Tả chú bộ đội môn văn lớp 5

Viết một đoạn văn ngắn tả chú bộ đội môn văn lớp 5 học sinh tham khảo các bài mẫu dưới đây.

Bài mẫu số 1: Tả chú bộ đội Hải quân

Em đã từng ngưỡng mộ rất nhiều người rồi.Nhưng người mà em ngưỡng mộ nhất là chú lính hải quân. Họ là những con người đang mang 1 trách nhiệm to lớn về giữ gìn và bảo vệ vùng biển và hải đảo của thiêng liêng của tổ quốc.

Với bộ quần áo màu trắng sọc xanh chú đội chiếc mũ màu trắng có ghi hàng chữ : hải quân Việt Nam cùng với ngôi sao 5 cánh ở giữa.Đôi mắt chú trong sáng luôn luôn ngước về phía biển không rời.Tay chú cầm chắc khẩu súng đứng nghiêm trang trước những hàng dừa tuổi thơ và cả mô hình cột mốc Trường Sa.Cho dù nắng hay mưa, gió hay bão, chú vẫn giữ vững tay súng canh gác biển trời Việt Nam.Phía trước chú  là một khoảng biển trời rộng mênh mông cùng với những đợt sóng bạc đầu nối tiếp nhau từng đợt từng đợi đánh nhẹ vào bờ.Xa xa kìa có biết bao nhiêu con thuyền đang say sưa đánh cá, để mà giữ gìn bình yên cho mọi người chú đã phải làm biết bao công việc như : tiêu diệt kẻ thù mang lại bình yên cho mọi người …

Ôi! em yêu chú lính hải quân nhiều lắm.Em tự nhủ với lòng mình là phải học thật giỏi để sau này em sẽ trở thành một người lính hải quân để canh gác vùng biển của quê hương đất nước.

Bài mẫu số 2: Tả chú bộ đội trong dịp về thăm quê

“Vai chú mang súng mũ cài ngôi sao đẹp xinh.
Đi trong hàng ngũ chú hành quân trông thật nhanh.
Chú bộ đội chúng cháu yêu chú lắm.
Súng chắc trong tay chú canh giữ cho hòa bình”

Lời bài hát vang lên gợi nhắc trong em hình ảnh chú bộ đội mà em tình cờ gặp được trong chuyến về thăm quê ngoại. Chú tên Tuấn, là người mà em mới gặp thôi nhưng lại có ấn tượng sâu sắc.

Nhân dịp nghỉ hè, bố mẹ cho em về thăm quê ngoại ở tận Hà Tĩnh. Vừa đặt chân về quê hương thân yêu em đã gặp được màu xanh áo lính của chú Tuấn. Chú là con trai bà Năm – hàng xóm nhà ngoại em. Chú tranh thủ nghỉ phép hai ngày để về thăm gia đình. Ấn tượng đầu tiên khi em nhìn thấy chú là dáng người cao lớn, vạm vỡ với cơ bắp rắn chắc hiện ra dưới tay áo ngắn của chàng thanh niên khoảng hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi. Lưng chú thẳng tắp như thân cây tùng. Chú mặc bộ quân phục màu xanh trông rất oai phong. Chiếc mũ cứng với biểu tượng lá cờ đỏ sao vàng ôm lấy nửa vầng trán cao và mái tóc đen được cắt tỉa gọn gàng. Khuôn mặt chú góc cạnh, cằm hơi gầy và nước da ngăm ngăm đen do tập luyện nhiều ngày ngoài trời. Đôi mắt chú đen và sáng, lấp lánh vẻ cương nghị của một người lính. Nụ cười lại đặc biệt ấm áp và thân thiện.

Chú khoác trên vai một cái ba lô con cóc to mà vai không hề rũ xuống, hiên ngang vững chãi. Chú mỉm cười chào cả bố mẹ em và bà con lối xóm xung quanh. Ngay từ ấn tượng đầu tiên, mọi người đều có thiện cảm với chú Tuấn. Hai ngày sau, em thường hay sang nhà chú chơi, tò mò hỏi chú đủ thứ chuyện trong quân đội. Chú không hề khó chịu vì bị hỏi nhiều mà vui vẻ kể hết những chuyện vui, những điều hay chú học được trong quân ngũ. Hành động, lời nói của chú rõ ràng, rành mạch, thể hiện rõ khí phách của người bộ đội. Chú làm vườn cũng rất giỏi, đôi bàn tay vừa to vừa khỏe của chú cầm cuốc thành thạo cào đất, tưới rau. Chú nói đó đều là những việc chú học được khi đi nhập ngũ, được huấn luyện.

Trong ánh nắng chiều, em ngồi nghe chú kể từng lời, từng câu chuyện. Chú xắn cao tay áo, đôi tay thoăn thoắt nhổ cổ, miệng vẫn không quên kể chuyện. Không những thế, hai ngày nghỉ phép ở quê, chú còn lặn lội đến các nhà xung quanh xem ai có vật dụng gì cần sửa hay không. Nếu có chú Tuấn sẵn sàng giúp đỡ, chú đã sửa được bóng đèn cho bao nhiêu gia đình trong làng. Chú hòa nhã, thân thiện và khéo léo. Người làng chẳng mấy chốc đã biết tên chú bộ đội trẻ nhà bà Năm nhiệt tình, tốt bụng, là người con ngoan, là người lính mẫu mực. Bố mẹ chú vui vẻ và tự hào không thôi về những lời khen ngợi bà con dành cho con trai mình. Những lúc ấy, chú Tuấn đều mỉm cười khiêm tốn.

Thời gian nhanh chóng trôi đi, hai ngày nghỉ ngắn ngủi kết thúc, chú Tuấn theo chỉ thị của đơn vị nên phải trở về quân đội. Trước khi đi, chú vẫn đứng thẳng lưng, giơ tay chào kiểu quân đội với mọi người rồi xách túi lớn túi nhỏ lên xe.

Cho đến mãi hôm nay, hình ảnh chú nhanh thoăn thoắt trèo lên xe vẫn in đậm trong tâm trí em. Dù mới gặp thôi nhưng chú đã cho em rất nhiều lời khuyên, sự quan tâm ý nghĩa. Chú đã ghi lại trong em những ấn tượng sâu sắc, ý nghĩa về lớp lớp bộ đội sau này, những con người biết cống hiến, hi sinh, biêt yêu thương và vị tha.

Bài mẫu số 3: Tả chú bộ đội là chú ruột của em

Trong gia đình em có một chú bộ đội đó là chú ruột của em. Chú tên là Nam, chú đang là bộ đội công tác trong quân ngũ ở Bắc Giang, năm nay chú không phải ở lại trực nữa mà được về quê ăn Tết sớm.

Hôm đó khi tan học về nhà, em đang đi trên đường thì thấy bóng dáng bộ quân phục màu xanh của các chú bộ đội. Em đạp xe thật nhanh để được nhìn rõ hơn chú bộ đội, em cất tiếng chào “Cháu chào chú bộ đội ạ!”, chú bộ đội nghe thấy tiếng chào quay lại nhìn, em chợt nhận ra đó chính là chú Nam nhà bác Hai. Chú rất bất ngờ khi nhìn thấy em và em cũng vậy, trông chú Nam khác xưa nhiều lắm.

Chú Nam ngày càng cao to và đậm người hơn, làn da chú rám sạm một nét rất rắn rỏi, khỏe khoắn. Từ đầu đến chân của chú đều là một màu xanh áo lính, đầu đội mũ cối có gắn ngôi sao vàng sáng chói, vai đeo chiếc ba lô con cóc màu xanh căng phồng vì nhiều đồ đạc. Chỉ nhìn thôi cũng thấy chiếc ba lô đó rất nặng nhưng chú Nam vẫn đeo được trên vai mà lưng vẫn thẳng tưng. Đôi giày của chú cũng là màu xanh và cao cổ, trông rất đẹp. Chú Nam về nhà ăn Tết nhưng vẫn giữ tác phong và nề nếp như trong quân đội, hàng ngày em thấy chú dậy sớm đi chạy bộ và tập thể dục ngoài ngõ. Chú về nhà phụ giúp cho hai bác rất nhiều việc, từ việc chặt cây, bổ củi đến sửa chữa mái nhà, khu chăn nuôi. Chú đi đến đâu mọi người đều rất yêu quý, gặp ai mọi người cũng đều hỏi thăm, hơn nữa còn giục chú mau mau lấy vợ nhưng chú chỉ cười trừ tít mắt.

Nhìn chú Nam em lại hy vọng sau này mình cũng có thể trở thành một chú bộ đội cụ Hồ, mang trên mình bộ quân phục màu xanh, được bảo vệ nhân dân và được mọi người yêu quý.

Bài mẫu số 4: Hãy tưởng tượng và tả chú bộ đội

Sau khi ăn cơm tối xong, em thong thả đi ra ngoài ngõ dạo chơi, hóng gió cho mát mẻ. Bỗng có anh bộ đội từ xa tiến dần về phía em.

Trong bóng hoàng hôn nhập nhoạng, em không nhìn rõ ai. Đột nhiên anh bộ đội kêu to: “Loan! Em đấy hả?”. Em giật mình quay lại: “Trời ơi! Anh Phong!” và ôm chầm lấy anh.

Anh Phong là anh Hai của em, đi bộ đội đã được một năm nay. Lúc anh nhập ngũ được một tháng thì có giấy báo trúng tuyển của Trường Đại học Bách khoa gửi về, hiện bố vẫn đang cất giữ. Bố nói “Chừng nào thằng Phong hoàn thành nhiệm vụ quân sự trở về sẽ đi học đại học”. Giờ đây, anh hiện ra trước mắt em trong bộ quân phục màu xanh cỏ úa. Hai cầu vai có đeo quân hàm và phù hiệu nền đỏ in hình hai ngôi sao, chiếc ngôi sao vàng năm cánh. Nom anh bây giờ khác xưa nhiều lắm. Anh chững chạc và rắn rỏi như một ngư dân vùng biển. Làn da trắng thuở học trò được thay bằng một màu đồng hun. Mái tóc cắt ngắn tạo cho khuôn mặt anh vốn tròn tròn nay như đậm lại, tròn trĩnh hơn, khỏe khoắn. Có lẽ những khó khăn vất vả của đời lính đã tôi luyện cho anh trưởng thành.

Đợt phép này anh nghỉ được nửa tháng ở nhà nhưng không thấy anh rỗi rãi được chút nào. Anh nói với mẹ: “Xa nhà, con mới thấy thương bố mẹ nhiều. Bố mẹ vất vả nuôi chúng con ăn học, chúng con chưa đáp đền gì cho bố mẹ. Sức khỏe bố mẹ ngày càng yếu đi, em gái con thì lại đang còn nhỏ. Con được nghỉ mấy ngày, giúp bố mẹ được chừng nào hay chừng đó”.

Thế là anh lao vào công việc. Hết dọn dẹp lại nhà cửa, anh lại ra vườn làm cỏ, vun gốc, bón cây…Công việc nào anh cũng làm nhanh gọn. Tối tối anh lại hướng dẫn cho em học bài, làm văn, làm toán, vẽ tranh… Những lúc rảnh rỗi, anh đưa em đi thăm bà con lối xóm. Anh hỏi thăm sức khỏe, công việc làm ăn của mọi người rồi xin phép đến thăm nhà khác. Mọi người đều khen anh là chững chạc trưởng thành, nhanh nhẹn, đẹp trai hơn trước.

Nửa tháng nghỉ phép của anh đã trôi qua. Hôm tiễn anh lên bến xe trở lại đơn vị, anh xoa đầu em, rồi cúi xuống nói nhỏ: “Loan ở nhà nhớ học giỏi, biết nghe lời bố mẹ, thầy cô. Lần sau về, anh sẽ mua nhiều quà cho em, nhớ viết thư cho anh nhé!”


Xem thêm

Viết một bình luận

Câu hỏi mới