Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới: BÀN TAY YÊU THƯƠNG Trong một tiết dạy vẽ, có giáo viên bảo các em học sinh l

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
BÀN TAY YÊU THƯƠNG
Trong một tiết dạy vẽ, có giáo viên bảo các em học sinh lớp một vẽ về điều gì làm cho em thích nhất trong đời.
Cô giáo thầm nghĩ “Rồi các em cũng lại vẽ những gói quà, những ly kem hoặc những món đồ chơi, quyển truyện tranh”. Thế nhưng cô đã hoàn toàn ngạc nhiên trước một bức tranh lạ của một em học sinh Douglas: bức tranh vẽ một bàn tay.
Nhưng đây là bàn tay của ai? Cả lớp bị lôi cuốn bởi một hình ảnh đầy biểu tượng này. Một em phán đoán
– “Đó là bàn tay của bác nông dân”.
Một em khác cự lại:
– “Bàn tay thon thả thế này phải là bàn tay của một bác sĩ phẫu thuật….”.
Cô giáo đợi cả lớp bớt xôn xao dần rồi mới hỏi tác giả. Douglas cười ngượng nghịu:
– “Thưa cô, đó là bàn tay của cô ạ!”.
Cô giáo ngẩn ngơ. Cô nhớ lại những phút ra chơi thường dùng bàn tay để dắt Douglas ra sân, bởi em là một cô bé khuyết tật, khuôn mặt không đuợc xinh xắn như những đứa trẻ khác, gia cảnh từ lâu lâm vào tình cảnh ngặt nghèo. Cô chợt hiểu ra rằng tuy cô vẫn làm điều tương tự với các em khác, nhưng hóa ra đối với Douglas bàn tay cô lại mang ý nghĩa sâu xa, một biểu tượng của tình yêu thương.
(Mai Hương, Vĩnh Thắng Quà tặng cuộc sống)
Câu 1: Nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản
Câu 2: Chỉ ra phép liên kết trong phần in đậm. (Cô giáo ngẩn ngơ … một biểu tượng của tình yêu thương.)
Câu 3: Theo em, vì sao Douglas lại vẽ bàn tay cô giáo?
Câu 4. Thông điệp của văn bản trên là gì?
Câu 5: Nếu được cô giáo yêu cầu vẽ một điều mà em thích nhất thì em sẽ vẽ gì? Vì sao? (viết 5 7 dòng)

2 bình luận về “Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới: BÀN TAY YÊU THƯƠNG Trong một tiết dạy vẽ, có giáo viên bảo các em học sinh l”

  1. Câu 1: Nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản
    => Phương thức biểu đạt chính của văn bản: Tự sự.
    Câu 2: Chỉ ra phép liên kết trong phần in đậm. (Cô giáo ngẩn ngơ … một biểu tượng của tình yêu thương.)
    => Phép liên kết ở đây là phép nối.
    Các câu được nối với nhau bằng quan hệ từ “bởi” (chỉ nguyên nhân), “tuy… nhưng” (chỉ quan hệ tương phản).
    Câu 3: Theo em, vì sao Douglas lại vẽ bàn tay cô giáo?
    => Theo em, Douglas lại vẽ bàn tay cô giáo, vì: Đôi bàn tay ấy đã quan tâm em, đã dắt em ra sân chơi trong những giờ giải lao. Đối với em, đôi bàn tay ấy mang ý nghĩa sâu xa, mang biểu tượng của tình yêu thương.
    Câu 4. Thông điệp của văn bản trên là gì?
    => Thông điệp của văn bản trên là: Có những điều rất bình dị với người này, nhưng lại mang ý nghĩa lớn lao với người khác. Sự quan tâm chân thành luôn để lại ấn tượng sâu sắc và là động lực để con người ta vươn lên trong cuộc sống.
    Câu 5: Nếu được cô giáo yêu cầu vẽ một điều mà em thích nhất thì em sẽ vẽ gì? Vì sao? (viết 5 7 dòng).
    => Nếu được cô giáo yêu cầu vẽ một điều mà em thích nhất thì em sẽ vẽ đôi bàn tay của mẹ em, vì: Đôi bàn tay ấy đã nâng niu, ẵm bồng em khi em mới chào đời. Cũng đôi bàn tay ấy đã không quản ngại nắng mưa, khuya sớm, để làm lụng, nuôi em khôn lớn thành người. Dù giờ đôi bàn tay ấy đã chai sạn, nhưng với em, nó thật đẹp, thật đáng được trân trọng. Em yêu đôi bàn tay của mẹ. 

    $#friendly$

    Trả lời
  2. Câu 1: PTBĐ chính của văn bản: Tự sự
    Câu 2: Phép liên kết: Phép lặp:
    + Lặp từ “cô”
    + Lặp từ “bàn tay”
    Câu 3: Douglas lại vẽ bàn tay cô giáo vì: Em vốn là một cô bé khuyết tật, khuôn mặt không được xinh xắn như những thiên thần bé nhỏ khác, hoàn cảnh gia đình cũng rất khó khăn. Về phía bạn bè, sẽ có những bạn tốt chơi cùng em, nhưng vẫn không tránh khỏi sự trêu trọc, xa lánh của những bạn xấu. Mọi nỗi bất hạnh ập lên đầu khiến em có đôi chút mặc cảm, tự ti về bản thân mình và sống khép kín với thế giới xung quanh. Nhưng, bằng đôi bàn tay mình, cô giáo đã dắt em ra sân vào những phút ra chơi. Đối với em, bàn tay cô mang một ý nghĩa rất sâu xa, là biểu tượng của tình yêu thương. 
    Câu 4: Thông điệp của văn bản trên: Tình yêu thương vốn xuất phát từ những điều vô cùng giản đơn, bình dị trong cuộc sống. Nhưng ý nghĩa nó mang lại, thì có lẽ, không gì có thể lột tả hết được. Nó giúp những người lâm vào cảnh hoạn nạn, cơ nhỡ có thêm niềm tin và hi vọng để vượt qua khó khăn, gian khổ. Không những vậy, nó còn đem lại niềm vui, hạnh phúc, thanh thản trong tâm hồn ta. Bởi vậy, hãy đối xử với những người thân, bạn bè, và tất cả mọi người xung quanh bằng một tình yêu thương đích thực, nồng nàn và đong đầy nhất. 
    Câu 5:
    – Nếu được cô giáo yêu cầu vẽ một điều mà em thích nhất, em sẽ vẽ đôi tay của ba.
    – Vì: Đôi khi chúng ta mải nhìn thấy sự quan tâm, săn sóc, lo lắng của mẹ mà quên mất rằng ba cũng rất thương mình. Chỉ là tình yêu thương ấy được ba thể hiện một cách rất riêng và độc đáo mà thôi! Nếu đôi tay của mẹ gắn liền với những cái ôm hôn, cái bế bồng, thì đôi tay của ba lại gắn liền với những trận đòn roi. Và từ những vết roi hằn trên chân, trên tay đó, ta mới có thể khôn lớn, trưởng thành. Trải qua nhiều năm tháng, nhiều vất vả chông gai, đôi bàn tay ba dần thô ráp, cháy nắng và đầy những vết chai. Nhưng với tôi, đôi tay ấy vẫn thật đáng quý, vì nó tượng trưng cho những hi sinh thầm lặng của ba cũng như tình phụ tử thiêng liêng, cao cả giữa ba và tôi.

    Trả lời

Viết một bình luận

Câu hỏi mới