Hãy kể lại câu chuyện Sự Hối Hận Muộn Màng Thanks ạ

Hãy kể lại câu chuyện Sự Hối Hận Muộn Màng

Thanks ạ

1 bình luận về “Hãy kể lại câu chuyện Sự Hối Hận Muộn Màng Thanks ạ”

  1. Phiên xét xử cuối cùng của vụ án cố ý giết người, nạn nhân là Long – một cậu sinh viên năm 2 trường Kiến trúc, và bị cáo Xuân Kỷ – một doanh nhân giàu có và thành đạt. Cả hội trường bao trùm một không khí ngột ngạt, căng thẳng. Đâu đó là tiếng khóc ấm ức của người nhà nạn nhân, tiếng xì xào bàn tán của người dự phiên tòa. Hàng ghế cuối cùng, một cậu học trò cấp 3 đang ngồi im lặng, đôi mắt vô hồn, nhìn trân trân về phía vành móng ngựa nơi bố nó đang đứng.
    13 năm trước…
    Cánh cửa phòng ngủ bất ngờ bật tung, thằng bé con sợ hãi rụt vội đôi bàn tay đang nắm chặt con búp bê sau lưng. Mặt nó tái nhợt, miệng run rẩy lắp bắp.
    – Bố… bố…
    – Mày đang giấu cái gì? Đưa ngay đây!
    – Không… con xin bố…
    Không cần chờ đợi thằng bé nói thêm câu gì, người đàn ông mặt lạnh tanh, dùng cánh tay mạnh mẽ của mình giật con búp bê ra khỏi tay nó, mặc cho nó gào khóc van xin.
    – Bốp… bốp…
    Hai cái tát như trời giáng khiến thằng bé ngã dúi vào góc phòng. Nó không dám khóc to, mắt lấm lét nhìn bố, miệng rớm máu.
    – Câm ngay. Tao sinh mày ra để làm một thằng con trai, chứ không phải để cho mày chơi mấy cái thứ vớ vẩn này. Tao cấm… mày nghe rõ chưa? Im mồm! Là thằng đàn ông không bao giờ được khóc.
    Bà vợ nghe thấy tiếng quát tháo, biết là có chuyện nên vội vàng chạy lên. Nhìn thấy con trai đang thu lu xó nhà, đôi mắt sợ hãi, hai hàm răng va vào nhau lập cập, chạy lại ôm lấy con, mếu máo.
    – Sao anh lại đánh con ác tới vậy. Con nó còn bé có biết gì đâu, để từ từ rồi em dạy.
    – Từ từ à? Cô nói câu này bao năm nay rồi? Ngay ngày mai cô nghỉ làm cho tôi, ở nhà trông nó, dạy nó. Đăng kí tất cả các lớp học kĩ năng cho tôi… Phải dạy nó trở thành một thằng đàn ông, cô hiểu không?
    Kỷ hằm hằm bước ra khỏi phòng thì va phải cô con gái thứ 2 đang đứng ngấp nghé ngoài cửa. Nó mới chỉ 3 tuổi, chưa hiểu chuyện gì, nhưng mỗi lần thấy bố quát mắng và đánh anh trai là nó mặt cắt không còn giọt máu. Anh định đi qua, nhưng thấy mắt nó rưng rưng, lòng anh bỗng nhiên chùng lại. Anh đưa tay bế lấy con bé đi xuống tầng. Con bé cứ thế ôm chặt lấy cổ bố, khóc nấc lên như chính mình bị đánh.
    – Bố đừng đánh anh Sơn… đừng đánh anh Sơn…
    Hai vợ chồng Kỷ yêu nhau từ thời sinh viên. Anh vốn dĩ con nhà kinh doanh nên đầu óc nhanh nhạy. Một con người hoạt bát, năng động và sống khá biết điều. Cũng nhờ vào sự hậu thuẫn của gia đình, cùng với sự nhanh nhạy kịp thời của bản thân, mà anh nhanh chóng thành công trong lĩnh vực xây dựng. Những dự án lớn trong tỉnh hầu như anh đều giành được một cách đơn giản. Anh cưới Lam, cô sinh viên trường Luật, con một gia đình gia giáo và nền nếp.
    Họ sinh cu Sơn sau 3 năm kết hôn. Thằng bé lúc sinh ra nhìn xinh đẹp giống một bé gái nhiều hơn là bé trai. Nó cứ lớn lên, mang nhiều nét nữ tính. Thích quần áo con gái, thích nghịch son của mẹ để bôi lên môi, thích sơn móng tay. Tất nhiên bố nó luôn cáu giận mỗi lần nhìn thấy nó như thế. Anh ban đầu còn nhẹ nhàng nhắc nó, con không được chơi những đồ con gái, con phải mạnh mẽ, đàn ông không được hơi tí nhè cái mồm ra… Nó mới chỉ là đứa trẻ mẫu giáo, và nó sống đúng như bản năng của nó. Bố có cấm nó vẫn cứ chơi, không công khai thì dấm dúi. Lam thương con nhưng cũng không biết làm thế nào cả. Bản thân cô muốn con mình phải được như bố nó, nhưng biết làm sao được. Đánh con thì không nỡ, có đánh cũng không giải quyết gì. Thuyết phục chồng cũng không xong, cô cũng hiểu trong hoàn cảnh của anh, giữ hình ảnh cá nhân là quan trọng, và cơ bản, nó còn nối nghiệp anh sau này. Thế nên hai vợ chồng vẫn luôn có những mâu thuẫn xung quanh việc dạy thằng bé. Sơn cũng dần xa lánh bố, nói một cách chính xác là nó sợ bố, sợ bị ăn đòn, nên nó không cười đùa, cũng không chơi mấy trò con gái trước mặt bố. Chỉ tới khi Lam Thương, đứa con gái thứ 2 ra đời, thì cuộc sống gia đình bớt căng thẳng. Kỷ rất yêu con bé, cưng chiều nó. Anh không hề ghét con gái, chỉ là anh không muốn thằng con trai mình lại ủy mị õng ẹo như con gái mà thôi.
    8 năm trước…
    Lam chính thức nghỉ việc để ở nhà với con. Sơn đã học lên cấp 2 rồi, tính nết nó không những không cải thiện được, mà lại càng thể hiện rõ nét hơn. Điều đó lại càng làm Kỷ cảm thấy khó chịu. Anh đẩy nó tham gia các lớp học võ, cho nó đi học lớp Học kì quân đội, với hi vọng vào môi trường rèn luyện khắc nghiệt ấy nó sẽ phải cứng cỏi lên. Anh thuê hẳn 1 lái xe chỉ để đưa đón nó đi học, kèm cặp nó không hở chút nào. Ở nhà, con bé em gái vì anh mình mà nó không được mặc váy vóc gì, thậm chí quần áo con bé, giày dép… đều phải dùng đồ nam. Nó thì chẳng vấn đề gì, vì nó vốn nghịch ngợm nên cũng không phản đối, nhưng mẹ nó thì càng ngày càng trở nên nghĩ ngợi. Cô như bị mắc kẹt giữa chồng và con trai. Anh ấy cố chấp, không chịu chấp nhận sự thật là thằng bé nó thuộc giới tính thứ 3. Lẽ ra phải tâm lý, phải hướng con làm sao để nó sống cho tốt, thì chính cái sự lạnh lùng và hà khắc của anh khiến thằng bé cứ thu mình lại, rụt rè và xa lánh tất cả những người thân trong gia đình, trừ đứa em gái. Lam cũng đưa con đi gặp chuyên gia tâm lý, gặp bác sĩ… và lần nào kết quả họ đều khuyên như nhau. Vấn đề của cô, chỉ là làm thế nào thay đổi cách nhìn nhận của chồng, để cu Sơn nó không mặc cảm, tự tin mà hòa nhập với những người xung quanh.
    Thằng bé học văn hóa rất giỏi, và đặc biệt nó có một năng khiếu cảm thụ âm nhạc tốt. Lam cho con theo học một lớp đàn Guitar, thầy khen nó tiến bộ trông thấy. Mỗi khi buồn nó lại ôm đàn nghêu ngao hát. Đúng hôm bực dọc chuyện công ty, về nhà lại thấy con đang ôm đàn ngồi một góc ban công, Kỷ không kiềm chế được, đã giật lấy chiếc đàn đập vào bờ lan can thật mạnh. Cây đàn vỡ toang, cu Sơn tròn mắt nhìn bố, nó không nói gì cả, chỉ lặng lẽ khóc.
    – Ai cho mày khóc? Làm thằng đàn ông mày không được quyền khóc. Tao phải nói bao nhiêu lần nữa, sống cho đáng sống chứ. Con với chả cái, thế này tao còn sống làm cái gì. Nhục để đâu cho hết.
    Đêm hôm ấy, chiếc xe cứu thương lao như bay, xé tan màn mưa để tới bệnh viện, đưa cậu học trò cấp 2 vào cấp cứu. Cu Sơn đã dùng chính sợi dây đàn đã đứt để xiết tay mình. Khi mẹ nó phá khóa cửa để vào, vì thấy gọi con không thưa, mở cửa không được, thì lúc đó máu đã chảy loang lổ và thấm đẫm trên chiếc ga giường nó. May mắn, bác sĩ đã kịp cứu sống nó. Khi nó tỉnh dậy, câu đầu tiên nó bảo mẹ “Sao không để con chết đi cho bố mẹ đỡ phiền lòng?”. Mẹ nó ôm lấy nó, khóc vì thương con, và hận mình đã không bảo vệ được nó.
    Trở về nhà sau đợt điều trị tại bệnh viện, Sơn càng trở nên ít nói và lầm lì hơn. Nó và bố, cứ như cái gai trong mắt nhau vậy. Đến cả đứa em gái mà bố nó cưng chiều, hễ có nhắc tới anh Sơn thích cái này cái kia… là bị bố quát cho rúm ró lại.
    2 năm trước…
    – Hội thi học sinh thanh lịch lần này, chúng ta sẽ được đón nghe một giọng ca của một cựu học sinh cũ của nhà trường. Anh đang là sinh viên trường ĐH Kiến trúc, và đồng thời cũng là ca sĩ chính của nhóm nhạc DTH. Chào mừng anh Thành Long.
    Tiếng MC vừa dứt, cả hội trường vỗ tay rần rần, khi anh chàng đang bước lên sân khấu nhìn vừa đẹp trai, lại lãng tử. Nhất là các em học sinh nữ, cứ rú ầm lên như những fan cuồng. Sau vài màn giao lưu chào hỏi, kể lại những kỉ niệm khi anh còn là học sinh của trường, là tới tiết mục biểu diễn. Thật không may, khi bản nhạc beat anh chuẩn bị trước lại có vấn đề trục trặc, không chạy được. Đang tính hát chay để chống chế, thì Sơn mạnh dạn từ từ đi lên sân khấu, tiến thẳng tới chỗ Long và đề nghị ” Để em đệm đàn cho anh hát”. Hội trường lại được thêm một phen trầm trồ và hoan hỉ. Sơn say sưa đệm đàn, Long thả hồn mình phiêu theo lời bài hát, thi thoảng lại quay sang nhìn Sơn thật trìu mến. Họ biểu diễn ăn khớp hệt như đã tập luyện từ trước đó lâu rồi. Hội trường im phăng khắc. Có người thấy xúc động, thấy sởn da gà với giọng hát ngọt ngào mê đắm, với những âm thanh dặt dìu, và da diết phát ra từ tiếng đàn guitar kia. Ca khúc “Còn tuổi nào cho em” kết thúc, khán phòng như muốn nổ tung bởi những tràng pháo tay rầm rộ. Họ yêu cầu hai anh chàng trên sân khấu hát thêm vài bài nữa. Và sau khi Long nói nhỏ điều gì đó, Sơn gật đầu đồng ý. Họ tặng khán giả thêm một ca khúc nước ngoài nữa.
    Sau buổi giao lưu vô tình đó, họ đã thân nhau hơn mức bình thường. Long mời Sơn gia nhập ban nhạc, nhưng Sơn không thể tham gia được, nên chỉ nhận lời khi nào thật rảnh sẽ đi cùng anh. Phải nói chính xác là Sơn trốn bố để đi. Sơn thật sự thấy quý mến Long, và cậu cũng cảm nhận được Long dành một tình cảm ưu ái dành riêng cho mình. Bằng chứng là mấy lần tham gia đi hát cùng, Long không hát với ban nhạc, mà chỉ ngồi cạnh Sơn đệm ghi ta, và anh hát những bản Pop Ballad nhẹ nhàng, không quên gửi những ánh mắt tình tứ về phía Sơn. Đã có đôi lần, mặt Sơn ửng đỏ khi chạm ánh nhìn ấy, nó khiến cậu bối rối đến mức đánh sai cả nhạc…
    1 năm trước…
    Cô giáo chủ nhiệm gọi điện báo Sơn nghỉ học không phép, vô tình người nghe điện thoại lại là bố của cậu. Kỷ cho lái xe đi tìm những khu vực quanh trường đều không thấy. Thằng này nó có bao giờ dám bỏ học đâu, thậm chí nó còn không thích ở nhà vì ghét bố nữa mà. Liệu có theo đứa nào rồi chơi bời hư hỏng không. Nhưng giờ biết tìm nó ở đâu? Nó thậm chí còn không có lấy một đứa bạn thân. Hỏi Lam Thương thì con bé cũng không biết, nó chỉ nói lâu nay anh Sơn ít chuyện trò với nó, suốt ngày ôm lấy cái máy tính, rồi đàn rồi hát…
    Cảm thấy có gì đó ngờ vực, Kỷ bước vào phòng con trai. Lâu lắm rồi anh không còn để ý tới nó. Căn phòng khá gọn gàng, ngăn nắp. Không một thứ quần áo hay đồ chơi gì có tính con gái được bày biện ra. Anh kéo hộc bàn học, chỉ vài cái bút chì, tập giấy vẽ mà nó vẽ những nốt nhạc. Chắc là đang học sáng tác. Nhưng khi mở cái tủ quần áo của nó, một chiếc hộp nằm gọn phía góc trong thành tủ, bên trong có vài chiếc nhẫn nhỏ xinh, chiếc vòng tay đá thạch anh tóc vàng, mấy thỏi son môi cùng chì kẻ mắt. Máu nóng lại dồn lên mặt anh, khiến anh nổi giận đùng đùng. Quăng cái hộp vào sọt rác, vô tình một mẩu giấy màu hồng được gấp gọn gàng rơi ra.
    “Tặng bé yêu. Luôn thật vui khi nghĩ về anh nhé. Dragon của em.” Là ai, ai đã viết tờ giấy này? Là thằng Sơn viết cho đứa nào, hay ai viết cho nó đây???
    Đầu óc Kỷ lùng bùng, quay cuồng. Anh vội vã lật tung giá sách, giũ từng quyển vở, những ngăn kéo bàn, tủ. Một quyển nhật kí giấu thật kĩ dưới ngăn kéo đầu giường nó. Kỷ đọc. Những con chữ nhảy múa quay cuồng trước mặt như trêu ngươi anh. Cảm giác có một tia lửa điện phát ra từ ánh mắt anh, nó thiêu đốt con người anh, khiến các bộ phận trên cơ thể anh căng lên như dây đàn. Càng đọc, anh càng cảm thấy ức chế. Bấy lâu nay nó yêu một thằng con trai khác. Bấy lâu nay, trước mặt anh nó tỏ ra mình mạnh mẽ, hóa ra chỉ là diễn trò. Như thế này khác nào nó phản bội lòng tin của anh, lừa dối anh.
    Theo những gì con trai viết, anh tìm tới trường ĐH Kiến Trúc, nơi Sơn đang theo học. Thằng nhỏ nay cũng vắng mặt, hỏi bạn bè nó thì biết nay nó có buổi biểu diễn ngoài trời ở ngoại ô thành phố. Anh xin địa chỉ rồi phóng xe như bay tới đó. Khu vực cắm trại thì phải, vì thấy có những chiếc lều di động được dựng lên, có đống củi đã xếp sẵn ở giữa, chắc chờ tối lên rồi đốt. Nhìn quanh không thấy con trai mình, anh thở phào nhẹ nhõm. Ít nhất thì cái điều anh lo sợ đã không xảy ra. Anh đi bộ ra xe để quay về, thì vô tình nghe thấy tiếng đàn ghi ta phát ra bên phía bờ sông, cách khu cắm trại không xa. Tò mò, anh tiến lại gần hơn khu vực đó.
    – Sao em căng thẳng thế? Có điều gì anh làm em buồn à?
    – Không phải vậy. Em chỉ lo ở nhà mẹ sẽ đi tìm em.
    – Đừng lo, biểu diễn xong anh đưa em về trước. Anh chắc chắn sẽ về đúng giờ em đi học. Nào, thả lỏng đi. Tựa vào đây lấy chút tinh thần coi.
    Long choàng tay qua người Sơn, ôm lấy đôi bờ vai bé nhỏ vẫn đang run vì chưa hết hồi hộp ấy.
    – Sang năm thi ĐH rồi, phải thật cố gắng nhé. Đợi em đỗ rồi anh sẽ đưa em về nhà gặp ba mẹ anh.
    – Anh không sợ sao? Chúng mình…
    – Sao anh phải sợ chứ. Ba mẹ anh rồi sẽ thích em thôi.
    Ánh mắt và giọng nói trầm ấm của Long khiến Sơn thấy bớt đi phần nào nỗi lo sợ trong lòng. Long đưa tay vén mấy sợi tóc lòa xòa trước mắt Sơn, đặt lên môi cậu ấy một nụ hôn. Sơn không ngần ngại vòng tay ôm lấy Long thật chặt.
    Bất ngờ, người đàn ông nãy giờ chứng kiến câu chuyện đó đã không kiềm chế nổi cơn giận, lao vào đánh cậu thanh niên tên Long túi bụi. Sức mạnh của người đàn ông trưởng thành, cộng thêm sự sục sôi giận dữ đang lên tới cao trào và đỉnh điểm, khiến Kỷ giống như một con hổ đang lao vào muốn nuốt chửng con mồi. Cu Sơn hoảng hốt ôm lấy Long khiến Kỷ thêm phần sôi máu. Anh giật tay thằng con trai yếu ớt, xô nó ngã dúi về phía sau. Tay anh tóm lấy tóc Long, 1 tay đấm liên tiếp vào bụng cậu bé. Sơn khóc lóc van nài.
    – Bố ơi, con xin bố đừng đánh nữa. Bố đánh chết anh ấy mất, lỗi là tại con. Con xin bố dừng tay lại đi.
    Vừa nói, Sơn lại lao về phía bố với hi vọng cản được những cú đấm tàn bạo đó. Không kịp nữa rồi, cú ra đòn cuối cùng không ngờ là đòn thí mạng. Tay anh đập trúng gáy của Long, khiến cậu ấy ngã lăn ra đất. Chưa dừng lại, Kỷ còn liên tiếp đấm vào mặt, vào bụng cậu ta cho hả giận. Tiếng gào khóc của Sơn khiến đám đông chú ý. Nhiều người hò nhau chạy tới, họ nhanh chóng lôi Kỷ ra khỏi người nạn nhân. Họ gọi xe cứu thương tới, không may, Long đã tắt thở trước khi đưa được tới bệnh viện.
    Người đàn ông đang đứng trước vành móng ngựa với một khuôn mặt nhàu nhĩ và già đi trông thấy. Chỉ sau vài tháng tạm giam, cho tới khi mở phiên tòa xét xử, nhìn Kỷ như biến thành một con người khác. Anh từ chối mời luật sư biện hộ, và chủ động nhận tội. Không còn gì giải thích ngoài sự im lặng. Bản thân anh cũng không biết sự giằng xé trong lòng mình bây giờ là vì cái gì. Mặc cảm tội lỗi, chỉ vì nóng giận mất kiểm soát mà nỡ ra tay giết chết cậu thanh niên mà con mình yêu thương, chỉ vì thiếu sự thông cảm nên đẩy vợ con phải bơ vơ, sống trong tủi nhục những tháng ngày còn lại, chỉ vì cái suy nghĩ thiển cận cố chấp không chịu nhìn nhận cho đúng về giới tính con trai mình mà đẩy nó vào đường cùng thế này. Anh thấy đau xót quá, ân hận quá. Nhưng tất cả đã quá muộn mất rồi.
    Căn cứ vào bản cáo trạng và tình tiết vụ án, tòa tuyên án Kỷ 15 năm tù giam cho hành vi cố ý giết người. Khi đọc xong bản tuyên án, bà thẩm phán quay mặt đi, cố giấu giọt nước mắt đang trực rơi trên khóe mắt bà. Một chút xót xa, một chút thương cảm, và một chút chột dạ.
    Chiếc xe chở tù nhân đang chờ sẵn ngoài cửa tòa án. Vài viên cảnh sát hộ tống Kỷ đi ra phía cửa để tránh bị người nhà nạn nhân kích động mà lao vào hành hung. Lam – vợ anh, ngồi sụp xuống sàn nhà sau khi toà tuyên án. Cô cảm thấy mình chẳng còn chút sức lực nào nữa cả.
    Cánh cửa thùng xe khóa lại, người đàn ông với khuôn mặt nhòe nhoẹt nước mắt, cố nhìn ra ô cửa sổ thùng xe, nơi có tấm lưới chắn ngang, gào lên thật to, đủ để cậu con trai đứng dưới nghe thấy.
    – Bố xin lỗi con Sơn ơi. Hãy tha thứ cho bố…
    – Là đàn ông không được khóc. Nhất định không được khóc.
    Sơn nắm chặt hai bàn tay lại, cố gào cho thật to những lời mà bố đã từng nói với nó biết bao lần. Đây đúng là lần đầu tiên nó không thể khóc sau hai cú sốc liên tiếp như vậy. Chiếc xe dần đi khuất cuối đường, thằng bé vẫn cứ đứng trôn chân một chỗ, miệng lẩm nhẩm “là đàn ông không được khóc…”
    Bà thẩm phán trở về nhà muộn sau một ngày làm việc căng thẳng và mệt mỏi. Xử biết bao vụ án hình sự, mà sao lần này bà trăn trở và day dứt lòng tới vậy. Bà bước về phía phòng ngủ của cô con gái yêu, với tay dắt lại cái màn phía trong góc. Vô tình con bé thức giấc.
    – Sao nay mẹ về muộn thế? Con học thêm về mệt quá nên ngủ quên mất.
    – Không sao. Con mệt thì ngủ đi. Mai dậy sớm học là được.
    – Thôi để con dậy chuẩn bị cơm cho mẹ. Mẹ đi tắm trước đi ạ.
    Ngồi vào bàn ăn, bà thẩm phán nhìn con gái thật chăm chú rồi nói.
    – Cuối tuần này rảnh, mẹ sẽ đưa con đi cắt kiểu tóc tomboy mà con thích. Sẽ thay những quần áo giày dép mà con không muốn dùng bằng những đồ con chọn. Sẽ đăng kí cho con tham gia lớp karate luôn nhé.
    Con bé tròn mắt nhìn mẹ. Nay bỗng dưng mẹ lại thay đổi nhanh tới lạ kì.
    – Mẹ…
    – Được rồi. Cứ tính như thế đi. Mẹ sẽ học cách thích nghi dần dần, hãy cho mẹ thời gian…

    Trả lời

Viết một bình luận

Câu hỏi mới