Thuyết minh về chủ tịch Hồ Chí Minh

Thuyết minh về chủ tịch Hồ Chí Minh

1 bình luận về “Thuyết minh về chủ tịch Hồ Chí Minh”

  1. Giải đáp;
    Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà yêu nước và nhà cách mạng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Cả cuộc đời của người đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, Người còn để lại một sự nghiệp văn học to lớn với nhiều giá trị. Có thể thấy, ở bất kỳ cương vị nào, Người cũng làm tốt vai trò của mình.
    Hồ Chí Minh sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 trong một gia đình nhà Nho yêu nước. Quê hương của Bác ở làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thân phụ là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân mẫu là bà Hoàng Thị Loan. Khi còn trẻ, Bác từng có một thời gian ngắn dạy học ở trường Dục Thanh (Bình Thuận). Đến năm 1911, tại bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn), Người đã ra đi tìm đường cứu nước. Sau hơn 30 năm bôn ba nước ngoài, Bác đã được tiếp cận với ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Tháng 2 năm 1941, Người về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước. Đến tháng 8 năm 1942, Hồ Chí Minh lên đường sang Trung Quốc để tranh thủ sự viện trợ quốc tế. Tại đây, Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giữ và giam cầm suốt mười ba tháng. Sau khi ra tù, Bác về nước tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng, cùng nhân dân Việt khởi nghĩa giành chính quyền trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình (thủ đô Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
    Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ được biết đến với tư cách là một nhà hoạt động cách mạng. Người còn là một nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc. Đối với Hồ Chí Minh, văn chương là một vũ khí chiến đấu lợi hại phụng sự cho sự nghiệp cách. Các tác phẩm của Bác đều chú trọng tính chân thật và tính dân tộc của văn học. Mỗi khi cầm bút sáng tác Người luôn tự đặt câu hỏi cho mình: “Viết cho ai?” (đối tượng), “Viết để làm gì?” (mục đích), sau đó mới quyết định “Viết cái gì?” (nội dung), “Viết thế nào?” (hình thức). Tùy từng trường hợp cụ thể mà Người đã vận dụng phương châm đó theo những cách khác nhau. Vậy nên các tác phẩm của Bác luôn chứa đựng tư tưởng sâu sắc, nội dung thiết thực cùng với hình thức nghệ thuật sinh động, đa dạng.
    Di sản văn học mà Hồ Chí Minh để lại không chỉ lớn lao về tầm vóc, phong phú về thể loại mà còn đa dạng về phong cách nghệ thuật. Đầu tiên, chúng ta cần kể đến văn chính luận. Từ những năm đầu của thế kỉ XX, các bài văn chính luận mang bút danh Nguyễn Ái Quốc viết bằng tiếng Pháp đăng trên các tờ báo Người cùng khổ, Đời sống thợ thuyền… đã thể hiện tính chiến đấu hết sức mạnh mẽ. Các tác phẩm này đã lên án những chính sách tàn bạo của chế độ thực dân Pháp, kêu gọi người nô lệ bị áp bức liên hiệp lại, đoàn kết đấu tranh. Một số tiêu biểu tác phẩm như Con rồng tre, Bản án chế độ thực dân Pháp… Nhắc đến văn chính luận của Người không thể không nhắc đến “Tuyên ngôn độc lập” – văn kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử to lớn của dân tộc Việt Nam. Cùng với đó là Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946), Không có gì quý hơn độc lập tự do (1966)… Ngoài những tác phẩm chính luận, Bác còn sáng tác một số truyện ngắn, ký, tiểu phẩm. Đa số đều là những truyện viết bằng tiếng Pháp như: Pa-ri (1922), Lời than vãn của bà Trưng Trắc (1922), Vi hành (1923)… Tất cả các tác phẩm này đều nhằm mục đích tố cáo tội ác của bọn thực dân và phong kiến tay sai đối với nhân dân lao động các nước thuộc địa. Cuối cùng là thơ ca – tên tuổi của Hồ Chí Minh gắn với tập thơ chữ Hán “Ngục trung nhật kí” (Nhật kí trong tù) được sáng tác trong thời gian Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam giữ. Người đã ghi chép những điều mắt thấy tai nghe trong nhà tù, trên đường đi đày. Tập thơ đã tái hiện bộ mặt chân thật của chế độ nhà tù Quốc dân đảng với ý nghĩa phê phán sâu sắc. Bên cạnh đó tập thơ cũng thể hiện được một nhân cách cao đẹp của Hồ Chí Minh.
    Phong cách sáng tác của Hồ Chí Minh vô cùng độc đáo, đa dạng. Văn chính luận của Người thường ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, bằng chứng đầy thuyết phục, giàu tính luận chiến. Những tác phẩm truyện kí của người rất hiện đại, thể hiện tính chiến đấu mạnh mẽ và nghệ thuật trào phúng sắc bén. Thơ ca thể hiện sâu sắc và tinh tế vẻ đẹp tâm hồn của Bác. Những bài thơ với lời lẽ giản dị, mộc mạc và có sự kết hợp hài hòa giữa cổ điển với hiện đại. Điều đáng nói là phong cách sống của Bác cũng thật độc đáo. Khó có một bậc nguyên thủ quốc gia nào lại lựa chọn lối sống giản dị như Bác Hồ. Bác giản dị trong cuộc sống hàng ngày từ ăn, mặc đến ở. Bác giản dị trong cách nói, cách viết. Nhưng đó không phải lối sống khắc khổ của nhà tù hành, mà là sự lựa chọn – một cách để di dưỡng tinh thần. Cuộc đời hoạt động chính trị của Bác là tấm gương sáng ngời về đạo đức để những thế hệ sau noi theo.
    “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người” – cuộc đời của Người là sự kết tinh của tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại. Sự nghiệp cách mạng cũng như sự nghiệp văn chương mà Bác để lại đều vô cùng quý giá

    Trả lời

Viết một bình luận

Câu hỏi mới