Hãy kể về trải nghiệm bên thầy cô kính yêu (văn dài)

Hãy kể về trải nghiệm bên thầy cô kính yêu (văn dài)

2 bình luận về “Hãy kể về trải nghiệm bên thầy cô kính yêu (văn dài)”

  1. Đã bao lần em được nghe các thày cô giáo say sưa giảng bài. Nhưng không bao giờ em quên được cô Hoa dạy môn văn. Lời giảng say sưa đầy truyền cảm của cô khiến em còn nhớ mãi.
    Cô Hoa đã nhiều năm là giáo viên dạy giỏi của trường em. Cô mới ngoài 30 tuổi. Với làn da trắng trẻo, dáng người thon thả nom cô rất ưa nhìn. Mái tóc óng ả rất hợp với khuôn mặt thanh tú và đôi mắt lúc nào cũng ánh lên sự thân thiện. Học trò chúng em ai cũng quý mến và coi cô như người mẹ.
    Trống vào học vừa dứt cũng là lúc cô giáo bước vào lớp. Sau vài phút ổn định và kiểm tra bài cũ, lời giới thiệu bài mới của cô vang lên cuốn hút cả lớp “Cô và các em sống trong hoà bình hôm nay, là nhờ công ơn của biết bao anh hùng đã ngã xuống, trong đó có những người còn rất nhỏ tuổi. Xúc động trước sự hi sinh của chú bé Lượm nhà thơ Tố Hữu đã sáng tác bài thơ cùng tên ca ngợi tấm gương dũng cảm hi sinh của người anh hùng nhỏ tuổi này”. Vừa dẫn dắt cô vừa viết những nét chữ tròn trịa và mềm mại lên bảng. Cả lớp im phăng phắc chỉ còn nghe thấy tiếng ngòi bút sột soạt đưa trên giấy. Cô giáo đọc bài, giọng của cô ngân vang ấm áp, thánh thót theo nhịp bước chân của chú bé nhảy trên đường vàng. Mới chỉ nghe cô đọc bài thôi mà chúng em cảm thấy như được trở về, được trò chuyện với chú bé Lượm hồn nhiên, dũng cảm. Cứ thế tiết học lại tiếp tục. Cô đẫn dắt chúng em tìm hiểu bài qua các câu hỏi, các vấn đề thảo luận. ánh mắt cô lúc dịu dàng tha thiết, lúc xa xăm vời vợi như trở về với “ngày Huế đổ máu”, lúc lại như khuyến khích chúng em mạnh dạn trả lời câu hỏi. Thỉnh thoảng cô đưa bàn tay với những ngón tay gầy gầy nho nhỏ lên vuốt vuốt mái tóc dài, điềm tĩnh chờ chúng em trình bày câu trả lời.
    Sau khi nghe các nhóm trả lời cô kết luận và giảng thêm cho chúng em hiểu về phẩm chất cao đẹp của Lượm. Chú là một chú bé hồn nhiên, yêu đời, dũng cảm, sẵn sàng hi sinh vì đất nước thân yêu. Chưa bao giờ em thấy lời cô giảng hay đến thế, em cứ chăm chú, say mê và hiểu được nội dung bài học một các dễ dàng.
    Phần tổng kết và luyện tập đã khép lại tiết học nhưng lời cô say sưa giảng bài vẫn còn vang vọng đâu đây. Bỗng tiếng trống tùng…tùng…tùng… vang lên giờ học kết thúc nhưng cả lớp vẫn còn luyến tiếc vì lời giảng say sưa hút hồn, vì cử chỉ yêu mến và vì tình yêu thương cô dành cho học trò.
    Mỗi giờ ngữ văn của cô Hoa đều có sức hấp dẫn kì lạ và rất riêng. Cô đã tạo cho chúng em nhiều cơ hội khám phá những điều hay vẻ đẹp muôn màu của văn chương. Điều đó làm chúng em thích thú và ước ao cô luôn là cô giáo dạy ngữ văn của chúng em trong những năm học tới.

    Trả lời
  2. Cứ mỗi lần tháng 11 ùa về, đến cái ngày mà cả một năm mới có một lần để nhắc học trò nhớ về thầy cô của mình, nhắc đến ngày Nhà Giáo Việt Nam thì mọi ký ức của thời học sinh lại ùa về. Nhớ những lời căn dặn, những cái vỗ vai, hay cả những lời răn đe nghiêm khắc của thầy cô khi học trò mắc phải lỗi.
    Thầy cô là người luôn dành tất cả mọi yêu thương cho đứa học trò của mình, kể cả những đứa học trò mà luôn làm mình phát bực la lớn lên và mời đi ra khỏi lớp. Thậm chí có thể là đình chỉ học môn đó một tuần cũng có. Thầy cô là người luôn phải chịu đựng bởi bao trò tai quá mà những đứa học trò gây ra, hay thường là những vị cứu tinh của những học sinh bị bắt nạt. Có thể nói thầy cô như là những thần tượng của học trò, là người cha, người mẹ thứ hai vậy.Thầy cô là người đã dạy con nét chữ đầu tiên để rồi sau này, khi con lớn hơn một chút, con mới hiểu sự ân cần của cô, khi cầm tay con uốn từng nét chữ không chỉ đơn thuần là dạy con biết viết, mà nết người của con cũng bắt đầu từ những nét chữ A,B,C. Là người mà phải thức cả đêm để viết lại và cảm nhận bài văn thầy phê “cảm nhận còn hời hợt” bằng tất cả tình cảm, vốn sống của mình. Tất cả những gì thầy cô làm là chỉ mong học sinh của mình sẽ tốt hơn, trưởng thành hơn.
    Nhớ ngày 20/11 năm xưa chắc ai cũng trải qua cái thời mà đòi mẹ phải mua quà để đi tặng thầy cô cho bằng được nhưng nỗi khổ là không dám đi một mình, lần nào cũng phải mẹ kè kè đi ,lúc đó nhỏ có biết nói gì đâu thấy bạn đi mình cũng đi cho bằng được. Quà 20/11 lúc xưa cũng chỉ là dầu gội, bột ngọt, sữa hay cuốn sổ và cái bút, nhà có điều kiện hơn thì xấp vải cho thầy cô may đồ để đi dạy. Lớn lên chút thì đã biết đường đi mua quà cho thầy cô, nhưng đến lúc tặng thì run cầm cập, gặp thầy cô ở trường suốt không sao cả nhưng mà gặp riêng thầy cô thì không dám đến. Nhớ lúc đi tặng quà thì vừa vào phòng, thấy thầy cô là tặng cho thầy cô rồi nói một câu ngắn gọn: “Mừng Cô (Thầy) 20 tháng 11” rồi chạy cái vèo ra ngoài, để thầy cô phải chạy ra gọi học trò quay trở lại ngồi chơi, nhưng cũng chỉ ngồi được 5 phút rồi “Cô (Thầy) cho em xin phép”. Đến hôm sau vẫn còn không dám gặp thầy cô.
    Lớn lên rồi học cấp 3, ngày 20/11 được xem như là một ngày học nhẹ nhõm của học sinh thì phải – theo tôi nghĩ như thế. Vì ngày 20/11 thường thì thầy cô khuyến mãi không dò bài, học sinh cũng không phải thấp thỏm vì cái giờ dò bài như thường ngày. Đôi khi thì còn được nói chuyện phiếm và nghỉ học luôn môn đó, thường thì lớp trường đại diện lớp tặng hoa cho thầy cô rồi thôi, xong cái ngày 20/11. Nhưng cái ngày 20/11 không phải thầy cô vui vì được nhận hoa và quà của học trò thôi, thầy cô vui vì thấy rằng những đứa học trò của mình đã lớn khôn hơn, thầy cô khi thấy những thành quả của mình tốn bao công sức tâm huyết đạt được thành quả, đó là điều mà làm cho thầy cô tự hào nhất trong đời làm nhà giáo của mình.
    Không biết ngày 20/11 của bạn như thế nào nhưng của tôi là một ngày đầy cảm xúc, tuy đi làm xa không thể tới thăm thầy cô được, nhưng không khi nào thầy cô không nhớ tới tôi. Lúc tôi gọi điện thoại chưa kịp nói tên mình thì thầy cô đã nhận ra tôi trước ,tôi vui mừng và đôi khi là bật khóc, cho dù lúc đi học tôi có phá, có quậy nhất lớp thì thầy cô vẫn nhớ và cười phì nói: “Thằng học trò phá nhất lớp của cô nay làm ở đâu rồi, có khỏe không? Năm nay cho gọi điện thoại nhưng năm sau phải về nhà thăm cô đấy nhé!!!”. Trải qua biết bao lứa học trò, bao nhiêu năm nhà giáo mà thầy cô vẫn nhớ học trò của mình chứng minh một điều là thầy cô luôn dành mọi tâm huyết cho những đứa học trò nhỏ bé, dù có hay nghiêm khắc với mình đi chăng nữa thì cũng dễ hiểu là thầy cô chỉ muốn điều tốt nhất cho mình mà thôi. Chắc điều đó ai cũng cảm nhận được như tôi, vì nếu không có những điều như thế thì bạn có thể thành công hay sống tốt hơn như hiện nay để còn ngồi đọc những dòng tôi viết đây.Lúc ngồi viết những dòng này thì nhớ lại những trò tai quái của mình đã mang đến cho thầy cô… Sao có thể làm những trò ấy nhỉ, nhưng mà thôi “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” mà, nhưng dù gì thì cũng mong ngày 20/11 sắp đến, hãy bỏ một chút thời gian nếu như được hãy đến thăm thầy cô, thầy cô sẽ không quên bạn đâu, nhưng nếu không được thì hãy dành cho một cuộc điện thoại chỉ năm, mười phút thôi. Đừng chỉ gửi một cái hình lên mạng Xã hội cho thầy cô và kèm theo dòng ngắn ngủn: “Mừng 20/11, chúc Thầy (Cô) có ngày lễ vui vẻ” là thôi. Xin cảm ơn những thầy cô đã dìu dắt con từ những ngày đầu tiên học lễ, hậu học văn. Những yêu thương, trân trọng và thành kính nhất là tất cả những gì con muốn những người cô thầy đã dạy dỗ con nên người. Chúc các thầy cô luôn mạnh khỏe, hạnh phúc để mãi mãi vun đắp cho sự nghiệp trồng người.

    Trả lời

Viết một bình luận

Câu hỏi mới