Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:
Gió bấc thổi ào ào qua khu rừng vắng. Những cành cây khẳng khiu chốc chốc run lên bần bật. Mưa phùn lất phấtBên gốc đa, một chú Thỏ bước ra, tay cầm một tấm vải dệt bằng rong. Thỏ tìm cách quấn tấm vải lên người cho đỡ rét, nhưng tấm vải bị gió lật tung, bay đi vun vút. Thỏ đuổi theo. Tấm vải rơi tròng trành trên ao nước. Thỏ vừa đặt chân xuống nước đã vội co lên. Thỏ cố khều nhưng đưa chân không tới.
Một chú Nhím vừa đi đến. Thỏ thấy Nhím liền nói:
– Tôi đánh rơi tấm vải khoác!
– Thế thì gay go đấy! Trời rét, không có áo khoác thì chịu sau được.
Nhím nhặt chiếc que khều Tấm vải dạt vào bờ, Nhím nhặt lên, giũ nước, quấn lên người Thỏ:
– Phải may thành một chiếc áo, có thế mới kín được.
– Tôi đã hỏi rồi. Ở đây chẳng có ai may vá gì được.
Nhím ra dáng nghĩ:
– Ừ! Muốn may áo phải có kim. Tôi thiếu gì kim.
Nói xong, Nhím xù lông. Quả nhiên vô số những chiếc kim trên mình nhím dựng lên nhọn hoắt.
Nhím rút một chiếc lông nhọn, cởi tấm vải trên mình Thỏ để may. […]
(Trích Những chiếc áo ấm, Võ Quảng)
Câu 1: Truyện được viết theo thể loại nào?
A. Truyền thuyết
B. Truyện cổ tích
C. Truyện cười
D. Truyện đồng thoại
Câu 2: Nhân vật trong truyện là:
A. Loài vật
B. Cây cối
C. Đồ vật
D. Con người
Câu 3: Trong các câu văn sau, câu nào là lời người kể chuyện?
A. Tôi đánh rơi tấm vải khoác!
B. Trời rét, không có áo khoác thì chịu sau được.
C. Tấm vải dạt vào bờ, Nhím nhặt lên, giũ nước, quấn lên người Thỏ:
D. Phải may thành một chiếc áo, có thế mới kín được.
Câu 4: Hành động giúp bạn lấy chiếc áo khoác bị rơi xuống nước, giũ nước, quấn áo lên người cho Thỏ, may áo cho bạn nói lên điều gì?
A. Nhím là người bạn rất dũng cảm, sẵn sàng hi sinh vì bạn
B. Nhím là người bạn nhân hậu, tốt bụng, luôn quan tâm, sẵn sàng giúp đỡ bạn bè
C. Nhím là người bạn xấu, không biết giúp đỡ bạn
D. Nhím là người bạn thủy chung, đối với bạn trước sau như một.
Câu 5: Kể chuyện theo ngôi thứ ba có tác dụng:
A. Giúp câu chuyện trở nên chân thực hơn, giàu sự tin tưởng hơn
B. Giúp nhân vật bộc lộ được tâm trạng, tình cảm dễ dàng hơn
C. Giúp người kể có thẻ kể một cách linh hoạt, tự do
D. Giúp người kể hiểu rõ hơn về nhân vật
Câu 6: Cho biết tác dụng của việc dùng cụm danh từ “Những cành cây khẳng khiu” làm thành phần chủ ngữ trong câu: ” Những cành cây khẳng khiu chốc chốc run lên bần bật.”:
A. Làm cho câu văn sinh động, hấp dẫn hơn
B. Cung cấp thông tin cụ thể, chi tiết về chủ thể (cành cây)
C. Khiến câu văn dài dòng, khó hiểu
D. Gợi được sự xúc động trong lòng người đọc
Câu 7: Việc dùng biện pháp tu từ nhân hóa trong đoạn truyện có tác dụng:
A. Giúp cho câu chuyện sinh động, gần gũi với con người hơn
B. Giúp cho câu chuyện hay hơn, dễ hiểu hơn
C. Câu chuyện trở nên hài hước, dí dỏm
D. Câu chuyện giàu sức thuyết phục hơn.
Câu 8: Em hãy nêu chủ đề của câu chuyện trên
Câu 9: Từ đoạn văn trên, em rút ra cho mình những thông điệp nào?