Tả đồ dùng học tập- Văn mẫu lớp 4

Đề 1: Hãy tả cái bàn học ở nhà của em.

Bắt đầu từ khi em vào lớp Một, bố đã mua cho em một cái bàn học đặt vào góc học tập riêng của em.
Cái bàn được đóng bằng gỗ, phủ vec-ni màu vàng sậm, bóng loáng. Chiếc bàn cao 1.6 m, gồm hai phần: bàn viết và kệ sách.
Bàn cao khoảng 80cm. Mặt bàn dài 1m, rộng 40cm, được làm bằng một tấm gỗ liền, nhẵn bóng như gương, ngồi viết rất thoải mái. Dưới mặt bàn là một ngăn kéo và một tủ nhỏ.
Trên mặt bàn là một kệ sách, dài bằng chiều dài mặt bàn, cao 60cm, chia làm hai ngăn. Ngăn trên cao 25cm chia thành ba ô; ngăn dưới cao 20cm, chỉ có một ô.
Chân bàn không phải là bốn thanh gỗ như những chiếc bàn khác, mà là hai tấm ván liền, giữa có nối một thanh gỗ xoay được, đặt chân rất thoải mái. Bố mua cho em một chiếc ghế gỗ có lưng tựa, có thể xếp lại được.
Năm em học lớp Một, chẳng có sách vở gì nhiều, chỉ sử dụng hai ô trên kệ sách. Đến bây giờ, trên kệ và các hộc tủ dưới bàn đã xếp đầy sách vở, chỉ còn đủ chỗ để giá cắm bút. Cây đèn bàn phải đẩy sát vào tận trong cùng. Em ngồi học, sách vở bày trên mặt bàn, cần tìm sách gì chỉ cần đứng dậy với tay là có thể lấy được trên kệ.
Mỗi lần ngồi vào bàn học, em lại nhớ đến lời bố dặn phải cố gắng học cho thật giỏi. Và em đã thực hiện được lời hứa của mình. Ba năm liền em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi xuất sắc.

Đề 2: Hãy tả cây bút chì của em.

Em rất thích vẽ, nên mỗi lần đi đâu xa về là bố lại mua cho em vài cây bút chì. Cây bút chì lần này bố mới mua cho thật đẹp.
Cây bút chì này cũng bình thường như mọi cây bút chì khác. Chiều dài của nó khoảng một gang tay. Thân bút tròn, cỡ bằng ngón tay út của em, dài khoảng một gang tay người lớn. Vỏ ngoài thân bút làm bằng gỗ, sơn những vạch xanh đỏ xen kẽ nhau, nước sơn bóng loáng rất đẹp. Trên lớp sơn có một dòng chữ in bằng nhũ vàng óng ánh: “Hanson”. Cây bút mới, hai đầu đều bằng phẳng, nom rất sắc sảo. Nhìn đầu nào cũng thấy chính giữa thân gỗ là một lõi chì màu đen nhánh. Em dùng cái gọt bút chì để gọt đi phần thân gỗ. Cái gọt khẽ xoay, em nghe những tiếng “xoạt … xoạt…” khe khẽ. Từng lớp vỏ gỗ tuôn ra theo lưỡi gọt và xoắn tròn, mịn như lụa. Em gọt cho đến khi lộ ra ngòi chì dài đủ dùng, bởi ngòi bút chì dài quá thì dễ bị gãy. Em thử những nét bút đầu tiên. Cây bút vẽ thật sướng tay. Ruột chì không quá mền mà cũng không quá cứng, nét chì đen nhánh, rất sắc.
Em thầm cảm ơn bố. Với cây bút chì ấy, em đã vẽ rất đẹp những hình vẽ của bài toán, những bức tranh em yêu thích. Em giữ gìn, nâng niu cây bút như một vật quý.
 

Đề 3: Hãy tả chiếc cặp sách của em.

Vào đầu năm học lớp Bốn, mẹ mua cho em chiếc cặp sách mới. Đây là chiếc cặp thứ hai mẹ mua cho em kể từ ngày đầu tiên vào trường tiểu học. 
Chiếc cặp hình chữ nhật, lớn gấp đôi cuốn sách giáo khoa. Có lẽ lớn hơn một tí. Vỏ cặp sách được may bằng vải nhựa màu hồng rất tươi. Mặt trước của cặp được in hình các con thú ngộ nghĩnh, nhiều màu sắc rực rỡ. Nắp cặp có gắn hai cái chốt làm bằng kim loại trắng và sáng loáng, cài vào khuy rất nhẹ nhàng. Mỗi khi cài chốt vào khuy, một tiếng “ tách” trong trẻo vang lên nghe thật vui tai. Quai cặp được làm bằng vải nhựa dày may chồng hai lớp, rất chắc chắn để có thể sách cặp bằng tay. Nhưng mẹ bảo: “Con đừng sách cặp như thế! Cặp sách nặng sẽ ảnh hưởng đến vai và cột sống của con đấy!”. Cặp có thể đeo được trên lưng bằng hai quai may ở mặt sau cũng bằng vải nhựa cùng màu với cặp.
Phía bên trong cặp có ba ngăn, cách nhau bằng những tấm nhựa mỏng. Em dùng ngăn rộng nhất để sách giáo khoa. Hai chồng sách giáo khoa dựng đứng đặt vào vừa khít và ngay ngắn. Em xếp vở vào một ngăn, và ngăn còn lại để đồ dùng học tập. Trong cặp còn có một ngăn chìm có dây kéo, em đặt vào đó túi đựng bài kiểm tra. 
Hằng ngày chiếc cặp theo em đến trường, mang theo cho em đầy đủ sách vở vào đồ dùng học tập. Em rất quý chiếc cặp sách. Mỗi khi đi học về, em đều để chiếc cặp sách nhẹ nhàng và ngay ngắn trên bàn học cảu mình. Em nghĩ rằng sẽ dùng chiếc cặp bền như chiếc cặp mẹ đã mua cho hồi lớp Một, và như thế sẽ tiết kiệm được cho bố mẹ.

 

Đề 4: Hãy tả cái thước kẻ của em.

Đầu năm học, mẹ mua cho em đủ thứ đồ dùng học tập, trong đó có cây thước kẻ mà em đang dùng. 
Cây thước được làm bằng nhựa cứng, màu vàng trong suốt, hình chữ nhật dài, to khoảng bằng ngón tay giữa của em, có bốn mặt dài và thẳng. Trên một mặt thước có chia thành 20 khoảng cách theo đơn vị cen-ti-met, từ số 0 đến 20. Trng mỗi khoảng cách lại có chia thành những vạch nhỏ theo đơn vị mi-li-met. Những vạch khoảng cách trên thước giúp em đo đạc để vẽ được những hình rất chính xác. Ba mặt còn lại của thước đều nhẵn bóng, giúp em kẻ những đường thẳng tắp.
Cây thước là người bạn thân của em trong học tập. Bố em còn bảo rằng: “ Thước kẻ cứng và thẳng. Làm người cũng cần phải cứng rắn, kiên cường và thẳng thắn như cây thước vậy nhé con!”.

Đề 5: Tả một chiếc bút máy của em.

Em có một chiếc bút máy mẹ đã mua cho em từ khi em học lớp 4. Đến nay đã hơn 2 năm rồi nhưng trông vẫn còn mới và đẹp như lúc mới mua.
Bút máy của em có vỏ màu vàng, có cái kẹp gài vào vở để không bị rơi. Khi mở nắp bút ra có ngòi màu trắng và chiếc lưỡi gà nằm sát với ngòi bút, ngòi bút máy này là ngòi nét thanh nét đậm bằng sắt rất trắng và sáng. Phần dưới có ruột bút bằng nhựa để chứa mực, khi bơm mực rất dễ dàng. Mỗi khi mở nắp bút ra viết thì em lại nắp cái nắp đó vào phần đuôi bút để tránh bị đánh rơi vì vỏ bút bằng sắt, nếu không để ý sẽ bị rơi xuống nền lớp học sẽ tạo ra tiếng kêu, làm các bạn mất tập trung làm bài. Mẹ và cô giáo vẫn dạy em là “nét chữ nết người” nên khi sử dụng bút máy để viết em thường viết cẩn thận để tránh bị rây mực ra sách vở và nét chữ đẹp hơn là viết bằng bút bi, chữ của em đẹp hơn khi em chịu khó luyện chữ, luôn được cô giáo khen trước lớp. Nhờ có cây bút máy này mà những bài chính tả, bài tập em là đều sáng và rõ ràng, luôn đạt điểm cao.
Em rất yêu chiếc bút máy này và sẽ tiếp tục làm hành trang cho em khi bước vào lớp 5 trường Trung học cơ sở để học tập cùng các bạn. Em hi vọng rằng, dù khi vào lớp 6 tốc độ viết nhanh hơn nhưng em vẫn luôn giữ được nét chữ thật đẹp và sạch như những ngày còn học lớp 4 này. 
 

Source: https://tbdn.com.vn
Category: Văn học

Viết một bình luận

Câu hỏi mới