Viết văn 5000 từ về Tình cảm của Bác Hồ đối với Nam Định( TỰ Nghĩ ko copy trên mạng) em cảm ơn

Viết văn 5000 từ về Tình cảm của Bác Hồ đối với Nam Định( TỰ Nghĩ ko copy trên mạng) em cảm ơn

1 bình luận về “Viết văn 5000 từ về Tình cảm của Bác Hồ đối với Nam Định( TỰ Nghĩ ko copy trên mạng) em cảm ơn”

  1. Nam Định là một tỉnh lớn với hơn 2 triệu dân nằm ở phía nam đồng bằng Bắc Bộ. Phía bắc tiếp giáp với tỉnh Thái Bình, phía nam giáp tỉnh Ninh Bình, phía tây bắc giáp tỉnh Hà Nam và giáp biển (vịnh Bắc Bộ) ở phía đông. Là một trong những tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng – an ninh của đất nước, có tiềm năng phát triển kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp …, đến với Nam Định hiện nay là đến với một trong những trung tâm thương mại – dịch vụ, du lịch quan trọng của đồng bằng sông Hồng với các hoạt động văn hoá truyền thống nổi bật như: Hội Đền Trần có Lễ Khai Ấn hàng năm, Hội Phủ Giầy thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh, Chùa Keo Hành Thiện, Chùa Cổ Lễ nơi thiền sư Nguyễn Minh Không trụ trì, Phủ Quảng Cung (Phủ Nấp) thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh, giáng sinh lần thứ nhất ở xã Yên Đồng, Ý Yên; Quần thể các di tích thờ Vua Đinh Tiên Hoàng… Nhân dân tỉnh Nam Định tự hào về truyền thống hiếu học, có tinh thần yêu nước, đoàn kết, đấu tranh anh dũng chống giặc ngoại xâm đóng góp tích cực trong phong trào cách mạng qua các thời kỳ.
    Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, thực dân Pháp tìm mọi cách thực hiện dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Bội ước Hiệp định sơ bộ 6-3-1945 và thoả ước 19-4-1945, thực dân Pháp ráo riết tăng cường lực lượng đổ bộ trái phép vào Đà Nẵng, Đồ Sơn, Cát Bà đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn và chuẩn bị kế hoạch đánh vào cơ quan đầu não của ta ở thủ đô Hà Nội. Trước tình hình đó, để chuẩn bị lực lượng, an lòng nhân dân, xây dựng hậu phương vững chắc sẵn sàng cho tiền tuyến lớn, Bác vẫn tổ chức những chuyến đi thăm nhân dân các tỉnh nhưng không báo trước cho địa phương. Sau phiên họp quan trọng với Hội đồng Chính phủ sáng ngày 10-1-1946, Bác lên xe rời Hà Nội đi thăm tỉnh Hưng Yên, Thái Bình và cuối hành trình Bác về thăm Nam Định. Ngày đó trở thành ngày đặc biệt quan trọng đối với cán bộ và nhân dân trong tỉnh lần đầu tiên được đón Bác về thăm. Bác đã gặp gỡ các vị thân hào, thương gia của thành phố cùng bàn kế hoạch cứu tế, Bác cũng nói chuyện thời sự và thăm hỏi tình hình phụ nữ, cố đạo, phật tử trong tỉnh. Sáng ngày 11-1-1946, tại trụ sở Uỷ ban Hành chính thành phố Nam Định (nay là Vườn hoa Điện Biên, đối diện Cột cờ Nam Định), Người đã nói chuyện với đồng bào về những nhiệm vụ kháng chiến, cứu đói. Sau đó, Người đã đến thăm và chia quà cho các cháu ở Trại trẻ mồ côi và nhà Dục Anh phố Hàn Thuyên, Nam Định (nay là Công ty cổ phần dược phẩm Nam Hà, số 415 Hàn Thuyên, thành phố Nam Định). Tại đây, Người đã đến thăm từng phòng ở, từ chỗ nuôi trẻ sơ sinh đến phòng của trẻ 9-10 tuổi và nói với bà người nuôi trẻ: “Tôi ghé qua đây thăm bà và các cháu. Tôi thay mặt các cháu không cha, không mẹ đó cảm ơn bà đã trông nom cho chúng như một người mẹ. Chúng tội tình gì mà tội nghiệp quá”(1). Có thể nói, chuyến viếng thăm bất ngờ của Bác để lại ấn tượng và tình cảm lớn trong lòng nhân dân tỉnh Nam Định lúc bấy giờ, tuy thời gian gặp gỡ, trao đổi với đồng bào ngắn ngủi nhưng lại ẩn chứa trong sự chia tay đầy quyến luyến bịn rịn. Nhớ những lời Người căn dặn, nhắn gửi các tầng lớp nhân dân, cán bộ các ngành, các giới trong tỉnh đã đoàn kết chặt chẽ và hăng hái làm việc cùng với đồng bào cả nước đánh Pháp và cứu đói.
    Khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, đang tiến lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục đấu tranh thực hiện nhiệm vụ cách mạng dân tộc, dân chủ, tiến tới thống nhất nước nhà. Mặc dù công việc bận rộn, lo lắng trăm bề nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành nhiều thời gian để đi thăm hỏi, động viên cán bộ và đồng bào. Lần này Bác có dịp trở lại Nam Định sau những năm tháng cùng đồng bào kháng chiến vất vả.
    Ngày 24-4-1957, Bác Hồ về thăm và nói chuyện với cán bộ công nhân viên Nhà máy Dệt Nam Định. Bác đã nhấn mạnh: “Mình là chủ phải làm thế nào cho xứng đáng là chủ. Phải theo gương công nhân các nước bạn yêu máy như yêu con, yêu nhà máy như nhà mình. Đó là làm chủ xứng đáng. Cái gì lợi cho nhà máy là ích lợi cho mình, cái gì hại cho nhà máy là hại cho nhà mình. Đó là thái độ của người làm chủ, làm chủ nước nhà, làm chủ nhà máy”(2). Khi nói về chế độ quản lý và điều hành sản xuất của nhà máy, Người khẳng định: “Chế độ làm khoán là một điều kiện của chủ nghĩa xã hội, nó khuyến khích người công nhân luôn luôn tiến bộ, cho nhà máy tiến bộ. Làm khoán là ích chung và lại lợi riêng”(3). Bác khuyên cán bộ công nhân phải đoàn kết, cố gắng học tập chính trị, kỹ thuật học hỏi lẫn nhau hoàn thành vượt mức kế hoạch của Nhà nước, làm tròn nhiệm vụ của Đảng, Chính phủ và nhân dân, góp phần thiết thực vào công cuộc củng cố miền Bắc, làm hậu thuẫn vững chắc cho miền Nam, đấu tranh thống nhất nước nhà.
    Những lời dặn dò, chỉ bảo ân cần của Bác là nguồn động lực, niềm tin để cán bộ và công nhân viên Nhà máy cố gắng phấn đấu vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm, hoàn thành kế hoạch sản xuất giữ gìn và xây dựng nhà máy càng lớn mạnh phục vụ cho sự nghiệp phát triển của đất nước. Cũng trong những ngày này Bác đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ tỉnh Nam Định. Trước những thách thức và khó khăn của đất nước và sự chống phá cách mạng của chính quyền Mỹ – Diệm ở miền Nam đối với đồng bào. Trước tình hình đó, Bác đề nghị phải luôn luôn nâng cao cảnh giác trước những âm mưu của quân phá hoại. Người cũng nhấn mạnh: “…phải đoàn kết. Đoàn kết từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, cán bộ cũ, mới đoàn kết, đảng viên cũ mới đoàn kết, lương giáo đoàn kết”(4).
    Hơn một năm sau, ngày 13-8-1958, Bác về thăm Nam Định. Đầu tiên Bác đã về thăm Đình Thượng Đồng, thôn Thượng Đồng, xã Yên Tiến, Ý Yên, Nam Định. Sau đó Bác tới dự Hội nghị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Tại Hội nghị Bác đã nói chuyện với gần 1000 cán bộ tỉnh, huyện, xã và các chiến sĩ nông nghiệp về sự quan trọng của vụ mùa. Bác đã chỉ ra nguyên nhân gây ra sự sút kém của vụ mùa năm trước, và động viên đồng bào và cán bộ ra sức thi đua quyết tâm thực hiện vụ mùa thắng lợi. Bác cũng nhấn mạnh cán bộ lãnh đạo phải hết sức tránh chủ quan, tự mãn, phải đi sát với quần chúng, mọi việc lãnh đạo phải kịp thời, chu đáo và Bác nhắc bà con nông dân: “Thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là nhằm mục đích ích nước lợi nhà… Thi đua là phải yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”(5), phải đoàn kết giúp đỡ nhau, khuyến khích lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm cho nhau để cùng tiến bộ. Bác cũng nhấn mạnh kinh nghiệm trồng trọt của cha ông ta xưa qua câu tục ngữ: “Một nước, hai phân, ba cần, bốn kỹ thuật” và đặc biệt Bác nhắc phải chú ý hết sức trong việc giữ nước phòng hạn, giữ đê phòng lụt. Sau buổi nói chuyện ấy, Bác đã đi thăm ruộng lúa thí nghiệm xóm Đông Hưng, xã Yên Tiến, Ý Yên, Nam Định (nay là Hợp tác xã Tống Văn Trân, xã Yên Tiến, Ý Yên, Nam Định).
    Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân miền Bắc đoàn kết, nhanh chóng xây dựng lực lượng hậu phương với phương châm toàn dân – toàn diện và mỗi người dân đều là một chiến sĩ, quyết tâm vì miền Nam ruột thịt đánh thắng kẻ thù, thống nhất nước nhà. Tiếp thu những lời dặn dò, chỉ bảo của Bác, trong những ngày tháng này, Nam Định cũng triển khai nhiều công việc để phát triển nông nghiệp cùng với đồng bào miền Bắc tiếp sức cho cách mạng mau giành thắng lợi.
    Ngày 15-3-1959, Bác về thăm Nam Định lần thứ tư. Bác đã thăm Nhà máy Dệt Nam Định và căn dặn Đảng uỷ Nhà máy Dệt cần làm tốt công tác cải tiến quản lý xí nghiệp, công tác phát triển Đảng, Đoàn. Người đã nói: “Cán bộ lãnh đạo, đảng viên, đoàn viên thanh niên cũng như cán bộ công đoàn phải xung phong gương mẫu. Nội bộ lãnh đạo phải đoàn kết nhất trí, cán bộ phải đi vào công nhân, phải sắp xếp công việc để mỗi tuần tham gia lao động một ngày. Phải lắng nghe sáng kiến và lời phê bình của công nhân, phải thật sự dựa vào công nhân, đi đúng đường lối quần chúng, nắm vững chính sách của Đảng”(6). Cùng ngày, tại Quảng trường Hoà Bình thành phố, Người đã nói chuyện với cán bộ và nhân dân trong tỉnh, Bác khen Nam Định đã cố gắng chống hạn và phê bình Nam Định bị hạn vẫn còn rộng ảnh hưởng tới thu hoạch. Người yêu cầu phải tập trung lực lượng tìm mọi cách chống hạn, phòng hạn, phải có kế hoạch phòng úng. Bác nhấn mạnh: “Muốn làm tròn nhiệm vụ ấy phải chống tư tưởng bảo thủ, tư tưởng mệt mỏi, tư tưởng ỷ lại, tức là phải quyết tâm và quyết tâm nữa, quyết tâm mãi làm cho đến thắng lợi”(7). Những lời góp ý chỉ bảo, động viên của Bác trong lần về thăm như tiếp thêm ý chí và nghị lực càng thấm thía sâu sắc hơn để cán bộ và nhân dân trong tỉnh đoàn kết quyết tâm xây dựng thắng lợi mọi nhiệm.
    Trước những cống hiến và đóng góp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định cho cách mạng, Bác đã luôn quan tâm, động viên khích lệ kịp thời. Nhiều lần được người quan tâm, thăm hỏi nhưng lần để lại những kỷ niệm sâu sắc và dặn dò kỹ càng nhất vẫn là lần Bác về thăm Nam Định lần cuối cùng.
    Sáng ngày 21-5-1963, Bác về dự và huấn thị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ V được diễn ra tại Hội trường Nhà máy Dệt Nam Định (nay là Tổng công ty cổ phần Dệt may Nam Định). Giữa tiếng vỗ tay vang dội của Đại hội, Bác bước ra diễn đàn nói chuyện với Đại hội. Bác thân ái thăm hỏi sức khoẻ các đại biểu, tiếp đó Người ân cần chỉ ra cho Đại hội thấy rõ thêm những ưu điểm cần phát huy, những khuyết điểm cần sửa chữa, thấy hết những khả năng và thuận lợi và khó khăn của địa phương để vươn lên hoàn thành nhiệm vụ. Người cũng căn dặn các cấp uỷ cần chú trọng đến việc phát triển Đảng và củng cố chi bộ, đẩy mạnh việc phê bình và tự phê bình trong Đảng, làm cho mỗi cán bộ, mỗi đảng viên nhận rõ vai trò lãnh đạo của mình. Cuối cùng Người nói: “Bác mong rằng sau Đại hội này, toàn Đảng bộ Nam Định sẽ ra sức khắc phục khuyết điểm, phát triển ưu điểm, đoàn kết một lòng, thực hiện đầy đủ những nghị quyết đại hội, biến nghị quyết đó thành quyết tâm của đảng viên, đoàn viên và đồng bào cả tỉnh, để xây dựng tỉnh Nam Định thành một tỉnh giàu mạnh, làm kiểu mẫu cho toàn miền Bắc, thiết thực góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà”(8).
    Sau khi dự xong Đại hội, Bác đã đi thăm bếp nấu, nhà ăn tập thể và một số phân xưởng Nhà máy Dệt. Tại đây, cán bộ và công nhân rất vui mừng báo cáo với Bác về kết quả thi đua với nhà máy Dệt Bình Nhưỡng (Triều Tiên). Từ đầu năm đến nay, nhà máy đã sản xuất vượt mức kế hoạch 42 vạn thước vải, 120 tấn sợi và 2000 chăn… Bác đã khen: “Nhà máy đã sớm chữa được gần 1.000 máy dệt cũ hồi Pháp thuộc thành máy nửa tự động, với loại máy cũ, mỗi công nhân chỉ đứng được từ 1 đến 2 máy; nay với loại máy mới sửa chữa lại, mỗi người đứng được từ 4 đến 6 máy”(9). Tiếp đó Bác đã đến thăm khu nhà ăn tập thể, khu nhà ở của gia đình công nhân. Người ân cần hỏi thăm tình hình sinh hoạt, học tập và ăn ở của công nhân và nhắc nhở mọi người phải đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất với nhà máy Dệt Bình Nhưỡng, đồng thời phải tổ chức cải thiện đời sống cho tốt hơn nữa. Khi đến thăm bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định, Người đã thăm hỏi bệnh tình sức khoẻ của người bệnh và chế độ ăn uống; thuốc men ở bệnh viện. Người căn dặn cán bộ và nhân viên bệnh viện phải thực hiện câu “lương y như từ mẫu”, nâng cao tinh thần trách nhiệm để phục vụ người bệnh được tốt, chóng khoẻ mạnh. Cuối hành trình Người đến thăm quan Nhà triển lãm thông tin đường Cột cờ thành phố Nam Định. Người đã xem một số hình ảnh về lịch sử đấu tranh của Đảng bộ và Nhân dân Nam Định. Bác đã ghi lên trang đầu cuốn sổ vàng của tỉnh: “Tiếp tục truyền thống cách mạng vẻ vang, xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợị”(10).
    Sáng ngày 22-5-1963, tại Quảng trường Hoà Bình, thành phố Nam Định Bác đã nói chuyện với trên 5 vạn cán bộ và nhân dân trong tỉnh. Người đã khen ngợi cán bộ và nhân dân tỉnh Nam Định đã có nhiều cố gắng, tiến bộ về các mặt đồng thời nhắc nhở đảng viên, nhân dân trong tỉnh phải đoàn kết chặt chẽ, ra sức thi đua thực hiện tốt nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh, hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1963, đặc biệt cần làm tốt cuộc vận động “Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu” để phát triển kinh tế hơn nữa. Bác cũng nhấn mạnh nhiệm vụ trước mắt cần thu hoạch nhanh, gọn vụ chiêm và làm tốt vụ mùa sắp tới.
    Những năm cuối cùng của cuộc đời sức khoẻ của Bác có phần giảm sút, mặc dù không trực tiếp đến thăm nhưng Bác vẫn thường xuyên thăm hỏi và theo dõi những tiến bộ và sự phát triển của Nam Định. Ngày 28-12-1963, Bác đã gửi điện khen công nhân và cán bộ Nhà máy Liên hợp dệt Nam Định đã hoàn thành kế hoạch Nhà nước năm 1963 trước thời hạn. Ghi nhận những thành tích và đóng góp của cán bộ và chiến sĩ công an thành phố tỉnh Nam Định, ngày 5-2-1966, Bác có Lệnh (LCT) trao thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba cho cán bộ và chiến sĩ công an thành phố Nam Định đã có thành tích xuất sắc trong các trận chiến đấu chống máy bay Mỹ ngày 28-6-1965 và các ngày mùng 2,4 tháng 7 năm 1965.
    Đã 50 năm sau ngày Bác về thăm, Nam Định giờ đã phát triển với những nét đặc trưng nổi bật với các ngành nghề truyền thống, là trung tâm công nghiệp dệt, công nghiệp nhẹ cả nước, là trung tâm thương mại – dịch vụ phía Nam của vùng đồng bằng sông Hồng… Cùng với các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam đã trải qua những thời kỳ tách, nhập vượt qua bao sóng gió nhưng vẫn giữ gìn và phát huy được truyền thống vẻ vang qua các thời kỳ. Thực hiện những lời căn dặn và chỉ bảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ và nhân dân tỉnh Nam Định luôn đoàn kết, hăng hái thi đua phấn đấu xây dựng con người mới – con người xã hội chủ nghĩa. Quyết tâm xây dựng mỗi gia đình, mỗi công sở, mỗi ngành trở thành đầu tàu mẫu mực đưa Nam Định trở thành một tỉnh đẹp, giàu và phát triển.
    Những năm qua thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trong điều kiện có nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm động viên của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ đầu tư của nhiều cấp, ngành… cán bộ và nhân dân trong tỉnh có nhiều nỗ lực cố gắng để triển khai thực hiện tốt mọi nhiệm vụ. Đến nay, tổng sản phẩm trong tỉnh GDP (theo giá so sánh 1994) ước đạt 12.755 tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2011, GDP bình quân đầu người (giá hiện hành) ước đạt 20,7 triệu đồng. Vốn là ngành nghề truyền thống từ lâu đời, ngành công nghiệp dệt may hiện nay chiếm một tỷ trọng tương đối lớn góp phần phát triển kinh tế đất nước trong đó Dệt may Nam Định chiếm giữ một vị trí đặc biệt quan trọng. Được Đảng và Nhà nước quan tâm, đầu tư hiện nay ngành Dệt may Việt Nam nói chung và Dệt Nam Định nói riêng đã mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng xuất đáp ứng kịp thời nhu cầu trong nước và duy trì phát triển tốt thị trường Dệt may Việt Nam trên trường quốc tế với các tên tuổi: VINATEX, HALOTEXCO… Phát huy truyền thống hiếu học của cha anh, nối tiếp sự nghiệp giáo dục trồng người, Nam Định vẫn tiếp tục giữ vị trí là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về phong trào và chất lượng giáo dục. Kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia 2012 có 82/84 học sinh đạt giải, đạt 97,6%, là tỉnh có tỷ lệ học sinh đạt giải cao nhất. Có 7 học sinh đoạt Huy chương Bạc và Đồng kỳ thi Olympic Châu Á – Thái Bình Dương và kỳ thi Olympic quốc tế các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học. Đã có 5 huyện đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi. Toàn tỉnh đã có 523 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 37 trường so với năm học 2010-2011. Có 7 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú…
    Hiện nay, cả nước đang thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nhằm góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Điển hình của phong trào xây dựng đời sống văn hoá tại cơ sở đó là chương trình xây dựng nông thôn mới đã được các địa phương và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh Nam Định tích cực tham gia. Từ phong trào này, Nam Định là 1 trong 10 tỉnh, thành phố của cả nước đi tiên phong trong xây dựng nông thôn mới. Những nét đổi mới của Nam Định hôm nay, là điều kiện để Nam Định trong tương lai ngày càng vững mạnh và phát triển. Nhân dân trong cả nước, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước về với Nam Định với sức hấp dẫn bởi các dự án đầu tư, bởi các địa danh văn hoá từ lâu đời, bởi bề dày truyền thống về lịch sử và hơn hết bởi con người nơi đây gần gũi, đoàn kết và rất mực mến khách. Hơn nữa đến nơi đây ngoài các danh thắng lịch sử là niệm tự hào vốn có của người dân Nam Định có một khoảnh khắc làm cho chúng ta nhớ về Bác, về sự quan tâm của Bác dành cho nhân dân đó chính là Bảo tàng Nam Định, Bảo tàng Dệt May Việt Nam, nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật gắn liền với hình ảnh thân thương về Hồ Chủ tịch trong mỗi lần Bác về thăm tỉnh Nam Định: Đó là chiếc ghế đá nơi Bác Hồ đã ngồi nghỉ để nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy liên hợp Dệt Nam Định; những văn bản ghi lại lời dạy của Hồ Chủ tịch đối với Đảng bộ, nhân dân tỉnh nói chung, công nhân ngành Dệt may Nam Định nói riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với quy mô và ý nghĩa to lớn, Bảo tàng ngành Dệt may Việt Nam cùng với các khu lưu niệm khác, những công trình hóa văn khác là những tư liệu, hiện vật quý, góp phần giáo dục truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho giai cấp công nhân ngành Dệt may cả nước hôm nay và các tầng lớp thế hệ người Việt Nam mai sau.

    Trả lời

Viết một bình luận

Câu hỏi mới