xác (Mà con gái chị đã phải xót xa rằng: tim tôi đau nhói khi nghĩ tới những gì mẹ tôi đã hi sinh trong suốt cuộc đời bà). Nhìn lại, cái số của chị dường như số đi vào nơi gian khó, được cử đến đâu thì nơi đó luôn ở trong tình trạng không sắp giải tán thì xập xệ, bê bát…
Hay việc khởi sự doanh nghiệp may mặc của chị cũng là khi một thị trường mang tính bao cấp sụp đổ, chị đã phải tự loay hoay tìm đường đi mới, xây dựng thị phần trong thị trường mới. Không ai quên hình ảnh những năm đầu thập niên 90, chị như con thoi đi về, chị qua Mỹ, qua các nước Tây Âu tìm thị trường. Mặc dù đó là thị trường may mặc khó tính bậc nhất, cạnh tranh khốc liệt nhất - song chị chấp nhận. Rồi cổ phần hóa doanh nghiệp vừa xong cũng là thời điểm Việt Nam bắt đầu hội nhập với thế giới việc cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn. Hơn lúc nào hết rất cần đến vai trò lãnh đạo của bộ máy quản lý xí nghiệp, thêm một lần thử thách bản lĩnh đầu tàu của chị - nữ lãnh đạo doanh nghiệp dệt may được mệnh danh luôn chiến thắng vào những lúc khó khăn nhất.
Câu chuyện của chị về May Chiến Thắng càng khiến người ta kính nể, trân trọng bản lĩnh con người chị. Những tháng cuối của năm 2006, giữa thời điểm chị đang sống “khỏe” với thành công ở May Hồ Gươm thì chị được Tập đoàn Dệt May Việt Nam bổ nhiệm kiêm giữ chức vụ TGĐ Công ty CP May Chiến Thắng. Cấp trên vì tin tưởng vào tài cầm quân của chị mà giao phó bổ nhiệm với mong muốn chị vực được Chiến Thắng. Còn chị, để nhận nhiệm vụ đó có lẽ chị đã phải thật dũng cảm. Năm tháng đó, mọi người chỉ biết đến Chiến Thắng với sự tai tiếng nào là làm ăn thua lỗ kéo dài, lao động sản xuất không ổn định, nội bộ thiếu đoàn kết… Làm sao để nhà máy phát triển với đúng như tên gọi của nó – Chiến Thắng? Cái nòng cốt để đơn vị phát triển là vật lực và con người thì Chiến Thắng đều không có. Nếu điều hành không tốt, sẽ không vực được Công ty mà còn có thể làm cho Công ty lún sâu và khó khăn hơn…
Bằng mọi cách phải trả lại tên gọi cho nhà máy theo đúng nghĩa. Nghĩ là làm. Chị đã tập trung công sức để sắp xếp lại tổ chức, giảm bớt các phòng ban trong gián tiếp, bố trí đúng người, đúng việc. Đồng thời, thực hiện chấn chỉnh lại nề nếp làm việc; đặc biệt, về xử lý mặt tài chính chi tiêu của Công ty đúng nguyên tắc thủ tục. Sự đổi mới toàn diện của chị trong cách nghĩ, cách làm đã mang lại hiệu quả. Chị đã tạo được sự đoàn kết nhất trí cao trong đội ngũ cán sự của Công ty CP May Chiến Thắng - nhân tố để đưa sản xuất và hoạt động của Công ty đi vào nề nếp. Chỉ sau một thời gian nỗ lực làm việc, Chiến Thắng đã giải quyết cơ bản được phần lỗ và các khoản nợ đọng, đời sống của CBCNV dần được cải thiện, thu nhập nâng cao, tình hình Công ty dần ổn định… Từ Hồ Gươm đến Chiến Thắng… - người ta ví chị như người có duyên "vá" lại những doanh nghiệp dệt may và quả thật không sai!
Chìa khóa nào giúp chị tìm ra nhiều hướng phát triển sản xuất mang lại hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh cho đơn vị? Phát huy sức mạnh tập thể, coi trọng vai trò đào tạo đội ngũ CBCNV, đặc biệt đào tạo bồi dưỡng lớp cán bộ kế cận; bên cạnh việc đi đôi với phát triển sản xuất, Công ty luôn quan tâm đến việc sắp xếp tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người lao động, chăm lo đời sống tinh thần của người lao động. Bản thân chị, bằng những quyết sách năng động, mạnh dạn tìm hướng đi hợp lý phù hợp với điều kiện trong từng thời kỳ. Cùng với đó, chị chủ trương đầu tư thiết bị hiện đại tăng năng xuất và chất lượng, giảm giờ làm, luôn đặt quyền lợi của khách hàng lên hàng đầu với câu khẩu hiệu: “Quyền lợi của khách hàng là quyền lợi của công ty”…
Một kỹ sư công nghệ được đào tạo ở nước ngoài, được kinh qua thực tiễn ở xứ bạn, nhiều năm ở chính môi trường may trong nước, lại được trời phú cho sự thông minh, và khối óc linh hoạt, chị đã thành công. Bấy nhiêu năm nhìn lại, chị hết sức tự hào và phấn khởi là đã cùng anh chị em CBCNV đưa Công ty từ một xưởng sản xuất nhỏ, chuyên làm hàng gia công doanh thu thấp, lương CBCNV không ổn định, có nguy cơ giải thể trở thành Công ty lớn với 7 xí nghiệp thành viên.
Từ một Công ty chuyên sản xuất hàng may mặc gia công thành một công ty phát triển đa ngành nghề và có vị trí trong Tập đoàn Dệt May Việt Nam cũng như trên thị trường may mặc trong nước và quốc tế.
Ghi nhận những đóng góp đó của chị, chị vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Chị trở thành người nữ tướng đầu tiên của Ngành mang danh hiệu nữ Anh hùng…
Gần nửa thế kỷ, ngẫm nghĩ, chúng tôi đã hiểu tại sao con gái chị lại viết về mẹ với những dòng đầy vơi nỗi lòng như vậy. Chúng tôi thần tượng đôi bàn tay ấy, khối óc ấy và con người quá ư nhiều chiều của chị. Phụ nữ hiện đại là vậy mà sự thẳm sâu trong tâm hồn vẫn một sự yếu mềm đầy sức cuốn hút của phái yếu.
Anh Tuấn - Hà Giao