2 bình luận về “Đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích”
Kể lại truyện cổ tích – Cây khế – người em kể lại
Tôi là người em trong truyện cây Khế đây! Hôm nay tôi sẽ kể cho mọi người về câu chuyện cây Khế.Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân. Vì chăm chỉ làm lụng nên bố mẹ tôi cũng có bát ăn bát để, hi vọng sau này có ít vốn cho anh em tôi làm kế sinh nhai. Khi bố mẹ mất, tôi và anh trai cùng chăm chỉ làm lụng. Đến khi lấy vợ, anh trai tôi bỗng trở nên lười biếng.
Một hôm, anh trai gọi tôi đến bàn bạc chuyện chia gia tài. Vì là phận em, tôi xin được nghe theo lời anh. Tôi nhận được một túp lều nhỏ, ở trước cửa có một cây khế. Tôi chấp nhận mà không hề kêu ca, than phiền gì. Hằng ngày, tôi phải mò cua bắt ốc, cày thuê, cuốc mướn để sống. Cây khế trở thành tài sản quý giá nhất và là người bạn thân thiết của tôi. Tôi chăm sóc nó chu đáo, tận tình như người bạn. Vì vậy mà cây khế lớn rất nhanh và chẳng bao lâu đã ra hoa kết quả. Đến mùa khế chín, những chùm khế chín vàng óng, thơm lừng báo hiệu một mùa khế bội thu. Tôi đã đan những chiếc sọt để ngày mai đem khế ra chợ đổi lấy gạo. Sáng hôm sau, tôi ra vườn hái khế thì nhìn thấy trên cây khế có một con chim to đang ăn khế. Lòng tôi đau như cắt. Tôi chạy đến dưới gốc cây và nói:
– Chim ơi! Ngươi ăn khế của ta thì gia đình ta biết lấy gì để sống?
Chim bỗng ngừng ăn và cất tiếng trả lời:
– Ăn một quả trả một cục vàng, may túi ba gang mang đi mà đựng.
Nói rồi chim bay đi. Hai vợ chồng tôi nghe lời chim may một cái túi, bề dọc bề ngang vừa đúng ba gang.
Sáng sớm hôm sau, chim thần bay đến. Tôi xách túi ra, chim nằm rạp xuống đất cho tôi trèo lên. Tôi ngồi trên lưng chim mà lòng có chút lo lắng. Chim bay mãi, bay mãi, qua bao nhiêu là miền, hết đồng ruộng đến rừng xanh, hết rừng xanh rồi đến biển cả,… Ra tới biển chim rẽ vào một cái đảo, rồi đáp xuống cửa một cái hang. Chim ra hiệu cho tôi bước vào. Ngay từ cửa đã có rất nhiều thứ đá trong như thủy tinh và hổ phách đủ thứ màu. Tôi thấy hang sâu và rộng nên không dám vào, chỉ dám nhặt ít vàng, kim cương ở ngoài rồi ra ngoài. Tôi bảo chim thần bay về. Chim lại cất cánh đưa tôi về nhà. Từ đó, cuộc sống của gia đình tôi trở nên khá giả hơn trước. Chúng tôi còn giúp đỡ được rất nhiều người dân nghèo khổ.
Tiếng đồn người em giàu có đã đến tai vợ chồng người anh của tôi. Một hôm, anh trai của tôi đến chơi. Tôi đoán biết anh nghe được chuyện nên đến hỏi thăm. Nghe anh hỏi chuyện, tôi liền kể cho anh nghe. Anh liền thương lượng để đổi tài sản của mình lấy túp lều và cây khế. Thấy anh nài nỉ mãi, tôi cũng ưng thuận. Cả gia đình anh chuyển về túp lều cũ của tôi. Ngày nào anh cũng ra dưới gốc khế chờ chim thần đến. Mùa khế chín, chim cũng trở về ăn khế. Họ vội tru tréo lên:
– Chim thần ơi, cả nhà tôi trông vào cây khế, bây giờ chim ăn thì tôi lấy gì mà sống?
Chim thần cũng nói y như nói với tôi:
– Ăn một quả trả một cục vàng, may túi ba gang mang đi mà đựng!
Hai vợ chồng người anh cuống quýt bàn cãi may túi. Mới đầu họ định mang nhiều túi, sau lại sợ chim không cho, bèn chỉ mang một túi như tôi nhưng to gấp ba lần
Sáng hôm sau, chim thần đến đưa anh tôi ra hòn đảo. Nhìn thấy vàng bạc, kim cương, anh trai tôi cố nhặt cho đầy túi. Không chỉ vậy, anh ta còn cho cả vào túi quần, túi ào. Trên đường về, vì quá nặng lại gặp gió lớn, chim đâm bổ xuống biển. Anh trai tôi bị sóng cuốn trôi, bao nhiêu của cải mất hết. Còn chim thần chỉ bị ướt lông, ướt cánh nên lại vùng lên trời bay đi. May có người dân đánh cá ngang qua mới cứu được. Anh trai tôi trở về, kể rõ sự tình cho tôi nghe và tỏ ra rất hối hận.
Qua sự việc đó, tôi luôn tự nhủ rằng: Cần phải luôn chăm chỉ, cần mẫn lao động thì mới có được thành quả tốt. Hiền lành, tốt bụng thì sẽ được đền đáp xứng đáng. Hãy giúp đỡ người khác khó khăn hơn mình. Quá tham lam thì sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề.
Hùng Vương thứ mười tám có một người con gái tên là Mị Nương. Nàng không chỉ xinh đẹp, mà còn hiền dịu. Nhà vua rất yêu thương nên muốn kén cho công chúa một người chồng thật xứng đáng.
Ta là Sơn Tinh, sống ở vùng núi Tản Viên. Nghe tin Vua Hùng kén rể, ta liền tức tốc đến cầu hôn. Cùng đến với ta còn có tên là Thủy Tinh. Hắn là chúa vùng biển cả. Tài năng hết sức phi thường: gọi gió, gió đến; hô mưa, mưa về. Dù vậy, ta vẫn rất tự tin. Tài năng của ta cũng đâu thua kém. Khi ta vẫy tay về phía đông, phía đông nổi cồn bãi; vẫy tay về phía tây, phía tây mọc lên từng dãy núi đồi.
Hai ta ngang sức ngang tài, khiến cho nhà vua băn khoăn không biết nhận lời ai. Thế rồi, vua liền cho mời các Lạc hầu vào trong bàn bạc. Xong, vua liền phán rằng:
– Hai chàng đều vừa ý ta. Nhưng ta lại chỉ có một người con gái. Nay biết gả cho người nào? Vậy nên ngày mai, nếu ai đem sính lễ đến trước, ta sẽ gả con gái cho.
Ta và Thủy Tinh nghe vậy, liền hỏi xem sính lễ gồm những món gì. Vua Hùng bèn nói:
– Một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng và voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi.
Nghe xong, ta cảm thấy mừng thầm. Những lễ vật trên đều dễ tìm được ở vùng núi của ta. Nhưng không vì thế mà đắc ý, ta nhanh chóng trở về để chuẩn bị cho kịp. Sáng hôm sau, mới tờ mờ sáng, ta đã đem ra đầy đủ lễ vật đến. Vua Hùng thấy vậy hài lòng lắm. Ta được rước Mị Nương về núi.
Trên đường trở về, trời đất bỗng tối sầm lại. Thì ra, Thủy Tinh đến sau, không lấy được vợ, nên đã nổi giận đem quân đuổi theo đòi cướp Mị Nương. Hắn hô mưa, gọi gió làm thành dông bão rung chuyển cả đất trời. Nước sông dâng lên cuồn cuộn làm ngập ruộng đồng, nhà cửa. Thành Phong Châu như nổi lềnh bềnh trên một biển nước. Nhân dân vô cùng khổ sở.
Thấy vậy, ta vẫn không hề nao núng. Ta liền dùng phép bốc từng quả đồi, dời từng dãy núi. Từ đó dựng thành luỹ đất, ngăn chặn dòng nước lũ. Nước sông dâng cao bao nhiêu, đồi núi lại cao lên bấy nhiêu. Ta và hắn đánh nhau mấy tháng trời nhưng vẫn không phân thắng bại. Đến cuối cùng, đội quân của Thủy Tinh kiệt sức, đành phải rút quân về.
Nhưng từ đó oán nặng thù sâu, hằng năm, Thuỷ Tinh vẫn làm gió, bão lụt để dâng nước để đánh ta. Hắn quyết tâm cướp được Mị Nương. Nhưng năm nào, hắn đánh mỏi mệt, vẫn không thắng nổi ta. Cuối cùng, Thủy Tinh vẫn phải rút quân về.
2 bình luận về “Đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích”