Dự án “Phát triển tổng hợp các đô thị động lực” được triển khai tại các đô thị thuộc 5 tỉnh: Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Yên Bái, Ninh Bình và Thái Nguyên, nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương thông qua các giải pháp đô thị tổng hợp về phát triển cơ sở hạ tầng và quản lý đô thị.
Tiểu dự án TP. Thái Nguyên có tổng mức đầu tư là 100 triệu USD. Hiện TP. Thái Nguyên đang hoàn thiện các thủ tục trình các Bộ, ngành Trung ương để có thể triển khai đầu tư dự án vào năm 2018 sau khi Chính phủ phê duyệt.
Mục tiêu thiết thực của dự án
Bà Phan Thị Phương Huyền, chuyên gia cao cấp phát triển đô thị của Ngân hàng thế giới (WB) khẳng định “Thái Nguyên là địa phương được WB tin tưởng nhất cả về năng lực thực hiện dự án và khả năng hoàn trả vốn vay.
Theo dự kiến, tháng 8/2017, Chính phủ sẽ phê duyệt dự án; tháng 3/2018, WB sẽ thẩm định vốn và tháng 7/2018 sẽ chính thức triển khai dự án. Bà Huyền cũng gợi ý một số lĩnh vực mà TP. Thái Nguyên nên đầu tư trong thời gian tới đó là giao thông công cộng, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch và kiểm soát hệ thống thoát nước đô thị.
Với mục tiêu chung của dự án nhằm phát triển hạ tầng đô thị TP. Thái Nguyên theo hướng đồng bộ, hiện đại và bền vững, phù hợp với các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật của đô thị loại I thuộc tỉnh. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội đưa TP. Thái Nguyên trở thành trung tâm chính trị, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, dịch vụ của tỉnh Thái Nguyên và vùng Trung du – miền núi Bắc Bộ; là một cực phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội
Cụ thể như, tăng cường kết nối và cải thiện chất lượng hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, giảm thiểu tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông, giảm chi phí giao thông và tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, phát triển sản xuất, thương mại cho thành phố và các địa phương lân cận.
Cải thiện chất lượng môi trường khu dân cư do ô nhiễm nước thải tại khu vực trung tâm thành phố, giảm thiểu nguy cơ ngập lụt trong mùa mưa; cải thiện năng lực thoát nước cho một số tuyến mương suối thoát nước chính của thành phố; tăng hiệu quả đầu tư của các trạm xử lý nước thải đã thực hiện bởi các dự án.
Bên cạnh đó, dự án còn tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu tiếp cận dịch vụ giáo dục mầm non của thành phố.Từ những mục tiêu cụ thể của dự án sẽ góp phần tác động trực tiếp đến đời sống, kinh tế, xã hội, môi trường của người dân thành phố.
Nó sẽ đẩy nhanh hơn quá trình mở rộng phát triển kinh tế của địa phương và khu vực lân cận; Thu hút đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ, … nâng cao hiệu suất và hiệu quả sản xuất lao động của người dân và doanh nghiệp; mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh doanh, dịch vụ, thương mại … tạo điều kiện sinh kế cho người dân
Bên cạnh đó, giảm thiểu ô nhiễm môi trường (khói bụi, tiếng ổn) từ giao thông đi lại trên địa bàn thành phố; giảm thiểu tình trạng ngập lụt tại các khu dân cư; cải thiện và nâng cao chất lượng, bộ mặt cảnh quan đô thị.
Từng bước phù hợp với vị thế và vai trò của thành phố trong tỉnh cũng như trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc
Tiến độ dự án và kết quả đã thực hiện
Dự án dự kiến gồm các hợp phần cơ bản như: Nâng cấp hạ tầng giao thông và ngầm hóa hệ thống kỹ thuật một số tuyến đường: Nâng cấp đường Việt Bắc giai đoạn 3; Xây dựng đường Bắc – Nam – cầu Huống Thượng; Cải tạo đường Lê Hữu Trác; Nâng cấp đường Huống Thượng – Chùa Hang; cải tạo và nâng cấp cầu Đán; Ngầm hóa hệ thống kỹ thuật một số tuyến đường.
Xây dựng mở rộng trường mầm non Hương Sơn, nâng cấp trường mầm non Phan Đình Phùng; Đối với hạ tầng kỹ thuật tập trung chống ngập và cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường như: Cải tạo tuyến mương cầu Bóng tối và mương thoát nước Xương Rồng; suối Mỏ Bạch,…
Đối với giải pháp phi kết cấu – hỗ trợ xây dựng thể chế, cụ thể, xây dựng mô hình mô phỏng các tình huống ngập lụt và giải pháp thủy lực thoát nước cho toàn TP, sử dụng phần mềm MIKE URBAN nhằm xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và kiểm soát ô nhiễm.
Tính đến thời điểm hiện tại dự án đã triển khai được các nội dung: Giai đoạn chuẩn bị dự án từ tháng 9/2016 đến 3/2017 lập đề xuất và trình Chính phủ phê duyệt; tháng 4-5/ 2017 Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được lập và đệ trình Thủ tướng; tháng 5-6/2017 lập Báo cáo nghiên cứu kinh tế và các báo cáo các thành phần, phê duyệt sơ đồ dự án, các báo cáo có liên quan và quyết định đầu tư dự án; Phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi.
Tháng 8/2017 đến tháng 2/2018 lập báo cáo nghiên cứu khả thi các báo cáo thành phần; tháng 2-5/2018 phê duyệt văn kiện dự án và đàm phán hiệp định vay vốn; Thiết kế chi tiết hạng mục (giai đoạn 1) tháng 2-6/2018
Giai đoạn thực hiện dự án từ tháng 7-12/2022 gồm các công đoạn như: Giải phóng mặt bằng; mời thầu thi công giai đoạn 1 (tháng 7/ 2018 đến 7/2019); Mời thầu và thực hiện thiết kế giai đoạn 2 (tháng 7/2018- 7/2019).
Giai đoạn này chiếm khoảng 70% tổng chi phí đầu tư xây dựng còn lại. Giai đoạn kết thúc dự án từ tháng 1/2023 đến tháng 12/2023 gồm các nội dung, hoàn thành quyết toán dự án; thực hiện các thủ tục đóng dự án theo quy định.
Kết quả của dự án được thể hiện, giải quyết tình trạng thiếu phòng lớp học và tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ giáo dục mầm non cho người dân trên địa bàn hai phường Hương Sơn và Phan Đình Phùng.
Tăng cường năng lực cạnh tranh của TP, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện thu nhập bình quân cho người dân qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống được thể hiện thông qua các hoạt động nhằm: giảm thiểu thiệt hại kinh tế và chi phí khắc phục tình trạng ngập úng một số khu vực thuộc trung tâm TP trong mùa mưa.
Cải thiện chất lượng môi trường khu dân cư do ô nhiễm nước thải tại các suối tự nhiên, nâng cao khả năng thoát nước một số tuyến suối thoát nước tự nhiên nhằm tăng hiệu quả đầu tư của các trạm xử lý nước thải đã thực hiện bởi các dự án khác.
Bên cạnh đó tăng cường kết nối và cải thiện chất lượng hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, giảm thiểu tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông, giảm chi phí giao thông và tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, phát triển sản xuất thương mại cho thành phố và các địa phương lân cận.
Cải thiện chất lượng quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng của địa phương. Nâng cao năng lực quản lý dự án và mối quan tâm của chính quyền các cơ quan chuyên môn về quản lý và phát triển cơ sở hạ tầng bền vững tại địa phương.