Những nỗ lực đáng ghi nhận
Tết Nguyên đán đang tới gần. Cũng như nhiều năm trước, đây là dịp các DN tập trung mọi nguồn lực để bổ sung hàng hóa ra thị trường. Thông tin từ đại diện Sở Công Thương Hà Nội về một lượng hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định trong dịp Tết đang làm yên lòng người tiêu dùng Thủ đô.
Công ty TNHH Minh Hiền là DN sản xuất chiếm phần lớn thị phần thực phẩm sạch trên địa bàn Thủ đô. Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó giám đốc Công ty cho biết, dù nguồn cung thịt gia súc, gia cầm còn khó khăn, giá cả đang tăng, nhưng Công ty đã chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới. Hiện Công ty đã thực hiện xong đơn đặt hàng với các cơ sở chăn nuôi, số lượng chuẩn bị cho thịt lợn là 350.000 tấn, thịt gà là 80.000 tấn, thịt bò là 50.000 tấn.
Cùng với các DN sản xuất, các DN phân phối cũng đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị cho các ngành hàng. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong cao điểm mua sắm cuối năm và dịp Tết Nhâm Thìn, hệ thống Siêu thị Co.opMart đã tăng lượng hàng thiết yếu lên gấp 4 lần so với tháng kinh doanh bình thường. Tổng lượng hàng được dự trữ là 24.000 tấn với tổng số vốn là 2.800 tỷ đồng. Trong 24.000 tấn hàng dự trữ, có 9.000 tấn lương thực, 7.000 tấn thịt gia súc gia cầm, 1.000 tấn thực phẩm chế biến và 7.000 tấn rau - củ - quả.
Tổng công ty Thương mại Hà Nội Hapro - đơn vị sản xuất và phân phối hàng hóa lớn nhất trên địa bàn Hà Nội ước tính, lượng hàng hóa phục vụ trong dịp Lễ Noel, Tết dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới hướng vào 9 nhóm hàng thiết yếu, gồm: 1.061 tấn gạo, 542 tấn thịt, 2.424 tấn thực phẩm chế biến, 575 tấn rau củ quả... Tổng giá trị lượng hàng hóa, dịch vụ dự trữ khoảng 905 tỷ đồng (tăng 15% so với Tết Nguyên đán Tân Mão 2011). Mặt khác, đại diện Tổng công ty cho biết, để hàng hóa đến với người tiêu dùng, nhất là nhân dân các huyện ngoại thành Hà Nội, bên cạnh các trung tâm, siêu thị, cửa hàng và các gian hàng ngoài trời theo mô hình quầy hàng Tết là các điểm cố định, Hapro có kế hoạch tổ chức 40 chuyến bán hàng lưu động tại các quận nội thành Hà Nội với các mặt hàng thiết yếu như thịt, rau, củ quả tươi, giò, nem…; phối hợp với UBND các huyện ngoại thành Hà Nội tổ chức 13 chợ Tết...
Mặt hàng rượu, bia, nước giải khát là một trong những hàng hóa bán chạy trong dịp Tết. Vì thế, các DN kinh doanh mặt hàng này cũng đang rốt ráo chuẩn bị. Thông tin từ người đứng đầu ngành hàng này, tại Hà Nội sẽ có khoảng 100 triệu lít bia, 10 triệu chai rượu các loại được phân phối ra thị trường.
Bên cạnh đó, các DN kinh doanh bánh kẹo cũng đang khẩn trương chuẩn bị hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Công ty Bánh kẹo Hải Hà sản xuất và cung ứng ra thị trường khoảng 4.500 tấn bánh kẹo các loại. Công ty CP Hữu nghị sản xuất khoảng 7.000 tấn bánh - mứt - kẹo, Công ty Tràng An khoản 2.000 tấn…
Cam kết giữ giá ổn định
Thông thường, hầu hết hàng hóa vào dịp Tết đều có xu hướng tăng, thậm chí tăng cao hơn so với những tháng trước đó. Thế nhưng, dịp Tết Nhâm Thìn năm nay, Sở Công Thương Hà Nội cam kết giá cả thị trường hàng hóa sẽ giữ mức ổn định, sẽ không có những đợt tăng giá đột biến như các năm trước.
Với kinh nghiệm gần 40 năm trong nghề, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó giám đốc Công ty TNHH Minh Hiền cho rằng, trong vài tháng trở lại đây, giá thịt gia súc, gia cầm trên thị trường đang tăng nhẹ, điều này cho thấy, các tháng cuối năm sẽ không có sự thay đổi lớn về giá. Các sản phẩm gia súc, gia cầm của Công ty phân phối tại các siêu thị, cửa hàng trên địa bàn TP chắc chắn cũng không tăng giá nhiều so với thời điểm hiện tại.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, theo thông lệ, TP đã chuẩn bị tốt lực lượng hàng hóa, sẽ khắc phục được tình trạng sốt giá do thiếu hàng. Giá trong dịp Tết sẽ tăng nhưng trong tầm kiểm soát, chỉ tăng 0,5 - 0,7%.
Để cố gắng giữ giá ở mức độ này, Sở Công Thương đã yêu cầu một số DN vào TP. HCM khai thác, ký hợp đồng mua lợn hơi. Sở cũng đang huy động các DN tăng cường dự trữ lượng gạo ngon để chuẩn bị Tết. Hiện đã có khá nhiều loại gạo ngon trong các cửa hàng, điểm bình ổn giá…
Minh Lê