Được đầu tư trên 21 tỷ đồng nhưng công trình đường giao thông vào khu trang trại kết hợp cứu hộ đập Khe Quả thuộc địa bàn xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) có dấu hiệu thi công sai thiết kế, toàn bộ vật liệu đắp nền không đúng như dự toán và kém chất lượng…
Được khởi công xây dựng vào tháng 4/2018 và dự kiến hoàn thành trong vòng 12 tháng, công trình có tổng dự toán trên 21 tỷ đồng, trong đó giá trị hợp đồng trên 16,1 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh kế hoạch trung hạn 2016 – 2020 và các nguồn vốn hợp pháp khác huy động của chủ đầu tư
Công trình do UBND huyện Lộc Hà làm chủ đầu tư; Công ty CP Tư vấn Xây dựng 268 giám sát; Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Xây dựng Tuấn Anh, trú tại đường Trần Phú, phường Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh là đơn vị thi công.
Đường giao thông vào khu trang trại kết hợp cứu hộ đập Khe Quả có tổng chiều dài gần 4km theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn cấp B, gồm 2 tuyến.
Tuyến 1 dài 3.041,08m; điểm đầu Km0+00 tại kè biển chống xâm thực huyện Lộc Hà, điểm cuối tại Km3+41,08 giao với đường 58 gần đập Khe Quả. Tuyến 2 dài 1.036,14m; điểm đầu Km0+00 tại khu chăn nuôi tập trung Đồng Muội, điểm cuối Km1+36,14 tại khu chăn nuôi tập trung Cây Mưng.
Theo thiết kế và dự toán công trình, nền đường có bề rộng 5m, được đắp bằng đất đồi đầm chặt K=0,95, trước khi đắp, đào bóc hữu cơ dày 20 cm; đánh cấp với bề rộng tối thiểu 0,5m đối với các vị trí có độ dốc ngang = 20%. Riêng đoạn Km1+477,34 đến Km3+22,05 tuyến 1 và đoạn Km0+2,0 đến Km1+29,5 tuyến 2 đi qua đất yếu, đào đất yếu với chiều dày trung bình 50cm, sau đó đắp trả bằng cát. Mái dốc taluy nền đường đắp 1/1,5, taluy nền đường đào 1/1.
Công trình hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế, vận chuyển, thông thương hàng hoá, phát triển hệ thống trang trại sản xuất, chăn nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế quy mô vừa và lớn, góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn; từng bước hoàn tiện hệ thống giao thông theo tiêu chí nông thôn mới đúng quy hoạch được duyệt, phục vụ cứu hộ, cứu nạn đập Khe Quả trong mùa mưa lũ.
Theo hồ sơ để làm cơ sở tính toán thì công trình này có khối lượng đất đắp khoảng 30.000m3, được chỉ định lấy tại mỏ đất Rú Nấy, xã Xuân Liên (Nghi Xuân), cách công trình khoảng 14km. Tuy nhiên trên thực tế, hầu hết vật liệu dùng để đắp nền đường không đúng như dự toán ban đầu, có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng.
Có mặt tại hiện trường, PV nhận thấy một khối lượng rất lớn “đất dạng đá” đã được phủ lên hầu hết toàn bộ công trình. Quan sát kỹ thì đây là dạng đá vỉa có nhiều màu sắc khác nhau, rất cứng. Hai bên lề đường những hòn đá to nằm lăn lóc suốt dọc tuyến. Hiện tại, phần móng đường của tuyến 1 cơ bản đã hoàn thành, một số đoạn đã được lu lèn theo từng lớp.
Theo quy định, đoạn Km1+477,34 đến Km3+22,05 tuyến 1 và đoạn Km0+2,0 đến Km1+29,5 tuyến 2 đi qua đất yếu nên phải đào bóc với chiều dày trung bình 50cm, sau đó đắp trả bằng cát. Tuy nhiên, sau khi bóc phong hoá một lớp vừa phải, đơn vị thi công đã đổ trực tiếp loại đá này xuống, sau đó phủ một lớp đất lên “làm màu”.
Nghi ngờ về loại vật liệu được dùng để đắp nền đường nói trên, chúng tôi đã xác minh qua mỏ đất Rú Nấy, xã Xuân Liên thì được biết tại đây không thấy loại đất, đá nào giống loại đất được đắp tại công trình. Tiếp tục tìm hiểu, cuối cùng PV đã phát hiện ra nơi cung cấp “đất dạng đá” cho dự án, đó là một quả đồi nằm cách công trình không xa, khoảng 1 km.
Trước thực trạng về nguồn đất không đúng như thiết kế, phóng viên đã có cuộc làm việc với đại diện chủ đầu tư. Tại buổi làm việc ông Nguyễn Xuân Trường, trưởng ban xây dựng cơ bản huyện Lộc Hà cho biết “chúng tôi sẽ kiểm tra…”. Một điều lạ là công trình này đã được thi công trong thời gian dài nhưng cán bộ phụ trách của ban này vẫn không hề có bất kỳ động thái nào về nguồn gốc đất không đúng như thiết kế.
Ngay tại buổi làm việc ông Trần Phi Long, phó ban, cán bộ phụ trách công trình này chỉ đáp lại câu hỏi của phóng viên bằng… nụ cười.
Thiết nghĩ, một công trình được đầu tư trên 21 tỷ đồng nhưng chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát và các cơ quan chuyên môn “lơ là” trong việc quản lý, giám sát thì câu hỏi đặt ra: Sau khi hoàn thành công trình và được đưa vào sử dụng liệu có đảm bảo chất lượng hay không? Và ai sẽ là người chịu trách nhiệm về những hậu quả nếu xảy ra.