Nhà sản xuất lãi lớn
Tháng 3/20011, Công ty CP Sữa Vinamilk tăng giá thu mua sữa bò tươi nguyên liệu lên 11.300 - 12.000 đồng/kg. Song, theo các hộ chăn nuôi bò sữa tại Ba Vì (Hà Nội), nhiều tháng qua, giá thu mua sữa tươi tại các hộ chăn nuôi vẫn ở mức trên dưới 10.000 đồng/kg, rất ít trường hợp thu mua lên đến 12.000 đồng/kg. Bà Hoàng Thúy Hằng, chủ một hộ chăn nuôi bò sữa ở Ba Vì nói: Gần 1 năm qua, dù giá sữa tươi của nhiều công ty sữa bán ra thị trường tăng, nhưng giá thu mua tại các hộ gia đình nuôi bò sữa không tăng, phần lớn vẫn giữ ở mức 9.500 - 10.200 đồng/kg.
So với sữa bột, sữa tươi dễ sản xuất, giá thành rẻ hơn rất nhiều. Theo tính toán của giới chuyên môn, với giá thu mua sữa tươi tại hộ chăn nuôi từ 10.000 - 11.000 đồng/kg sau khi cộng các chi phí vận chuyển, xử lý tiệt trùng, đóng hộp thì giá thành mỗi lít sữa cũng chỉ ở mức gần 20.000 đồng. Trong khi đó, giá sữa tươi hiện giao động từ 28.000 - 40.000 đồng/lít (tùy loại, tùy hãng).
Đó là chưa kể, một số hãng không sử dụng sữa bò tươi nguyên chất mà pha trộn với sữa bột, thậm chí sử dụng 100% sữa bột để hoàn nguyên bán ra thị trường với giá tương đương sữa bò tươi nguyên chất nên càng lãi cao. Trong bài toán bán - mua, chủ yếu các nhà sản xuất được hưởng lợi.
Người chăn nuôi và người tiêu dùng cũng biết rõ mình đang bị nhà sản xuất trục lợi. Trong khi, nhà sản xuất sẽ tăng giá mua sữa nguyên liệu, còn người chăn nuôi chỉ lấy công làm lãi, người tiêu dùng thì phải cắn răng chịu đựng!
Hiện giá thức ăn cho bò đã tăng, nhưng đại diện của một số công ty sữa cho biết, vẫn chưa có kế hoạch điều chỉnh giá thu mua sữa nguyên liệu tại các hộ chăn nuôi. Ông Lưu Văn Tân, Trưởng phòng Phát triển ngành sữa Hãng FrieslandCampina phân bua: “Giá thu mua sữa có tăng hay không còn phải do thị trường quyết định”. Thực tế, gần 1 năm nay, thị trường sữa tươi đã 4 - 5 lần tăng giá, nhưng nhiều công ty thu mua sữa vẫn không tăng giá cho người chăn nuôi.
![]() |
Dây chuyền sản xuất sữa tươi Vinamilk |
Cũng theo ông Tân, mỗi ngày công ty thu mua 200 tấn sữa tại các hộ chăn nuôi bò sữa. Ông Vương Ngọc Long, Trưởng phòng Phát triển ngành sữa Vinamilk cho biết, đơn vị này thu mua sữa tại hộ dân khoảng 350 tấn/ngày. Với số lượng thu mua trên, theo các hãng sữa, cũng chỉ đáp ứng được 25 - 30% nguyên liệu sản xuất, số còn lại phải nhập khẩu. Do vậy, một trong những lý do mà các nhà sản xuất thường đưa ra mỗi khi tăng giá sữa: phụ thuộc vào nguyên liệu ngoại nhập.
Người tiêu dùng chuyển hướng…
Giá sữa tươi tại New Zealand, Ấn Độ, Indonesia… rẻ hơn Việt Nam bởi giá thành sản xuất của họ thấp. Còn trong nước, đất trồng cỏ ít, nguyên liệu sản xuất thức ăn phần lớn đều phải nhập khẩu nên giá cao hơn. Vì vậy, nhiều công ty kinh doanh đã nhập sữa tươi về Việt Nam bán.
Tại thị trường Hà Nội, có mặt nhiều thương hiệu sữa nổi tiếng của Đức, Australia, New Zealand, Pháp… Xét về giá thành thì sữa trong nước và sữa nhập khẩu không chênh nhau là mấy. Vì vậy, người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển sang dùng sữa tươi nhập khẩu. Chị Lê Trà My (Mỹ Đình - Hà Nội) cho biết: “Một số loại sữa tươi do Việt Nam sản xuất có giá bán bằng hoặc cao hơn sữa nhập khẩu. Vì thế, tôi thường mua sữa Newburger (Đức) về dùng”.
Ông Phạm Gia Khải - TGĐ Công ty CP Dược phẩm Việt Nam - nhà phân phối sản phẩm sữa tươi Newburger nêu: Sữa tươi nhập khẩu có giá bán lẻ không cao hơn so với hàng nội. Mặc dù, hiện nay trên thị trường có rất nhiều thương hiệu sữa tươi khác nhau, nhưng Công ty vẫn quyết định nhập khẩu sữa tươi Newburger vì chất lượng tốt và giá thành cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại”.
Hiện nay, người tiêu dùng vẫn có thói quen dùng “hàng xách tay” với giá cao mà chưa chắc đã là hàng thật, hàng đúng hãng. Bên cạnh đó, trong quá trình vận chuyển, nếu bảo quản không cẩn thận, sữa sẽ hỏng. Vì thế, người tiêu dùng nên tỉnh táo để chọn cho mình những sản phẩm được phân phối qua những kênh chính thống nhằm bảo vệ sức khỏe và quyền lợi… khi có sự cố xảy ra.
Thành Vinh