chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ:”một cây làm chẳng nên non,ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.Lưu ý(dẫn chứng với lí l

chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ:”một cây làm chẳng nên non,ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.Lưu ý(dẫn chứng với lí lẽ phải phân tích rõ ràng,bài văn phải mạch lạc)!!!!!!!!

1 bình luận về “chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ:”một cây làm chẳng nên non,ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.Lưu ý(dẫn chứng với lí l”

  1. Chào em, em tham khảo gợi ý:
    Đoàn kết là sức mạnh. Sức mạnh ấy giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, làm nên những thắng lợi vẻ vang. Ngay từ ngày xưa, ông cha ta đã rút ra bài học kinh nghiệm về điều ấy:
    Một cây làm chẳng nên non,
    Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
    Một cây nhỏ bé, sống đơn lẻ và cô độc. Rồi bão táp, mưa sa, làm sao cây có thể chống chọi, chịu đựng được hết? Thế rồi có cố gắng đến mấy, cây cũng sẽ đổ, cành cũng sẽ gãy, hoặc không thì cũng không có thể vươn cao. Nhưng nếu cây mọc tựa vào nhau, có ba cây, tức là có nhiều cây mọc thành bụi, thành khóm đan cài vào nhau thì sẽ có một sức chống đỡ mạnh mẽ. Các cây sẽ nương tựa, che chở, bảo vệ cho nhau. Dù cho có lũ quét tràn về, các cây vẫn đứng vững. Điều đó cho chúng ta hiểu rằng: một cây chẳng làm được điều gì, có nhiều cây thì sức mạnh sẽ tăng lên gấp bội. Nhưng nghĩa của tục ngữ, ca dao không chỉ có nghĩa đen. Nghĩa bóng của câu này là một người, cá nhân đoàn kết lại thì sẽ có sức mạnh làm nên việc lớn. Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết. Ông cha ta muốn khuyên mọi người phải dựa vào nhau, đoàn kết với nhau để mà sống. 
    Lịch sử đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước của chúng ta là một minh chứng cho tính chất đúng đắn của lời khuyên ấy. 
    Ngay từ ngàn xưa, nhân dân ta đã sáng tạo ra câu chuyện “Con Rồng cháu Tiên” để nói lên nguồn gốc cao quý của mình và sự đoàn kết giúp đỡ nhau. Lời hẹn ước năm xưa của Lạc Long Quân với Âu Cơ “Kẻ miền núi, người miền biển, khi có việc gì thì giúp đỡ lẫn nhau, đừng quên lời hẹn” thể hiện tinh thần ấy. Tinh thần đoàn kết đã ăn sâu vào trong máu, và từ đó đã phát triển thành truyền thống của cả một dân tộc.
    Ta quên sao được cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên, đội quân hùng mạnh nhất thời bấy giờ. “Vó ngựa quân Nguyên đi tới đâu, cỏ không mọc được tới đó”. Chúng đã thống trị hầu như cả thế giới. Làm sao có thể tin được rằng đội quân ấy có thể thất bại thảm hại trước tinh thần đoàn kết của nhân dân Việt Nam. Vua quan nhà Trần thật sáng suốt khi tổ chức hội nghị Diên Hồng. Tất cả các bô lão đều đồng thanh hô to: “Đánh! Đánh! Đánh!”. Tiếng hô vang trời, vang cả lòng người. Quân sĩ một lòng khắc lên tay hai chữ “Sát Thát”. Toàn dân một lòng quyết vượt hiểm nguy. Và sự đoàn kết đã thành sức mạnh. Ba lần quân Nguyên xâm lược đều bị thất bại cả ba. 
    Sức mạnh kì diệu của sự đoàn kết còn thể hiện trong chiến thắng Điện Biên Phủ – chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Vẫn mãi vang trong lòng ta bản anh hùng ca hoành tráng. Một nửa thế kỉ đã trôi qua, cũng là một nửa thế kỉ mà người Việt Nam luôn ngẩng cao đầu tự hào về chiến thắng lẫy lừng đó. Cứ điểm bất khả xâm phạm của địch đã bị tinh thần đoàn kết của những người con đất Việt đập tan, xóa đi ảo vọng bắt nhân dân ta sống kiếp đời nô lệ. 
    Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa nhân dân ta đánh bại thực dân Pháp và sau đó là đế quốc Mỹ với phương châm đoàn kết: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết – Thành công, thành công, đại thành công!”.
    Đất nước im tiếng súng, tiếng bom, những người lính lại khoác lên mình tấm áo nâu sồng, đứng lên xây dựng đất nước giàu đẹp. Bằng tình đoàn kết, nhân dân ta đã “làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Những người nông dân đoàn kết với nhau đắp đê ngăn lũ, làm nên những cánh đồng năm tấn, mười tấn. Những người công nhân đoàn kết xây dựng nên bao công trình to lớn tầm cỡ thế kỉ như Thủy điện Hòa Bình, công trình đường dây tải điện 500 KV Bắc Nam và vô vàn công trình khác nữa. 
    Chúng em sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hòa bình. Là một học sinh, chúng em tự hào vì những chiến thắng của dân tộc được tạo nên bởi tình đoàn kết. Hiểu được ý nghĩa cao đẹp của tinh thần ấy, chúng em phấn đấu xây dựng tình đoàn kết ngay từ trong tập thể, giúp đỡ nhau những khi khó khăn, cùng phấn đấu vươn lên trong học tập và rèn luyện đạo đức. 
    Đoàn kết không phải là việc riêng của một người mà trách nhiệm của mọi người. Chúng em sẽ ghi nhớ mãi lời nhắc nhủ:
    Một cây làm chẳng nên non,
    Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

    Trả lời

Viết một bình luận

Câu hỏi mới