Đây là chỉ số đã ghi nhận được những nỗ lực, cố gắng của các cấp chính quyền tỉnh Yên Bái trong Chương trình hành động “Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) giai đoạn 2015-2020” - Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã dành cho phóng viên Thời báo Doanh nhân cuộc phỏng vấn.
Xác định việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, tạo động lực thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, tỉnh Yên Bái đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong thời kỳ hội nhập.
Ông có thể cho biết những mục tiêu của chương trình hành động “Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI, giai đoạn 2015-2020” mà tỉnh Yên Bái đang thực hiện?
Xác định việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2015 UBND tỉnh Yên Bái đã có Quyết định số 1443/QĐ-UBND về ban hành Chương trình hành động “cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh Yên Bái giai đoạn 2015-2020 với mục tiêu: Nhằm cải thiện nâng cao chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền, lấy cải cách hành chính là khâu đột phá, tạo sự chuyển biến căn bản về chất lượng bộ máy hành chính. Phấn đấu cải thiện điểm số và vị trí xếp hạng về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Yên Bái góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia.
Trong đó, Yên Bái sẽ tập trung khắc phục và cải thiện những 06 chỉ số thành phần của năm 2014, giảm điểm so với năm 2013 như chỉ số: Tiếp cận và ổn định sử dụng đất theo thời gian-Chi phí thời gian - Chi phí không chính thức - Chỉ số tính năng động và tiên phong của lãnh đạo - Thiết chế pháp lý - Chỉ số cạnh tranh bình đẳng. Tiếp tục duy trì và cải thiện các chỉ số Tính minh bạch, Hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lao động, gia nhập thị trường. Phấn đấu đến năm 2016 sẽ nằm trong tốp từ 30-40/63 tỉnh, thành phố và đến 2020 sẽ đứng trong tốp khá của cả nước.
Đó là mục tiêu, vậy còn các giải pháp cụ thể sẽ được Yên Bái thực hiện như thế nào, thưa ông?
Hiện nay, Yên Bái đang dần điều chỉnh thống nhất, đồng bộ cơ chế "một cửa" và "một cửa liên thông" của chính quyền các huyện, của cấp cơ sở, của các ngành chức năng; xây dựng và thiết lập hệ thống công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, trong giải quyết thủ tục hành chính và đối với các lĩnh vực cấp thiết nhất là ở các sở, ngành liên quan. Đồng thời UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành trước mắt cần tập trung cao nhất cho cải cách thủ tục hành chính, trong đó cần rà soát lại tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
Các giải pháp cụ thể được Yên Bái thực hiện, đó là: Nâng cao nhận thức của cán bộ các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở về chỉ số PCI và xác định đây là nhiệm vụ chính trị của các cấp ngành; Rà soát, bổ sung, sửa đổi các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp theo hướng vừa khuyến khích thu hút đầu tư, vừa khuyến khích doanh nghiệp mở rộng qui mô, nâng cao năng lực quản trị, tăng chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái
Có cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện và nguồn lực của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đến với tỉnh; Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, lưu thông và giao thương hàng hóa; Giải quyết tốt những vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo chính sách của Nhà nước. Từ đó kiểm soát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng không tạo thêm khó khăn cho DN khi thực hiện các chính sách của Trung ương, tiếp tục thực hiện tốt việc đơn giản hoá thủ tục hành chính, thực hiện tốt hơn cơ chế một cửa,…
Rút ngắn và hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp trong đăng ký kinh doanh, thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng… theo hướng đơn giản hoá thủ tục hành chính; Công khai, niêm yết, minh bạch các tài liệu pháp lý, phí, lệ phí liên quan đến doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng tinh gọn; xây dựng mô hình một cửa hiện đại ở các cơ quan chuyên môn của tỉnh như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng; Sở Tài nguyên và Môi trường…; kết nối dữ liệu giữa các ngành trong quản lý doanh nghiệp và đầu tư.
Được biết, có những dự án khi đầu tư vào Yên Bái được cấp giấy phép đầu tư chỉ sau 48 giờ. Đây có phải là cam kết thực hiện nhất quán, đồng bộ và ổn định chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các chủ đầu tư của Yên Bái?
Tỉnh Yên Bái cam kết hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư về địa phương. Ngoài các ưu đãi về thuê đất, hỗ trợ san tạo, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ về đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng…, một biện pháp mà Yên Bái đang thực hiện là cải cách thủ tục hành chính, giảm tối thiểu về thời gian phê duyệt, cấp giấy chứng nhận… các dự án đầu tư. Xác định rõ chủ trương xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn nên ngoài các ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ, khi đến với Yên Bái, các nhà đầu tư sẽ được hưởng thêm các ưu đãi đầu tư theo quy định của tỉnh.
Thời gian thực hiện các thủ tục cấp phép xây dựng, thuê đất đai, cấp điện nước, đánh giá tác động môi trường và các thủ tục hành chính khác liên quan đến doanh nghiệp không quá 7 ngày. Bên cạnh đó, hàng năm, tỉnh có kế hoạch bố trí vốn ngân sách tỉnh để thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư; tổ chức “Diễn đàn kết nối doanh nghiệp” định kỳ hàng tháng tạo điều kiện gặp gỡ, đối thoại giữa doanh nghiệp với chính quyền để giải quyết những đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Tỉnh Yên Bái hiện có 21 doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở các lĩnh vực chế biến khoáng sản, công nghệ gia công, lắp ráp, nông nghiệp với tổng đầu tư trên 7.000 tỷ đồng. Đặc biệt, dự án đầu tư, chăn nuôi chế biến thỏ của Công ty TNHH Nippon Zoki Việt Nam (thuộc tập đoàn Dược phẩm Nippon Zoki Nhật Bản) với tổng số vốn 78,6 triệu USD đã được Yên Bái cấp chứng nhận, giấy phép đầu tư sau đúng 2 ngày thẩm định.
Theo ông đâu là những tiềm năng, thế mạnh được tỉnh Yên Bái quan tâm kêu gọi đầu tư?
Yên Bái hiện nay được xác định là một trọng điểm trung tâm trong tuyến hành lang kinh tế “Côn Minh – Lào Cai – Hải Phòng” và là một nhịp cầu quan trọng kết nối Khu vực mậu dịch tự do ASEAN, là vệ tinh trong sự hợp tác phát triển của các nước tiểu vùng sông Mê Kông. Đặc biệt, khi đường cao tốc Nội Bài – Yên Bái – Lào Cai hoàn thành và đi vào sử dụng đã mở ra cho Yên Bái một lợi thế lớn, với vai trò là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển và hội nhập quốc tế cho khu vực và trung du miền núi phía Bắc Việt Nam.
Với lợi thế nổi trội về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng Yên Bái có thế mạnh để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, với lực lượng lao động dồi dào có thể thu hút ngành may mặc, giầy dép. Đồng thời công nghiệp khai khoáng gắn với chế biến cũng là thế mạnh của Yên Bái.
Trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện đã xây dựng được 10 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 1.500ha, trong đó có 3 khu công nghiệp được Chính phủ quyết định thuộc hệ thống các khu công nghiệp quốc gia với tổng diện tích gần 800ha. Các khu công nghiệp đáp ứng đầy đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng để sẵn sàng chờ đón các nhà đầu tư.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Lê Kiên (thực hiện)