Các cơ quan chức năng đã vào cuộc. Những tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 28/3/2012 về việc thấm nước tại đập của công trình thủy điện này, do Bộ Công Thương tổ chức, đã phần nào trấn an dư luận. Tuy nhiên, đại diện UBND tỉnh Quảng Nam vẫn tỏ ra băn khoăn vì "các nhà khoa học nói khác".
Nhiều ý kiến lo ngại
Trong nhiều ngày qua, sự cố đập thủy điện sông Tranh 2 đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia về đập, thủy lợi, địa chất; các nhà khoa học trong nước. Rất nhiều ý kiến đều cho rằng, tình trạng nứt, rò rỉ nước tại đập thủy điện sông Tranh 2 là bất thường, tối kỵ.
GS. TS Đào Trọng Tứ, cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, nguyên Phó tổng thư ký Hiệp hội sông MêKông khẳng định, về nguyên tắc xây dựng đập thủy điện, các khe nhiệt ở giữa có lớp vật liệu đàn hồi dẻo hoặc gioăng bằng đồng giãn nở, tuyệt đối không cho phép nước từ lòng hồ rò rỉ qua khe nhiệt của thân đập. Nếu đập chính thủy điện mà xuất hiện vết nứt, nước thẩm thấu chảy mạnh xuyên qua thân đập như ở Thủy điện sông Tranh 2 thì rất nguy hiểm.
Chiều 21/3, sau cuộc họp công bố kết luận ban đầu nguyên nhân nứt, rò nước đập chính Thủy điện sông Tranh 2, TS. Bùi Trung Dung, Phó cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) khẳng định, rò nước đập do lỗi thiết kế. "Để xảy ra tình trạng này thì đó là sai sót từ nhiều khâu, trong đó có khuyết điểm từ khâu quản lý của chủ đầu tư đến thiết kế, thi công, tư vấn giám sát, vận hành công trình và nhà thầu tham gia bảo hành, bảo dưỡng…", ông Dung cho biết.
Kiểm tra tại hiện trường, Đoàn công tác liên ngành tỉnh Quảng Nam ghi nhận có đến 7 vệt nước chảy ra từ thân đập chính Thủy điện sông Tranh 2. Ông Trần Văn Hải, chủ đầu tư công trình thủy điện này đã thừa nhận: "Việc rò rỉ nước ở đập chính thủy điện là có vấn đề".
Trong cuộc họp với BQL DA Thủy điện 3, EVN và các cơ quan chức năng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là an dân. Nếu để xảy ra sai sót, sự cố ở công trình Thủy điện sông Tranh 2 thì không chỉ là trách nhiệm của chủ đầu tư, mà là trách nhiệm của toàn Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Nam. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đề nghị các bộ, ngành Trung ương cần vào cuộc giải quyết vấn đề. Nếu cần, có thể hạ bớt mực nước hồ chứa Thủy điện Sông Tranh 2 để xử lý căn cơ vết nứt, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân vùng hạ du.
![]() |
Khắc phục sự cố tại Thủy điện sông Tranh 2 |
“Sẽ không xảy ra sự cố nguy hiểm!”
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Bộ Công Thương, chủ đầu tư công trình, Công ty Thiết kế, Ban quản lý công trình… một lần nữa khẳng định: Sự cố xảy ra tại Công trình Thủy điện sông Tranh 2 vừa qua là hoàn toàn có thể kiểm soát được. Hiện đập vẫn an toàn, ổn định và sẽ không đe dọa đến tính mạng người dân!
Bộ Công Thương cho biết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang chỉ đạo Ban Quản lý dự án Thủy điện 3 xử lý để loại trừ các nguyên nhân trên như thông tắc các lỗ khoan thoát nước thân đập, thu gom nước thấm trong hành lang thu nước đưa về hố xả theo đúng thiết kế. Đồng thời, EVN khảo sát lập phương án xử lý giảm tổng lượng thấm qua đập. Đến hết ngày 27/3, lượng nước thấm qua khe nhiệt số K16, K18, K21, K24, K28 về phía hạ du đã giảm cơ bản, còn lại khe nhiệt K11 tiếp tục xử lý.
Thủy điện sông Tranh 2 có tổng mức đầu tư 5.194 tỷ đồng, được xây dựng từ tháng 3/2006, gồm 2 tổ máy có tổng công suất 190 MW. Cuối năm 2010, cả 2 tổ máy này đều chính thức phát điện. Hiện dung tích hồ chứa nước của Thủy điện sông Tranh 2 thuộc diện lớn nhất miền Trung, với khoảng 730 triệu m3 nước, được thiết kế cao hơn vùng hạ lưu khoảng 100 m. Sản lượng điện phát trung bình hàng năm là 679,6 triệu kWh, là bậc thang thứ 2 nằm trên sông Tranh. Công trình chính thuộc địa phận các xã Trà Đốc, Trà Tân (Bắc Trà My, Quảng Nam). |
"Ngay sau khi phát hiện, triển khai các giải pháp hạn chế nước ra hạ lưu thì lượng nước chảy về hạ lưu thoát ra từ đập chỉ còn 7 - 8 lít/giây. Lượng nước thấm ra mái đập hạ lưu đã giảm đáng kể", Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết.
Tuy nhiên, điều khiến dư luận nghi ngại đó là các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm đối với công trình thủy điện này đều thừa nhận “việc để nước thấm qua các khe nhiệt ra hạ lưu là không được phép”; “không nằm trong thiết kế”… Ông Nguyễn Tài Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1, đơn vị tư vấn thiết kế Thủy điện sông Tranh 2, khẳng định: “Rung trọng khi nghiệm thu công trình là 2,45 tấn/m3, vượt chỉ tiêu thiết kế nên trọng lượng đập rất an toàn. Tuy nhiên, khiếm khuyết là nước thấm hơi lớn. Sông Tranh 2 chưa ở trong giai đoạn nghiệm thu cuối cùng mà đang ở giai đoạn tích nước. Nếu không đảm bảo an toàn thì không ai cho vận hành đập. Kết cấu các khe nhiệt có khiếm khuyết và việc khắc phục làm chưa bài bản - đã dẫn đến hiện tượng phun nước, gây phản cảm trong dư luận".
Cũng theo ông Sơn, lưu lượng nước thấm 30 lít/giây là không bình thường, vì nó tập trung ở 4 khe nhiệt. Cần phải tập trung xử lý tốt 4 khe nhiệt này, sẽ phải mất một vài tháng. Tuy nhiên, việc xử lý không ảnh hưởng tới ổn định của đập.
Khi được hỏi về cơ quan, đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm trước sự cố trên, ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định chất lượng công trình cho rằng, cần phải tuần tự từng bước, không nên nóng vội. Trách nhiệm công trình thuộc về chủ đầu tư và các nhà thầu. Do đó, khi để xảy ra hiện tượng thấm nước thì chính các đơn vị này phải đưa ra giải pháp rồi tự khắc phục và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Sau đó mới đến chuyên gia góp ý tư vấn”.
Những tuyên bố khẳng định của các cấp lãnh đạo, các đơn vị chịu trách nhiệm đối với công trình Thủy điện sông Tranh 2 - vẫn chưa thể khiến lãnh đạo của tỉnh Quảng Nam hết băn khoăn. Ông Đoàn Văn Thu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng: “Các chuyên gia, các nhà khoa học và EVN chưa có sự thống nhất. Hôm nay ngồi đây, chúng ta nói thế này, nhưng các nhà khoa học lại nói khác".
Và không chỉ ông Thu, mà những người dân tại các xã Trà Đốc, Trà Tân, huyện Bắc Trà My cũng như dư luận cả nước đang hết sức lo lắng. Dù lãnh đạo có cam kết an toàn, nhưng nước tại đập thủy điện vẫn đang chảy thành dòng, thành suối, trong khi nhiều ý kiến trái chiều của các nhà khoa học vẫn tiếp tục được nêu ra… Như thế, người dân làm sao an lòng?