Ngoài việc đẩy mạnh các giải pháp nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo, để khẳng định thương hiệu của chính mình, nhà trường đã đầu tư cơ bản về trang thiết bị dạy nghề, đáp ứng nhiệm vụ đào tạo từ nguồn vốn chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Nghị định 1956 của Chính phủ và dự án “Đổi mới và phát triển dạy nghề” giai đoạn 2011-2020.
Do xác định việc đào tạo nghề phải gắn liền với công tác giải quyết việc làm, nên nhiều năm qua, đã có từ 90-95% học sinh sau khi tốt nghiệp từ mái trường này có việc làm và thu nhập ổn định.
Phát huy kết quả đạt được, chuẩn bị cho năm học mới 2016-2017, Trường Trung cấp nghề kỹ thuật công nghiệp Nam Định đang tập trung triển khai hàng loạt các biện pháp hữu hiệu, cố gắng thu hút ít nhất 30% học sinh học hết lớp 9 trên địa bàn vào học nghề theo đúng tinh thần Chỉ thị số 10/CT-TW của Bộ Chính trị về công tác phân luồng trong giáo dục đào tạo đến năm 2020, trong đó, có việc tổ chức đào tạo công nhân kỹ thuật có trình độ trung, sơ cấp nghề, nhằm thỏa mãn nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế mũi nhọn như:
Cơ khí chế tạo, điện khí hóa, may, v.v… đáp ứng cho các ngành công nghiệp và xuất khẩu lao động, phục vụ mục tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
Đây là một trong số ít trường dạy nghề trọng điểm toàn quốc đạt cấp độ 3 – Cấp độ cao nhất trong thực hiện công tác kiểm định chất lượng dạy nghề, trở thành một địa chỉ đào tạo tin cậy của số đông thanh niên, học sinh và người lao động trong vùng kinh tế trọng điểm ở địa phương và vùng nam đồng bằng sông Hồng, xứng danh đơn vị liên tục dành cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh Nam Định trao tặng.
Trần Việt