Tác phẩm vừa là kết tinh của tâm hồn người sáng tác, vừa là sợi dây truyền cho mọi người sự sống mà nghệ sĩ mang trong lòng q

Tác phẩm vừa là kết tinh của tâm hồn người sáng tác, vừa là sợi dây truyền cho mọi
người sự sống mà nghệ sĩ mang trong lòng
qua khổ 1,2 bài thơ Sang Thu ( Hữu Thỉnh) hãy làm sáng tỏ ý kiến trên
LÀM GIÚP Em THÀNH 1 BÀI VĂN HOÀN CHỈNH VỚI Ạ.Em CẢM ƠN

1 bình luận về “Tác phẩm vừa là kết tinh của tâm hồn người sáng tác, vừa là sợi dây truyền cho mọi người sự sống mà nghệ sĩ mang trong lòng q”

  1.  Hữu Thỉnh là người con mảnh đất Vĩnh Phúc. Ông là một trong những gương mặt tiêu biểu thuộc lớp nhà thơ chiến sĩ trưởng thành trong thời kỳ chống Mĩ. Ông thường viết nhiều, viết hay về con người và cuộc sống ở nông thôn và mùa thu. Tác phẩm viết về mùa thu tiêu biểu của là tác phẩm “Sang thu”. Đây là một tác phẩm, để lại nhiều cảm xúc lặng đọng cho người đọc và đặc biệt, khổ thơ gây ấn tượng nhất là khổ 1 và 2.
     Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ ra đời vào năm 1977 in nhiều lần trong các tập thơ và gần nhất là tập thơ “Từ chiến hào đến thành phố” 1991.  Bài thơ đi từ cảm xúc đầy ngỡ ngàng khi bắt gặp những tín hiệu đầu tiên của mùa thu cao rộng và kết lại bằng những suy ngẫm về cuộc đời. 
    Mở đầu bài thơ, người đọc có thể nhận ra ngay cảm nhận tinh tế của Hữu Thỉnh khi tiết trời sang thu:
    “Bỗng nhận ra hương ổi
    Phả vào trong gió se”.
    Từ “bỗng” thể hiện sự đột ngột, bất chợt trong cảm nhận. Nhưng chính cái bất ngờ ấy mới thật nên thơ và đáng yêu trong một buổi chiều thu ở làng quê Bắc Bộ, nhà thơ đã chợt nhận ra “Hương ổi phả vào trong gió se”. Người ta thường đưa vào bức tranh mùa thu các hương vị ngọt ngào của cốm xanh, của hoa ngâu… nhưng Hữu Thỉnh thì không. Ông đã đưa vào trang thơ của mình một hương vị đơn sơ, mộc mạc rất quen thuộc với quê hương đó là “hương ổi” . Bằng cảm nhận thật tinh tế, bằng khứu giác, thị giác, nhà thơ đã chợt nhận ra những dấu hiệu của thiên nhiên khi mùa thu lại về. Chúng ta thật sự rung động trước cái “bỗng nhận ra” ấy của tác giả. Chắc hẳn nhà thơ phải gắn bó với thiên nhiên, với quê hương lắm, nên mới có được sự cảm nhận tinh tế và nhạy cảm như thế?
     Dấu hiệu của sự chuyển mùa còn được thể hiện qua ngọn gió se mang theo hương ổi chín. Gió se là làn gió nhẹ, thoáng chút hơi lạnh. Ngọn gió se ấy thổi vào cảnh vật, thổi vào lòng người một cảm giác mơn man, xao xuyến. Từ “phả” được dùng trong câu thơ “Phả vào trong gió se” mới độc đáo làm sao! Nó diễn tả được tốc độ của gió, vừa góp phần thể hiện sự bất chợt trong cảm nhận: hương ổi có sẵn mà chẳng ai nhận ra, thế mà Hữu Thỉnh đã bất chợt nhận ra và xao xuyến vì cái hương đồng gió nội ấy.
    Không chỉ có hương ổi trong “gió se”, tiết trời sang thu còn có hình ảnh:
    “Sương chùng chình qua ngõ”
    Từ “chùng chình” gợi nhiều liên tưởng. Tác giả nhân hóa làn sương nhằm diễn tả sự cố ý đi chậm chạp. Nó bay qua ngõ, giăng mắc vào bờ rào, hàng cây trước ngõ. Nó có cái vẻ duyên dáng, yểu điệu của một làn sương, một hình bóng thiếu nữ hay của một người con gái nào đấy. Đâu chỉ có thế, cái hay của từ láy “chùng chình” còn là gợi tâm trạng. Sương dềnh dàng hay lòng người đang tư lự?
    Khổ thơ thứ nhất khép lại bằng câu thơ:
    “Hình như thu đã về”.
    “Hình như” không có nghĩa là không chắc chắn mà nó còn thể hiện cái ngỡ ngàng, ngạc nhiên và chút bâng khuâng. Tác giả đã nhận ra sự chuyển mình nhẹ nhàng nhưng khá rõ rệt của thời tiết và thiên nhiên trong khoảnh khắc giao mùa bằng đôi mắt tinh tế và tâm hồn nhạy cảm của một thi sĩ yêu thiên nhiên, yêu mùa thu gắn bó với cuộc sống nơi làng quê, của một người lính đã từng trải qua những năm tháng chiến tranh.
    Nếu ở khổ 1, trạng thái cảm xúc của tác giả mới chỉ là “bỗng”, “hình như”, thì ở khổ thơ thứ 2 mùa thu đã được cụ thể hóa bằng những sắc thái đổi thay của tạo vật:
    “Sông được lúc dềnh dàng
    Chim bắt đầu vội vã”.
     Vì sao sông thì “dềnh dàng” còn chim lại “vội vã”? Đây là những cảm nhận rất tinh tế và có cơ sở khoa học nhưng vẫn giàu sức biểu cảm. “Sông được lúc dềnh dàng” vì sang thu sông bắt đầu cạn, chảy chậm lại, không cuồn cuộn ào ạt như mùa hè, rất thư thả và chuyển động chậm rãi. Còn những đàn chim vội vã vì trạng thái tâm lí đầy lo sợ của đàn chim khi những cơn gió se lạnh của mùa thu tràn về. Hai hoạt động dường như có vẻ đối lập nhau, nhưng với lối nhân hóa, Hữu Thỉnh đã phả hồn người vào vật, tác giả đã làm cho con sông trở nên duyên dáng, gần người hơn, thể hiện một không gian đẹp, khơi gợi hồn thơ.
     Dấu hiệu sang thu còn được miêu tả rất sinh động qua hình ảnh:
    “Có đám mây mùa hạ
    Vắt nửa mình sang thu”.
     Đây là một liên tưởng sáng tạo, thú vị. Mây mùa hạ thường xám xịt, đen kịt tạo cảm giác nặng nề. Mây mùa thu trong vắt, xanh ngắt. “Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt” (Nguyễn Khuyến). Sự thật, không hề có đám mây nào như thế. Vì sao có sự phân chia rạch ròi, mắt nhìn thấy được trên bầu trời. Đó là đám mây trong liên tưởng, tưởng tượng của tác giả. Nhưng chính cái hình ảnh mùa hạ nối với mùa thu bởi nửa đám mây lững lờ trên tầng không làm cho người đọc cảm nhận không gian và thời gian lúc chuyển mùa mới đẹp làm sao! Có thể nói đây là hai câu thơ đẹp nhất trong bài và tiêu biểu nhất của tiết trời sang thu.
     Bằng những hình ảnh trong sáng, gợi cảm, những tính từ, từ láy tinh tế, Hữu Thỉnh đã vẽ lên 1 bức tranh nên thơ về những biến chuyển của đất trời từ hạ sang thu. Bài thơ đánh thức trong lòng mỗi con người chúng ta, một phần tâm hồn tha thiết với thiên nhiên, với cuộc sống. Đó cũng chính là biểu hiện của lòng yêu nước, yêu cuộc đời. hơn thế những triết lí sâu sắc của nhà thơ còn nhắc nhở mỗi con người chúng ta về ý chí, bản lĩnh để vượt qua những phong ba bão táp cuộc đời.
    @Oliver Wood
    (7/5/2022)

    Trả lời

Viết một bình luận

Câu hỏi mới