Viết đoạn văn tả lá của một cây mà em yêu thích lớp 4

Viết đoạn văn tả lá của một cây mà em yêu thích gồm 4 mẫu, giúp các em học sinh lớp 4 có thêm nhiều thông tin bổ ích về các bộ phận của cây cối, để hiểu rõ hơn về loài cây mình yêu thích.

Bài mẫu số 1: Viết đoạn văn tả lá của một cây mà em yêu thích ( Tả lá phượng)

Lá cây phượng vĩ có hình dáng khá đặc biệt. Mỗi chiếc lá phượng sẽ bao gồm nhiều chiếc lá con ở bên trong. Sống lá phượng thường dài khoảng ba gang tay, nhỏ dần từ phần gần cuống đến ngọn lá. Từ phần sống chính ấy, lại mọc ra các sống lá nhỏ hơn, dài độ nửa gang tay mọc đối xứng hai bên, xòe ra như nan quạt. Trên các sống lá nhỏ ấy, lại có những chiếc lá nhỏ như giọt nước, màu xanh tươi, hơi mỏng mọc đối xứng với nhau. Tuy lá con ấy mỏng, nhưng mọc dày nên trông cả chiếc lá phượng lúc nào cũng dày và xanh lắm. Anh em lá phượng đông đúc, nên tán cây dường như xanh quanh năm. Vào mùa xuân, chúng sẽ kết nạp thêm nhiều em lá mới, có màu xanh nõn nà. Thỉnh thoảng, rải rác trong năm, vài anh lá cũ sẽ chuyển vàng và rơi lả tả xuống sân trường tựa một cơn mưa.

Bài mẫu số 2: Viết đoạn văn tả lá của một cây mà em yêu thích ( Tả lá cây xoài)

Lá cây xoài lúc còn non chỉ nhỏ như ngón tay. Lúc ấy lá có màu đỏ nâu rất đẹp, lại có hiệu ứng bóng loáng như mặt kính dưới ánh mặt trời. Khi còn non, lá xoài rất thơm, khi ăn có vị chua và chát nhẹ nhàng, nếu đem ăn cùng các món cuốn thì rất ngon. Chờ qua vài tuần, lá xoài lớn lên, sẽ to gấp năm sáu lần khi còn nhỏ. Lúc này, lá xoài chuyển sang màu xanh thẫm, độ bóng trên bề mặt cũng mất đi. Lá không dàn phẳng, mà hơi cong cong lên theo sống lá ở giữa. Nhờ vậy, khi có trời mưa hay được tưới nước, lá xoài có thể giữ lại nước trên bề mặt nhiều hơn các loại lá khác.

Bài mẫu số 3: Viết đoạn văn tả lá của một cây mà em yêu thích ( Tả lá cây vú sữa)

Lá của cây vú sữa khá đặc biệt: mỗi cái lá cong cong hình bầu bầu, có hai mặt khác màu. Mặt trên của lá láng bóng, màu xanh biếc. Mặt dưới của lá màu vàng đồng hay là một màu gì không rõ, nó là chất đỏ của đồng pha với màu nâu của lá. Lá vú sữa hơi cứng, gân lá nổi ở mặt dưới của phiến lá. Bẻ một lá vú sữa, từ gân lá cưng cứng đó, một dòng nhựa đục chảy ra. Nhựa đục đó có tính kết dính như keo. Người dân quê có lúc dùng nhựa lá vú sữa thay cho keo, hồ dán. Tuy nhiên, nếu dây phải nhựa lá vú sữa nhiều, em có thể bị bỏng rát da tay. Vì thế em thích ăn quả vú sữa hơn là nghịch chơi với lá của nó.

Bài mẫu số 4: Viết đoạn văn tả lá của một cây mà em yêu thích ( Tả lá bàng)

Trường tôi có trồng rất nhiều bàng, cây nào cây nấy cũng to cổ thụ, gốc cây to cỡ chừng một vòng ôm. Chẳng biết ai đã trồng chúng thành hàng thành lối từ bao giờ, chỉ biết khi tôi đến thì bàng đã đứng sừng sững giữa sân trường rồi. Mùa đông đến bàng lại thay lá, cái gió đông hiu hiu thổi len lỏi qua từng tầng cây cũng đủ làm mấy cái lá già đỏ oạch rụng lả tả xuống sân. Nhưng đôi lúc, len lỏi trong đống lá rụng vàng đầy gốc cũng có cả những lá bánh tẻ, lá non, chắc gió bất ngờ thổi mạnh làm chúng rụng chăng. Lá bàng to chừng bàn tay người lớn, hình dẻ quạt, lá thuôn dài đến phần đuôi lá thì khum tròn lại chứ không nhọn như nhiều loại lá khác. Lá bàng khá dày và cứng, gân lá thưa thớt, chỉ gồm một gân to ở chính giữa rồi chẻ ra mấy gân mỏng khác phân bố đầy mặt lá. Lá bàng già thì có màu đỏ hay vàng, còn lá bánh tẻ thì mang màu xanh thẫm, những lá non có màu xanh lá mạ. Lá non cũng mỏng và mềm hơn rất nhiều. Thử ngắt một chiếc lá bàng đưa lên ngửi thử, thấy một mùi hăng hắc nhè nhẹ vấn vương quanh chóp mũi. Học sinh chúng tôi thường hay ra gốc bàng chơi đùa, lấy lá bàng làm quạt, nhặt quả bàng lấy ruột ăn, rồi thì ngồi hóng mát, chơi nhảy dây. Ôi thật yêu sao những tán bàng xanh ngắt!

Viết một bình luận

Câu hỏi mới