Bằng nghiên cứu sâu sắc và lập luận một cách xuất sắc, cuốn sách kéo dài năm mươi nghìn năm lịch sử và cung cấp những hiểu biết mới trên gần như mọi trang sách. Cuốn sách tập hợp những phát hiện mới nhất trong các lĩnh vực từ lịch sử cổ đại đến khoa học thần kinh không chỉ giải thích tại sao phương Tây dẫn đầu thế giới mà còn dự đoán tương lai sẽ mang lại điều gì trong một trăm năm tới.
Orville Schell – Giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ – Trung ở Hội Châu Á đã chia sẽ về cuốn sách trong bài viết: “Cuộc xung đột cuối cùng” đăng trên New York Times rằng.
Đây là một “cuốn sách lớn”, rất lớn nhằm đạt được mục tiêu đầy tham vọng là hiểu thấu quá trình phát triển trong quá khứ của nhân loại và đưa ra dự báo về tương lai của cuộc đua song mã đang tiếp diễn giữa 2 trục Đông – Tây, Ian Morris bắt đầu với mốc thời gian từ khoảng 15 nghìn năm trước. Đó là một lượng lịch sử đồ sộ.
Trong cuốn sách mới này, ông bắt đầu với việc khám phá các mô hình khái quát, “hình dạng tổng thể của lịch sử”, bằng cách xem xét chọn lọc quá trình phát triển lâu dài của thế giới. Lần theo những lực tác động thường xuyên thay đổi từ thời kỳ tiền sử đến nay, ông đã cho thấy làm thế nào cả phương Đông và phương Tây, vào những thời điểm khác nhau và bằng nhiều cách khác nhau, đã chuyển hóa lên những tầm phát triển mới. Nhưng thử thách cuối cùng của ông là giải thích được ý nghĩa của tất cả những thăng trầm đó, và hơn thế nữa là đánh giá xem liệu bên nào vốn có sẵn tính ưu việt.
Ông giải thích: “Một trong những lý do khiến người ta quan tâm đến việc vì sao phương Tây thống trị là do họ muốn biết liệu điều đó sẽ còn tiếp diễn, trong bao lâu và như thế nào – tức là, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, phương Tây sẽ còn thống trị trong bao lâu là một câu hỏi mấu chốt”.
Nhưng liệu cuối cùng thì Morris có trả lời “câu hỏi mấu chốt” này không? Và ai sẽ giành chiến thắng trong phần tiếp theo của cuộc đua Đông-Tây, Mỹ hay Trung Hoa?
Nhưng điều khiến ông thực sự quan tâm không phải là liệu phương Tây có bị phương Đông đánh bại mà là liệu những khả năng sáng tạo và cải tạo tự nhiên của loài người rốt cuộc có trở thành thất bại chung của chúng ta hay không.
Dù muốn hay không, phương Đông và phương Tây giờ đây đang cùng ở trong một mớ hỗn độn, và “40 năm tới sẽ là khoảng thời gian quan trọng nhất trong lịch sử”.
Tác phẩm đạt giải A New York Times Notable Book năm 2011.
***
Tại sao phương Tây vượt trội đặt ra và lý giải các câu hỏi quan trọng:Tại sao phương Tây lại phát triển hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới, tại sao sự phát triển của phương Tây lại gia tăng quá nhanh trong 200 năm qua đến mức lần đầu tiên trong lịch sử có một số quốc gia đã thống trị toàn bộ hành tinh này (trước đó chỉ có các đế chế tầm khu vực mà thôi).
Lý do phương Tây phát triển vượt trội
Ian Morris đã bác bỏ thuyết phương Tây luôn thống trị trong lịch sử. Ông tin rằng, lịch sử có quy luật và có tính dự báo, và những hình mẫu lịch sử có thể dự báo tương lai. Chính vì thế, trong cuốn sách Tại sao phương Tây vượt trội, ông đã tiếp cận vấn đề từ nhiều chiều khác nhau, đem đến cái nhìn toàn diện, đa chiều về vấn đề phát triển của phương Tây.
Ian Morris đã đưa ra những cơ sở sinh học về câu chuyện tiến hóa và phân tán của con người hiện đại trên hành tinh này, nhằm theo dõi sự hình thành và phát triển của các vùng lõi gốc ở phương Đông và phương Tây sau thời đại Băng hà.
Theo ông, việc tìm kiếm căn nguyên phương Tây vượt trội dựa vào truyền thống sáng tạo 30.000 năm của châu Âu rõ ràng là một điều sai lầm. “Có lẽ chúng ta nên đặt câu hỏi tại sao các bức tranh hang động lại chấm dứt, bởi vì một khi làm thế, chúng ta sẽ bắt đầu thấy có vẻ như những phát hiện lạ kỳ ở châu Âu thời tiền sử có nhiều liên quan đến địa lý và khí hậu cũng như bất kỳ nền văn hóa phương Tây đặc biệt nào”.
Lần theo những câu chuyện diễn ra ở phương Đông và phương Tây một cách chi tiết, Ian Morris liên tục đặt câu hỏi về những gì giải thích sự tương đồng và khác biệt giữa chúng. Từ đó xem xét sự trỗi dậy của các nhà nước đầu tiên và những xâu xé làm tan vỡ vùng lõi phương Tây, đồng thời lý giải phương thức phát triển xã hội của những nhà nước này.
Cùng với việc dùng những nghiên cứu lịch sử, khoa học, kinh tế, khảo cổ để nghiên cứu và khẳng định về sự vượt trội của phương Tây, tác giả Ian Morris còn muốn tìm kiếm những nguyên nhân khiến phương Tây đã duy trì sự dẫn đầu toàn cầu.
Morris nhận thấy, mọi người đều đồng ý rằng phương Tây vượt trội vì cuộc cách mạng diễn ra ở đó chứ không phải ở phương Đông.
“Ở thế kỷ 19, những doanh nhân người Anh đã mở đầu cuộc cách mạng với năng lượng hơi nước và than đá. Nhà máy, đường sắt, và tàu chiến ban cho người châu ÂU và người Mỹ ở thế kỷ 19, có khả năng phóng chiếu sức mạnh trên toàn cầu; đến thế kỷ 20, máy bay, máy vi tính, và vũ khí hạt nhân lại cho phép con cháu họ củng cố sự thống lĩnh này”.
Hoặc cũng có bộ phận nhà nghiên cứu giai đoạn từ năm 1750 đến năm 1950, giải thích cho lý do tại sao phương Tây lại vượt trội chỉ là những biến thể của chủ đề lý thuyết chốt khóa dài hạn. Giải thích phổ biến nhất cho rằng người châu Âu có nền văn hóa cao hơn so với mọi dân tộc. Họ cho rằng, người phương Đông cũng có kiến thức riêng, nhưng truyền thống của nó quá rối rắm, quá bảo thủ, nên không thể cạnh tranh với tư duy phương Tây.
Cũng có quan điểm cho rằng, tự thân khí hậu ( vấn đề quan trọng của địa lý) châu Âu thuận lợi nên đã giúp cho người châu Âu có được sự cường tráng về cơ thể, khiến họ gan dạ, kiên nhẫn, có tinh thần mạo hiểm, đủ khả năng làm những công việc khó khăn, dám đi xa để khám phá những chân trời mới.
Morris đã tổng hợp những quan điểm đa chiều của nhiều trường phái, hội nhóm trong quá trình giải thích lý do vượt trội của phương Tây giúp độc giả có được quan sát tổng quan.
Trong khi đó, ông cũng dùng lượng kiến thức rộng lớn, để đặt ra quan điểm của mình. Theo Morris “chúng ta không tìm được giải đáp nếu giới hạn việc tìm kiếm vào thời tiền sử hoặc thời hiện đại. Vấn đề đặt ra đòi hỏi chúng ta phải xem xét toàn bộ lịch sử nhân loại như là một câu chuyện xuyên suốt, thiết lập hình dạng tổng thể của nó trước khi thảo luận lý do tại sao nó có hình dạng đó”.
Phương pháp tiếp cận liên ngành đạt hiệu quả cao
Trong cuốn sách Tại sao phương Tây vượt trội, Morris đã thực hiện công trình nghiên cứu đồ sộ bằng một hệ thống kiến thức tổng hợp, đa dạng bao gồm lịch sử, khoa học, khảo cổ, địa lý…
Theo ông, để trả lời được câu hỏi về sự vượt trội của phương Tây, cần một phương pháp tiếp cận rộng rãi, kết hợp sự tập trung của nhà sử học vào bối cảnh, nhận thức của nhà khảo cổ về cội nguồn quá khứ, và các phương pháp đối sánh của nhà khoa học xã hội.
Để thực hiện được điều đó, ông đã phải tìm đến các chuyên gia, để “khai quật” những vấn đề học thuật mà trước đó ông không hề có điều kiện tiếp cận. Ông chia sẻ “tôi chọn một phương cách tiếp cận theo nguyên tắc liên ngành chứ không phải đa ngành. Thay vì là tay súng canh phòng (riding shotgun) của một nhóm chuyên gia, tôi tự mình kết nối và diễn giải những phát hiện của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau”.
Mặc dù có nhiều nguy cơ sai lầm có thể xảy ra, nhưng ông đã khẳng định đây là cách tốt nhất để đạt được mục đích lý giải sâu sắc trong cuốn sách quan trọng này.
Nhờ phương pháp nghiên cứu rộng mở cùng sự tận tụy của mình, công trình của ông đã phần nào đưa ra được lý do tổng quan về sự phát triển của phương Đông và phương Tây, dẫn đến việc vượt trội của phương Tây trong thời điểm hiện tại.
Đồng thời, dưới quan điểm của một người đã có sự quan sát sâu sắc, ông cho rằng, ngày mai như thế nào, đó là điều chưa chắc chắn. Với ông, câu hỏi lớn của thời đại hôm nay, không phải là liệu phương Tây có tiếp tục dẫn đầu hay không, mà là liệu toàn thể nhân loại có phát kiến được một dạng thức sống hoàn toàn mới.
Cuốn sách của ông không chỉ giúp độc giả tiếp cận một cách tổng quan về vấn đề lịch sử, chính trị của loài người, từng có nhiều tác giả nghiên cứu như Paul Kennedy trong Hưng thịnh và suy vong của các cường quốc, Jared Diamond trong Súng, vi trùng và thép, David Landes trong Sự giàu nghèo của các dân tộc… mà hơn hết còn đặt ra một câu hỏi quan trọng về sự phát triển bền vững của nhân loại.
Cuốn sách đồ sộ Tại sao phương Tây vượt trội, là cuốn sách bất kỳ ai muốn tìm hiểu những kiến thức cơ bản, đa dạng của lịch sử phát triển xã hội phương Đông và phương Tây đều nên đọc. Cuốn sách đã nhận được rất nhiều lời khen của các nhà phê bình báo chí trên khắp thế giới. The Economist khen rằng đây là “một tác phẩm thú vị và khả tín… thể hiện những tranh luận về sự trỗi dậy của Trung Hoa và sự sụp đổ của phương Tây rốt cuộc chỉ là hoạt động thứ yếu như thế nào khi tự nhiên phản ứng dữ dội với xã hội loài người”.
Tác giả Ian Morris sinh năm 1960, là giáo sư lịch sử và khảo cổ học Đại học Stanford. Ông đã xuất bản nhiều tác phẩm mang tính học thuật đồng thời chỉ đạo một số cuộc khai quật khảo cổ ở Hy Lạp.
Source: https://tbdn.com.vn
Category: 1000 Câu Hỏi Vì Sao