Những năm gần đây, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam đã có nhiều cải cách trong việc mở ra cơ chế hoạt động cho doanh nghiệp tư nhân, cho ngành hàng không Việt Nam phát triển và hội nhập.
Tuy nhiên, là hãng hàng không tư nhân lớn nhất của Việt Nam hiện nay đang hoạt động trong lĩnh vực hàng không, Vietjet Air hơn ai hết hiểu những bất cập trong quản lý điều hành, đặc biệt các nội dung liên quan đến doanh nghiệp hàng không tư nhân.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Ngành hàng không là lĩnh vực mới mở cửa nên còn rất nhiều rào cản và vướng mắc trong cơ chế độc quyền tự nhiên, còn nhiều định kiến và hạn chế đối với hàng không tư nhân.
Do đó mong muốn cần được giải tỏa ở các cấp thừa hành thực thi, cũng như sự ủng hộ của lãnh đạo các cấp để tháo gỡ ách tắc trong cơ chế điều hành, cơ chế vận hành của các cơ quan liên quan phối hợp như: cảng vụ, sân bay, hải quan, an ninh, xuất nhập cảnh, kiểm dịch…
Vấn đề tiếp theo mà Vietjet Air gặp trở ngại, đó là trong suốt thời gian qua, toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động khai thác của Hãng như nhà ga, hangar, dịch vụ mặt đất, sửa chữa bảo dưỡng tầu bay… đều phải thuê sử dụng và phụ thuộc vào phương tiện của các đơn vị khác. Mặc dù đã được Bộ Giao thông vận tải tháo gỡ khó khăn bằng văn bản kết luận chỉ đạo tại Công văn số 1024/TB-BGTVT ngày 08/12/2015. Tuy nhiên công tác triển khai các nội dung liên quan của kết luận này đều chậm, vướng mắc và hầu hết chưa được thực hiện .
Về vấn đề qui hoạch hạ tầng sân bay, bà Nguyễn Thị Phương Thảo mong muốn Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải tạo điều kiện cho các Hãng hàng không là những đối tượng sử dụng trực tiếp cùng được tham gia.
Bên cạnh đó, Nhà nước nên xây dựng các cơ chế cho phép Hàng không tư nhân được góp sức nhiều hơn vào việc cải tạo, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng sân bay, các dự án đào tạo quốc gia; tham gia vào chương trình cổ phần hóa, tư nhân hóa lĩnh vực hàng không và giao thông vận tải. Đồng thời, tạo điều kiện giải quyết nhanh, rõ ràng hơn và có cơ chế để các doanh nghiệp tư nhân như Vietjet Air được sử dụng lao động nước ngoài - Bà Nguyễn Thị Phương Thảo đề xuất.
Qua hơn 4 năm hoạt động, Hãng hàng không tư nhân Vietjet Air đã không ngừng phát triển đội bay lên đến 33 tàu bay thế hệ mới A320 và A321, trung bình mỗi ngày Hãng vận hành trên 250 chuyến bay thương mại.
Tính đến nay Vietjet Air đã vận chuyển hơn 23 triệu lượt hành khách, với hơn 47 đường bay phủ khắp các điểm đến trong nước và các đường bay quốc tế như Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Myanmar, Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản và các sân bay địa phương như Bình Định, Pleiku, Buôn Mê Thuật, Cần Thơ, Chu Lai, Thanh Hóa …Doanh thu hợp nhất của Vietjet Air năm 2015 đạt 19.845 tỷ đồng, nộp ngân sách đạt 2.556 tỷ đồng, lũy kế đạt 4.194 tỷ đồng.
Bên cạnh kinh doanh vận tải Hàng không và thúc đẩy Du lịch, Vietjet Air đặt ra các mục tiêu thu hút đầu tư tài chính nước ngoài thông qua các giao dịch máy bay, động cơ và các trang thiết bị kỹ thuật; thu hút sản xuất linh kiện máy bay và hàng không vào các khu công nghiệp ở Việt Nam; thu hút các hoạt động đầu tư nước ngoài vào các cơ sở bảo dưỡng kỹ thuật máy bay, học viện đào tạo tầm vóc quốc tế và khu vực.
Vietjet Air có kế hoạch trở thành Hãng hàng không đa quốc gia, có mạng bay rộng khắp khu vực và thế giới, phát triển không chỉ dịch vụ hàng không mà còn là nhà cung cấp những nhu cầu tiêu dùng cho hành khách, là thương hiệu được khách hàng yêu thích và tự hào tin dùng.
Lê Kiên