Phố dài 108 mét, đi từ Hàng Khoai, qua chợ Đồng Xuân, đến ngã ba Hàng Lược – Hàng Chai – Hàng Mã là bắt đầu của phố Hàng Rươi, thuộc quận Hoàn Kiếm ngày nay.Phố này có tên phố Hàng Rươi vì trước kia nơi đây là bến sông Tô Lịch, hằng năm cứ vào mùa rươi (khoảng từ tháng 9 âm lịch) thì có nhiều người mang rươi đến đây bán. Thời Pháp thuộc, phố đã mang tên là Hàng Rươi (Rue des Vers Blancs). Từ sau 1945, tên Hàng Rươi được đặt chính thức.Phố này được xây dựng trên nền đất xưa vốn thuộc các thôn Vĩnh Trù và Yên Phú, tổng Hậu Túc (sau đổi là tổng Đồng Xuân), huyện Thọ Xương. Đình Vĩnh Trù nay ở số nhà 59 phố Hàng Lược và đình Yên Phú rất lớn ở số 17 phố Hàng Rươi, nhưng không rõ thờ ai.Phố Hàng Rươi ngày nay không còn là phố kẻ chợ nữa, sông Tô Lịch đã không còn, nơi đây cũng không còn là chợ bán rươi nữa, nhưng hằng năm, cứ vào mùa rươi, các đường phố Hà Nội lại rộn ràng tiếng rao: “Ai mua rươi ra m….u….a” với âm điệu, tiết tấu đặt biệt mà chỉ những người bán rươi mới có.RƯƠIBao giờ cho đến tháng mười,Bát cơm thì trắng, bát rươi thì đầy.Rươi thường có ở các ruộng nước lợ vùng giáp ranh ba tỉnh: Hải Dương, Hải Phòng và Thái Bình, ngăn cách bằng con sông Luộc, nhiều nhất ở các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Thanh Hà, Tứ Kỳ, Ninh Giang. Thời điểm rươi thường xuất hiện vào ngày 20 tháng 9 và mồng 5 tháng 10 tính theo âm lịch.“Tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm”, (Vũ Bằng – Món ngon Hà Nội) Nguyên rươi là một giống hải trùng, sinh sống bằng những con bọ vi ti dưới biển. Vào những dịp trăng thượng huyền tháng giêng, tháng hai, nước biển rút xuống, những con rươi đẻ trứng ở ruộng, trứng đó ở cách sâu dưới đất chừng bốn, năm mươi phân. Vào tuần trăng hạ huyền, nước biển dâng cao tràn vào các ruộng, trứng rươi nở ra con rồi nhô ở dưới đất lên và đứt ra từng đoạn như hầu hết các giống sâu bọ khác. Mỗi đoạn là một con rươi … Con rươi có đặc điểm là nếu ta chặt đầu nó đi, mà có nước biển thuận tiện cho nó sống thì nó lại sinh ra cái đầu khác, chặt đuôi nó thì nó lại sinh ra cái đuôi khác. Vào những ngày mùng 5 tháng 9, 25 tháng 10 là những ngày nước thủy triều dâng lên, những con rươi chui ra khỏi mặt đất (người ta gọi là nứt lỗ rươi) chính là để sống cuộc đời tình ái.Rươi thường chỉ hiện về đêm, không lên ban ngày. Vì thế người ta chỉ bắt rươi về ban đêm. Muốn cho dễ dàng công việc, người ta – nhất là về vùng Hải Dương, Đông Triều – thường đốt đèn, đốt đuốc lên để bắt rươi. Rươi thấy ánh đèn cho là thiên đường, lại càng lượn khỏe để cùng nhau đú đởn. Và kết quả là cả lũ cùng chết vì tình. Chở về được đến Hà Nội, con rươi tính ra ít nhất cũng đã bị tù đầy trong năm sáu tiếng đồng hồ. Nhiều con đã chết nhưng cũng có nhiều con còn sống. Nhìn vào một thúng rươi, ta thấy chúng có nhiều màu khác nhau: xanh nhờ nhờ, đỏ đùng đục, vàng mờ mờ, lại có khi xám bạc như màu bạc ô… tất cả quằn quại trong một thứ nhớt quánh như hồ. Nhớt đó, người ta gọi là vấn và chính cái vấn, đã nuôi sống con rươi trên cạn.Mỗi năm chỉ có mấy ngày rươi. Đến mùa không chợ nào là không có hàng rươi. Rồi trong mỗi nhà là mỗi kiểu nấu nướng rươi khác nhau như rươi xào, rươi kho quế, canh rươi … Ngoài đường thì ông hàng xóm này bưng dĩa chả rươi nóng hổi, bước qua góp chung mâm rượu của ông hàng xóm kia, cũng đang ngồi rung đùi trước hiên nhà với dĩa rươi xào lá gấc, củ niễng. Nói tóm lại cứ từ hạ tuần tháng chín qua thượng tuần tháng mười thì ở Hà Nội nhà nhà ăn rươi, người người ăn rươi. Cứ vậy qua chừng mươi dăm ngày thì phố hàng rươi thưa khách dần, những tiếng rao cũng giảm cường độ và khản hẳn đi: “ Chả rươi đây, ăn đi chỉ còn hôm nay nữa thôi…”. Vậy là hết mùa rươi. Những ngày ngắn ngủi có rươi cũng nằm trong mùa quít phương Bắc và vỏ quýt là gia vị quan trọng nhất khi chế biến rươi.Rươi là loại thực phẩm có mùi vị chuyên biệt đặc trưng, không thể lẫn lộn vào bất cứ loại thực phẩm nào khác. Thực phẩm dân dã này được đa số người miền Bắc ưa chuộng cho nên việc chế biến, nêm nếm chỉ riêng cho món chả thôi cũng rất phong phú theo sở thích riêng. CHẢ RƯƠINếu nói riêng cho món chả rươi thôi thì ai cũng phải nhìn nhận đó là một món ăn có phong vị đặc trưng nhất của đất Bắc.… Cách làm ra món cũng chẳng khó khăn gì lắm. Cần nhất là làm lông, phải dùng nước nóng cho già, khuấy đều, nhặt cho hết rác, rồi rửa đi rửa lại nhiều lần nước cho thật sạch. Để ráo đi một lúc bà có thể làm nhiều món cho ông xơi, mà món nào cũng rất có thể ngon. Nhưng thường thì có rươi, ta vẫn quen thưởng thức mấy món chính là chả rươi, rươi hấp, rươi xào, rươi nấu và rươi đúc với trứng….Nhưng đã dùng rươi thì muốn ăn cách nào cũng thế, cần phải cho đủ cay mới được, ớt làm nổi hẳn vị rươi lên một cách thần tiên … thêm vào đó trần bì (vỏ quít) thơm một mùi hăng hăng, lá gấc ngọt thoang thoảng, thìa là và rau mùi thơm của hoa cỏ đồng quê, tất cả nâng đỡ nhau, hoà hợp với nhau để tạo nên một hương vị thật tiết tấu, tưởng chừng như một bản đàn tuyệt diệu, chỉ thiếu một nét là hỏng cả.
1 bình luận về “thuyết minh về một món chả rươi”