Được nhân viên của một cty phân bón giới thiệu một loại phân mới có thể thay thế phân chuồng nên anh Thỉnh đã mua về để phục vụ cho vườn tiêu nhà mình. Tuy nhiên, sau khi sử dụng loại phân bón của công ty trên, hơn 8 sào tiêu bỗng nhiên vàng lá, rụng quả và chết.
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn Thỉnh (SN 1967, trú tại thôn Thanh Ba, xã Xuân Phú, huyện EaKar, tỉnh Đăk Lăk) cho biết, gia đình anh có hơn 3ha trồng tiêu, vườn tiêu của anh được chăm sóc từ những năm 2006 với chiều cao từ 4,5m đến 7m và bán kính khoảng hai người ôm không xuể.
Vào tháng 9/2016, vườn tiêu của anh đang xanh tốt và kết trái để chuẩn bị cho mùa thu hoạch thì có một số người giới thiệu là nhân viên của Cty TNHH Tư vấn đầu tư Nông nghiệp và Phân bón An Thịnh (có địa chỉ tại Lô 4, đường D3, Khu công nghiệp Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông) đến và quảng cáo cho anh về sản phẩm phân bón Đồng Lộc loại đa năng, thay thế cho phân chuồng.
“Đang mùa chuẩn bị thu hoạch thấy nhân viên Cty An Thịnh giới thiệu về sản phẩm phân Đồng Lộc chất lượng, giá thành cũng phải chăng lại có thể tăng cao sản lượng của cây tiêu nên tôi đã ký hợp đồng mua 2 tấn phân của công ty này”, anh Thỉnh nhớ lại.
Cũng theo anh Thỉnh, ngày 23/09/2016 anh đã tiến hành ký hợp đồng kinh tế với ông Vũ Toàn Quyền là Giám đốc của Cty An Thịnh. Theo bản hợp đồng, bên phía Cty An Thịnh sẽ cung cấp cho anh Thỉnh 2 tấn phân bón nhãn hiệu Đồng Lộc với số tiền là 7,6 triệu đồng.
Toàn bộ số phân bón trên được lấy tại đại lý của công ty do ông Trần Văn Nhiên (trú tại xã Ea Đá, huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk) đảm nhiệm. “Trong hợp đồng cũng nêu rõ, trong vòng 30 ngày kể từ ngày tôi bón phân nếu phân không tốt phải báo lên cho công ty An Thịnh ngay để công ty giải quyết, nếu không thông báo gia đình tôi phải chịu trách nhiệm”, anh Thỉnh nói.
Chiều cùng ngày, anh nhận được toàn bộ số phân bón nhãn hiệu Đồng Lộc như đã ký hợp đồng. Sau khi nhận phân, anh Thỉnh đã dùng 3 tạ phân trên để bón cho 180 gốc tiêu và 3 ngày sau anh tiếp tục tiến hành bón 9 tạ phân cho hơn 600 gốc tiêu.
Khoảng 10 ngày sau, gia đình anh Thỉnh phát hiện hàng loạt tiêu vừa được bón phân bị vàng lá, rụng trái và nhiều trụ tiêu bị chết nên đã liên hệ cho Cty An Thịnh cùng đại lý phân phối yêu cầu đến kiểm tra.
Sau khi nhận được thông báo, bên phía Cty An Thịnh đã cho nhân viên về kiểm tra và đưa cho gia đình anh Thịnh một lô thuốc để xử lý nhưng vẫn không hiệu quả.
“Thấy vườn tiêu vẫn chết nhiều nên tôi tiếp tục liên hệ Cty An Thịnh và ngày 21/10 phía công ty cử chú Đức về và hẹn ngày 25/10 đại diện công ty sẽ đến làm việc và xử lý hậu quả. Tuy nhiên, khi đến ngày tôi gọi liên tục cho chú Đức nhưng không thấy chú ấy bốc máy”, anh Thỉnh bức xúc nói.
Sau khi xảy ra sự việc, gia đình anh Thỉnh cũng đã liên hệ và làm việc cùng Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, UBND xã Xuân Phú, Công an xã Xuân Phú và phía đại diện của công ty An Thịnh.
Trong những lần làm việc, gia đình yêu cầu bên phía công ty bồi thường thỏa đáng đúng như hợp đồng kinh tế đã ký trước đấy. Gia đình anh Thỉnh yêu cầu bồi thường 450 triệu đồng về những thiệt hại đã xảy ra, tuy nhiên bên phía công ty An Thịnh chỉ chấp nhận với mức 100 triệu đồng. “Số tiền công ty định bồi thường cho chúng tôi không đủ để chăm sóc vườn và bù lại những thiệt hại đã xảy ra”, anh Thỉnh nói.
Một thời gian sau, đại diện của công ty An Thịnh mang đến cho gia đình anh Thỉnh kết quả phân tích mẫu của Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên.
Trong kết quả ghi rõ người gửi mẫu là anh Nguyễn Văn Thỉnh, ngày nhận mẫu là 10/11/2016 và số mẫu phân tích là một mẫu đất và một mẫu rễ hồ tiêu. Theo kết quả của Viện Khoa học trong mẫu đất trồng hồ tiêu không thấy xuất hiện tuyến trùng gây hại Pratylenchus spp. và Meloidogyne spp., do rễ bị hư hại nặng nên tuyến trùng đã di chuyển sang các cây xung quanh.
“Bản thân tôi không gửi mẫu nào lên Viện khoa học, chỉ có 2 nhân viên một người tên Hiền và người kia tên Đức thuộc công ty An Thịnh có đến lấy mẫu, nhưng lấy ngày 11/11 chứ không phải ngày 10/11 như kết quả của Viện khoa học đưa ra. Tại sao lại có kết quả xét nghiệm trước rồi mới cung cấp mẫu sau như vậy được. Tôi khẳng định vườn tiêu của tôi không bị bệnh, nếu bị thì đã chết cả vài ha chứ tại sao chỉ chết ở những nơi tôi bón phân Đồng Lộc”, anh Thịnh cho biết.
Theo anh Thỉnh, từ lúc bên phía công ty An Thịnh mang mẫu kết quả đến sau đấy bên phía công ty này không liên lạc trở lại mặc dù gia đình anh đã rất nhiều lần liên hệ.
Để làm rõ vấn đề như phản ánh, ngày 8/6, phóng viên có liên hệ với ông Vũ Toàn Quyền, Giám đốc công ty An Thịnh để xin hẹn lịch làm việc. Tuy nhiên, sau khi đồng ý làm việc vào 9h sáng ngày hôm sau thì ông Quyền lại điện thoại trở lại cho phóng viên và trả lời vòng vo đồng thời xin khất hẹn lần sau vì lý do không ở công ty.
Để làm rõ thông tin nên phóng viên xin được đến nơi ông Quyền đang có mặt hoặc xin gặp một người lãnh đạo khác của công ty có thể trả lời những vấn đề đang phản ánh nhưng ông Quyền từ chối và tiếp tục hứa hẹn sang lần khác.