Cho e tham khảo bài ” Đại sứ văn học 2022 ” với ạ WARNING: KHÔNG CHÉP MẠNG!!
Cho e tham khảo bài ” Đại sứ văn học 2022 ” với ạ
WARNING: KHÔNG CHÉP MẠNG!!
1 bình luận về “Cho e tham khảo bài ” Đại sứ văn học 2022 ” với ạ WARNING: KHÔNG CHÉP MẠNG!!”
Đề bài
Câu 1.Chia sẻ cảm nhận của em về một cuốn sách đã truyền cảm hứng, hướng em tới lối sống tích cực, có ý thức xây dựng môi trường sống văn hóa lành mạnh, có trách nhiệm với xã hội, khơi dậy khát vọng cống hiến và phát triển đất nước.
Đọc sách là một trong những sở thích của em và thể loại sách em hay đọc là truyện ngắn, nhất là những cuốn truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Truyện của Nguyễn Nhật Ánh với lời văn mộc mạc, gần gũi; cốt truyện vừa hồn nhiên vừa sâu sắc phù hợp với lứa tuổi học sinh. Trong số mười sáu tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh mà em đã đọc thì cuốn Cây chuối non đi giày xanh là cuốn sách đã truyền cảm hứng cho em nhiều nhất, giúp em biết yêu thương quá khứ, trân trọng kỷ niệm và hướng em tới lối sống tích cực cho ngày mai để rồi khơi dậy trong em trách nhiệm xây dựng cuộc sống của mình tốt đẹp hơn.
Cây chuối non đi giày xanh là tác phẩm viết cho tuổi học trò. Tác giả kể về những câu chuyện xoay quanh các nhân vật là bạn học cùng cấp 1 và cấp 2 ở thị trấn Hà Lam. Với câu từ giản dị, nhẹ nhàng mà thấm đượm chất dân dã thôn quê, toát lên nét bình dị, mộc mạc, gần gũi thông qua lăng kính của những nhân vật thơ bé.
Cây chuối non đi giày xanh được bắt đầu thật tự nhiên hợp lý. Nhân vật Đăng là nhân vật chính trong tác phẩm, nhận được lời đề nghị của người bạn: “Mày viết cho tao một bài về những kỉ niệm lúc mày còn ở đây… Mày viết thật thơ mộng vào. Như viết tiểu thuyết càng tốt”. Nhận lời đề nghị của người bạn, Đăng đã bắt tay vào viết, đó cũng là lúc biết bao kỉ niệm xưa cũ, trong trẻo, hồn nhiên của tuổi thơ ùa về: tình bạn, tình yêu, tình cảm thầy trò. Những kỉ niệm ấy thật đẹp đẽ, mơ mộng và đáng trân trọng biết bao. “Kỷ niệm bao giờ cũng đẹp và đặc biệt là không biết phản bội”.
Trong cuốn truyện điều em ấn tượng nhất là hành trình tuổi thơ cũng là hành trình phát triển từ tình bạn thành tình yêu của Đăng và Thắm, và chuyện tình này trải qua muôn vàn sóng gió, tai ương trắc trở. Những đứa trẻ con ngây thơ, hồn nhiên bên nhau trong suốt thuở thiếu thời: bị chết đuối hụt, chúng cùng đi học bơi, bảo vệ nhau trước những kẻ xấu, cùng nhau đi học, cùng nhau cười đùa,… và chúng ngượng ngùng, xấu hổ khi nghe thấy những lời chòng ghẹo, trêu đùa từ người khác. Nhưng trên hết đó là sự quan tâm, giúp đỡ nhau chân thành, tha thiết.
Em đã vô cùng ngỡ ngàng, ngạc nhiên với hành động hồn nhiên mà cũng đầy chân thành của chú tiểu Khôi, Phan… khi Thắm bị ép gả cho con của người bạn xưa của cha mình trong khi 2 người không biết mặt nhau. Chú tiểu Khôi là 1 cậu bé “mồ côi”, nhưng sau khi sư thầy mất, nhờ lá thư thầy để lại mà chú tiểu biết mình không mồ côi mà cha cậu lại là bạn của ông Ước – cha của Thắm, từ đó cậu mới biết mình là vị hôn phu tương lai của Thắm, cậu không chấp nhận và tiếp tục tu hành. Còn Phan là 1 cậu bé nhanh nhẹn nhưng lanh mưu, nhưng nhờ sự lanh mưu đó mà vô số chuyện đã được giải quyết. Và mẹ Thắm đã dán tờ giấy với nội dung phản đối cuộc hôn nhân lạc hậu trước nhà, bà tình nguyện làm việc này để đỡ đòn roi thay cho con vì bà biết rằng nếu bị phát hiện chắc chắn nhỏ Thắm sẽ bị ăn đòn. Nhờ có được sự yêu thương , bao dung và vĩ đại vô bờ của mẹ Thắm dành cho con, nhờ sự trợ giúp của những người bạn tốt bụng mà Đăng và Thắm mới đến được bên nhau.
Tác phẩm còn thể hiện tình người, tình làng nghĩa xóm đầm ấm, thân thiết. Ông hớt tóc chẳng khác nào ông Ba Bị mà bố mẹ vẫn dọa mỗi lần tôi hư. Ông hay chọc ghẹo những đứa bé trong làng, miệng ông nhai trầu đỏ lòm làm tất cả những đứa trẻ trong làng phải khiếp sợ. Nhưng khi thấy Đăng và Thắm bị ngã nước, sắp chết đuối ông đã vội vàng xuống cứu. Ẩn sau con người gàn dở ấy là cả một tấm lòng nhân hậu và lương thiện biết bao. Và còn rất nhiều câu chuyện nhỏ nhặt, vô cùng đời thường trong truyện khiến người ta đọc một lần rồi chẳng thể nào quên được.
Truyện được viết bằng giọng văn nhẹ nhàng, sâu lắng, thấm đẫm chất trữ tình. Ngôn ngữ giản dị, tự nhiên, khiến người đọc cảm nhận được thân thương, gần gũi. Không chỉ vậy, Nguyễn Nhật Ánh còn tạo dựng tình huống đặc sắc, những chi tiết bất ngờ làm câu chuyện trở nên hấp dẫn, lí thú hơn. Tác phẩm không chỉ để lại cho người đọc một câu chuyện hay mà còn lắng lại trong người đọc nhiều chi tiết đúng và sâu sắc đến lạ. Nguyễn Nhật Ánh viết “Người đời thực ra không độc ác gì nhưng cứ thích bình phẩm chuyện thiên hạ, tự xem mình có cái quyền phán xét tất cả mọi thứ, bất chấp các phát ngôn của mình sẽ khiến người khác tổn thương hay không. Bởi thế, không ác mà thành ác.” Hay như “Khi người ta lớn lên, niềm vui và nỗi buồn cũng lớn lên theo. Trong những giấc mơ của tôi, không chỉ sở hữu châu chấu chuồn chuồn như những ngày thơ bé. Đã từng có giông bão theo về trong những đêm gió luồn qua mái lá. Ờ, ngay cả giấc mơ cũng lớn theo đấy thôi”. Những chi tiết không hiểu sao nó đắt với em đến từng con chữ.
Gấp cuốn sách lại, những gì đọng lại trong lòng mỗi người không chỉ là giọng văn đằm thắm, chân thành mà còn bởi tình người sâu sắc, cảm động, bởi những suy nghĩ hồn nhiên, ngây thơ nhưng hết sức chân thành. Có lẽ khi đọc cuốn sách này những đứa trẻ sẽ như được sống lại những kí ức ngây thơ, hồn nhiên của mình. Chỉ là những câu chuyện vặt, câu chuyện nhỏ nhưng đầy chất nhân văn và thấm đẫm tình người. Qua tác phẩm, em đã rút ra cho mình bài học về tình bạn, tình cảm hàng xóm, về tình cảm gia đình,…Cuốn sách đã khiến tâm hồn em thấy ấm áp, dễ chịu, trong sáng. Đúng là Nguyễn Nhật Ánh luôn trung thành thông điệp giữ cho bạn đọc niềm tin yêu, lạc quan và hướng thiện. “Cây chuối non đi giày xanh” thông minh từ hình thức đến nội dung, và cho phép em được yêu Nguyễn Nhật Ánh lại một lần nữa.
1 bình luận về “Cho e tham khảo bài ” Đại sứ văn học 2022 ” với ạ WARNING: KHÔNG CHÉP MẠNG!!”