Tình thế bị đảo ngược
Khoảng hơn 1 tháng trước đây, trong các cuộc hội thảo, trên các diễn đàn, thông tin về một năm bội thu của ngành xuất khẩu gạo (với 7 triệu tấn tương tương với… USD), được rất nhiều người quan tâm và xem đây là thành công lớn của ngành nông nghiệp nước nhà.
Số liệu từ VFA cho hay, tính đến hết tháng 10, Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu gạo được 7 triệu tấn, tăng gần 1,2 triệu tấn so với cùng kỳ. Trên thực tế, đã xuất khẩu 6,2 triệu tấn gạo, đạt trị giá (FOB) trên 3 tỷ USD, so với cùng kỳ (tăng gần 7,9% về lượng và 23% về giá trị). Giá xuất bình quân trên 482 USD/tấn, tăng gần 59,5 USD/tấn. Ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch VFA còn khẳng định: “Từ nay đến cuối năm, chúng ta sẽ tiếp tục xuất, nếu còn gạo và có giá tốt”. Cũng theo ông Bảy, giá lúa 10 tháng đầu năm nay đạt mức cao nhất trong 3 năm gần đây. Nếu chỉ tính 9 tháng đầu năm thì giá lúa mà các công ty thu mua bình quân dao động từ 6.100 - 6.200 đồng/kg. Dự báo từ nay đến cuối vụ đông xuân, giá lúa vẫn sẽ duy trì ở mức cao.
Theo đó, VFA dự báo, trong năm 2012, sẽ xuất khẩu từ 6,5 - 7 triệu tấn gạo. Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới có nhiều tín hiệu khả quan vì các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia… vẫn có nhu cầu.
Tuy nhiên, theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, lượng hợp đồng thương mại đến nay gần như không còn, mặc dù kế hoạch 2 tháng cuối năm, các doanh nghiệp sẽ xuất khoảng 700.000 tấn gạo. Trong khi đó, giá lúa gạo nội địa liên tục lao dốc. Giá gạo thành phẩm dù đã được “vực dậy” khoảng 100 - 200 đồng/kg, nhưng vẫn thấp hơn mức giá hồi đầu tuần qua đến 400 - 500 đồng/kg, hiện dao động quanh mức giá 10.500 - 10.600 đồng/kg đối với gạo 5% tấm, 10.100 - 10.200 đồng đối với gạo 15% tấm và 9.300 - 9.400 đồng/kg đối với gạo 25% tấm. Dự báo, tình trạng này sẽ còn duy trì ở “trạng thái” ảm đạm cho đến quý I năm tới.
Đó là hậu quả của việc thiếu vắng các hợp đồng xuất khẩu, ngoài một vài hợp đồng tập trung cấp Chính phủ phải đấu thầu.
Thiếu vắng hợp đồng xuất khẩu
VFA đánh giá, thị trường đến thời điểm này rất khó nắm bắt, diễn biến phức tạp, đặc biệt là những động thái từ phía Ấn Độ. Tồn kho lúa gạo của nước này khoảng 21 triệu tấn, nguồn cung dồi dào, đặc biệt khi vụ mùa đang thu hoạch đạt năng suất cao. Trái với tuyên bố chỉ xuất khẩu 2 triệu tấn gạo, chưa thấy dấu hiệu họ sẽ ngừng lại. Hiện mức giá của Ấn Độ thấp hơn gạo Việt Nam khoảng 100 USD/tấn, thậm chí gạo 25% tấm chỉ ở mức 360 USD/tấn.
Còn đối tác Indonesia, hiện đã hoàn thành chỉ tiêu nhập khẩu của năm 2011. Hy vọng, Indonesia nhập khẩu gạo từ Việt Nam cho năm 2012 là rất mong manh bởi nước này đang thương thảo ký với Thái Lan 300.000 tấn và 250.000 tấn gạo từ Ấn Độ. Trường hợp, nếu Indonesia thương lượng 2 hợp đồng này không thành thì mới hy vọng họ quay trở lại Việt Nam.
Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) thông báo, 500.000 tấn gạo nhập khẩu trong năm tới, có thể sẽ có khoảng 75% nhập khẩu từ Việt Nam, thời gian được đưa ra đấu thầu sớm nhất là vào tháng 1/2012.Tuy nhiên, việc Chính phủ Philippines quyết định giao toàn bộ lượng gạo nhập khẩu năm 2012 cho khu vực tư nhân, thì chúng ta cũng hiểu được phần nào những khó khăn trước mắt bởi sau những lần bán gạo cho các thương nhân Philippines trong năm 2011, các doanh nghiệp Việt đã rút ra được những bài học sâu sắc. Nhiều thương nhân Philippines là những người không có năng lực tài chính, cho nên không ngân hàng nào chấp nhận mở L/C cho họ. Họ chỉ có khả năng thanh toán được từ 3.000 - 5.000 tấn gạo. Ngoài ra, sự cạnh tranh gay gắt từ gạo giá rẻ của Ấn Độ và Pakistan cũng đang là trở ngại lớn đối với thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới.
“Bế tắc” trong việc tìm kiếm hợp đồng xuất khẩu gạo cho năm 2012 - là nguyên nhân để các chuyên gia đưa ra dự báo rằng, vụ đông - xuân giá lúa gạo sẽ không mấy khả quan. Vì vậy, tình hình xuất khẩu gạo trong năm 2012 rất ảm đạm.
Sở dĩ, gạo của Ấn Độ rẻ hơn Việt Nam bởi so với chất lượng gạo nước ta, gạo Ấn Độ chất lượng thấp hơn. Nếu như hạ giá thành thì doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn lỗ, vì thế theo đại diện nhiều doanh nghiệp, không nên hạ giá thấp để chạy đua thị trường gạo cấp thấp với Ấn Độ mà nên tập trung nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.
Minh Lê