viết bài văn nghị luận về vấn đề nghiện game (lưu ý thân bài đủ các ý sau 1: giải thích 2 :thực trang 3: nguyên nhân 4: hậu

viết bài văn nghị luận về vấn đề nghiện game (lưu ý thân bài đủ các ý sau 1: giải thích 2 :thực trang 3: nguyên nhân 4: hậu quả 5: giải pháp

2 bình luận về “viết bài văn nghị luận về vấn đề nghiện game (lưu ý thân bài đủ các ý sau 1: giải thích 2 :thực trang 3: nguyên nhân 4: hậu”

  1. Game online ra đời thực chất với mục đích là trò chơi giải trí mang tính lành mạnh, giúp đầu óc thư giãn. Nhưng hiện nay, đa phần là ở lứa tuổi thanh thiếu niên nó đã bị biến tướng dẫn đến nhiều hậu quả đau lòng. Nghiện game online trở thành vấn đề nhức nhối mà suốt những năm qua vẫn chưa có biện pháp nào có thể giải quyết được triệt để.
    “Game online” nghĩa là trò chơi trực tuyến thông qua mạng internet với nhiều trò chơi khác nhau để người chơi có thể lựa chọn. Nếu chơi game online có chừng mực, đúng với nghĩa đen mang tính giải trí thì nó sẽ giúp người chơi giải tỏa được căng thẳng, không ảnh hưởng tới đời sống hiện tại. Nhưng nếu mê mẩn quá mức, không biết điểm dừng sẽ mang đến nhiều tai hại đó chính là tình trạng “nghiện game” dẫn đến sao nhãng việc học hành, khiến cho tinh thần không còn tỉnh táo nữa gây ra những việc làm đáng tiếc. Theo các nhà tâm lý học trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, nghiện game online nguy hại ngang ngửa như với những tình trạng nghiện khác như nghiện rượu, nghiện ma tuý. Thông tin trên báo đài cũng thường xuyên nói về tình trạng nghiện game online kéo theo các thói hư tật xấu, những tệ nạn xã hội như giết người, cướp của, trộm cắp… để lấy tiền chơi game. Rồi thì chỉ vì xích mích nhỏ mà hẹn đánh nhau gây ra thương tích nghiêm trọng ảnh hưởng tới tính mạng. Trong đó, lứa tuổi học sinh, sinh viên thường không lường hết nguy hại từ việc này mà dần dần sa vào vũng lầy. Nguyên nhân nghiện game online xuất phát từ nhiều phía, trong đó có cả nguyên nhân đến từ gia đình. Nhiều cha mẹ vì mải kiếm tiền mà không quan tâm đến đời sống tinh thần của con. Dẫn tới việc khi thấy học hành sa sút, kiểm tra lại thì đã muộn. Nhiều bạn trẻ khác thì vì vốn sống còn non trẻ, lập trường tư tưởng không vững vàng nên dễ bị bạn bè lôi kéo, kích bác dẫn đến quyết tâm chơi game để “phục thù”. Nhưng chưa biết có phục thù được hay không thì còn để lại phía sau là một đống nợ nần từ việc nạp thẻ game, tiền chơi quán net… Thực tế đã có nhiều học sinh, sinh viên vì số nợ chơi game quá lớn mà phải bỏ học, bỏ trốn vì sợ nơi mình vay nặng lãi đến tìm. Nhưng dù có trốn kỹ mấy thì cũng sẽ bị chủ nợ tìm ra, do giấy tờ, địa chỉ, nhân thân của người vay đã được thể hiện rõ ràng trong cam kết. Thế lực tín dụng đen sẽ tìm đến tận nhà để đòi nợ từ người thân của bạn. Tiền mất tật mang, thế giới game ảo sẽ chẳng mang lại cho bạn được điều gì có ích mà chỉ toàn những điều tai hại. Sức khoẻ thì ngày một giảm sút nghiêm trọng. Tình cảm gia đình bị sứt mẻ nghiêm trọng. Nó còn ảnh hưởng tới tương lai của bản thân. Vậy làm thế nào để cai nghiện game online để giúp những người đó thoát khỏi thế giới ảo? Thật sự mà nói, cai nghiện là việc rất khó, nhưng vẫn có thể cai được nếu bản thân họ quyết tâm, được gia đình động viên. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, vì thế hãy tuyên truyền cho con em mình, bạn bè nên biết điểm dừng nếu chơi game online. Động viên, khuyến khích các bạn trẻ tham gia những câu lạc bộ sinh hoạt cộng đồng giúp đời sống tinh thần thêm phong phú. Đó cũng là một biện pháp tích cực và hữu hiệu. Cha mẹ cũng nên dành thời gian quan tâm đến con cái nếu có tình trạng lún sâu vào game online cần can thiệp kịp thời. Đừng la mắng, đánh chửi mà hãy nhẹ nhàng khuyên nhủ, nói cho con hiểu. Game tuy ảo nhưng tác hại của nó đến sức khỏe, cuộc sống không hề ảo chút nào, nặng còn gây ra biến chứng thần kinh hết sức nguy hiểm.
    Là con người, ai cũng xứng đáng được hưởng điều tốt đẹp từ cuộc sống, trong đó có cả internet nhưng đừng lạm dụng nó, đừng để nó làm chủ mình. Hãy biết dừng lại đúng lúc trước khi trở thành con nghiện bạn nhé!

    Trả lời
  2. Chào em, em tham khảo gợi ý:
    1. Mở bài
    – Game online là trò chơi thời thượng và rất phổ biến trong xã hội ngày nay.
    – Giới trẻ dễ sa vào nghiện game online và số người nghiện game online ngày càng có chiều hướng gia tăng.
    – Nghiện game online rất nguy hại cho bản thân, gia đình và xã hội.
    2. Thân bài:
    – Thế nào là game online?
    + Game online – trò chơi trực tuyến (rất quyến rũ, lôi cuốn người chơi đặc biệt là giới trẻ bởi nội dung phong phú, đa dạng, li kì huyền ảo, hấp dẫn…).
    + Game online – bản thân nó không phải một điều xấu (cũng đem lại cho người chơi nhiều lợi ích như: giải trí, xả bớt căng thẳng, giết thời gian rảnh rỗi, thể hiện cá tính, mở rộng mối quan hệ, nhưng cái tiêu cực mà nó mang đến lại vô cùng nguy hại, ảnh hưởng rất lớn đến tâm hồn, thể xác của giới trẻ…).
    – Tình trạng nghiện game online của giới trẻ hiện nay: Giới trẻ hiện nay đã tìm đến game online và số người nghiện chúng ngày càng đông (coi chúng là bạn đồng hành, là niềm vui, sự sống… không thể thiếu, không thể xa rời; họ quên đi thế giới của thực tại, không quan tâm đến mục đích, lí tưởng, ước mơ, khát vọng sống mà chìm đắm trong thế giới ảo để đến với những mục đích, lí tưởng, ước mơ chỉ có trong thế giới của cổ tích).
    – Nguyên nhân:
    + Xã hội:
    +) Xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu giải trí của giới trẻ (chưa có nhiều sân vận động, nhà văn hóa, chưa có sân chơi công cộng với những trò chơi bổ ích, hấp dẫn, có tổ chức, có chương trình phong phú, phù hợp với thị hiếu, với lứa tuổi, với thời đại…).
    +) Game online ngày càng phát triển vượt bậc (do xã hội ngày càng phát triển, công nghệ thông tin ngày càng được nâng cao đáp ứng, thỏa mãn như cầu chơi của giới trẻ).
    +) Xã hội chưa có biện pháp hữu hiệu để quản lí các quán Internet và các hoạt động của họ, chưa kiểm soát được nội dung các game online…
    +) Game online đã trở thành trào lưu của xã hội hiện đại, có sức mạnh nội lực ghê gớm (có nhiều ưu thế mà các loại trò chơi khác không có được. Khi chơi có cả một cộng đồng cùng chơi bất kể họ đang ở đâu. Đặc biệt game online sử dụng công nghệ thông tin, công nghệ mạng Internet để thiết kế… Nó hút hồn tất cả những ai không thật bản lĩnh, không thật vững vàng, thiếu sự hiểu biết, thiếu sự định hướng của xã hội, của những người có trách nhiệm…).
    + Gia đình: bận rộn, không kèm cặp được con cái, nuông chiều con, thiếu hiểu biết về game online (thái độ không đúng mực, không giúp con nhận thức đúng cũng không định hướng được cho con về mục đích chơi…).
    + Bạn bè: rủ rê, lôi kéo, dụ dỗ…
    + Bản thân:
    +) Muốn tự khẳng định mình nhưng chưa có kinh nghiệm sống, rất dễ bị cám dỗ bởi những trò chơi mới lạ…
    +) Có cá tính, khôn ngoan, năng động, thích khám phá, hệ thống tư duy chưa được định hình, thiếu hiểu biết, ham chơi, dễ bị lừa phỉnh, thiếu bản lĩnh…
    +) Buồn chán do không được quan tâm, bị bỏ rơi hay có cảm giác bị bỏ rơi, hoặc bị mắng mỏ, hắt hủi, bị chê bai, hay gặp những chuyện buồn trong cuộc sống…
    – Hậu quả:
    + Tốn kém thời gian, tiền bạc, lơ là học tập…
    + Sức khỏe bị suy giảm dẫn đến suy nhược cơ thể, sinh nhiều bệnh nguy hiểm (trong đó có những căn bệnh về thần kinh rất tốn tiền điều trị, mất thời gian, khó chữa, có trường hợp dẫn đến cái chết…).
    + Bị tha hóa (khiến người ta quên đi tất cả, hờ hững xa lánh người thân, tính khí thất thường, ảnh hưởng đến phát triển nhân cách, băng hoại đạo đức, có thể dẫn đến phạm tội…).
    + Nhầm lẫn thực ảo, xa rời thực tế, ít quan tâm đến đời sống thực…
    + Nguồn nhân lực lao động trong tương lai bị giảm sút, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của xã hội…
    – Biện pháp phòng chống:
    + Giáo dục giới trẻ sống lành mạnh, có lý tưởng, biết ước mơ và khao khát biến ước mơ thành hiện thực…
    + Giúp họ nhận thức đúng đắn mục đích, ý nghĩa của việc sử dụng game online.
    + Nhà nước phải có những quy định chặt chẽ, có hệ thống về sản xuất chương trình, về dịch vụ kinh doanh game online và giám sát việc thực hiện có hiệu quả…
    + Gia đình dành thời gian quan tâm, chăm sóc, yêu thương, chia sẻ, cảm thông, tôn trọng con cái; không nuông chiều vô lối, cũng không quá khắc nghiệt, không ép con học quá sức…
    + Không lập tức cấm cản bằng thái độ gay gắt, hoặc quát mắng hay dùng vũ lực, dành nhiều thời gian gần gũi, khuyên bảo, quan tâm, giám sát, đưa đến các chuyên gia tư vấn và phòng khám tâm thần để điều trị…
    + Nhà trường động viên, giúp trẻ nhận thức được mặt tiêu cực của nghiện game online, giúp trẻ hòa nhập, vui chơi với các bạn cùng trang lứa, khích lệ các em làm những việc có ích…
    – Đề xuất: 
    + Xã hội cần quan tâm đến giới trẻ (tạo điều kiện cho họ có nhiều chỗ vui chơi, giải trí và được vui chơi, giải trí lành mạnh, giúp họ bộc lộ cá tính, năng lực một cách tự nhiên…
    + Chương trình học cần giảm tải, phương pháp dạy học tích cực (phát huy niềm đam mê học tập tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Không tạo ra áp lực khiến học sinh chán nản dễ đẩy các em tìm đến game online để giải tỏa).
    + Các bậc cha mẹ cần quan tâm đến con cái nhiều hơn…
    – Ý nghĩa của việc giúp mọi người nhận thức đúng đắn về game online:
    + Làm chủ được bản thân, không mắc nghiện.
    + Khai thác được mặt tích cực của game online: giải trí, rèn tư duy, xả stress…
    3. Kết bài:
    – Nghiện game online là đáng chê trách.
    – Muốn dân giàu, nước mạnh, cuộc sống bình yên, hạnh phúc mỗi cá nhân phải sống cuộc sống lành mạnh, chăm chỉ học tập, lao động, vươn tới mục tiêu sống có ích…

    Trả lời

Viết một bình luận

Câu hỏi mới