viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng chửi tục
viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng chửi tục
2 bình luận về “viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng chửi tục”
Từ xa xưa, ông bà ta đã có câu tục ngữ để răn dạy con cháu ngay từ thuở còn thơ rằng: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, như vậy, chứng tỏ lời ăn tiếng nói là một vấn đề hết sức quan trọng, cần phải học hỏi và trau dồi liên tục. Lời nói là phương tiện giao tiếp chủ yếu nhất của con người, thông qua đó những tâm tư tình cảm được bộc lộ một cách rõ ràng và trực tiếp nhất mà không một phương tiện giao tiếp nào khác có thể thay thế được. Lời ăn, tiếng nói cũng thể hiện được những nét đẹp riêng biệt trong ngôn ngữ của mỗi quốc gia dân tộc, việc phát ngôn bất kỳ một vấn đề nào cũng cần được kiểm tra và có sự chuẩn bị, không phải cứ thích là nói, là buông lời một cách vô tổ chức, chẳng thế mới có cây: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Họ dễ dàng buông ra những lời nói thiếu văn hóa, những câu nói tục, chửi thề mà không biết ngượng miệng, thậm chí còn cho đó là trò vui, là cách thể hiện bản thân. Đây là một vấn đề hết sức đáng quan tâm và cần chấn chỉnh để có một xã hội văn minh, sạch đẹp hơn.
Nói tục chửi thề là một khái niệm chung để chỉ tất cả những phát ngôn đi ngược lại với đạo đức thuần phong mỹ tục, xúc phạm đến danh dự ông bà tổ tiên, xúc phạm người khác bằng những từ ngữ thô tục, thiếu lịch sự, kém văn minh. Những người nói tục chửi bậy không có ý thức tôn trọng người đối diện, khi cứ ào ào tuôn ra những lời lẽ khiến họ cảm thấy khó chịu, bực dọc, còn bản thân người nói lại cho rằng đó là vui, là cách thể hiện bản thân. Nói tục chửi thề vốn không còn là vấn đề lạ lẫm, đặc biệt là với giới trẻ hiện nay, việc nói bậy trở thành thói xấu khó bỏ. Chúng ta thường nghĩ rằng, chỉ khi gặp những chuyện quá ức chế, bất bình người ta mới có thể văng tục, chửi thề những lời bất bình, để giải tỏa bản thân, tuy nhiên không đến mức thái quá. Còn hiện nay, việc nói tục chửi thề xuất hiện đầy rẫy ở mọi nơi, hầu như đi đâu cũng có thể bắt gặp ai đó đang phun ra những lời không mấy tốt đẹp, mặc dù nhìn ngoài họ vẫn đang cười đùa vui vẻ, chứ chẳng giống đang điên tiết vì chuyện bất bình nào đó. Không chỉ giới hạn đối tượng giao tiếp là bạn bè, thậm chí giới trẻ ngày nay còn ngông cuồng sẵn sàng phát ra những lời hàm hồ, kém văn minh với cả bậc cha, anh, những người lớn tuổi. Họ không hề cảm thấy đó là việc xấu hổ hay thiếu tôn trọng bản thân và người khác mà cho rằng đó là chuyện đương nhiên, có người còn cố biện hộ rằng nói tục nhưng tâm hồn họ không hề xấu xa.
Một vài nguyên nhân chính dẫn tới việc nói tục chửi thề diễn ra phổ biến chủ yếu là do tiếp xúc với môi trường kém lành mạnh, sớm phải nghe những lời nói kém văn minh lịch sự, từ bề trên, từ bạn bè, anh chị,… Cha mẹ, gia đình, nhà trường trong quá trình giáo dục còn lơ là, chưa đủ quan tâm uốn nắn việc giao tiếp ứng xử của các em, khiến các em nói theo bản năng, mà không nhận thức được hậu quả, lâu dần trở thành thói quen khó từ bỏ, bởi chúng đã ăn sâu vào tâm hồn, trở nên chai lì với những tác động nhằm cải thiện vấn đề. Chủ quan bản thân các bản trẻ thì vẫn chưa đủ nhận thức về tầm quan trọng của lời nói, hành động, còn thiếu hiểu biết, thiếu suy nghĩ, tâm tính bốc đồng non dại sớm muốn thể hiện bản thân, nên thường chọn cách tiêu cực là nói tục chửi thề để gây chú ý, thể hiện bản thân mình là người mạnh bạo, không sợ trời không sợ đất. Một bộ phận khác xem việc ứng xử kém văn minh ấy là trò vui đùa, giải tỏa bản thân, nhưng không thèm quan tâm đến cảm xúc của người đối diện.
Như vậy, chúng ta đang sống ở thời buổi công nghiệp hóa hiện đại hóa, việc cư xử văn minh đúng mực là vô cùng cần thiết, đó là bước đệm cho chúng ta tiến tới các mối quan hệ vững bền tốt đẹp, người có văn hóa sẽ được mọi người tôn trọng và yêu quý hơn cả. Vậy nên mỗi người cần tự ý thức được tầm quan trọng của lời nói, ra sức tuyên truyền vận động mọi người cùng đối xử và giao tiếp với nhau một cách văn minh lịch sự, bài trừ những lời nói vô duyên, khiếm nhã, kém lịch sự, đặc biệt là việc nói tục chửi thề. Hãy thể hiện mình là một con người văn minh sống trong xã hội văn minh.
Lời nói chẳng mất tiền mua Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”
Ông cha ta xưa đã có những lời răn dạy rất tế nhị về cách giao tiếp trong cuộc sống sao cho phù hợp nhất. Vậy mà hiện trạng ngày nay, con người ta nói tục chửi thề một cách vô tư và thoải mái không kém gì những ngon từ sang trọng, vẻ đẹp của ngôn ngữ đã dần bị suy đồi từ lúc nào.
Về nói tục chửi thề, đây đều là những lời nói thô tục, vô văn hóa, thường khiến người nghe cảm thấy không thoải mái, đây đều là những từ không nên nói ra trong văn hóa giao tiếp. Trên lí thuyết là vậy, nhưng hiện tay, những câu nói tục chửi thề lại xuất hiện rộng khắp mọi nơi và ở không chỉ ở những người lớn, học sinh cũng sử dụng rất nhiều. Người ta có thể dễ dàng buông một lời chửi bố mẹ, ông bà tổ tiên ai đó chỉ vì một hành động nhỏ như chẳng may va phải nhau trên đường hay ai đó làm những điều mà họ không thích. Cách ứng xử với những điều tiêu cực là vậy, một góc độ nào đó ta cũng có thể giảm nhẹ đi cho họ cái danh “thiếu văn minh”, nhưng một số người thậm chí còn thản nhiên nói tục, chửi thề trong những câu chuyện phiếm với bạn bè như một gia vị làm câu chuyện thêm phần hấp dẫn. Có lẽ chỉ những câu chửi thề mới diễn tả được đầy đủ cảm xúc của họ? Học sinh cũng ngày càng dễ dàng văng ra những lời nói thiếu văn minh đó trong mọi hòn cảnh, kể cả với những người lớn tuổi hơn mình.
Nguyên nhân có lẽ cũng là do sự phát triển của xã hội hiện đại, con người ta dần quan niệm “thời đại nào rồi mà nói tục còn bị coi như là thiếu văn hóa”, “đó chỉ đơn giản là cách bày tỏ cảm xúc rất tự nhiên”. Một số người thì nói tục chửi thề vì nó “sang”, cả xã hội dùng mà mình không dùng thì sẽ trở nên lạc hậu, và họ cứ thế đua đòi. Đám đông dạy đám đông, ngày trước đi ngoài đường ai đó nói tục sẽ bị mọi người quay lại nhìn, vậy mà bây giờ người ta nhìn nhau để cười và sảng khoái với phát ngôn của mình. Từ những người bình thường cho đến những người nổi tiếng có tiếng nói, buông một câu chửi thề giờ đây dường như không phải chuyện gì khó nhằn. Học sinh, những người trẻ thì không biết tiếp nhận thông tin một cách chọn lọc, “người lớn chửi được thì mình chửi được”, và hệ thống nói tục chửi thế thành một sợi dây hoàn chỉnh từ già đến trẻ, có những đứa trẻ nói chưa sõi tiếng Việt đã biết nói vài câu chửi thề.
Có thể một số người đã quá quen với việc này thấy nó không có gì là nghiêm trọng, tuy nhiên, nhìn ở góc độ văn hóa, con người ta như đang chà đạp lên chính mình. Ngôn ngữ văn hóa dân tộc giờ đây ngày càng bị mài mòn bởi những cái mà người ta cho là hiện đại và sang trọng, con người trở nên thiếu văn minh mà lại nghĩ là mình bắt kịp xu thế, và cả một thế hệ trẻ hiện nay sẽ phát ngôn gì trong tương lai trên những mặt báo hay những buổi đàm phán ngoại giao với bạn bè quốc tế, lại thoải mái chửi thề? Mỗi chúng ta, từ cá nhân đến cộng đồng và các cơ quan thẩm quyền, cần dần dần giảm đi hiện tượng này, biến mất là không thể nhưng nên để mọi người biết khi nào thì mình có thể buông những lời khó nghe đó. Hậu quả sẽ khó lường biết chừng nào nếu một ngày nói tục chửi thề đã trở thành phong tục?
Lời nói là cách mà con người ta gửi gắm yêu thương, trao đổi thông tin. Là phương tiện giao tiếp không bao giờ có thể thay thế. Hãy văn minh trong giao tiếp, nếu muốn có một xã hội văn minh!
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”