Chỉ tính riêng trong tháng 7/2017 đã có gần 18.000 DN kinh doanh trong lĩnh vực ô tô xe máy đang trong tình trạng ngừng kinh doanh tạm thời và chờ đợi giải thể.
Sức ép từ cuộc đua giảm giá
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê đưa ra mới đây, trong tháng 7/2017, cả nước có hơn 43.000 DN ngừng hoạt động, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, riêng ở lĩnh vực ô tô, xe máy số DN “chết lâm sàng” đã chiếm tới 41% khi góp mặt 17.794 đơn vị.
Xét ở phạm vi rộng hơn khi tính từ đầu năm 2017, ô tô, xe máy luôn là lĩnh vực dẫn đầu về số lượng DN trong tình trạng tạm ngừng hoạt động có thời hạn hoặc chờ giải thể. Nếu tính đến hết quý 1/2017, số lượng DN loại này đang là 8.753 DN thì tại thời điểm hiện tại con số này đã lớn gấp hơn 2 lần.
Có nhiều nguyên nhân để lý giải cho tình trạng trên và yếu tố quan trọng nhất nằm chính ở mức giá bán xe đang liên tục giảm mạnh từ đầu năm. Không chỉ đối với các dòng xe sang mà ngay cả giá bán của dòng xe bình dân cũng đột ngột lao dốc khiến nhiều showroom kinh doanh ô tô nhỏ lẻ, chiếm hầu hết trong số các DN “chết lâm sàng”, lâm vào tình trạng thua lỗ hoặc phá sản.
“Nạn nhân” điển hình phải chịu ảnh hưởng mạnh từ tình trạng giảm giá này có thể kể đến Haxaco, đơn vị phân phối chính thức của Mercedes Benz tại Việt Nam. Trong quý 2/2017, lần đầu tiên sau 4 năm Haxaco phải gánh chịu khoản lỗ hơn 7 tỷ đồng, kéo theo đó là lợi nhuận trong nửa đầu năm giảm tới 43% cùng kỳ. Rất đáng ngạc nhiên nếu biết, cũng trong cùng quãng thời gian, doanh số bán ra của các dòng xe Mercedes-Benz tại Việt Nam đang rất tốt khi tiêu thụ được tới 3.375 chiếc, tăng 37% so với cùng kỳ. Và doanh thu của Haxaco cũng cực kỳ khả quan khi đạt 1.800 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng quãng thời gian này năm ngoái.
Lý giải về tình cảnh này, phía Haxaco cho biết bắt nguồn từ cuộc đua giảm giá xe nhằm cạnh tranh với các hãng khác cũng như chi phí bán hàng thông qua những phương thức khuyến mại đã kéo tụt lợi nhuận của mình. Bản thân Haxaco cũng gặp phải bài toàn khó khi nhu cầu mua xe tăng cao đã kéo theo lượng hàng tồn tăng tương ứng, điều này tất yếu dẫn tới tình trạng giảm giá bán lỗ 1 số dòng xe nhằm cân bằng khả năng tài chính.
Trong khi các tên tuổi lớn đua nhau giảm giá, thậm chí là chịu lỗ để tiêu thụ xe đã tạo ra áp lực lớn hơn bao giờ hết đối với showroom bán lẻ có quy mô nhỏ hơn. Một đại lý chuyên xe nhập khẩu xe Nhật trên đường Phạm Hùng (Hà Nội) cho biết, nếu như ở thời điểm này năm ngoái, với mỗi xe bán ra cửa hàng được hưởng hoa hồng từ 20 triệu – 40 triệu đồng nhưng nếu tính từ thời điểm đầu 2017 đến nay, giá xe đã giảm rất mạnh, thậm chí có nhiều mẫu còn hạ gần gấp đôi so với số tiền lời nói trên. Mà các đại lý lớn đang liên tục giảm giá bán, nên bắt buộc các showroom phải giảm theo, thậm chí là dưới cả mức nhập, nếu muốn tiêu thụ được xe.
Cộng thêm vào đó sức mua trong năm nay cũng giảm mạnh, vì vậy việc mỗi tháng showroom lỗ khoảng vài trăm triệu là điều không hề hiếm, người chủ đại lý trên cho biết. Hiện tại, nếu showroom có chạy kèm dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng với điều kiện là có khách thường xuyên thì may ra mới bù lỗ được cho khoản bán xe, còn nếu không có hoặc không đồng khách thì gần như chắc chắn là lỗ, không thể cầm cự được.
Cửa hàng kinh doanh xe cũ ảm đạm
Tình trạng cùng cực không chỉ xảy ra đối với showroom bán xe mới mà ngay cả các cửa hàng kinh doanh xe cũ, thị trường vốn có sức tiêu thụ rất tốt vào những năm trước, cũng ảm đạm không kém. Tham khảo tại một cửa hàng như vậy tại phố Dương Đình Nghệ (Hà Nội), nếu như vào năm ngoái sức tiêu thụ trung bình 1 ngày được từ 1 – 2 xe thì tại thời điểm này phải may mắn lắm cả 1 tuần mới có thể bán được 2 chiếc.
Chủ cửa hàng trên cho biết thêm, bán được xe chưa chắc là có lời bởi đa phần các loại xe cũ được mua lại nếu không bán ra được trong vòng 1 tháng là chắc chắn sẽ phải chịu lỗ. Một mặt các hãng xe liên tục tung ra các dòng xe mới với giá bán càng ngày càng rẻ, mặt khác các đợt giảm giá với quy mô lớn liên tục được triển khai, cộng thêm vào đó người mau càng ngày càng dè dặt với xe cũ khiến mỗi chiếc bán ra lỗ khoảng từ 10 triệu – 30 triệu đồng là không hiếm.
Hiện tại, bán xe cũ chỉ cần lời vài triệu hoặc hòa vốn là phải bán ngay, càng để lâu lỗ càng nặng, từ đầu năm đã có 5 – 6 cửa hàng kinh doanh ô tô cũ trong khu vực này đã phải sang nhượng hoặc chuyển hướng kinh doanh, giờ bán xe cũ thực sự quá khó khăn so với những năm trước, chủ cửa hàng nói thêm.
Rào cản từ cơ chế
Không chỉ có yếu tố thị trường, ngay trong các chính sách quản lý Nhà nước được áp dụng cho lĩnh vực ô tô xe máy cũng tạo ra không ít rào cản và những khoản chi phí quá lớn khiến DN không thể đáp ứng nổi, từ đó dẫn tới tình trạng bị “khai tử”.
Tiêu biểu cho tình trạng này là câu hỏi “tồn tại hay không tồn tại” của Thông tư 20/2011 quy định về thủ tục nhập khẩu xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Mới đây nhất, các DN nhập khẩu ôtô vừa và nhỏ tại Việt Nam đã chính thức có đơn kêu cứu gửi đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các bộ ban ngành và một số cơ quan khác về việc bãi bỏ Thông tư này. Lý do được đưa ra rằng, Thông tư đang là cái cớ cho các hãng xe trèn ép các DN Việt Nam.
Theo các DN trên, chỉ với quy định về giấy ủy quyền, các hãng xe có thể mặc nhiên quyết định quyền sinh quyền sát đối với các đơn vị trong nước, từ ép về doanh số, giá cho đến chất lượng sản phẩm, họ quyết định được nhập gì là phải nhập đấy, không có quyền lựa chọn. Không những thế, việc chỉ cần một giấy ủy quyền chính hãng là đã nhập được xe đã tạo điều kiện cho xe Trung Quốc tràn vào Việt Nam, bởi việc xin giấy trên từ các hãng xe Trung Quốc là khá dễ dàng, từ đó kéo theo sự bất ổn định của thị trường.
Không những thế, Thông tư 20 còn bắt buộc các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô của thương nhân nhập khẩu phải đầu tư trang thiết bị chuyên dùng lên đến hàng tỷ đồng. Thực tế, những thiết bị này chỉ được dùng trong những trạm kiểm tra xe trước khi xuất xưởng của cơ sở sản xuất lắp ráp ôtô và Trạm đăng kiểm ôtô của Cục Đăng kiểm. Điều kiện này gây khó khăn và tổn thất rất lớn cho DN không phát huy được tính linh hoạt của thị trường.
Trong 5 năm qua, hơn 200 DN vừa và nhỏ đã gặp muôn vàn khó khăn do không thể nhập khẩu được. Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều tiền vào các showroom, thuê nhân viên, đầu tư các gara sửa chữa để bảo hành cho khách nhưng nhiều DN không thể cầm cự nổi đã phải đóng cửa, đơn kêu cứu của nhóm DN nêu.
Có lẽ đã đến lúc, các cơ quan quản lý mà đặc biệt ở đây là Bộ Công thương cần có những chế tài, quy định mới sát với thực tiễn nhằm hướng tới một thị trường cạnh tranh lành mạnh hơn. Đi kèm với đó là hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô vừa và nhỏ để nhóm này đủ sức ganh đua hoặc đơn giản là có thể phát triển được giữa bối cảnh thị trường trong nước đang bị chi phối mạnh bởi các thương hiệu ô tô đến từ quốc tế.
Nguồn: Kinh Tế Đô Thị