Tiền gửi “không cánh mà bay”: Ngân hàng có phần trách nhiệm không nhỏ

Sau những vụ mất tiền ồn ào năm 2016, đến năm 2017 lại xuất hiện những vụ khách hàng tố bị mất tiền trong tài khoản hoặc bị lừa rút tiền trong sổ tiết kiệm, cán bộ ngân hàng câu kết lừa đảo.

Điển hình như vụ 17 sổ tiết kiệm hơn 400 tỷ đồng “bốc hơi” sau 5 năm gửi tại Oceanbank và một số ngân hàng khác …

Khách hàng liên tiếp mất tiền

Mới đây, nguyên Giám đốc Chi nhánh Hải Phòng Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) cùng 2 thuộc cấp đã “mất tích” với 17 sổ tiết kiệm trị giá hơn 400 tỷ đồng. Chủ nhân của 17 sổ tiết kiệm này cho biết, đã mở sổ vào Ngân hàng cách đây 5 năm (hình thức lĩnh lãi cuối kỳ) nhưng gần đây tới tất toán thì phát hiện thẻ tiết kiệm bị cho là giả mạo, tiền cũng không vào hệ thống OceanBank.

Trước đó, cuối tháng 4/2017, hàng chục khách hàng thuộc các chi nhánh Cốc Lếu, Kim Tân, Cam Đường của Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) tỉnh Lào Cai bàng hoàng khi phát hiện số tiền lớn trong tài khoản gửi tiết kiệm bị thất thoát. Nhưng bi hài nhất là câu chuyện tưởng như không có thực xảy ra với 6 khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) chi nhánh Nghệ An. Nguyên nhân chỉ vì họ tin vào lời của một nhân viên ngân hàng, đặt bút ký vào những tờ giấy chưa có nội dung. Đến nay, người mất tiền ít nhất là 350 triệu đồng, còn người nhiều nhất lên tới 31 tỷ đồng.Có dễ đòi lại?Rất nhiều vụ việc “bốc hơi” tiền tỷ trong tài khoản ngân hàng hay trong sổ tiết kiệm đã khiến cho người dân thấy hoang mang, lo ngại. Trách nhiệm của ngân hàng đến đâu trong các vụ việc này? Luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật Basico) nhận xét, có 2 nguyên nhân dẫn đến mất tiền trong tài khoản tiền gửi. Thứ nhất, từ phía nhân viên ngân hàng, họ đã quá “linh hoạt”, dễ dãi, sai quy trình, quy chế, sai nguyên tắc; Thứ hai, về phía khách hàng, họ cũng thường có những lỗi nhất định, vì cả nể, vì dễ dãi, vì quá tin vào nhân viên ngân hàng, cho nên đã làm những việc dẫn đến rủi ro cho mình. Chẳng hạn như ký giấy tờ khống, ký giấy trắng, hay là chấp nhận những giao dịch dễ dãi, thậm chí còn yêu cầu ngân hàng thực hiện cho mình khi không đủ các điều kiện. Đó chính là lý do có thể làm kẽ hở cho tội phạm hay các cán bộ biến chất, có ý đồ lừa đảo, gian lận lợi dụng.Về nguyên tắc, khi chủ tài khoản không ký giấy tờ rút tiền, không thực hiện giao dịch, tức là có những bằng chứng cho thấy việc rút tiền không phải là ý chí của khách hàng mà ngân hàng để mất tiền thì ngân hàng phải đền. Kể cả nhân viên sai, ngân hàng cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi của nhân viên chứ không thể đổ trách nhiệm của cá nhân nhân viên với khách hàng được. “Thậm chí, có trường hợp chị em ruột lấy sổ tiết kiệm, giấy CMND của nhau để đi rút tiền mà ngân hàng vẫn cho rút thì ngân hàng cũng phải chịu trách nhiệm” – luật sư Trương Thanh Đức nói.Cũng theo luật sư Trương Thanh Đức, thông thường các ngân hàng đều chuyển sự việc sang phía cơ quan điều tra để làm rõ, và quá trình điều tra này thường rất lâu dài, phức tạp. Nếu tranh chấp không tìm ra trách nhiệm thuộc về ai thì sẽ ra tòa, khi đó cơ hội để khách hàng có thể lấy lại số tiền tốn nhiều thời gian.

Những lưu ý để tránh mất tiền trong sổ tiết kiệm

– Thực hiện đúng quy trình gửi tiền tại ngân hàng như: Đến giao dịch trực tiếp tại quầy (trừ gửi online), không ký khống chứng từ, cố gắng duy trì một chữ ký cố định và khi tất toán thì cần làm đúng quy trình.

– Kiểm tra thật kỹ nội dung các chứng từ, đủ dấu của ngân hàng và chữ ký của những người có trách nhiệm liên quan.

– Dùng QR Code cho phép người dùng quét mã QR Code trên sổ tiết kiệm bằng ứng dụng của ngân hàng để biết sổ thật hay giả, tình trạng sổ tiết kiệm đã vào hệ thống chưa.

– Thường xuyên kiểm tra số dư tiền gửi của mình bằng cách: Gọi điện lên tổng đài chăm sóc dịch vụ, Kiểm tra trên Internet Banking, Nhắn tin SMS Banking…

Viết một bình luận