1 Than là tài nguyên Quốc gia, ai đó bảo là “vàng đen”, là “bánh mì”của công nghiệp. Đất nước tuyệt vời được thiên nhiên ban tặng cho cả một vùng Đông Bắc với những mỏ than nổi chìm không dễ quốc gia nào cũng có được? Hãy nhìn lại xem chúng ta đã quản lý khai thác những mỏ “vàng đen”quý giá này ra sao? Những thập kỷ trước mỗi năm, ngành than khai thác từ 25 - 30 triệu tấn. Miệng ăn núi lở, các cụ xưa nói chẳng sai, những vỉa than lộ thiên cứ moi đất ra là có than rồi. Nhưng moi mãi thì mỏ dẫu lộ thiên cũng vợi dần, cũng cạn kiệt. Có cách nào hơn phải đào sâu trong lòng đất mới có thể khai thác được than. Thiết bị khai thác những máy xúc, máy ủi tầm cỡ mua sắm về, rồi hầm lò, công nghệ khai thác đủ thứ ngành than phải lo toan. Nhiều mỏ mới mở ra, hàng loạt công ty thành viên được giao nhiệm vụ. Không gì khác là phải moi từ lòng đất lên đủ theo kế hoạch cho xuất khẩu. Quản lý khai thác than suốt một thời gian cũng đâu có chặt chẽ. Nạn khai thác than “thổ phỉ” tự tung tự tác tung hoành làm cho cả vùng than nhộn nhạo lên. Đất đá bóc ra để tìm than, lấy than. Những con số đất đá đào bới hàng năm của ngành than những chục triệu mét khối nọ, trăm triệu mét khối đất kia là mồ hôi, công sức của người thợ mỏ để đổi lấy than cho đất nước.
Cuộc sống như cái vòng quay đủ cái lo. Với ngành than cả mấy vạn con người phải sống được với nghiệp, với nghề. Lãnh đạo ngành than từ mô hình tổng công ty 91 đi vào thời đất nước đổi mới cũng đã nhanh chóng tự đổi mới mình cho thích ứng hơn với cơ chế thị trường. Thế là Tập đoàn Than & Khoáng sản ra đời những mong mang sức mạnh của sự tự chủ, chịu trách nhiệm trước tài sản, trước đồng vốn nhà nước để không chỉ nuôi nhau tử tế hơn mà còn lo gánh vác nhiệm vụ cung ứng than cho yêu cầu phát triển công nghiệp của đất nước.
2 Công nghiệp phát triển cần đến than ngày một nhiều hơn. Nào hàng loạt dây chuyền xi măng, rồi thép, hóa chất, phân bón… đòi hỏi ngành than cung ứng. Sức ép với TKV càng lớn khi than bán cho khách hàng trong nước lại phải tuân theo chỉ đạo mà giá thành làm ra than thì mỗi ngày như càng “đội giá” lên. Rồi đời sống của thợ mỏ cũng không thể cứ mãi chậm, mãi đuổi theo sau với thực tế chất lượng cuộc sống hôm nay. Than khai thác càng xuống sâu thì chi phí khai thác càng cao, những đầu tư thiết bị, máy móc càng không thể không thay thế đổi mới. Thành ra câu chuyện về hòn than mới nóng bỏng với những giám đốc các công ty thành viên, mới trở thành những tranh luận đến căng thẳng đặt trên bàn họp không biết bao lần của lãnh đạo tập đoàn TKV. Có gì khác phải mở ra hướng xuất khẩu than để bù lại giá bán than trong nước, mới mong có thể đủ sức nuôi quân, mới có thể mua sắm đổi mới công nghệ khai thác, chế biến than. Than là “vàng đen” tưởng như bạt ngàn thế mà ngành than giờ đang đứng trước sự tiến thoái lưỡng nan: Không xuất khẩu than thì không lấy gì bù lại cho giá bán than trong nước để tiếp tục đầu tư? Câu chuyện đâu phải của hôm nay mà bao năm qua TKV đã coi xuất khẩu than như một sự cứu cánh trong SXKD. Từ con số xuất khẩu 10 triệu tấn tấn than năm nào, ngành than coi như một kỳ tích thì giờ đây con số ấy đã vượt xa. Chỉ tính đến tháng 9/2011 TKV đã xuất khẩu 12,5 triệu tấn than rồi. Dù đã rút bớt kế hoạch xuất khẩu than so với năm trước nhưng năm 2011 TKV vẫn quyết tâm “bê” tới 16,5 triệu tấn than xuất khẩu đi. Trong khi hăng hái xuất khẩu than đi thì TKV cũng lại hăm hở nhập than về. Thế mới thành chuyện: Một tay xuất, một tay nhập trở thành nghịch lý của ngành than, thành vấn đề dư luận rất nóng đang dồn tới TKV những phê phán dữ dội. Đến nỗi Bộ Tài chính tỏ thái độ bất bình khi TKV như chạy đua với xuất khẩu, xuất khẩu vô tội vạ đã “bác” đề nghị của TKV xin giảm thuế xuất từ 15% xuống 10% mà còn tăng thuế xuất khẩu thêm 5% là 20% để cản lại việc TKV đem tài nguyên xuất đi.
Vùng than những tháng cuối năm công nhân ở các mỏ than hối hả làm cả 3 ca tăng tốc để năm 2011 TKV xuất khẩu tới con số 16,5 triệu tấn than thì cũng là điều không thể không ngẫm ngợi chả biết nên buồn hay vui đây nhỉ? Thêm 5% thuế xuất khẩu nữa là 20% mà TKV vẫn không dừng lại việc “bê” cả núi than để bán đi đủ hiểu lợi nhuận từ xuất khẩu than với TKV thế nào?
3 Trong khi Thủ tướng Chính phủ chỉ thị phải dừng ngay việc xuất khẩu tài nguyên mà TKV vẫn cứ ào ạt xuất khẩu than với khối lượng rất lớn có khác gì đem tài nguyên Quốc gia đi bán để thu về lợi ích riêng cho DN. Ai cũng hiểu tiền rất quý, nhất lại tính ra ngoại tệ tới 1,5 tỷ USD mà TKV thu về từ xuất khẩu than mỗi năm. Không ai quên doanh thu của tập đoàn TKV chỉ đứng sau doanh thu của dầu khí, của xăng dầu. Một con số rất lớn tới 73 nghìn tỷ đồng như càng khẳng định tầm vóc của một tập đoàn kinh tế của Nhà nước. Nhưng vẫn cứ bật ra câu hỏi: Than cho kinh tế đất nước trước mắt và lâu dài vẫn phải cần nhiều lắm có nên xuất khẩu đi nhiều đến thế không? Nhìn lại năm 2010 cả TKV sản xuất khai thác 42 triệu tấn than thì đã xuất khẩu 18,7 triệu tấn. Mừng hay lo? Mừng vì TKV thu về 1,4 tỷ USD. Nhưng lại lo nguồn năng lượng không dễ tái tạo mà đất nước đang rất cần này lại cứ mỗi ngày mỗi vơi đi. Xuất khẩu than vì đất nước thiếu tiền, phải bán tài nguyên để trang trải hay chỉ vì lợi ích riêng của DN,của tập đoàn TKV?
Rõ ràng TKV đang huy động cả vạn thợ mỏ đêm ngày căng mình ra moi trong hầm sâu, lò hiểm để có cả “núi than” cho xuất khẩu (chủ yếu xuất sang Trung Quốc), nghĩa là TKV đang làm vợi tài nguyên Quốc gia, làm hao hụt đi nguồn năng lượng mà phía trước đất nước sẽ rất thiếu. Lãnh đạo TKV giải thích: TKV chỉ xuất khẩu loại than mà trong nước không dùng đến. Có thể là chưa dùng chứ đâu phải là không dùng. Hôm nay chưa dùng thì tương lai ngày mai con cháu sẽ phải dùng.Vậy thử xem TKV có thiếu tiền đến thế không, và tiền xuất khẩu than “ông lớn” này làm gì? Cái lý của TKV là để bù cho than bán cho khách hàng trong nước với giá rẻ không đủ bù đắp chi phí khai thác và cả để tái đầu tư mở rộng ngành than.
Nhưng cái lý ấy của TKV lại không đủ sức nặng thuyết phục khi các khách hàng lớn của TKV là các DN xi măng, thép, phân bón, hóa chất… DN nào cũng đang kêu giời vì giá than tăng gì mà khủng khiếp, tăng đến chóng mặt. Cứ mỗi lần các khách hàng (mà TKV gọi là “thượng đế”) được TKV “triệu đến” họp hội nghị khách hàng thì sau những nỉ non đủ cái khó là “ông lớn” vút ngay “bài ca” tăng giá than (!) Tăng giá đều, tăng giá liên tục, không ít các khách hàng lớn của TKV than thở: Than tăng giá tới 88% thì DN chịu sao thấu? Không hiểu TKV ứng xử kiểu gì với những “thượng đế” của mình khi vừa tăng giá than vừa gióng chuông sắp hết than đến nơi! Cả việc TKV nói tái đầu tư để mở rộng ngành than mà có thấy làm được cái gì ra tấm, ra miếng. Khai thác than xong việc hoàn thổ cũng còn như bãi chiến trường kia thử hỏi người đứng đầu tập đoàn này tư duy cái gì? Tới đây DN này sẽ tái cấu trúc thế nào, tái cấu trúc từ đâu khi lãnh đạo Tập đoàn xem ra còn nặng lo lợi ích riêng DN hơn là lo cho lợi ích chung của đất nước!
Đảm trách nhiệm vụ dẫn dắt thị trường lo cung ứng đủ than cho phát triển công nghiệp của đất nước mà cung cách SXKD của TKV thế liệu có xứng? Mỗi năm cứ khuân cả núi tài nguyên xuất khẩu đi rồi lý sự chỉ xuất thứ than đất nước chưa dùng, không dùng. Thế nào là chưa dùng, là không dùng? Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: Tài nguyên Quốc gia hôm nay chưa dùng thì hãy dành cho tương lai con cháu đó sao? Với một tập đoàn kinh tế lớn như TKV thiết nghĩ cũng cần phải xem lại câu chuyện xuất, nhập than của KTV trước khi bàn đến tái cơ cấu kinh tế, trước khi trình dự án lên Chính phủ đòi “bật” bể than sông Hồng với đầu tư rất lớn mà hệ lụy thì chưa lường hết!
Theo Vinacomin dự kiến than nhập khẩu từ nay đến năm 2012 vào cỡ 10 triệu tấn / năm... Các chủng loại than mà các ngành công nghiệp Việt Nam đang có nhu cầu dùng nhiều là sắt thép, xi măng sẽ phải nhập than về. 9500 tấn than vừa nhập từ Indonexia giao cho Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản than Đông Bắc tiếp nhận dành phân phối cho các nhà máy nhiệt điện ở miền Trung và miền Nam. Trong lần thông tin cho báo chí, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Than & Khoáng sản Vũ Mạnh Hùng cho rằng Việt Nam rất khó cạnh tranh mua than với các thị trường lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản. Muốn có được nguồn than ổn định chỉ có cách mua quyền khai thác mỏ, hoặc sở hữu mỏ ở nước ngoài, nhưng việc này lại không hề dễ. Bởi thế, ngành than đang đầu tư mỏ than Khe Chàm 3 công suất 2,5 triệu tấn/năm, rồi dự án than Núi Béo cỡ 2 triệu tấn/năm nhưng cũng phải vài năm nữa mới ra được sản phẩm.Mới hay than cho điện, XM… tới đây TKV sẽ rất - khó cung ứng đủ.
Kỳ 5:
Petrolimex: Minh bạch “trốn” đâu?
Đỗ Quang Đán