
Trong khi nhiều nước trong khu vực giàu có tài nguyên, con người… nhưng vài thập kỷ nay vẫn luẩn quẩn trong vòng thu nhập trung bình, thì Singapore xây dựng nền kinh tế từ xuất phát điểm thấp với nguồn tài nguyên gần như ở con số 0, nhưng hiện giờ GDP đầu người của nước này đứng hàng đầu thế giới. Có được điều này là nhờ nguồn vốn FDI quy mô lớn, liên tục chảy vào quốc đảo dù kinh tế thế giới khủng hoảng hay không.
Trong bốn thập kỷ qua, tăng trưởng GDP bình quân của Singapore đã đạt 10%. Tỉ lệ FDI so với GDP đã tăng từ 5,3% năm 1965 lên 98,4% những năm gần đây, đạt mức cao nhất ở khu vực Đông Nam Á và hàng đầu thế giới. Tỉ trọng của FDI trong các ngành phi chế biến đã tăng từ 46,7% năm 1980 lên 63,4% năm 1997. Trong các năm 1997-1998, các Cty nước ngoài đã tuyển dụng 50,5% số lao động trong ngành chế biến, 29,1% lao động trong lĩnh vực thương mại và 25,7% lao động trong lĩnh vực tài chính. Một cơ cấu hợp lý tạo ra sự ổn định phát triển kinh tế.
Trong thời kỳ 1985 - 1986, tiền lương tăng lên và Singapore nhận thấy, chỉ có thể giữ vững nền kinh tế bằng cách nâng cấp FDI và nâng cao khả năng cạnh tranh của lực lượng lao động so với những nước láng giềng có chi phí thấp, Hội đồng phát triển kinh tế (EDB) đã tập trung vào những ngành có hàm lượng tri thức cao để có thể trả tiền lương cao hơn.
Nguồn vốn FDI quy mô lớn liên tục chảy vào quốc đảo Singapore dù kinh tế thế giới khủng hoảng hay không. |
Để giải quyết việc thiếu lao động có kỹ thuật, các Cty được khuyến khích tuyển dụng lao động nước ngoài. Gần đây, EDB đã bắt đầu thu hút các trường đại học nước ngoài. Chương trình “khu vực hoá” của EDB khuyến khích các Cty xây dựng các cơ sở có hàm lượng kỹ năng cao tại Singapore và chuyển ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động và đất đai ra nước ngoài. Việc đánh 4% thuế đối với chủ sử dụng lao động trả lương cho công nhân thấp hơn mức quy định là một cách có hiệu quả để buộc các Cty tăng cường nâng cao kỹ năng cho công nhân. Sau các cuộc khủng hoảng năm 1985, tuy mức thuế này được giảm xuống 1%, nhưng vẫn có vai trò quan trọng trong việc nâng cao kỹ năng.
Gần đây hơn, EDB đã áp dụng cách tiếp cận theo cụm, tập trung vào những Cty thuộc các ngành điện tử - bán dẫn, hoá dầu và công nghiệp chế biến. Cách tiếp cận theo cụm là một công cụ của chính sách công nghiệp nhằm thu hút FDI đồng thời tăng cường các mối liên kết và các tác động lan toả; phát hiện các khoảng cách và tiềm năng, giúp chính phủ có chính sách tránh được những nguyên nhân cơ bản gây ra sự thất bại của thị trường và có thể hỗ trợ các dịch vụ hoặc chuẩn bị kết cấu hạ tầng cho mục đích sử dụng chung. Năm 1994, EDB đã bắt đầu một Chương trình Phát triển Cụm trị giá 1 tỉ đô la Singapore và gần đây đã tăng quy mô lên gấp 3 lần. Nước này cũng đã chuẩn bị các công viên sản xuất đặc biệt và xây dựng dự án trị giá 6 tỉ đôla Singapore để khai hoang Quần đảo Jurong cho cụm công nghiệp hoá dầu. EDB đầu tư vào các trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển), nhằm tăng cường mạnh hơn giá trị của cụm và phát huy tốt hơn những lợi thế bản địa. Cơ quan không quên đẩy mạnh phát triển hạ tầng, phát triển thương mại tự do, thể hiện qua các các rào cản thương mại (thuế quan và phi thuế quan) rất thấp và sự áp dụng rộng rãi các giấy chứng nhận tiêu chuẩn ISO.
Trung Quốc hiện đang áp dụng mô hình thu hút FDI của Singapore với sự ra đời các đăc khu kinh tế mô hình Singapore từ năm 1980. Và hiện nay, Chính phủ chỉ khuyến khích FDI đầu từ vào các ngành có nguồn chất xám cao: hóa dầu, công nghệ, tài chính… Không phải ngẫu nhiên trên 500 tập đoàn đa quốc gia lớn nhất toàn cầu hiện đã có mặt tại Trung Quốc…
(Theo DĐDN)