Khái quát về mô hình TĐKT hiện nay, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đặng Huy Đông nhận định, việc tổ chức, quản lý điều hành của TĐKT còn chậm được đổi mới, các hình thức liên kết khá đơn điệu; tổ chức quản lý của công ty mẹ và các doanh nghiệp thành viên còn nhiều bất cập; hoạt động kiểm soát thành viên và kiểm soát nội bộ còn mang tính hình thức và thiếu hiệu quả; cơ chế thù lao, lương thưởng còn nhiều bất cập…
Mặc dù mô hình TĐKT hiện mới chỉ có hình hài và “vừa làm vừa rút kinh nghiệm”, nhưng theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, không tính Vinashin, 11 TĐKT còn lại đang nắm giữ 30% tổng giá trị tài sản, 51% tổng số vốn chủ sở hữu và gần 40% lao động của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Nếu tính trong tổng số doanh nghiệp của toàn bộ nền kinh tế thì 11 tập đoàn chiếm tới 10% tổng giá trị tài sản, trên 14% tổng số vốn chủ sở hữu và 7,6% lao động hợp đồng dài hạn. So với thời điểm mới thành lập, quy mô của các TĐKT tăng bình quân 120%, vốn chủ sở hữu tăng hơn 75%, vốn nhà nước tăng 175%...
“Tuy nhiên, rất khó để có thể kết luận rằng, sự tăng nhanh về quy mô của các TĐKT là do quá trình tích tụ và tập trung. Thực tế ở một số tập đoàn cho thấy, việc tăng mạnh về quy mô tài sản, vốn chủ sở hữu, vốn nhà nước và quy mô nguồn nhân lực là do cộng cơ học các tổng công ty/công ty để hình thành tập đoàn, do có sự đầu tư của Nhà nước, lợi thế độc quyền, chi phối thị trường từ tổng công ty chuyển sang”, ông Đông nói rõ thêm và cho biết, hầu hết các TĐKT đều kinh doanh có lãi, nhưng để đánh giá chính xác về hiệu quả 2 sản xuất - kinh doanh thì còn rất nhiều vấn đề đặt ra, tuy nhiên, về bức tranh tổng thể có thể hình dung, ngoại trừ Vinashin, 11 tập đoàn còn lại đều kinh doanh có lãi nhưng mức lãi không cao và có xu hướng giảm dần qua các năm.
Cũng do mô hình “quả đấm thép của nền kinh tế” vẫn trong giai đoạn thí điểm và mới chỉ có “hình hài” nên cho dù việc đầu tư ra ngoài ngành đã bị Chính phủ “tuýt còi” từ năm 2008 do hiệu quả không cao, song báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cho đến thời điểm này, nhiều TĐKT vẫn tiếp tục đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính.
Các TĐKT đều kinh doanh đa ngành trên cơ sở tận dụng phương tiện, tài sản và nhân lực sẵn có từ ngành nghề kinh doanh chính để đầu tư ra ngoài ngành. Ngay cả một số tập đoàn có năng lực tài chính còn hạn chế, thiếu vốn đầu tư vào ngành nghề kinh doanh chính nhưng vẫn “tập trung” đầu tư ra ngoài ngành, đầu tư vào những lĩnh vực mà khu vực kinh tế tư nhân sẵn sàng đầu tư.
Hiện tổng mức đầu tư ra ngoài ngành của 11 tập đoàn là trên 19.500 tỷ đồng, trong đó PVN đầu tư 6.708 tỷ đồng, EVN đầu tư hơn 2.107 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp cao su đầu tư 3.848 tỷ đồng… Cũng như nhiều tập đoàn khác, 3 tập đoàn này “rất chuộng” đầu tư vào lĩnh vực nhạy cảm và đầy rủi ro như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản và quỹ đầu tư (PVN đầu tư vào lĩnh vực nhạy cảm 5.636 tỷ đồng, EVN đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng…).
“Việc các tập đoàn sử dụng uy tín, nguồn lực của Nhà nước để đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mà khu vực tư nhân có thể làm được đã làm giảm cơ hội và hạn chế sự phát triển của khu vực kin tế tư nhân. Thực tế cho thấy, việc đầu tư ra ngoài ngành không mang lại hiệu quả, thậm chí thua lỗ, gây hệ luỵ cho sự phát triển chung của tập đoàn”, ông Đông kết luận.
Mặc dù hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của TĐKT khá thấp và còn khá nhiều hạn chế, bất cập trong quản lý, điều hành, tuy nhiên, tại Hội nghị Sơ kết mô hình TĐKT vừa diễn ra sáng nay, đại diện các tập đoàn ngoài việc báo cáo thành tích, nêu bật những đóng góp của họ cho nền kinh tế, cho xã hội còn cho rằng, những hạn chế hiện nay chủ yếu là do cơ chế.
Chủ tịch HĐTV VNPT, ông Phạm Long Trận cho rằng, cơ chế quản lý TĐKT quá gò bó, “làm việc gì cũng phải xin phép” khiến nhiều tập đoàn bỏ lỡ cơ hội đầu tư. “Khi thành lập tỉnh Điện Biên, chúng tôi thực hiện tách Bưu điện Lai Châu thành Bưu điện Lai Châu và Bưu điện Điện Biên cũng mất rất nhiều thời gian và phải xin phép rất nhiều bộ ngành”, ông Trận nói và đề nghị nên phân cấp, phân quyền cho tập đoàn nhiều hơn nữa.
“Sau khi khai thác xuống dưới lòng đất 500-600 mét, chúng tôi phát hiện mỏ than còn có thể khai thác xuống tiếp nhưng để được khai thác lại phải xin ý kiến của nhiều bộ ngành nên mất rất nhiều bộ, ngành. Để tạo điều kiện cho TĐKT, cần phải phân cấp mạnh hơn nữa”, đại diện Vinacomin hưởng ứng.
Trong khi đó, Tổng giám đốc Viettel, ông Hoàng Anh Xuân lại cho rằng, không nên cực đoan đầu tư ra ngoài ngành. “Chúng tôi kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông, hiện tại lĩnh vực này đã bão hoà, hiệu quả đầu tư không cao, tôi có vốn, nều không cho đầu tư ngoài ngành thì chúng tôi biết đầu tư vào đâu”, ông Xuân đặt câu hỏi.
Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết TĐKT, đại diện cho EVN - Tập đoàn có nhiều “tai tiếng nhất” trong thời gian gần đây - ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN thay vì cam kết với lãnh đạo Chính phủ, với người dân về việc chấn chỉnh những hạn chế, khiếm khuyết để nâng cao hiệu quả hoạt động, thoái vốn đã “lỡ” đầu tư ngoài ngành để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính lại kiến nghị Chính phủ “quan tâm đến giá điện”, thực hiện giá điện theo đúng cơ chế thị trường.
“Nếu giá điện không hợp lý sẽ không thể huy động được vốn để đầu tư vào ngành điện thì tình trạng thiếu điện khó có thể khắc phục”, ông Thanh nhấn mạnh.
(Theo Báo đầu tư)