viết bài văn nghị luận giải thích câu tục ngữ không thầy đố mày làm nên

viết bài văn nghị luận giải thích câu tục ngữ không thầy đố mày làm nên

2 bình luận về “viết bài văn nghị luận giải thích câu tục ngữ không thầy đố mày làm nên”

  1. Hôm nay tôi vừa nhận được tin người cô dạy cấp hai của tôi đã ra đi, cô bị ung thư máu giai đoạn cuối. Tôi và cả lớp bật khóc nức nở, cô dù đã đi xa nhưng hình bóng cô vẫn mãi ở sâu trong tâm trí lũ học trò chúng tôi. Lời giảng văn câu tục ngữ “Không thầy đố mày làm nên” thoáng chốc ùa về, giọng cô êm dịu vang bên tai. Có lẽ đó là bài học cuối cùng cô đã dành trọn cho lớp tôi. “Không thầy đố mày làm nên” – một bài học, một lời nhắn gửi vô cùng đáng quý từ ngàn xưa…
    Trước khi suy nghĩ về câu tục ngữ trên ta sẽ cùng giải nghĩa, để hiểu thế nào là “không thầy đố mày làm nên”. Câu tục ngữ có từ ngàn đời trước, ý nhằm khẳng định vai trò quan trọng của người thầy trong sự nghiệp giáo dục. “Không thầy đố mày làm nên…” – như một lời thách đố rằng nếu không có người thầy liệu rằng có thể có thêm kiến thức? “Không thầy” – ý chỉ không có công dạy dỗ, truyền đạt kiến thức của người thầy. “Làm nên” – ở đây muốn nói đến công danh, sự nghiệp hay còn gọi là thành danh của người học trò. Ý cả câu sự thành đạt của người học trò một phần chính là nhờ công lao dạy dỗ của thầy.
    Vậy tại sao lại nói rằng “không thầy đố mày làm nên”? Chúng ta đều biết trong xã hội ngày xưa, người học trò chưa có nguồn kiến thức đa dạng để tìm kiếm. Nơi duy nhất có thể giúp học học tập và tích lũy thêm kiến thức là ở người thầy. Có thể nói người thầy lúc bấy giờ được tôn trọng và kính nể vô cùng. Người thầy được xem là nơi bắt nguồn của mọi kiến thức, học trò muốn hay chữ bắt buộc phải đến trường để học chữ từ sách vở do thầy truyền dạy. Còn ngày nay? Chúng ta từ khi biết nói, ê a tập đánh vần đã được người thầy, người cô uốn từng nét chữ, tập đọc, tập hát. Khi lớn lên, biết đọc biết viết, họ lại giúp ta khám phá thế giới từ những con chữ. Họ dạy ta cách tính toán khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trăng, Mặt trời; họ chỉ cho ta cách nhìn cuộc đời qua lăng kính văn học; họ giúp ta biết phân biệt đâu là thực vật có hạt, đâu là động vật lưỡng cư,…Thầy, cô không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn uốn nắn chúng ta theo con đường đúng đắn, hướng ta đến với những điều tốt đẹp. Không hiển nhiên khi mà bạn gặp gỡ một cô, cậu học sinh mẫu giáo, tiểu học bạn sẽ thấy chúng ca ngợi cô giáo của mình như thần tượng. Lời ba mẹ có thể không nghe nhưng lời cô dạy nhất định chúng sẽ luôn luôn ghi nhớ. Cả cuộc đời con người từ khi biết nhận thức cho đến khi về già vẫn luôn có bóng dáng của người thầy đứng ở đằng sau dõi theo. Chẳng thế mà vị trí của người thầy cực kì quan trọng trên hành trình trưởng thành của mỗi người.
    “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” – một chữ cũng là thầy mà nửa chữ cũng là thầy – một ngày làm thầy, cả đời sẽ làm thầy. Chữ “thầy” từ bao đời nay đã trở nên vô cùng thiêng liêng và cao quý. Ngày nay, ta thấy xã hội ngày càng phát triển, vai trò của người thầy không còn quan trọng như trước. Thậm chí, không còn được trân quý như trước. Nhưng dù thế, người thầy vẫn đóng vai trò chủ đạo. Họ trở thành người hướng dẫn, định hướng, tạo tiền đề, cơ sở cho học sinh tự tìm tòi kiến thức. Người thầy chủ động, linh hoạt tạo điều kiện cho học sinh tự mình khám phá mọi thứ, không ngừng nỗ lực rèn luyện để học sinh hứng thú với học tập. Tôi còn nhớ câu chuyện về một cô giáo dạy văn, mỗi ngày cô đều tạo ra những điều thú vị để học sinh tích cực học tập môn văn hơn. Đối với mỗi tác phẩm cô giáo Nguyễn Thị Hồng Nhung (sinh năm 1994, giáo viên trường THPT Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TPHCM) đã viết lời dựa trên nền nhạc có sẵn. Cô đưa âm nhạc kết hợp với văn học để học sinh dễ tiếp thu và nhớ bài học hơn. Nếu không có những người cô, những người thầy tâm huyết như vậy liệu rằng học sinh có hứng thú với việc học? Lâu dần theo đà phát triển, khi mà công nghệ thông tin phát triển rầm rộ, người ta dần quên mất vai trò của người thầy. Nhưng ta cũng không thể phủ nhận một điều dù ở bất cứ thời đại nào, vị trí của người thầy có thay đổi nhưng vai trò, ý nghĩa của nghề giáo, của giáo viên vẫn không thay đổi. Người thầy vẫn luôn được tin yêu và kính trọng. Có bao nhiêu người thành công mà chưa một lần được đến trường, được nhận sự chỉ dạy từ thầy cô? Chúng ta đều biết những người nổi tiếng như Bill Gate hay Steve Jobs dù có từ bỏ con đường học đại học, theo đuổi đam mê nhưng họ cũng từng nhận sự truyền dạy kiến thức của thầy, cô thuở thiếu thời. Thầy, cô như người lái đò, chèo chống để đưa con đò tri thức của ta cập bến tương lai an toàn. Nếu cha mẹ cho ta một hình hài thì thầy cô là người cho ta ngàn kiến thức quý giá.
    Có ai đó từng thắc mắc với tôi rằng, đã nói “không thầy đố mày làm nên” vậy chứ sao còn có câu “học thầy không tày học bạn”? Thật ra hai câu tục ngữ ấy ta nên đặt ở hai vị thế khác nhau. Có những điều nên được học ở trường, học ở thầy. Nhưng cũng có những điều học từ bạn bè sẽ tốt hơn. Ví dụ như mỗi khi thầy ra bài tập về nhà, thầy sẽ giảng trước một lần, có thể ta không hiểu nhưng ngại hỏi lại. Khi đó tất yếu sẽ cần đến bạn bè. Ở những con người cùng trang lứa việc giảng giải cách hiểu, cách làm đôi khi sẽ dễ tiếp thu hơn. Đó là chuyện thường tình. Không ai trên đời này hoàn hảo cả. Và thầy chúng ta cũng vậy, sẽ có những khoảnh khắc ta vô tình nhận ra đôi khi học từ bạn bè sẽ đơn giản hơn. Nhưng dù là như thế việc được nhận kiến thức từ thầy cô, từ môi trường giáo dục rõ ràng sẽ chắc chắn và đúng hơn. Người thầy vẫn giữ một vai trò hết sức quan trọng trong cuộc đời người học trò.
    Chắc hẳn trong chúng ta, ai cũng có một người thầy, người cô khắc sâu. Tôi cũng như vậy, tôi muốn gửi đến cô giáo dạy văn của tôi lời cảm ơn chân thành nhất, cảm ơn cô đã giúp tôi nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo, được đứng trên bục giảng. Với tôi, người thầy, người cô luôn là người tôi trân trọng, kính nể và yêu quý nhất!
    Dân gian ta từng có câu:
    “Muốn sang thì bắt cầu kiều
    Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”
    Vâng đúng là như vậy, dù trong thời kì nào, giai đoạn nào, xã hội phát triển ra sao thì vị thế của người thầy vẫn như vậy, vẫn luôn kính yêu trong lòng bao thế hệ học sinh. Khép dòng kí ức về sự ra đi của cô, gấp vội trang sách, tôi lai nhẩm đọc “không thầy đố mày làm nên”… “không thầy đố mày…làm nên”…

    Trả lời
  2. Nếu cha mẹ có công ơn sinh thành thì thầy cô chính là những người lái đò đưa chúng ta đến được bến bờ ước mơ. Thầy cô đã truyền ngọn lửa kiến thức và dạy ta bao điều hay lẽ phải. Vì vậy, ghi nhớ công lao dạy dỗ của thầy cô chính là truyền thống đạo lí tốt đẹp mà nhân dân ta luôn đề cao. Câu tục ngữ “Không thầy đố mày làn nên” đã khẳng định vai trò to lớn của người thầy trong cuộc đời của mỗi học sinh. Đó cũng là lời nhắc nhở thế hệ con cháu phải uống nước nhớ nguồn, kính trọng và biết ơn thầy cô giáo.
    Câu tục ngữ giản dị, như một lời hàng ngày của cha ông nói con cháu nhưng có ý nghĩa lớn lao.”Làm nên” ở đây có nghĩa là nên người, biết những điều hay lẽ phải ở đời, biết đối nhân xử thế phù hợp, hiểu được tri thức và ứng dụng vào cuộc sống, làm nên sự nghiệp công danh của mình. Bởi lẽ thầy là người có kiến thức sâu rộng, biết cách truyền tải đến học sinh; thầy còn là chuẩn mực cho đạo đức và nhân cách cao đẹp và được cả xã hội coi trọng. Bên cạnh cha mẹ, thầy cô chính là những người sẽ theo sát từng học sinh để chỉ dạy và uốn nắn cả về tri thức và hình thành nhân cách trong mỗi con người. Vì vậy, nếu “không thầy” , không được dạy dỗ thì con người khó có thể đi đến thành công hoặc đến được thành công sẽ gặp không ít gian khó, vất vả.
    Trong cuộc sống, mỗi chúng ta đều có những người thầy người cô đáng kính. Là ngày đầu tiên bước vào lớp 1 rụt rè, cô đã nắm lấy bàn tay và động viên ta cần mạnh mẽ đi lên. Đó là người đã dạy dỗ ta từng nét chữ, phép tinh và khích lệ tinh thần mỗi học sinh khi gặp phải bài toán khó cần biết vượt khó vươn lên. Thầy cô còn dạy dỗ ta biết cư xử với ông bà, cha mẹ sao cho đúng mực. Chắc hẳn bạn sẽ không thể quên nụ cười hiền từ và những giọt mồ hôi thầy cô đã rơi trên bục giảng, bao vất vả ấy cũng chỉ vì muốn học trò ngày sau nên người. Thầy cô luôn bên cạnh ta, mừng vui với mỗi thành tích ta đạt được và luôn an ủi, động viên khi ta vấp ngã. Và rồi mỗi chuyến đò sang sông, thầy cô vẫn ở nơi đó ngóng trông từng bước đi của mỗi học trò. Công ơn trời bể ấy làm sao ta có thể đáp đền cho hết.
    Chắc hẳn chúng ta chưa quên câu chuyện về cậu bé Mạc Đĩnh Chi trong lịch sử. Một cậu bé nhà nghèo, người đen đủi, xấu xí. Hàng ngày cậu vào rừng kiếm củi giúp đỡ cha mẹ. Các bạn được đến trường còn cậu vì nhà nghèo, nên chỉ dám đứng ngoài cửa nghe thầy giảng. Cảm động trước tinh thần hiếu học của cậu học trò nghèo, thầy đồ đã cho cậu vào lớp ngồi học. Để rồi sau này, Mạc Đĩnh Chi trở thành người học rộng tài cao, thi đỗ trạng nguyên. Như vậy, tài năng là khả năng trời phú cho mỗi chúng ta và chính thầy cô là người khơi dậy tài năng và giúp học trò thành đạt trên bước đường tương lai của mình.
    Câu tục ngữ đề cao vai trò của người thầy, tuy nhiên chúng ta cần hiểu đúng rằng để đi đến thành công cần có sự nỗ lực học tập của mỗi người. Bởi dù thầy có truyền dạy chúng ta bao tri thức hay nhưng bản thân chúng ta ỉ lại vào thầy cô, không chịu cố gắng và tự học thì bao công lao của thầy cô cũng không còn tác dụng. Bên cạnh đó, “học thầy không tày học bạn”, học hỏi từ bạn bè, từ những người xung quanh và từ trong cuộc sống sẽ giúp chúng ta hoàn thiện nhân cách và vốn hiểu biết của mình hơn. Mỗi cành cây, ngọn cổ
    Có ai đó từng nói, người thầy giống như ngọn nến sáng, luôn cháy hết mình để soi đường đi cho người khác. Câu tục ngữ trên đã răn dạy chúng ta cần phải ghi nhớ công ơn dạy dỗ, bao vất vả hi sinh của thầy cô. Họ là người hướng dẫn tri thức, tự thân chúng ta cần nỗ lực để nắm lấy tri thức và vận dụng vào cuộc sống. Mỗi người cần tích cực học tập, nuôi dưỡng những ước mơ và hoài bão tốt đẹp cho mình, thầy cô sẽ chắp thêm đôi cánh rộng mở để chúng ta tự tin hơn khi bước vào cuộc sống.
    Câu tục ngữ đã thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo, truyền thống hiếu học của nhân dân ta. Câu tục ngữ đó nhắc nhở mỗi người cần nuôi dưỡng lòng biết ơn, kính trọng người thầy – những người đã dẫn dắt chúng ta đi đến thành công trong cuộc sống.
    #Xuanthinh9112

    Trả lời

Viết một bình luận

Câu hỏi mới