Tạo sự chuyển biến
Từ năm 1988 đến năm 2010, ĐBSCL đã thu hút 657 dự án FDI với số vốn đăng ký 9.890,9 triệu USD, vốn thực hiện được gần 30% (chỉ tính phần vốn còn hiệu lực), bằng 4,8% tổng số dự án FDI so cả nước, bằng 4,6% số vốn đăng ký trên cả nước và bằng 5% đầu tư xã hội của vùng.
Báo cáo tình hình thu hút FDI ở ĐBSCL cho thấy: giai đoạn 2001 - 2010 có tốc độ tăng đáng kể, tăng bình quân từ 25 - 30%, đặc biệt là năm 2007 và 2010 tăng mạnh (12/13 tỉnh, thành phố thu hút được FDI). Về lĩnh vực đầu tư, số dự án liên quan đến lĩnh vực sản xuất sản phẩm nông nghiệp và chế biến nông - thủy sản chiếm tỷ trọng 35 - 40% số dự án; FDI trong ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và công nghiệp gia công lắp ráp chiếm 40 - 45%, các dự án đầu tư liên quan lĩnh vực tài chính, bất động sản và dịch vụ du lịch giải trí chiếm 10 - 15%. Riêng đối với ngành du lịch, dự án đầu tư phát triển còn hạn chế về số lượng và quy mô, điều này cho thấy cơ cấu đầu tư lĩnh vực dịch vụ - du lịch chiếm tỷ lệ chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế du lịch của vùng.
Ngoài nguồn FDI ở ĐBSCL, còn có nguồn ODA và nguồn vốn viện trợ từ NGOs (tổ chức phi chính phủ), đã đóng góp và tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Điều này thể hiện tính hiệu quả của việc phân bổ vốn, vận động nguồn ODA và NGOs đưa vào - góp phần váo sự phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội của vùng (phát triển hạ tầng kinh tế, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, nghiên cứu và phát triển, vệ sinh môi trường và nước sạch, hỗ trợ doanh nghiệp...). Từ năm 2006 đến 31/12/2010, tổng số vốn ODA đã ký kết cho các tỉnh vùng Tây Nam Bộ khoảng 1.899,8 triệu USD, trong đó vốn vay khoảng 1.700 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 99 triệu USD.
Tính đến nay, tỉnh Bến Tre có khoảng 60 chương trình, dự án và các khoản viện trợ sử dụng nguồn vốn NGOs, tổng vốn cam kết tài trợ khoảng 9 triệu USD. Tỉnh Sóc Trăng đã tiếp nhận gần 100 chương trình, dự án với tổng giá trị cam kết trên 5.2 triệu USD (2005 - 2010). Cần Thơ có 23 dự án viện trợ với tổng ngân sách cam kết hơn 1 triệu USD (2010 & 6 tháng 2011). Cà Mau có 11 tổ chức ký cam kết, ghi nhớ viện trợ với tổng giá trị cam kết trên 14.5 triệu USD (2010 và 6 tháng 2011). Tỉnh Trà Vinh đã tiếp nhận viện trợ của 10 tổ chức NGOs với 13 chương trình, dự án với tổng giá trị là 208.084 USD (6 tháng đầu năm 2011)…
Tăng tốc phát triển
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga cho biết, việc thu hút FDI, ODA hay NGOs ở ĐBSCL chưa có chất lượng phụ thuộc vào môi trường đầu tư. Qua nghiên cứu tại các cơ quan quản lý đầu tư ở ĐBSCL cho thấy, phần lớn các tỉnh trong vùng chưa ban hành quy chế quản lý FDI, ODA và NGOs trên địa bàn. Chính vì vậy, phần nào đã làm cho các nhà đầu tư nước ngoài e ngại khi tìm hiểu đầu tư.
Thông tin về chính sách thu hút FDI, thông tin kinh tế, chính sách liên quan đến đầu tư nước ngoài, thông tin về cơ hội đầu tư không được các địa phương thường xuyên quan tâm cập nhật trên website. Một trong những nguyên nhân chính đó là các tỉnh, thành phố vẫn thụ động và “đơn giản hóa” trong tuyên truyền vận động xúc tiến đầu tư, hình thức xúc tiến đầu tư chưa đa dạng, chưa chú ý đến từng dự án cụ thể, từng lĩnh vực cụ thể, có tiềm năng, chưa gắn chặt đầu tư với xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Trọng Minh - chuyên gia kinh tế, giảng viên Trường Đại học Đồng Tháp cho rằng, khó khăn lớn trong hoạt động thu hút đầu tư ở ĐBSCL là việc chuẩn bị mặt bằng địa điểm xây dựng cho các dự án FDI, ODA do quỹ đất công của từng địa phương còn rất hạn chế, hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật liên quan rời rạc, hạ tầng giao thông phát triển chậm. Ngoài ra, còn thiếu quy hoạch tổng thể phát triển FDI theo chiều sâu, thiếu quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp sản xuất mũi nhọn của ĐBSCL. Do đó, đang xuất hiện tình trạng cạnh tranh cục bộ giữa các tỉnh trong kêu gọi và thu hút FDI…
Nhiều đại biểu cho rằng, để tối ưu hóa phát triển các hoạt động kinh tế đối ngoại ĐBSCL, cần chọn một tỉnh “dẫn đàn” và “bay” trước theo mô hình đàn ngỗng trong điều kiện đặc trưng lợi thế lớn nhất có thể, tối ưu hóa tầm nhìn là để các tỉnh ĐBSCL có thể nhìn thấy nhiệm vụ và “tầm bay” của mình. Khi thực hiện được mô hình “đàn ngỗng” này, cái lợi trước mắt là đã xóa bỏ được các hoạt động kinh tế theo mô hình hàng ngang “đàn cua” đang tồn tại ở ĐBSCL theo kiểu mạnh ai nấy bò. Điều đó cũng sẽ tạo điều kiện cho Chính phủ thuận tiện trong công tác đầu tư, hạn chế được sự dàn trải trong phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế; tạo ra những điều kiện để hình thành cụm công nghiệp (cluster) - phát triển các chuỗi giá trị sản xuất phục vụ xuất nhập khẩu và dần dần đi đến phát triển logistics.
Các chuyên gia khẳng định, cần tập trung xây dựng chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài - trên cơ sở quy hoạch tổng thể quỹ đất của vùng dành cho xây dựng các cụm ngành công nghiệp chế biến phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Làm tốt điều đó, sẽ góp phần khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nông nghiệp đặc thù tại ĐBSCL.
Ngọc Trâm