![]() |
Nhà báo Xuân Phong nhận Giải Ba – Giải báo chí toàn quốc về 1000 năm Thăng Long – Hà Nội |
Trong trường hợp giao tiếp để lấy thông tin và viết bài chống tiêu cực bị khước từ, PV phải có cách ứng xử khéo léo và thận trọng. Đây là một hoàn cảnh giao tiếp có nhiều khó khăn, nhiều tình huống phức tạp phải ứng xử. Có thể, có các tình huống xảy ra như, tiêu cực ở nơi định viết, đã được phanh phui và kết luận; hoặc đang trong quá trình điều tra, hoặc đã xét xử thành án. Đó là những trường hợp có sự vi phạm lớn. Còn trong trường hợp vi phạm nhỏ, hoặc vi phạm tương đối lớn nhưng vẫn nằm trong phạm vi xử lý nội bộ, đã xử lý hoặc chưa xử lý..., nếu phải giao tiếp để lấy thông tin thì mỗi tình huống, PV phải có một cách xử lý khác nhau.
Chống tiêu cực là một cuộc đấu tranh phức tạp ngoài xã hội, phản ánh vào cuộc đấu tranh tư tưởng nội bộ. Những kẻ tham nhũng, hối lộ tìm mọi cách chống lại, họ bất chấp cả pháp luật, đạo lý và dĩ nhiên không ưa gì báo chí. Không khi nào họ chịu cung cấp thông tin thực cho PV; họ tìm mọi cách để khước từ tiếp xúc báo chí, thậm chí có thể mua chuộc PV. Cho nên, PV phải bằng cách tiếp xúc với các cơ quan điều tra, giám sát và xét xử. Đối với các cơ quan công an, viện kiểm sát và tòa án thì việc chống tiêu cực lại trở thành việc tích cực, họ sẵn sàng cung cấp thông tin cho báo chí, sẵn sàng giao tiếp với PV. PV đến các cơ quan này có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, khi các vụ việc tiêu cực đang trong giai đoạn điều tra, thì đây lại là vấn đề bí mật chưa được phép công bố. Chỉ khi nào cơ quan kiểm sát khởi tố, lúc đó tin tức về các vụ việc mới được từng bước công bố trước dư luận và khi đã xét xử, thành án, vụ việc mới được công bố hoàn toàn.
Cái khó là báo chí phải tìm cách nêu các biểu hiện tiêu cực khi nó còn chưa nghiêm trọng, để ngăn ngừa và xử lý kịp thời. Việc này thường phải giao tiếp với những đối tượng không dính líu tới các vụ tiêu cực, song lại là người trong cuộc hoặc có liên quan, có thể biết được những việc ấy. Mỗi người có thể biết được một số khía cạnh từ những góc độ khác nhau. Cho nên, PV phải khai thác thông tin từ nhiều phía, nhiều nguồn. Trong trường hợp này, PV phải như là những cán bộ điều tra hình sự, tốn nhiều công sức. Cũng có khi, những đơn vị, DN có các hiện tương tiêu cực ở mức độ chưa nghiêm trọng - đã tự giác công bố thông qua các cuộc tổng kết hoạt động, hoặc công tác thanh tra trong ngành, cũng như kiểm tra nội bộ đảng. PV có thể tìm cách khai thác các thông tin đó. Song, thường là những đối tượng này không muốn tiếp xúc với PV, hoặc có tiếp xúc nhưng không mặn mà và không chịu phanh phui hết sự thật.
Để tìm hiểu tình hình được tốt, PV thường phải áp dụng những phương pháp, phương thức phù hợp, như đặt mục đích chủ yếu là xem xét các bài học kinh nghiệm, chuyển việc khơi thác thông tin về hiện tượng tiêu cực thành khơi thác thông tin về hiện tượng tích cực, lấy việc đấu tranh chống tiêu cực, dũng cảm phanh phui tiêu cực làm chính… Nói cách khác, chuyển mặt tiêu cực thành mặt tích cực, gắn liền việc phê phán mặt tiêu cực với việc biểu dương mặt tích cực, tức là mặt đấu tranh chống tiêu cực của họ. Phải vận dụng quan điểm của Đảng và lời dạy của Hồ Chủ tịch, có khuyết điểm cũng chưa đáng sợ, cái đáng sợ là có khuyết điểm mà không nhận ra, hay không dám nhận và không kiên quyết sửa chữa, nếu dám nhận khuyết điểm và kiên quyết sửa chữa, thì khuyết điểm hóa thành ưu điểm. Như vậy, khơi thác thông tin về tiêu cực và chống tiêu cực vẫn tạo được một không khí phấn khởi và thoải mái, tự nhiên. Trong quá trình giao tiếp, khơi thác thông tin, PV phải có thái độ đúng mực, biểu thị đồng cảm với những khó khăn, những lý do và bối cảnh mà họ phạm phải sai lầm.
Khai thác những thông tin loại này phải thật tỉnh táo, nhất là đăng lên báo lại càng phải thận trọng. Phải thông qua cấp có thẩm quyền quyết định. PV phải có trách nhiệm đầy đủ, nếu đăng sai sẽ bị phản ứng kịch liệt. Hoặc tin đúng, nhưng không có chứng cứ xác đáng cũng sẽ bị phản ứng. Trường hợp PV sai, phải dũng cam nhận và cần đính chính...
Xuân Phong
Nghề... “bếp núc”
![]() |
Thời báo Doanh nhân - nơi tôi thân thuộc và gắn bó - PV Thanh Hà |
Đoạn đường từ cơ quan về nhà tôi không xa, dẫu quen thuộc, nhưng hôm nay bỗng trở nên xa lạ. Mặt đường như rộng ra, vắng hoe... Lúc đó, đã là 12 giờ đêm.
Thành phố đang chìm trong giấc ngủ. Lác đác cửa hàng sáng đèn. Thấp thoáng vài gánh hàng rong lặng lẽ mưu sinh. Đâu đó, đám thanh niên tóc xanh, tóc đỏ tụ tập bên đường. Thi thoảng, mấy “con” xe máy rồ ga, phóng vút qua khiến tôi phát hoảng. Thầm cầu trời phù hộ cho về tới nhà bình an!
Thường, giờ này tôi đã ôm con ngủ ngon giấc. Hồi chưa có con, tôi là người nhát gan - chẳng dám đi đâu sau 9 giờ tối nếu không có “ông xã” đi cùng. Nhưng bây giờ thì đành phải cắt cử chồng trông con nên dù về muộn, tôi vẫn phải… liều!
Dựng xe trước cửa nhà, tim đập dồn dập, chân run, tôi mở cửa thật lẹ để mau vào nhà kẻo làm mọi người giật mình, nhất là mẹ chồng khó tính... Vậy mà không may cho tôi, vừa bước vào trong, đã thấy bà đứng sừng sững giữa cầu thang, tay chống nạnh: “Giờ này mới đi làm về? Con mới 10 tháng tuổi, còn mẹ thì đi làm đến hơn 1 giờ đêm mới về! (thực tế lúc đó là 12 giờ 30 phút).
Tôi chưa hết run, bị bà mẹ quát mắng, càng thêm lo sợ, vẫn cố trấn tĩnh: “Mẹ thông cảm cho con! Con cũng có muốn về muộn thế này đâu. Con cũng đang sợ quá, may mà về đến nhà mới biết là mình sống đây ạ!”.
Rồi bà bước nhanh về phòng mình, đóng sầm cánh cửa!
Tôi cũng nhanh chóng chạy lên phòng, con nhỏ đã ngủ ngoan, chồng tôi khẽ nhíu mày nhìn vợ, mắng yêu: “Làm với cả ăn!”. Tôi thở phào… bình yên!
Đó là ký ức về buổi làm báo số gộp - Kỷ niệm 82 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Nhưng, đây cũng không phải là lần về muộn duy nhất trong đời làm báo của tôi.
Thời báo Doanh nhân, ra 2 số/tuần. Ban Thư ký - Biên tập lo công việc “bếp núc”, vì vậy hết thảy chúng tôi phải về muộn nhất - hoàn thành ấn phẩm để kịp gửi tới nhà in. Tuần nào, số nào cũng như vậy. Lệ thường, chỉ 7 - 8 giờ tối, tôi đã có mặt ở nhà. Nhưng do người họa sỹ dàn trang chuyển công tác, trong khi chưa có người thay, phải chấp nhận họa sỹ làm “part time”.
Chính vì sự thay đổi đó, dù bài vở đã được chuẩn bị sớm, nhưng vẫn bị động và phòng tôi luôn phải về muộn (hầu như số nào cũng vậy, 10 - 11 giờ, tôi mới có mặt ở nhà). Số báo thường đã phải về trễ như vậy, số gộp, số kỷ niệm còn vất vả hơn... Anh em chúng tôi vẫn động viên nhau gắng chịu, hoàn thành nhiệm vụ giao. Phải đến khi tìm được họa sỹ dàn trang mới ổn định, công việc trở nên suôn sẻ, vào guồng.… Giờ đây, việc trở về sau buổi làm báo của tôi, khi Hà thành đang chìm vào giấc ngủ - có lẽ chỉ còn trong dĩ vãng.
Buồn vui chuyện làm báo - xin góp đôi dòng tâm sự. Gần 3 năm công tác tại Ban Thư ký - Biên tập (Thời báo Doanh nhân), thời gian tuy ngắn ngủi, nhưng tôi nhận ra rằng, đó là nơi mình thân thuộc và gắn bó! Bởi đã có thời điểm tôi tạm nghỉ việc 1 tháng - mà cứ đến mỗi buổi làm báo, không được tham gia, tôi lại thấy thiếu vắng cái gì đó. Rồi tự hỏi, không biết giờ này anh em phòng mình đã làm tới đâu, báo đã được chuyển đến nhà in chưa?
Tháng 3/2012
Thanh Hà
![]() |
Sự cởi mở, chân thành của những người đứng đầu doanh nghiệp là nguồn động viên - PV Huy Thảo |
4 năm làm phóng viên - Thời báo Doanh nhân, có lẽ, với tôi niềm vui và đam mê nghề nghiệp chính là được tiếp cận với những câu chuyện kinh doanh của các doanh nhân, doanh nghiệp. Mỗi người một vẻ, mỗi doanh nhân một chuyện. Hầu hết các doanh nhân đều tìm đến nhà báo với những lý do bức xúc liên quan đến những vấn đề đại loại như thiếu điện, thiếu vốn, tranh chấp thương mại, cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh…
Xin được góp một chút “lượm lặt” về những lần liên hệ, giao tiếp với các doanh nhân.
Vị doanh nhân để lại trong tôi ấn tượng khó quên đó là nữ giám đốc một doanh nghiệp chuyên lĩnh vực giặt là, may mặc ở Hưng Yên. Tôi liên hệ, đặt lịch xin phỏng vẫn chị về việc tiết kiệm điện. Mới bấm máy và xưng danh, cơ quan, có nhã ý muốn viết bài thì chị đã “tuôn” tràng dài bức xúc như trút giận, khiến tôi giật mình. Nào là điện đóm phập phù cả tháng trời khiến doanh nghiệp điêu đứng, nào là phá sản đến nơi rồi; doanh nghiệp là đơn vị thực hiện tiết kiệm điện mà lại thường xuyên bị cắt điện thì còn viết lách nỗi gì!… Trước khi cúp máy, nữ doanh nhân nói: Nhà báo về đây viết gì thì viết, nhưng phải viết để doanh nghiệp có điện sản xuất thì tôi mới tiếp!
Có doanh nhân có nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi uy tín, nhưng do có sự cạnh tranh thiếu lành mạnh nên doanh nghiệp bị “vu vạ” là sản xuất hàng rởm, kém chất lượng. Gặp tôi, anh dứt khoát: Nhà báo viết thì phải đúng sự thật. Cần vạch trần việc cạnh tranh không lành mạnh - gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Bằng chứng, chúng tôi có đủ trong tay.
Lại có những doanh nhân, ngoài việc sản xuất, kinh doanh, còn đam mê làm thơ, hoạt động từ thiện, mong muốn chia sẻ chuyện gia đình, chăm sóc con cái... với phóng viên. Có những doanh nhân vui tính, chỉ muốn mời phóng viên xuống thăm nhà máy, công ty chỉ để nói chuyện kinh doanh, chuyện chính sách cùng những điều bức xúc, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải. Và đôi khi, có doanh nhân, phía sau “núi công việc” cũng muốn ngồi với phóng viên để thư thái, nhâm nhi ly cà phê, sẻ chia những trải nghiệm làm giàu, chuyện vụn vặt đời thường...
Nỗi bức xúc, chuyện buồn, chuyện vui, chuyện hạnh phúc gia đình doanh nhân, rồi chuyện thắng - thua trên thương trường của doanh nghiệp, doanh nhân, đều được đưa vào những trang báo.
Sự cởi mở, chân thành của những người đứng đầu doanh nghiệp trong câu chuyện kinh doanh với phóng viên - là nguồn động viên để tôi cảm hứng... nghề!
Lê Huy Thảo
Dẫu chỉ góp thêm gió...
![]() |
Làm báo, tôi có điều kiện lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của DN - PV Bùi Văn Don |
Nghiệp làm báo tuy chưa nhiều, nhưng bù lại, tôi đã có những cuộc gặp gỡ, trò chuyện với khá nhiều doanh nhân khắp trong Nam, ngoài Bắc. Nhờ đó, tôi có điều kiện lắng nghe những tâm tư nguyện vọng, những gian truân mà họ (doanh nhân) phải trải qua để chèo lái con thuyền doanh nghiệp đi đúng hướng, trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn. Tôi nhớ mãi lần trò chuyện với doanh nhân Nguyễn Hữu Cường - Giám đốc Công ty CP Xây lắp TM DV DL Thương Phú (Thạch Hà - Hà Tĩnh), ngay tại hội sở Công ty; nhớ về Nhà máy Kết cấu thép Thương Phú - được đánh giá là lớn bậc nhất nhì khu vực Bắc miền Trung mà anh Cường đã dồn biết bao tâm huyết, tiền bạc để đầu tư xây dựng, giờ đây có nguy cơ “đắp chiếu” do “đói” vốn...
Nghịch lý ở chỗ, việc làm thì nhiều nhưng anh Cường không dám nhận. Không phải doanh nghiệp anh làm ăn không tốt hay sản phẩm làm ra không chất lượng, mà do công trình làm xong nhưng đối tác lại không có tiền để trả. Cùng với đó, doanh nghiệp gặp khó trong việc tiếp cận với nguồn vốn của các tổ chức tín dụng. Chính vì vậy, đã khiến doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn và có nguy cơ bị phá sản, hàng trăm công nhân Công ty có nguy cơ mất việc làm.
Sau này, gọi điện cho tôi, anh Nguyễn Hữu Cường chỉ nói ngắn gọn mấy câu: Tuy những bài báo đó (do tôi viết) chưa thể giúp Công ty bớt khó khăn, nhưng sự đồng hành của các phóng viên đã góp phần khích lệ tinh thần cán bộ, nhân viên hăng say, nỗ lực hơn trong công việc - để sớm đưa đơn vị vượt qua những khó khăn. Hy vọng các cấp, các ngành, các tổ chức tín dụng sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ về vốn để Công ty sớm ổn định và phát triển.
Bùi Văn Don