Cảm nhận vẻ đẹp của khổ thơ thứ nhất bài ”Sang thu”-Hữu Thỉnh. [Làm rõ luận điểm giúp mình]

Cảm nhận vẻ đẹp của khổ thơ thứ nhất bài ”Sang thu”-Hữu Thỉnh.
[Làm rõ luận điểm giúp mình]

1 bình luận về “Cảm nhận vẻ đẹp của khổ thơ thứ nhất bài ”Sang thu”-Hữu Thỉnh. [Làm rõ luận điểm giúp mình]”

  1. Chào em, em tham khảo gợi ý:
    (1) Khổ thơ mở đầu bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh đã thể hiện cảm xúc bất ngờ của tác giả khi bắt gặp những tín hiệu thu sang. (2) Ở đó, nhà thơ đón nhận các vẻ đẹp của mùa thu trong không gian vườn ngõ, ông liệt kê các hình ảnh, trạng thái của sự vật mang hương thu, dáng thu: hương ổi, gió se, sương chùng chình. (3) Mùa thu bắt đầu được cảm nhận qua hương ổi thân quen của làng quê Việt Nam, hương thơm ấy không phải tỏa vào, quyện vào mà “phả” vào trong gió. (4) Từ “phả” đảo lên đầu câu thơ đã diễn tả từng đợt hương như sánh lại, phả vào trong gió se. (5) Gió se là gió hơi lạnh và khô, rất đặc trưng của mùa thu miền Bắc, xuất hiện trong không gian của khu vườn đượm hương cây trái, gió se như thành sứ giả đem hương thu đi muôn nơi. (6) Ở đây, nếu như hương ổi phả vào gió se đang ở thế vận động mạnh thì sương thu lại ngập ngừng trong sự dịch chuyển chầm chậm qua ngõ. (7) Hình ảnh “sương” được tác giả sử dụng biện pháp nhân hóa, tạo thêm vẻ đẹp cho bức tranh thiên nhiên mùa thu. (8) Hai chữ “chùng chình” gợi nên sự mỏng manh, nhẹ nhàng khi sương thu đang giăng mắc khắp không gian. (9) Ta có cảm giác sương thu chứa đầy tâm trạng, nó như lưu luyến, bịn rịn điều gì nơi ngõ nhỏ. (10) Hình ảnh “ngõ” không chỉ là cái ngõ cụ thể nơi quê nhà, đó còn là hình ảnh ẩn dụ gợi đến con ngõ của thời gian thông giữa hai mùa – từ mùa hạ sang mùa thu. (11) Và như thế, màn sương không chỉ chùng chình trong sự chuyển động nhẹ nhàng trên tầng không mà nó còn chùng chình trước con ngõ thời gian như muốn giữ lại mùa hè nhưng cũng muốn đến với mùa thu. (12) Thiên nhiên là vậy còn lòng người thì sao? (13) Trước những tín hiệu của mùa thu, nhà thơ thể hiện sự bối rối, giật mình qua từ “bỗng”, ông không tránh khỏi sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng khi nhận ra những tín hiệu báo thu về. (14) Hương ổi, gió se, làn sương chùng chình cùng đến trước mắt thi sĩ nhưng dường như ông vẫn chưa dám tin là mùa thu đã đến, nhà thơ dè dặt buông một câu hỏi phỏng đoán: “hình như thu đã về”. (15) Thành phần tình thái “hình như” gói một chút bâng khuâng, xao xuyến, một chút mơ hồ, không chắc chắn. (16)  Cảm xúc ấy là cảm xúc của một tâm hồn rất nhạy cảm với thiên nhiên, rất nồng nàn với quê hương đất nước. (17) Bằng cách ấy, từ những tín hiệu không có hình hài, nhà thơ đã gọi dậy ở người đọc sự đồng điệu thiết tha, sâu lắng với mùa thu – mùa thơ của quê hương xứ sở.

    Trả lời

Viết một bình luận

Câu hỏi mới