Tuy nhiên, đây mới chỉ là trên văn bản, còn thực tế, chắc chắn con số này chưa dừng lại ở đó.
Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Năm 2011, các lực lượng chức năng đã phát hiện 33.649 vụ buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, trị giá 287,3 tỷ đồng, so với năm 2010, tăng 20% về số vụ và tăng 43% về trị giá. Trong khi đó, số vụ việc được xử lý chưa nhiều. 2.726 kg ma túy các loại được xử lý, thu giữ 75.583 viên ma túy tổng hợp, 161.500 chai rượu các loại không rõ nguồn gốc, xử lý 2,4 triệu băng đĩa lậu… Những con số cho thấy tình hình buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn diễn biến hết sức phức tạp.
Bên cạnh nhập lậu, hoạt động xuất khẩu lậu cũng không ngừng gia tăng với các mặt hàng quan trọng như than, quặng các loại, xăng dầu, lâm sản các loại, động vật hoang dã, ngoại tệ… (năm 2011, các lực lượng quản lý đã phát hiện, xử lý 124.032 tấn quặng các loại, 399.679 lít xăng, dầu).
Những thủ đoạn gian lận thương mại càng ngày càng biểu hiện tinh vi: sử dụng phương tiện và công nghệ cao như gắn chip điện tử trong kinh doanh xăng dầu, dùng xuồng cao tốc vận chuyển hàng hóa, đặt sản xuất hàng giả ở nước ngoài rồi nhập lậu vào Việt Nam, coi như hàng sản xuất trong nước… Bà Nguyễn Thị Như Mai, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội nêu dẫn chứng, hiện có nhiều sản phẩm từ Trung Quốc đã được "nội địa hóa" bằng phương thức nhập linh kiện, bán thành phẩm vào Việt Nam qua các làng nghề, chế tác, gia công lại rồi "hô biến" thành các sản phẩm của Việt Nam, thậm chí là hàng EU đánh lừa người tiêu dùng…
![]() |
Cơ quan hải quan kiểm tra hàng nhập khẩu |
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến đã chỉ ra những chiêu lách luật “qua mặt” các cơ quan chức năng. Chẳng hạn, nhiều mặt hàng tạm nhập tái xuất (một trong những hành vi làm gia tăng khả năng vi phạm pháp luật đối với hàng hóa qua một số cửa khẩu, cảng lớn của Việt Nam) và kho ngoại quan bị người nước ngoài, đám đầu nậu lợi dụng để đưa hàng cấm nhập, hàng đã qua sử dụng với nguy cơ ô nhiễm cao xâm nhập vào nội địa tiêu thụ. Những hoạt động này chỉ làm lợi cho một số tư nhân, trong khi đó, rủi ro lại cao, gây thiệt hại về đường sá, cầu cống, cản trở giao thông.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Tình trạng gian lận thương mại đang trở nên nghiêm trọng, trong khi lực lượng chức năng đảm trách xử lý các vụ việc này còn mỏng, phương tiện làm việc đã thiếu lại yếu, rồi những vướng mắc từ cơ chế khiến “cuộc chiến” không cân sức.
Ông Đỗ Thanh Lam - Phó cục trưởng Cục Quản lý Thị trường cho rằng: Để thực hiện tốt hơn công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống các hành vi buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thì không chỉ là đề ra một số phương án kiểm tra, kiểm soát cụ thể, mà cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, coi đây là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đề nghị Ban Chỉ đạo 127/TW đôn đốc để nhanh chóng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục các kẽ hở có thể khiến các đối tượng xấu lợi dụng. Trong đó, tập trung đánh mạnh vào các ổ nhóm, đường dây buôn lậu lớn xuyên quốc gia và có những giải pháp hữu hiệu đối với đặc thù của từng ngành hàng, từng địa phương và từng đối tượng buôn lậu cụ thể. |
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành phải quan tâm hơn nữa đến vấn đề này, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Trong đó, đặc biệt coi trọng vấn đề nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền xã, phường, thị trấn trong quản lý nhà nước, thực thi pháp luật đối với công tác chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại. Cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát hiện kịp thời những sơ hở, thiếu sót để xây dựng mới hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung những quy định hiện hành trong lĩnh vực này, đáp ứng được đòi hỏi từ thực tiễn. Đồng thời, có giải pháp làm tốt công tác xây dựng lực lượng, kể cả xây dựng cơ chế, chính sách và thực thi pháp luật.
Minh Lê