Giá quặng sắt Châu Á chạm đáy 2 tuần do Trung Quốc siết mạnh sản xuất thép

Giá quặng sắt châu Á, sau đợt điều chỉnh theo hướng giảm mạnh trong quý 3, dự kiến sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực giảm do chính sách hạn chế sản lượng thép của Trung Quốc và tình trạng thiếu điện trong quý 4.

giá quặng sắt giảm mạnh chạm đấy
Ảnh minh họa

Chỉ trong 3 phiên giao dịch gần đây, giá quặng sắt đã mất khoảng 10%, nới rộng mức giảm đã kéo dài từ nhiều tuần nay.

Giá quặng sắt Trung Quốc ngày 14/10 giảm xuống mức tháp nhất gần 2 tuần do triển vọng nhu cầu của Trung Quốc trở nên mờ mịt khi Bắc Kinh tỏ ra quyết liệt hơn nữa trong việc cắt giảm sản lượng thép, với kế hoạch áp đặt kiểm soát sản lượng cả tới quý 1/2022.

Theo đó, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Đại Liên – hợp đồng đang giao dịch nhiều nhất – sáng 14/10 có lúc giảm xuống 712 nhân dân tệ/tấn, mức thấp nhất kể từ 30/9 và giảm 3% so với đóng cửa phiên liền trước. Hợp đồng này đã giảm 5,9% trong phiên 13/10 và giảm 0,2% trong phiên 12/10.

Trên sàn Singapore, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 11 sáng 14/10 cũng lao dốc mất 3%, trước khi hồi phục lên mức 122,65 USD/tấn vào trưa 14/10. Trong phiên liền trước, 13/10, hợp đồng này đã giảm 4,4%, và phiên trước đó, 12/10 giảm mạnh 7,4%.

Quặng sắt nhập khẩu (hàm lượng 62%) giao ngay tại cảng biển Trung Quốc hiện là 106,5 USD/tấn, giảm 46% so với mức cao kỷ lục hồi giữa tháng 5.

Trái với quặng sắt, giá thép tăng do khả năng nguồn cung thép các loại sẽ bị thắt chặt hơn nữa. Thép thanh vằn – dùng trong xây dựng – giao dịch trên sàn Thượng Hải sáng 14/10 tăng 0,3% so với mức 5.421 nhân dân tệ/tấn của phiên liền trước; thép cuộn cán nóng tăng 0,5% so với phiên trước, trong khi thép không gỉ tăng 0,9%.

Việc Chính phủ Trung Quốc hạn chế hơn nữa sản xuất thép để đảm bảo bầu không khí sạch đang đè nặng lên tâm lý thị trường quặng sắt, vốn đã hoảng loạn do lo ngại về tình trạng suy yếu lan rộng trên thị trường bất động sản Trung Quốc sau vụ khủng hoảng của tập đoàn bất động sản China Evergrande Group và cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng tồi tệ.

Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu thêm nhiều nhà máy thép ở miền Bắc nước này cắt giảm sản lượng trong khoảng thời gian từ 15/11/2021 đến 15/3/2022 để xua tan ô nhiễm môi trường, làm cho bầu trời trong xanh và đảm bảo đạt mục tiêu giảm sản lượng thép của cả nước.

Trong một thông báo phát đi hôm 13/10, Bộ Công nghiệp và Môi trường Trung Quốc cho biết các nhà máy thép cần giữ nguyên kế hoạch cắt giảm sản lượng trong thời gian còn lại của năm nay để đảm bảo sản lượng không nhiều hơn năm ngoái. Trong 8 tháng đầu năm, Trung Quốc đã sản xuất 733,02 triệu tấn thép, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Bộ này cũng yêu cầu từ ngày 1/1 đến ngày 15/3/2022, các nhà máy sẽ cắt giảm sản lượng không dưới 30% sản lượng thép so với cùng kỳ năm 2021.

Lệnh này sẽ áp dụng cho các nhà máy thép trong chiến dịch chống ô nhiễm tập trung vào 28 thành phố ở thủ đô Bắc Kinh và các khu vực lân cận, cũng như 8 thành phố khác ở Sơn Đông và Hà Bắc – những khu vực chiếm hơn 40% tổng sản lượng thép thô của Trung Quốc năm 2020 theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia nước này.

Quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới này đã cam kết hạn chế sản lượng thép thô trong năm nay ở mức không vượt quá 1,065 tỷ tấn mà nước này đã sản xuất trong năm 2020 để thực hiện cam kết hạn chế phát triển các lĩnh vực gây ô nhiễm cao và sử dụng nhiều năng lượng, bao gồm thép, nhằm đạt mục tiêu về lượng khí phát thải.

Các nhà máy thép trong khu vực, đặc biệt là những nơi sản xuất thép bằng công nghệ lò cao, sẽ được lệnh cắt giảm sản lượng dựa trên mức khí phát thải của họ. Mặc dù các nhà máy sử dụng lò điện hồ quang có thể thực hiện các biện pháp tự nguyện để giảm lượng khí thải, nhưng vẫn phải đảm bảo sản lượng thép của họ không cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

“Chính quyền địa phương được yêu cầu phải hoàn thành nhiệm vụ bằng cách cung cấp các biện pháp hỗ trợ kinh tế (cho các công ty)”, thông báo của Bộ Môi trường cho biết. Theo đó, chính quyền các địa phương phải chịu trách nhiệm đảm bảo các cơ sở sản xuất phải được yêu cầu đóng cửa phải đóng cửa và việc cắt giảm sản lượng phải được thực thi.

Trong khi đó, Bộ Môi trường cũng có kế hoạch đưa nhiều thành phố hơn nữa vào chiến dịch chống ô nhiễm không khí mùa đông năm 2021, sau Thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh và lễ hội ở thành phố Zhangjiakou (Trương Gia Khẩu) vào đầu tháng 2/2022.

Các nhà phân tích của Citi cho biết mục tiêu giảm sản lượng thép của Trung Quốc trong quý đầu tiên của năm 2022 “quyết liệt hơn dự kiến của thị trường”. Theo đó: “Nếu chúng ta giả định các nơi khác ở Trung Quốc (ngoài Bắc Kinh và tỉnh Hà Bắc nằm sát Thủ đô) giữ nguyên sản xuất thép, thì sản lượng thép quốc gia trong quý 1/2012 sẽ giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi đã tăng trưởng 5% trong 8 tháng đầu năm 2021 và giảm 9% trong giai đoạn tháng 9-12/2021 (so với cùng kỳ năm trước”.

Trong khi đó, các công ty phát triển bất động sản Trung Quốc phải đối mặt với thời hạn thanh toán trước khi kết thúc năm nay, và tình trạng của China Evergrande Group ngày càng xấu đi, làm gia tăng lo ngại về một cuộc khủng hoảng lan rộng trong lĩnh vực nhà đất – chiếm khoảng 1/4 nhu cầu thép của Trung Quốc.

Những vấn đề trên, cùng với cuộc khủng hoảng năng lượng trên toàn cầu, nhu cầu quặng sắt có có thể hồi phục trong một sớm một chiều. Dự báo xu hướng giá quặng sắt giảm sẽ còn tiếp diễn.

Xem thêm: Giá xăng tăng mạnh gần 1.000 đồng/lít, liên tục lập kỷ lục trong 7 năm qua

Xem thêm: Thị trường ngày 12/10: Giá dầu tiếp tục tăng cao, vàng giảm, nhôm cao nhất 13 năm

Tham khảo: Minning, Refinitiv

Vũ Ngọc Diệp

Viết một bình luận