Inox Hòa Bình từng là nhà sản xuất, cung cấp nguyên liệu thép không gỉ lớn nhất tại Việt Nam và có mặt tại một số thị trường thế giới, thế nhưng do thiếu vốn nên thời gian gần đây DN này gặp nhiều khó khăn trong sản xuất.
Dẫn chúng tôi đi thăm 2 nhà máy sản xuất thép không gỉ tại Hưng Yên, ông Vũ Hữu Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Inox Hòa Bình cho biết, do thiếu vốn nên hiện nay 2 nhà máy, với dây chuyền thiết bị công nghệ hiện đại chỉ sản xuất được khoảng 60% công suất.
Nhớ lại thời kì thịnh vượng của Inox Hòa Bình những năm trước đây, ông Cường bùi ngùi: Thương hiệu inox Hòa Bình bao gồm hai nhà máy sản được thiết kế với tổng công suất 35.000 tấn sản phẩm/năm, với sản phẩm là cuộn inox cán nguội và ống, hộp thép inox các loại kích cỡ.
“Thời điểm đó sản phẩm của Inox Hòa Bình sản xuất không đủ cung ứng cho thị trường. Bên cạnh một hệ thống chi nhánh, đại lý phủ khắp 3 miền đất nước, Hòa Bình đã thiết lập văn phòng đại diện tại Mỹ và chi nhánh ở một số nước Châu Âu và Nam Mỹ… các dòng sản phẩm thép không gỉ của Inox Hòa Bình đạt tiêu chuẩn ASTM của Mỹ và JIS của Nhật Bản, có chất lượng cao, được cấp giấy chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn ASTM A554, ASTM A312. Sản phẩm ống, cuộn cán nguội xuất khẩu sang thị trường nhiều nước như: Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Đài Loan, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ…
Doanh thu của Công ty liên tục có sự tăng trưởng vượt bậc. Tính riêng trong năm 2010, Inox Hòa Bình đạt doanh thu 2.500 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động”.
Nhưng tình hình hiện tại của Inox Hòa Bình gặp khó khăn về nguồn vốn, do đó mọi hoạt động sản xuất và kinh doanh chỉ cầm chừng. Bên cạnh từ thị trường và nền kinh tế nói chung, Inox Hòa Bình còn gặp phải tình trạng khó khăn riêng do chính nội tại của việc mở rộng đầu tư, sử dụng nguồn vốn ngắn hạn sang đầu tư dài hạn dẫn đến thiếu vốn sản xuất; đồng thời do việc lấy vốn ngắn hạn để trả lãi vay khiến thâm hụt vốn quay vòng, sản lượng và doanh thu sụt giảm nhanh chóng trong các năm vừa qua.
Và một loạt các hệ lụy kéo theo, không có nguồn vốn để mua nguyên vật liệu cho sản xuất, doanh thu không đảm bảo chi trả cho các chi phí sản xuất, chi phí quản lý bộ máy,… Do vậy, sau mỗi vòng quay sản xuất, nguồn vốn quay lại cho hoạt động tái sản xuất lại giảm đi 1 lượng đáng kể và cứ liên tục kéo dài trong suốt nhiều năm vừa qua khiến cho sản xuất và kinh doanh lao dốc.
Cũng theo ông Vũ Hữu Cường, để tìm ra nhiều phương án khắc phục khó khăn, Ban lãnh đạo Công ty cũng đã vận dụng nhiều biện pháp, như đàm phán với phía đối tác cung cấp nguyên liệu cho trả chậm 5 tháng; Huy động mọi nguồn vốn từ anh em bạn bè cùng tham gia mua hàng về sản xuất kinh doanh và phân chia lợi nhuận, song cũng không đáp ứng được nhu cầu của sản xuất kinh doanh; Nhận gia công cho các đơn vị cá nhân bên ngoài, đối tác, thậm chí là đối thủ để đảm bảo công ăn việc làm cho cán bộ công nhân viên.
“Việc áp dụng các biện pháp trên chỉ mang tính chất giải cứu tạm thời, không ổn định và dẫn đến việc máy vẫn phải hoạt động song không đủ hàng; đồng thời kéo chi phí sản xuất đội lên cao và không có lợi nhuận” – ông Cường than thở. Trước thực trạng như vậy, ban lãnh đạo công ty đã quyết định giảm biên chế sản xuất, bảo dưỡng dồn năng lực thiết bị để sản xuất ở quy mô nhỏ hơn nhằm hạn chế lỗ ở mức thấp nhất.
Mời đối tác “ cùng làm chủ”
Là một trong những nhà sản xuất thép không gỉ hàng đầu Việt Nam, Inox Hòa Bình đã đầu tư cơ sở vật chất quy mô, bài bản, có kinh nghiệm trong ngành, được sự tín nhiệm của khách hàng về chất lượng sản phẩm, … Đồng thời, Inox Hòa Bình có quy mô thị trường lớn không chỉ khách hàng tiêu thụ mà cả những nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào.
Do vậy, Công ty đã đàm phán được với khách hàng cung cấp nguyên vật liệu đầu vào bán hàng trả chậm thông qua các LC trả chậm để hỗ trợ Công ty duy trì hoạt động sản xuất trong suốt thời gian qua.
Đặc biệt, Công ty vẫn duy trì được mạng lưới khách hàng do bổ sung được các nguồn hàng gia công của các đơn vị khác. Thế nên, nhu cầu đơn hàng thường xuyên với Hòa Bình: 3.067 ống hộp tấn/tháng, chưa kể nhu cầu cuộn cán nguội. Hiện nay, năng lực trả hàng hiện được duy trì thường xuyên. Trong đó, bán nội địa là 1200 tấn/tháng; xuất khẩu là 1260 tấn/tháng
Chia sẻ với chúng tôi, ông Vũ Hữu Cường cho biết là: sẵn sàng mời đối tác góp vốn vào để cùng mình “làm chủ”. Ông lý giải rằng, Inox Hòa Bình với nền tảng là nhà sản xuất thép không gỉ lớn nhất Việt Nam, khẳng định được thương hiệu, chất lượng thị trường trong và ngoài nước.
Do đó, mình phải sản xuất ra sản phẩm của chính mình chứ không thể sống dựa vào gia công như hiện tại. Tôi mong muốn có đối tác nào đầu tư thêm nguồn vốn thì cũng đồng nghĩa họ sẽ cùng tôi làm “ông chủ”, chứ không phải một cổ đông bình thường.
Ông Cường cho rằng, nếu có thêm nguồn vốn, Inox Hòa Bình sẽ bổ sung hoàn thiện, tổ chức nâng công suất 2 nhà máy đảm bảo đủ công suất trên 3000 tấn sản phẩm/tháng và chiếm khoảng 6% thị phần Inox Việt Nam. Vì thực tế Inox Hòa Bình đã mất một lượng khách rất lớn do năng lực chưa đáp ứng được (so với năng lực cung ứng ra thị trường hiện tại là khoảng 1.500 tấn/tháng, với 20.000 khách hàng không thể cung cấp).
Với cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ, dây chuyền sản xuất hiện đại, Inox Hòa Bình còn sẵn có thị trường nội địa bao phủ hầu hết khắp các tỉnh thành, thị trường quốc tế.
DN còn có mối quan hệ rất tốt với chính quyền địa phương tỉnh Hưng Yên… với các Bộ, ban ngành, Hiệp hội, đặc biệt là Bộ Công Thương và Tổng Cục Hải quan. DN thường có các tham vấn lẫn nhau đặc biệt là những vấn đề mới liên quan đến thuế, chế độ chính sách liên quan đến xuất nhập khẩu, chống bán phá giá, gian lận thương mại… Ngược lại khi có các vấn đề phát sinh các tổ chức này cũng hỗ trợ rất tốt cho Inox Hòa Bình.
Bên cạnh đó, Inox Hòa Bình đã từng tham gia với tư cách là bên nguyên cũng như bên bị ở các cuộc điều tra chống bán phá giá (bên nguyên), gian lận thương mại (bên bị, Bộ kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ điều tra)… nên có đủ khả năng và kinh nghiệm cũng như quan hệ để vươn thị trường quốc tế.
Còn một thế mạnh khác về thị trường và những ưu đãi mà Inox Hòa Bình có lợi thế, đó là thuế ống bán phá giá đối với Việt Nam: Thổ Nhĩ Kỳ áp khoảng 25,27% cho tất cả các nhà sản xuất từ Việt Nam, nhưng Hòa Bình là 1 trong 3 nhà SX có mức thuế 0%.
Đây là cửa ngõ vào thị trường châu Âu, hàng ống thép không gỉ bán vào châu Âu từ Thổ Nhĩ Kỳ thuế suất 0% mà DN khác thể có. Hiện tại đây là thị trường xuất khẩu chính của inox Hòa Bình. Do vậy, chỉ tìm kiếm được đối tác góp vốn cùng làm chủ để vực dậy sản xuất, trong một thời gian ngắn Inox Hòa Bình sẽ trở lại thời kỳ thịnh vượng như trước đây – ông Vũ Hữu Cường khẳng định.