Cuộc thăm dò khoáng sản của một doanh nghiệp tại thôn Nà Kèn biến thành cuộc xô xát với người dân địa phương, làm một số người bị thương. Bản thân Chủ tịch xã cũng bàng hoàng khi chứng kiến toàn bộ sự việc…
Mang dùi cui điện đi thăm dò khoáng sản?
Sáng 27/09/2018, đoàn cán bộ nhân viên Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam (gọi tắt là Công ty Đá cẩm thạch R.K) leo lên núi Nà Kèn (thôn Nà Kèn, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, Yên Bái) để tiếp cận vị trí khoan thăm dò khoáng sản.
Tuy nhiên, đoàn thăm dò vấp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân địa phương, chủ yếu là phụ nữ trẻ em, dẫn đến xảy ra xô xát giữa lực lượng bảo vệ của Công ty Đá cẩm thạch R.K và người dân nơi đây.
Căn cứ hình ảnh các nhân chứng hiện trường cung cấp, lực lượng bảo vệ có đến vài chục người của Công ty Đá cẩm thạch R.K đều trang bị mỗi người một công cụ hỗ trợ là dùi cui điện, phát tiếng kêu lách tách tóe lửa. Trong khi dân bản chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, kháng cự bằng cách hò hét xô đẩy người của phía Công ty R.K.
Đỉnh điểm của sự việc là trong lúc cuộc xô xát diễn ra, trong đám đông có một thanh niên rút súng bắn chỉ thiên khiến tình huống càng trở nên căng thẳng, ngột ngạt. Sau đó, đám đông sợ hãi tản dần, dân bản rút chạy xuống núi và cõng theo người bị thương, người ngất xỉu đưa vào trạm y tế.
Hậu quả, theo kết luận của bác sỹ tại Trung tâm Y tế huyện Lục Yên, có 2 trẻ em là cháu Nông Khánh Linh (nữ, 13 tuổi), Nông Văn Thắng (nam, 9 tuổi) bị sang chấn tâm lý, có nhiều vết phỏng rộp trên da giống tác động của dòng điện.
Hai người lớn là chị Tăng Thị Nở (35 tuổi) bị đa chấn thương và chị Hoàng Thị Nhuận (43 tuổi) bị vết rách đầu 3cm, phải khâu và nằm viện một tuần.
Được biết, phía đơn vị thăm dò khoáng sản là Công ty Đá cẩm thạch R.K cũng có 2 bảo vệ bị người dân ném đá bị thương, cũng được đưa đi cấp cứu.
Dự án bị dừng, thăm dò để làm gì?
Nguồn cơn của sự việc bắt nguồn từ giấy phép thăm dò khoáng sản số 248 ngày 29/01/2016 của Bộ Tài Nguyên và Môi trường cấp cho Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam để thăm dò đá hoa trắng tại trên diện tích 101 ha thuộc 2 xã Khai Trung và Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.
Tuy nhiên, khu vực thăm dò này chồng lấn lên hai ngọn núi án ngữ trước bản Nà Kèn, được gọi là núi Cha, núi Mẹ; bao đời nay là nơi cung cấp thảo dược, măng mai, đồng thời từ trên núi có con suối làm nguồn nước uống và sinh hoạt cho dân bản.
Mặt khác, việc khai thác đá gây ô nhiễm đã có tiền lệ tại Lục Yên từ năm 2011, nên người dân vô cùng lo ngại việc thăm dò, sau này là khai thác khoáng sản của bất cứ doanh nghiệp nào cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, nhất là việc sinh hoạt, trồng trọt của nhiều thôn bản người Tày dưới chân núi, bao đời nay cũng chỉ trông vào nguồn nước duy nhất từ trên núi chảy xuống.
Ban đầu, chính quyền huyện Lục Yên cho rằng “chỉ có vài hộ” không đồng tình việc Công ty Đá cẩm thạch R.K vào thăm dò. Tuy nhiên, theo khảo sát riêng của chúng tôi, toàn bộ dân bản Nà Kèn, cùng người dân tại các thôn bản trong xã Lâm Thượng, thậm chí kể cả dân cư ở xã lân cận đều phản đối quyết liệt.
Họ lo sợ một khi ngọn núi mất đi hoặc trở nên trơ trụi, các quả đồi đất sẽ đổ ập xuống, xóa sổ các bản làng trong những cơn lũ quét, lũ ống.
Thêm nữa, mới trước đó vài tháng, người dân Nà Kèn thấy ấm lòng khi được nghe ông Dương Văn Thống – Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Yên Bái khẳng định “dừng dự án của Công ty Đá cẩm thạch R.K” trong một cuộc tiếp xúc cử tri được truyền hình Yên Bái đưa tin, thì sự việc xảy ra hôm 27/9 khiến người dân hoang mang, đặt dấu hỏi là dự án bị dừng, vậy còn thăm dò cái gì ở đó?
Trao đổi với phóng viên TBDN, Chủ tịch xã Lâm Thượng là ông Trần Thanh Trúc xác nhận nguồn nước từ núi chảy ra là nguồn chính cung cấp nước sạch cho UBND xã, trạm y tế, trường trung học cơ sở cùng mấy trăm hộ dân của nhiều thôn bản, nên theo ông Trúc: “nỗi lo lắng hoang mang của dân Nà Kèn là có cơ sở”.
“Không thể tưởng tượng sự việc lại diễn biến nghiêm trọng đến vậy, hôm đó chính tôi cũng phải cùng đưa cô Hoàng Thị Nhuận bị thương, máu me đầy mặt vào trạm xá cấp cứu. Việc hành hung phụ nữ, trẻ em phải bị xử lý theo pháp luật”, ông Trúc bày tỏ bức xúc.
Dù đã gần một tháng trôi qua, việc nhân viên bảo vệ Công ty TNHH đá cẩm thạch R.K dùng dùi cui điện, thậm chí có nổ súng trong lúc xô xát với dân địa phương khiến nhiều người bị thương, đến nay vẫn chưa có kết luận của cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái