Viết bài văn nghị luận về đề tài học và hành

Viết bài văn nghị luận về đề tài học và hành

2 bình luận về “Viết bài văn nghị luận về đề tài học và hành”

  1. Xã hội phát triển kéo theo đời sống sinh hoạt của con người phát triển theo. Bởi vậy nên nhiều tư tưởng, giá trị văn hóa đã không còn phù hợp với phong cách sống của con người thời hiện đại. Tuy nhiên, có những quan niệm bất biến theo thời gian, được cô đọng, được đúc kết qua hàng trăm, hàng ngàn năm vẫn đúng đắn, vẫn là những quan niệm mà thế hệ hiện nay vẫn nghiên cứu, vẫn áp dụng theo. Một trong số đó là quan niệm về học và hành của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp.
    Học là quá trình tiếp thu tri thức không ngừng nghỉ và biến những vốn tri thức ấy thành vốn hiểu biết của bản thân. Học là tiếp nhận sự truyền đạt kiến thức từ thầy cô, bạn bè, là từ sự nghiên cứu, tham khảo từ sách vở, là từ sự quan sát thực tiễn để tăng vốn hiểu biết của bản thân. Nhưng việc học như thế sẽ không tồn tại nhiều ý nghĩa nếu như không áp dụng chúng vào thực tế, vận dụng chúng vào các hoạt động thiết thực, đóng góp cho xã hội.
    Hành là việc ứng dụng những kiến thức, kĩ năng đã được cụ thể hóa trong quá trình học để đưa vào thực tiễn, giải quyết những tình huống cụ thể, biến lý thuyết thành thực tế. Có thể hiểu rõ tại sao mà hiện nay nhà nước lại cho hệ thống cấp bậc giáo dục phổ thông 12 năm và 4-5 năm đại học để đào tạo, để học sinh, sinh viên có thể tiếp thu kiến thức một cách hệ thống, chỉnh chu và toàn diện nhất. Rồi sau đó mới bắt đầu 40 – 50 năm công tác trong chuyên ngành riêng của mình. Đó là minh chứng rõ rệt nhất trong việc hành, trong việc ứng dụng lý thuyết và thực tiễn.
    Học chỉ là lý thuyết suông nếu như không có giá trị thực tiễn. Tương tự như vậy. Hành chỉ là mớ công việc hỗn tạp, đơn giản nếu không có học. Có thể nhận thấy rõ điều này qua công việc của những kĩ sư, bác sĩ trong thời đại này. Nếu như những kĩ sư không có kiến thức căn bản về toán học thì làm sao có thể đo đạc, tính toán thông số kỹ thuật? Nếu như không có những thông số kĩ thuật thì làm sao có thể xây nên những công trình kiến trúc hợp quy cách, tô điểm vẻ đẹp cho đất nước? Nếu như những bác sĩ không có kiến thức chuyên môn trong việc chăm sóc sức khỏe, cứu chữa bệnh tật thì làm sao họ có thể cứu được mạng sống con người? Chỉ có việc học, không ngừng học tập, nỗ lực học tập thì mới có thể thành thạo, nắm giữ kiến thức, biến kiến thức của nhân loại thành vốn liếng riêng của bản thân. Và chỉ có thành vốn hiểu biết của bản thân thì mới có thể áp dụng chúng vào công việc của chính mình, áp dụng chúng vào thực tiễn.
    Hành muốn thành công phải có sự dẫn dắt của lí thuyết và học muốn thành công phải có sự liên hệ với thực tiễn. Đó là căn nguyên của mối quan hệ giữa học và hành trong quan niệm của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp trình lên vua Quang Trung.

    Trả lời
  2. Ai cũng biết học tập là công việc quan trọng theo suốt cuộc đời của mỗi con người. Nhưng không phải ai cũng biết cần học như thế nào để đem lại kết quả cao. Bằng chứng là kết quả học tập của mỗi người lại ở một mức khác nhau, thậm chí cùng một môi trường học tập, cùng một người dạy dỗ song kết quả lại trái ngược nhau. Tuy nhiên, tất cả những người thành công trong học tập đều tâm đắc với phương pháp học tập hiệu quả đã được kiểm chứng từ ngàn đời nay : phương pháp học đi đôi với hành.
    Học đi đôi với hành là gì? “Học” là một quá trình mà ở đó chúng ta tiếp thu kiến thức của nhân loại dưới sự hướng dẫn của thầy cô. Học cũng có thể là một quá trình tự thân vận động. Quá trình ấy được gọi là quá trình tự học: học trong sách vở, tài liệu hay học trong cuộc sống. Nội dung học là các kiến thức nhân loại được chọn lọc (được phân loại thành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội) cùng với đó là làm phong phú những hiểu biết của con người, giúp phát triển vẹn toàn nhân cách và đặc biệt việc học trang bị cho mỗi chúng ta những kiến thức, những kĩ năng, kĩ xão nghề nghiệp để từ đó tham gia vào hoạt động sản xuất của xã hội đem đến lợi ích cho bản thân, cho gia đình và cho đất nước. Như vậy, “học” ở đây được hiểu là gắn với vấn đề lí thuyết. Người học giỏi thường được hiểu là người nắm được nhiều nội dung lí thuyết.
    Bên cạnh đó, “Hành” là thực hành, là quá trình vận dụng kiến thức vào cuộc sống, là đem những cái đã học được vào thực tế để kiểm tra độ đúng sai hay làm sinh động nó. “Hành” có nhiều cấp độ: Bắt chước người khác làm, sáng tạo những cách thức hoạt động mới,…Điều đó còn tùy thuộc vào tri thức mà bạn học được phong phú sinh động và sâu sắc đến đâu. Những người nông dân ra đồng làm ruộng chắc chắn sẽ càng khác hơn nữa khi ta so sánh với công việc của một nhà văn,…
    Trước hết, có thể khẳng định: giữa học và hành, học có tính chất quyết định. Vốn tinh hoa tri thức nhân loại ta học trong hơn chục năm là có thể coi như “ hòm hòm” về cơ bản. Nhưng cả đời người không thể thực hiện lại một phần nhỏ những gì cổ nhân từng làm. Bởi vậy, phải có đầy đủ lí thuyết trước mới đảm bảo cho thành công của công việc. Đó là lí do vì sao ta cần học giỏi, nắm được những kiến thức cần thiết.
    Tuy nhiên, không thể tuyệt đối hóa vai trò của học bỏi mục đích cuối cùng của mọi nỗ lực học tập là nhằm giúp mỗi người sống tốt trong xã hội con người. Vì vậy, học cần đi đôi với hành. Chúng là hai mặt thống nhất với nhau, bổ sung cho nhau. Bởi như đã biết, nếu chỉ biết học lý thuyết mà không hề biết đến thực hành thì những lý thuyết ta học cũng chỉ là những tri thức chết, chúng không có tác dụng đối với đời sống. Đó là trường hợp nhiều học sinh Việt Nam đi thi học sinh giỏi quốc tế các môn khoa học tự nhiên. Chúng ta làm lí thuyết rất xuất sắc thậm chí đạt điểm tuyệt đối. NHưng khi thực hành, trong khi bạn bè các nước làm rất “ ngon lành” chúng ta loay hoay hàng giờ, thậm chí phải bỏ cuộc. Đó cũng là trường hợp nhiều học sinh, sinh viên đạt kết quả học tập rất cao nhưng hoàn toàn không có kĩ năng sống thực tế.
    Họ không biết ứng xử sao cho hợp hoàn cảnh giao tiếp, không nấu được một bữa cơm, không viết được nổi một lá đơn xin việc,…học như vậy chỉ phí phạm thời gian, công sức tiền bạc bởi thực tế học như vậy để làm gì nếu không thể ứng dụng vào đời sống? Chúng ta không chỉ học lý thuyết mà còn phải biết áp dụng những lý thuyết đó phục vụ thực tế. Mặt khác, có lúc những lý thuyết chúng ta đã được học khi đưa vào thực hành lại gặp phải rất nhiều khó khăn. Do đó, chúng ta phải biết kết hợp vừa học lý thuyết, và thực hành nhuần nhuyễn những điều đã học. Có như vậy, thì những kiến thức chúng ta được học sẽ trở nên sâu hơn, giúp chúng ta nắm vững nguồn tri thức. Nếu chỉ học mà không thực hành thì tất cả cũng chỉ là lý thuyết. Mọi lý thuyết chỉ là màu xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi”. Chính vì vậy, học phải đi liền với thực hành để có thể đem hết những gì đã học cống hiến phục vụ cho đất nước.

    Trả lời

Viết một bình luận

Câu hỏi mới